Trò chuyện A.I hay những chuyện quan trọng khác

  1. Trí tuệ nhân tạo

Mình xin đăng lại bài viết của tác giả Đào Trung Thành về Trí tuệ nhân tạo, chiến lược của các quốc gia trên thế giới về trí tuệ nhân tạo và mối quan hệ của trí tuệ nhân tạo với triết học.

Nguồn bài viết gốc ở đường dẫn sau:

Bài viết:

Cách đây vài năm, nhà nghiên cứu Triết học Bùi Văn Nam Sơn tập hợp các tản văn về triết học của mình thành một tác phẩm mang tên « Trò chuyện triết học «. Triết học là một môn học khó nhưng để nói chuyện về triết học cho mọi người nghe, mọi người cùng hiểu thì càng không dễ nhưng người đọc không chuyên có thể dễ dàng tìm hiểu về triết học, các khái niệm cơ bản của triết học, các trào lưu và các triết gia kinh điển thông qua những lời văn nhẹ nhàng, cô đọng và hóm hỉnh. Triết học đã được bình dân hóa và đi vào cuộc sống.

Gần đây những khái niệm hay trào lưu công nghệ như Trí tuệ nhân tạo (artificiel intelligence), học máy (machine learning), cách mạng công nghiệp 4.0 cũng khiến nhiều người tò mò nhưng những khái niệm kỹ thuật này vốn tương đối khó ngay cả với những nhà chuyên môn và nói chuyện về nó cho mọi người hiểu thì hết sức cần thiết và không dễ dàng trong khi đó những vấn đề cấp bách của Cách mạng công nghiệp 4.0 mà nòng cốt là trí tuệ nhân tạo đang là những mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới.

image


Chạy đua và chiến lược A.I quốc gia

Một cuộc chạy đua diễn ra mạnh mẽ giữa các cường quốc. A.I có vị trí quan trọng như vũ khí hạt nhân thời Chiến tranh lạnh. Tổng thống Nga Putin cho rằng :

“Trí tuệ nhân tạo là tương lai, không chỉ đối với Nga, mà còn đối với toàn thể nhân loại… Điều này mở ra hàng loạt những cơ hội khổng lồ nhưng cũng kéo theo nhiều mối đe dọa khó lường. Ai trở thành nhà lãnh đạo trong lĩnh vực này, đồng nghĩa với việc sẽ trở thành bá chủ thế giới”. Tháng 9/ 2027, Cơ quan Dự án Nghiên cứu Cao cấp Quốc phòng Mỹ (DARPA) đã công bố sáng kiến 2,7 tỷ USD trong nghiên cứu vũ khí hóa công nghệ A.I. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ đạo vào năm ngoái (2017) rằng nước này đang tập trung mọi nguồn lực của chính quyền để phát triển thành một quốc gia lớn mạnh hơn nữa về công nghệ A.I.

Theo bài báo “The World of A.I.” (Thế giới trí tuệ nhân tạo) đăng trên New York Times ngày 18/10/2018, ngoài các cường quốc những quốc gia tiên tiến khác mà nổi bật gồm Singapore, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Israel, Pháp, Canada cũng có kế hoạch hành động, chiến lược phát triển A.I cho quốc gia mình.

Vào tháng 5/2017, Singapore trở thành một trong những đất nước đi đầu trên thế giới công bố Trí tuệ nhân tạo là chiến lược phát triển quốc gia (A.I Singapore). Chính phủ Singapore đã đề xuất khoản ngân sách 109 triệu USD trong 5 năm, hợp tác cùng các công ty và tổ chức để nghiên cứu và thúc đẩy việc sử dụng A.I tại địa phương. Singapore cũng là quốc gia đầu tiên xây dựng một thị trấn tách biệt rộng 2 hec-ta để phục vụ mục đích thử nghiệm xe taxi tự hành, hoạt động nhờ công nghệ A.I.

 Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là quốc gia đầu tiên tại Trung Đông xuất bản riêng một cuốn cẩm nang chiến lược về A.I. và là nơi duy nhất trên thế giới hiện nay có Bộ Trí tuệ nhân tạo (Ministry of Artificial Intelligence). Chính sách phát triển công nghệ A.I là bước đệm cho các dự án táo bạo gây tiếng vang, bao gồm phòng thí nghiệm công nghệ biến đổi khí hậu (hỗ trợ bởi A.I). Năm 2018, trại hè A.I. đã được tổ chức để giáo dục và khuyến khích 600 sinh viên tự phát triển năng lực.

Chính phủ Israel cũng công bố chương trình 5 năm có ngân sách 280 triệu USD, để số hóa dữ liệu bệnh nhân. Đồng thời, A.I đang được sử dụng để thu thập dữ liệu học thuật, với hy vọng biến kiến thức chuyên môn trong nước thành các sản phẩm kinh doanh. Hè năm 2018, Ấn Độ công bố chiến lược A.I. của họ, nhưng nó bao hàm một ý tưởng đột phá. Đó là biến Ấn Độ trở thành “công xưởng” phát triển A.I. Một mặt vừa tạo ra tăng trưởng kinh tế, xã hội cho quốc gia này. Mặt khác giúp tạo ra bước tiến lớn cho toàn bộ nền công nghệ A.I trên thế giới. Chiến lược mang tên là #AIforAll sẽ tập trung vào các dự án về chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, giáo dục, cơ sở hạ tầng và giao thông cho thành phố thông minh.

