Việt Nam đã từng được to như thế?

  1. Lịch sử

Cương vực rộng lớn của Đại Nam và việc đô hộ Lào, Campuchia

Nước Nam ta về đời vua Thánh-tổ thì to rộng hơn cả, là vì quân Xiêm-la (Thái Lan) cứ hay sang quấy-nhiễu cho nên các xứ ở Lào đều xin về nội thuộc nước ta.

https://cdn.noron.vn/2023/09/13/158961066146323553912982453578057424162010o-1694594717.jpg
Năm đinh-hợi (1827), người Nam-chưởng (Luan-Pra-bang) thông với Xiêm-la, rồi cứ đem quân xuống quấy-nhiễu đất Trấn-ninh. Tù-trưởng là Chiêu Nội 昭 内 xin đem đất Trấn-ninh về nội thuộc Việt-nam. Vua Thánh-tổ phong cho Chiêu Nội làm Trấn-ninh phòng-ngự-sứ 防 禦 使 cai-quản cả 7 huyện, lại phong cho những thổ-mục làm thổ tri-huyện và thổ huyện-thừa. Chiêu Nội dâng sổ dân đinh và điền thổ, cả thảy được 3.000 suất đinh và 28 sở ruộng.

Lại có đất Tam-động và Lạc-phàn ( trước thuộc về Vạn-tượng) cũng xin nội thuộc. Triều-đình chia những đất ấy ra làm hai phủ là Trấn-tĩnh-phủ 鎮 靖 府 và Lạc-biên-phủ 樂 邊 府. Năm ấy lại có xứ Xa-hổ (?), Sầm-tộ (Sam-teu), Mường-soạn (?), Mang-lan (Mường-lam), Trình-cố (Xiêng-khô), Sầm-nứa (Sam-neua), Mương-duy (?) và ở Ngọc-ma có Cám-cát (Kham-keut), Cam-môn và Cam-linh (?) đều xin về nội thuộc. Vua Thánh-tổ chia những đất ấy ra làm ba phủ là Trấn-biên 鎮 邊, Trấn-định 鎮 定 và Trấn-man 鎮 曼.

Phủ Trấn-biên có bốn huyện là Xa-hổ, Sầm-tộ, Mang-soạn, Mang-lan; phủ Trấn-định[5] có 3 huyện là Cam-cát, Cam-môn, và Cam-linh. Hai phủ ấy đều thuộc về Nghệ-an. Còn phủ Trấn-nam có 3 huyện là Trình-cố, Sầm-nứa, Man-duy thì thuộc về Thanh-hóa.

Ở miền Cam-lộ thuộc Quảng-trị lại có những mường Mang-vang (?), Ná-bí (?), Thượng-kế (?), Tả-bang (?), Xương-thịnh (?), Tầm-bồn (?), Ba-lan (?), Mang-bổng (?), Lang-thời (?), xin về nội thuộc, chia ra làm 9 châu, cho chiếu lệ triều-cống.

Đại-khái là đất Sầm-nứa, đất Trấn-ninh, đất Cam-môn và đất Savannakhet bây giờ, thủa ấy thuộc về Việt-nam ta cả.

Ở nước Chân-lạp (Campuchia) thì từ khi quan quân phá được giặc Xiêm rồi, tướng quân là Trương minh Giảng 張 明 講 và tham-tán là Lê đại Cương 黎 大 綱 lập đồn An-nam ở gần Nam-vang để bảo-hộ Chân-lạp.

Cuối năm giáp-ngọ (1834), vua nước Chân-lạp là Nặc ông Chân mất, không có con trai, quyền cai trị trong nước về cả mấy người phiên liêu là bọn Trà Long 茶 龍 và La Kiên 羅 堅. Những người này đều là người Chân-lạp mà lại nhận quan chức Việt-nam. Đến năm ất-vị (1835), Trương minh Giảng xin lập người con gái của Nặc ông Chân tên là Angmey lên làm quận-chúa, gọi là Ngọc Vân công-chúa 玉 雲 公 主, rồi đổi nước Chân-lạp ra làm Trấn-tây-thành 鎮 西 城, chia ra làm 32 phủ và 2 huyện. Đặt một tướng-quân 將 軍, một tham-tán đại-thần 參 贊 大 臣, một đề-đốc 提 督, một hiệp-tán 協 贊, và 4 chánh phó lĩnh-binh 領 兵, để coi mọi việc quân dân. Ở các chỗ yếu-hại, lại đặt chức tuyên-phủ 宣 撫, an phủ 安 撫 để phòng-ngự.

Năm canh-tí (1840), nhà vua sai Lê văn Đức 黎 文 德 làm khâm-sai đại-thần, Doãn Uẩn 尹 蘊 làm phó và cùng với Trương minh Giảng để kinh-lý mọi việc ở Trấn-tây-thành, khám-xét việc buôn-bán, đo ruộng đất, định thuế đinh, thuế thuyền-bè buôn-bán dưới sông.

Nhưng vì quan-lại Việt-nam ta sang làm nhiều điều trái lẽ, nhũng-nhiễu dân-sự, lại bắt Ngọc Vân quận-chúa đem về để ở Gia-định, bắt bọn Trà Long và Lê Kiên đày ra Bắc-kỳ, dân Chân-lạp ai cũng oán giận, chỗ nào cũng có giặc-giã nổi lên đánh phá. Lại có em Nặc ông Chân là Nặc ông Đôn khởi nghĩa, có người Tiêm-la giúp-đỡ, thành ra quan quân đánh mãi không được. Về sau đến khi vua Thánh-tổ mất rồi, quan quân phải bỏ thành Trấn-tây mà rút về An-giang.

Ấy cũng là vì người mình không biết bênh-vực kẻ hèn-yếu, chỉ đem lòng tham-tàn mà ức-hiếp người ta, cho nên thành ra hao-tổn binh-lương, nhọc-mệt tướng-sĩ, mà lại phải sự bại-hoại, thật là thiệt hại cho nước mình.

Theo Việt Nam Sử Lược - Trần Trọng Kim
Từ khóa: 

lịch sử