Bạn có biết - Các quốc gia khác nhau có cách phân loại châu lục khác nhau

  1. Khoa học

Học địa lý ở Việt Nam bạn biết có 6 châu lục là Châu Á (Asia), Châu Âu (Europe), Châu Phi (Africa), Châu Mỹ (America), Châu Đại Dương/Châu Úc (Oceania/Australia) và Châu Nam Cực (Antarctica).

Thật ra giáo dục Việt Nam chịu ảnh hưởng từ Pháp nên theo trường phái 6 Châu lục. Tuy nhiên nhiều nước khác lại sử dụng mô hình 7 Châu lục! Hãy cùng tìm hiểu chi tiết nhé

Mô hình 7 Châu lục:

  • Châu Á, Châu Âu, Châu Phi, Châu Bắc Mỹ, Châu Nam Mỹ, Châu Đại Dương/Châu Úc và Châu Nam Cực
  • Đây mới chính là mô hình phổ biến nhất, được dùng tại Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, một phần Tây Âu, và các quốc gia chịu ảnh hưởng của Anh như Hoa Kỳ, Úc v.v...


Mô hình 6 Châu lục với Châu Mỹ kết hợp:

  • Châu Á, Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Đại Dương/Châu Úc và Châu Nam Cực
  • Đây là mô hình phổ biến thứ hai, được dùng tại Ý, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, các quốc gia chịu ảnh hưởng của Pháp như Việt Nam, các quốc gia chịu ảnh hưởng của Tây Ban Nha, các quốc gia thuộc Mỹ Latin v.v..
  • Đây cũng chính là mô hình chính thức được Liên Hiệp Quốc và Ủy ban Olympic Quốc tế sử dụng. 5 vòng tròn Olympic tượng trưng cho các châu lục, trừ Châu Nam Cực ra
  • Đây cũng là mô hình mà mình thấy chuẩn nhất!


Mô hình 6 Châu lục với Châu Á-Âu kết hợp:

  • Châu Á-Âu, Châu Phi, Châu Bắc Mỹ, Châu Nam Mỹ, Châu Đại Dương/Châu Úc và Châu Nam Cực
  • Mô hình này được sử dụng ở Nhật Bản, các quốc gia Đông Âu, và các quốc gia chịu ảnh hưởng của Liên Xô cũ như Nga v.v...

Mô hình 5 Châu lục:

  • Châu Á-Âu, Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Đại Dương/Châu Úc và Châu Nam Cực
  • Mô hình này chỉ được sử dụng trong nghiên cứu khoa học


Khác nhau giữa Châu Úc và Châu Đại Dương:

  • Châu Úc và Châu Đại Dương đôi khi được sử dụng qua lại như thuật ngữ cùng nghĩa. Thực tế trong giới khoa học có sự phân biệt rõ giữa 2 thuật ngữ này
  • Châu Úc chỉ bao gồm Úc, đảo Tasmania thuộc Úc và Papua New Guinea, đôi khi 2 tỉnh thuộc Indonesia cũng được tính vào Châu Úc
  • Châu Đại Dương bao gồm Châu Úc kể trên và có thêm New Zealand, các đảo thuộc Thái Bình Dương như Fiji, Tuvalu, Samoa v.v...
  • Châu Úc thường được dùng trong mô hình 7 Châu lục còn Châu Đại Dương thường được dùng trong mô hình 6 Châu lục. Trong mô hình 7 châu lục thì Châu Đại Dương là một khu vực địa lý chứ không phải là châu lục.
  • Việt Nam sử dụng thuật ngữ Châu Đại Dương, ngoài ra Liên Hiệp Quốc và Olympic cũng sử dụng Châu Đại Dương thay cho Châu Úc

Các thống kê và thông tin dưới đây sẽ dựa vào mô hình 6 châu lục với Châu Mỹ kết hợp vì mình thấy mô hình này là chuẩn nhất.

Thống kê về diện tích:

  • Châu Á lớn nhất với 44.579.000 km2
  • Châu Mỹ lớn nhì với 42.549.000 km2 (Bắc Mỹ: 24.709.000 km2, Nam Mỹ: 17.840.000 km2)
  • Châu Phi với 30.370.000 km2
  • Châu Nam Cực với 14.000.000 km2
  • Châu Âu nhỏ nhì với 10.180.000 km2
  • Châu Đại Dương nhỏ nhất với 8.600.000 km2 (Châu Úc: 8.155.000 km2)

Thống kê về dân số năm 2016:

  • Châu Á đông nhất với khoảng 4.462.000.000
  • Châu Phi đông nhì với khoảng 1.225.000.000
  • Châu Mỹ với khoảng 1.002.000.000 (Bắc Mỹ: 579.000.000, Nam Mỹ: 420.000.000)
  • Châu Âu với khoảng 741.000.000
  • Châu Đại Dương ít nhì với khoảng 40.000.000 (Châu Úc: 32.000.000)
  • Châu Nam Cực ít nhất với khoảng 1.000 - 5.000, chủ yếu là khoa học gia và nhân viên nghiên cứu Nam Cực.

Thống kê về số quốc gia (quốc gia trải dài qua nhiều châu lục thì được tính vào từng châu lục đó, không bao gồm các vùng lãnh thổ hoặc vùng tự trị):

  • Châu Phi: 54
  • Châu Âu: 49
  • Châu Á: 48
  • Châu Mỹ: 35 (Bắc Mỹ: 23, Nam Mỹ: 12)
  • Châu Đại Dương: 14 (Châu Úc: 2)

Các quốc gia nằm ở nhiều hơn 1 châu lục:

  • Nga (trước đó là Liên Xô). Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Azerbaijan và Georgia: Châu Âu - Châu Á
  • Ai Cập: Châu Phi - Châu Á
  • Trong lịch sử Đế quốc Nga trải dài qua cả 3 châu lục là Âu-Á-Mỹ. Tuy nhiên sau khi Sa Hoàng bán Alaska cho Hoa Kỳ thì chỉ còn 2 châu lục
  • Ngoài ra các đế chế nổi tiếng trong lịch sử như La Mã, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha v.v.. cũng trải dài từ 3 đến 5 Châu lục

Ranh giới giữa các châu lục:

  • Châu Á-Châu Âu: Eo biển Thổ Nhĩ Kỳ, Biển Đen, vùng Kavkaz và dãy núi Ural
  • Châu Á-Châu Phi: Dải đất Suez
  • Châu Á-Châu Đại Dương: Biên giới Indonesia-Papua New Guinea
  • Châu Bắc Mỹ-Châu Nam Mỹ (mô hình 7 châu): Dải đất Panama

Nguồn tham khảo:

freeworldmaps.net/continents/

cia.gov/library/publications/resources/the-world-factbook/geos/print_xx.html

nationalgeographic.org/encyclopedia/continent/

worldatlas.com/geoquiz/thelist.htm#wa-Continents

Từ khóa: 

khoa học