Đầu năm 2018, chính phủ Pháp đã phát hành một tài liệu dài 150 trang đề cập tới việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực y tế, môi trường, giao thông và an ninh với nguồn vốn đầu tư 2 tỷ USD. 

Canada là nơi 2 trong số 4 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo: Yoshua Bengio và Geoffrey Hinton từng sinh sống và làm việc. Nỗ lực không ngừng của họ đã giúp truyền cảm hứng cho các kỹ sư và nhà khoa học nước này nghiên và phát triển A.I. Cả Uber, Facebook và Google đã đặt phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo ở quốc gia này.

Học máy một nhánh quan trọng của trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính. Là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Cụ thể, trí tuệ nhân tạo giúp máy tính có được những trí tuệ của con người như: biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi….

Trí tuệ nhân tạo khác với việc lập trình logic trong các ngôn ngữ lập trình là ở việc ứng dụng các hệ thống học máy để mô phỏng trí tuệ của con người trong các xử lý mà con người làm tốt hơn máy tính. Anh Lê Công Thành, một chuyên gia A.I ở Việt Nam, chủ tịch công ty InfoRe có lấy một ví dụ khá hay về học máy.

Bạn muốn làm một bánh cupcake. Khi tìm kiếm trên mạng, sẽ có một hướng dẫn đại loại như “nhúng máy đo nhiệt độ vào, ngập 1.5cm ở đầu máy đo, thấy đạt đúng 38 độ C thì lấy trứng ra, dùng máy đánh trứng Phillip C130 ở chế độ đánh bông, nhúng vào tâm của cái bát và cho máy chạy trong vòng 5 phút ở công suất 75W…”. Đó là một thuật toán (algorithm), đảm bảo cho bạn sản xuất được bánh cupcake nếu bạn làm theo đúng các chỉ dẫn, từng bước, từng bước một. Thuật toán là một chuỗi các hướng dẫn cụ thể và lần lượt, đảm bảo nếu làm đúng theo sẽ nhận được kết quả không thay đổi. Học máy nôm na là ứng dụng thuật toán ở ngưỡng cao cấp hơn các thuật toán thông thường, đầu ra của một quá trình học máy chính là… một thuật toán. Chỉ cần đưa ra thật nhiều thí

dụ mẫu gồm đầu vào và đầu ra của thông tin, một chương trình học máy sau một hồi hì hục “học”, sẽ làm thế nào đó (theo các thuật toán gốc của nó) để tạo ra một thuật toán giúp chuyển hóa đầu vào thành đầu ra gần như đúng với các thí dụ đã cho.

Với cách học hì hục như thế này có vẻ không tối ưu so với con người. Nhưng với dữ liệu khổng lồ (Big data) và công suất tính toán cao (High processing) thì máy tính đã đạt được những thành tựu nổi bật trong những năm gần đây trong các lĩnh vực chẩn đoán y khoa, xử lý hình ảnh, nhận dạng khuôn mặt, giọng nói, phân tích tình cảm, cảm xúc, dùng trong vũ khí chính xác, thông minh…

Một cột mốc quan trọng của ngành A.I là việc AlphaGo của Google đã đánh bại kỳ thủ cờ vây Hàn Quốc Lee Sedol và kỳ thủ cờ vây số một thế giới người Trung Quốc Ke Jie. Tuy nhiên, học máy khiến người ta kinh ngạc hơn nữa với AlphaGo Zero, phiên bản chương trình chơi cờ vây mới nhất của Google. Không như AlphaGo được nhập vào dữ liệu và ‘học’ từ hàng ngàn ván cờ chơi với con người, AlphaGo Zero không hề được dạy gì về cờ vây. Tất cả những gì AlphaGo Zero có là luật chơi và một bàn cờ trắng. Từ đó, AlphaGo Zero tự chơi với chính mình. Và chỉ trong vòng 3 ngày, AlphaGo Zero đã thắng AlphaGo 100 ván trắng.

A.I và khả năng thao túng con người

Sử triết gia nổi tiếng hiện nay, Yuval Harari trong bài “huyền thoại về tự do” (the myth of freedom) của Yuval Noah Harari đăng trên The Guardian cho rằng chính phủ và các tập đoàn công nghệ sẽ sớm biết bạn nhiều hơn bạn biết chính mình. Niềm tin vào ý tưởng “ý chí tự do” (free will) trở nên nguy hiểm.


image-1

Lợi thế lớn của Chủ nghĩa tự do (Liberalism), hệ tư tưởng chủ đạo của Mỹ và các nước phương Tây so với các hệ tư tưởng khác là linh hoạt và không giáo điều. Nó có thể duy trì phê bình tốt hơn bất kỳ trật tự xã hội nào khác. Chủ nghĩa tự do từng bị thách thức vào những năm 1918 (thế chiến thứ 1), 1938 (Quốc xã), 1968 (sự kiện tháng 5 Paris) nhưng đều vượt qua.

