Vấn đề của theo dõi chi tiêu

  1. Đầu tư & Tài chính

1 điều mà mình luôn đề cập với học viên trong bất kỳ lớp học, workshop nào về tài chính cá nhân đó là hãy bắt đầu theo dõi chi tiêu. Có những bạn đã làm, đã có kết quả kiểu như giảm được 40%-50% khoản chi nào đó hay mỗi lần mua sắm bạn bắt đầu để ý hơn và cân nhắc có nên mua hay không, nhưng sau đó dù vẫn ghi nhưng nó không mang lại thêm kết quả nào nữa cho bạn. Lúc đó, có thể bạn thấy việc ghi chép thật nhàm chán và bỏ, và sau đó chi phí bỗng 1 lúc nào đó lại tăng lên. Có những bạn thì làm và không có kết quả gì hết và có thể, bạn chẳng thấy phiền với chuyện không có kết quả ấy, mọi thứ vẫn như cũ mà.

Mình cũng từng nghe hoặc gặp những người "có thâm niên" ghi chép chi tiêu, ngắn thì 1 năm, dài hơn thì 5-7 năm, thậm chí là vài chục năm với cuốn sổ ghi chép chi tiêu dày cộm. Có những người liên tục duy trì việc ghi chép và có được kết quả từ việc ghi chép này, còn đa số thì như ở trên, không có kết quả gì cả. Vì sao thế? Vì với những ai ghi chép nhưng không có kết quả, họ đã không làm gì với những gì họ ghi lại. Ghi chỉ để ghi thì khó mà có được kết quả nào đấy.

60675308_10157373957764511_6216211862350987264_n

Ghi chép chi tiêu theo kiểu ghi cho có thì lúc nào đó mình có thể gặp hại hơn là lợi.

- Nó gây lãng phí thời gian

- Nó làm mình tưởng là mình đã biết quản lý chi tiêu, nhưng thực ra không phải

- Nó làm mình mệt đầu óc vì không nhớ là đã chi bao nhiêu cho cái gì

- Nó làm mình căng thẳng vì cứ phải ghi mà không hiểu ghi để làm gì.

"Để làm gì" thực sự quan trọng, và nếu không ngay từ đầu giải quyết cái "để làm gì" thì ngoài hệ quả là ta chán và không ghi nữa, thì bạn cũng khó mà tìm ra cách ghi, thời điểm ghi phù hợp cho mình.

Một trong những điểm quan trọng mà ghi chép chi tiêu giúp chúng ta, đó là giúp ta nhìn được "cách chúng ta đang sống". Ghi chép chi tiêu như kiểu một nhật ký có tính định lượng để để ta nhìn nhận lại mình đang sống ra sao, đang ưu tiên cho những cái gì, và một cách cụ thể chúng ta đang chi cho những cái đó bao nhiêu. Ghi chép xong rồi cần có tổng hợp, phân loại, cần có xem lại để biết cách sống vậy đã phù hợp với khả năng chi trả của mình chưa, nó đã cân bằng, hài hòa chưa, có chỗ nào cần được điều chỉnh, ... Bên cạnh đó, ghi chép chi tiêu chỉ cho biết chuyện đã qua chứ không hướng về tương lai, điều mà tài chính hướng tới. Chính vì thế, ghi chép cần đi đôi với kế hoạch chi tiêu (spending plan) và hoạch định ngân sách (budgeting) là điều bắt buộc phải làm để có thể khai thác hiệu quả những gì đã ghi chép.

Vậy đó, nếu mà bạn đang sử dụng các ứng dụng, hay excel, hay chỉ đơn giản giấy bút để ghi chép chi tiêu, cần hiểu là bạn mới làm 1 khâu ghi nhận lại quá khứ, lối sống, và như vậy là chưa đủ. Bạn cần nghiêm túc nhìn lại những gì đã ghi và lập kế hoạch dựa trên đó, như thế, những ghi chép của bạn sẽ không vô ích, nó có tính định hướng, có mục tiêu hơn và hạn chế được chuyện chán nản. Kết quả cũng nhờ thế mà liên tục được duy trì.

Từ khóa: 

tài chính cá nhân

,

quản lý tài chính cá nhân

,

ghi chép chi tiêu

,

kế hoạch chi tiêu

,

hoạch định ngân sách

,

đầu tư & tài chính