Vài lời về quan điểm nghệ thuật của Lưu Quang Vũ thông qua vở kịch "Nguồn sáng trong đời"

  1. Nghệ thuật

https://cdn.noron.vn/2022/02/06/10557109928048265829566285371783102842542495n-1644086061.jpg

Có lẽ, chẳng cần phải nói nhiều về Lưu Quang Vũ, vì tên tuổi của ông không còn xa lạ với bất cứ người Việt Nam yêu kịch nào, vì di sản kịch, thơ, văn chương đồ sộ mà ông để lại, nhưng nếu để nói một lời về Lưu Quang Vũ, thì ấy là ông thực là một nhà tư tưởng. Xem kịch của Lưu Quang Vũ người ta sẽ không bao giờ cảm thấy nhàm chán hay cũ kỹ, bởi ông nói những câu chuyện vượt ngoài tính thời gian, và không gian trong kịch Lưu Quang Vũ bao giờ cũng rất phóng khoáng, tự do, và thấm đẫm tính người. Ở khía cạnh nghệ thuật, Lưu Quang Vũ là một hiện thân cho nghệ thuật vị nhân sinh đúng nghĩa, dù có xem biết bao vở kịch của Lưu Quang Vũ đi nữa, cũng thật khó có thể tưởng tượng được bằng cách nào mà những tư tưởng như thế lại có thể chỉ phát xuất từ một con người nhỏ bé.

Trước kia, tôi rất phản đối quan niệm nghệ thuật vị nhân sinh, bởi tôi cho rằng nghệ thuật chính là hiện thân sống động nhất của sự tự do, chỉ có ở nghệ thuật con người ta mới có thể bộc lộ vô biên những góc khuất của chính mình, nghệ thuật không chỉ có một chiều kích mà nó là vô vàn không gian, phi tuyến tính và bất tuân mọi giới hạn. Do vậy, nghệ thuật chỉ có thể vị nghệ thuật chứ không thể đặt trong bất cứ một khuôn khổ nào, nên nghệ thuật vị nhân sinh là thứ lảm nhảm ngớ ngẩn. Nhưng đến gần đây, khi ngẫm và nghĩ về nghệ thuật, tôi bèn phát hiện ra nghệ thuật chỉ được gọi là nghệ thuật vì chính con người đã gọi nó như vậy. Tầm nghĩa của vị nhân sinh hóa ra không nằm gói gọn trong sự hiểu biết ngu muội của cá nhân mình, mà nó rộng lớn hơn thế gấp nhiều lần. Đương nhiên, nghệ thuật trước hết cũng vẫn phải vị nghệ thuật, nếu một tác phẩm không thể tự nói lên ngôn ngữ của chính nó thì đó là một tác phẩm thất bại, lại càng chớ có nói đến bất cứ sự ca tụng nào. Nhưng còn con người thì sao? Con người chính là sáng tạo, có con người mới có nghệ thuật, nghệ thuật sinh ra từ những góc sâu tối tăm nhất bên trong mỗi con người và sức sống của nó nằm ở việc ngôn ngữ của nó đồng điệu với nhiều tâm hồn khác. Hóa ra, nghệ thuật chính là tiếng nói và hơi thở của nhân sinh để trở thành tiếng nói và hơi thở của cộng đồng. Lưu Quang Vũ đã nói điều đó rất rõ trong "Nguồn sáng trong đời" của ông, khi Toàn nói thẳng với Lê Chí rằng những tác phẩm điêu khắc của anh không đẹp đến mức hoàn hảo và thật báng bổ khi người ta ca tụng chúng là những "tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo" bởi vì những tác phẩm của Lê Chí chưa hoàn thiện, bởi vì "Nghệ thuật là sự hoàn thiện", "Không thể gọi một bài thơ dở là một bài thơ hoàn thiện", điều đó vừa báng bổ nghệ thuật vừa khiến người sáng tạo mất đi sự tự trọng của một người sáng tạo. Qua đó, Lưu Quang Vũ đã nêu rõ quan điểm nghệ thuật đầy táo bạo và quyết liệt của mình, rằng một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo trước hết phải có khả năng tự "nói" lên ngôn ngữ của riêng nó, tức nó "hoàn thiện", bất cứ một sự xưng tụng nào không đúng với bản chất của tác phẩm hay nói thay cho tác phẩm đều không được coi là nghệ thuật và người ta không thể bắt mình chấp nhận một thứ nghệ thuật thấp hơn sự hoàn thiện. Điều đó dẫn ta đến một ý niệm nữa về nghệ thuật và người sáng tạo, ấy là tinh thần thẳng thắn và tính chính trực, mà họa sỹ Lê Chí chính là hiện thân cho điều ấy.

Lê Chí là một họa sỹ, nhà điêu khắc mù, để sống một cuộc đời của người "tàn nhưng không phế", anh đã lao động miệt mài và gặt hái được những thành công nhất định - các tác phẩm điêu khắc của anh được triển lãm, báo chí xưng tụng anh là một họa sỹ nghị lực với những tác phẩm của anh là "những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo". Nhưng vốn xuất thân là một sinh viên mỹ thuật, lại là một người họa sỹ có lòng tự trọng, anh chưa bao giờ thỏa mãn với điều người ta nói về anh, luôn khao khát được nhìn thấy ánh sáng, và khao khát được nghe người khác nói thật về những tác phẩm của mình. Anh trân trọng lời nói thẳng của Toàn hơn những lời xưng tụng của người đời, vì hẳn là bằng cảm quan của một họa sỹ được đào tạo bài bản, anh cũng phần nào biết được những tác phẩm của mình không hoàn thiện đến mức như chúng được tụng xưng. Không thoái lui, không dùng sự tàn phế của mình làm cái cớ, Lê Chí là một người sáng tạo chân chính khi anh chối từ việc để người khác nói thay nghệ thuật của chính anh và từ chối thỏa mãn với những thứ ảo tưởng mình có.

Tóm lại, ở Toàn và Lê Chí, và "Nguồn sáng trong đời", ta thấy được quan điểm nghệ thuật và chất nghệ thuật của Lưu Quang Vũ được thể hiện thật sinh động và rõ nét, dù ông chưa từng phải dùng bất cứ diễn ngôn trực tiếp nào. Bởi tất cả những tác phẩm của Lưu Quang Vũ đã là biểu hiện rõ nét nhất của những phẩm chất mà ông đề cao trong nghệ thuật - nghệ thuật phải hoàn thiện trước khi nói được tiếng nói của nhân sinh và người sáng tạo phải mang đầy đủ tính chính trực trước khi nghĩ đến việc tụng xưng những tác phẩm của mình.

Từ khóa: 

kịch nói

,

sân khấu

,

lưu quang vũ

,

quan điểm nghệ thuật

,

nghệ thuật

Lưu Quang Vũ là tượng đài to lớn cho nền văn học Việt. Vẫn rất đam mê các tác phẩm của ông

Trả lời

Lưu Quang Vũ là tượng đài to lớn cho nền văn học Việt. Vẫn rất đam mê các tác phẩm của ông