Yuval Harari nhận xét rằng “Ý chí tự do” không phải là một thực tế khoa học. Đó là một huyền thoại được thừa hưởng từ thần học Kitô giáo. Các nhà thần học đã phát triển ý tưởng “ý chí tự do” để giải thích tại sao Đức Chúa Trời có quyền trừng phạt tội nhân vì những lựa chọn xấu và thưởng cho các vị thánh vì những lựa chọn tốt của họ. Ý chí tự do của con người là sự thể hiện các mong ước và quy định của chúa trời, hay nói cách khác không có ý chí tự do theo nghĩa thần học Kitô giáo. Chủ nghĩa tự do mang đến cho con người quyền tự quyết và cho rằng con người có ý chí tự do và tự quyết định số phận của mình. Đây là quan điểm mới thay thế cho quan điểm cũ vì “Chúa trời đã chết” (Nietzsche).

Harari viết:

“Con người chắc chắn có ý chí nhưng nó không phải là tự do. Bạn không thể quyết định mong muốn của bạn. Bạn không quyết định hướng nội hay hướng ngoại, là người lạc quan hoặc lo lắng, đồng tính hay quan điểm luyến ái dị tính thông thường. Con người lựa chọn nhưng không bao giờ là sự lựa chọn độc lập. Mọi sự lựa chọn đều phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện sinh học, xã hội và cá nhân mà bạn không thể tự xác định được. Chúng ta có thể chọn ăn gì, kết hôn với ai và bỏ phiếu cho ai, nhưng những lựa chọn này được xác định một phần bởi gen, cơ chế hóa sinh, giới tính, nền tảng gia đình, văn hóa quốc gia, v.v.

Nhưng bây giờ niềm tin vào “ý chí tự do” đột nhiên trở nên nguy hiểm. Nếu các chính phủ và các công ty thành công trong việc hack (xâm nhập nhằm khống chế và thao túng) con người, những người dễ dàng bị thao túng nhất sẽ là những người tin vào ý chí tự do. Để thành công trong việc hack con người, bạn cần hai thứ: một tri thức tốt về sinh học và rất nhiều năng lực tính toán.

Các nhà nước độc tài trước đây thiếu tri thức và năng lực này. Nhưng chẳng mấy chốc, các tập đoàn và chính phủ có thể có cả hai. Và một khi họ có thể hack bạn, họ không chỉ có thể dự đoán lựa chọn của bạn, mà còn có thể tái cấu trúc cảm xúc của bạn. Để làm như vậy, các tập đoàn và chính phủ sẽ không cần phải biết bạn một cách hoàn hảo. Đó là điều không thể. Họ chỉ cần biết bạn tốt hơn một chút so với bản thân bạn. Và điều đó không phải là không thể, bởi vì hầu hết mọi người không biết bản thân mình.”

Công nghệ thay đổi mọi thứ. A.I là công nghệ mũi nhọn mang tính quyết định ở tầm chiến lược và đặt ra nhiều thách thức với các quốc gia. Quan điểm của Yuval Harari về triết học khá độc đáo:

“Các vấn đề cổ xưa của triết học đang trở thành vấn đề thực tế của kỹ thuật và chính trị. Và trong khi các nhà triết học là những người rất kiên nhẫn. Họ có thể tranh cãi về trong 3.000 năm, các kỹ sư ít kiên nhẫn hơn nhiều, các chính trị gia là ít kiên nhẫn nhất.”

Hành động của chúng ta

Làm thế nào để đảm bảo quyền con người trong một thời đại khi các chính phủ và các tập đoàn có thể hack con người? Sống làm sao khi nhận ra rằng bạn là một động vật có thể tấn công, rằng trái tim của bạn có thể bị thao túng bởi chính phủ, rằng amygdala (hạch hạnh nhân nơi điều khiển các cảm xúc) của bạn có thể làm việc cho một nhà độc tài, và ý nghĩ tiếp theo xuất hiện trong tâm trí bạn cũng có thể là kết quả của một số thuật toán biết bạn tốt hơn bạn biết mình? Đây là những câu hỏi thú vị nhất mà con người hiện đang phải đối mặt. Chúng ta phải làm gì? Yuval trả lời khi được hỏi câu hỏi này rằng cần làm rõ (clarify) vấn đề và để ngỏ cho những tranh luận tầm toàn cầu và đưa A.I vào chương trình nghị sự, thảo luận ở các diễn đàn quốc tế, trong chiến lược quốc gia./.

Từ khóa: 

ai

,

trí tuệ nhân tạo

,

triết học

,

yuval harari

,

trí tuệ nhân tạo