Bạn được gì khi học Tâm lý

  1. Tâm lý học

  2. Du học

  3. Hướng nghiệp

  4. Chuyện tuổi 20s

  5. Thấu Ngành Hiểu Nghề

Có thể bạn đã biết, mình hiện tại đang học năm thứ hai, tại Đại học Monash Malaysia. Mình từng gap year khoảng hai năm, và may mắn gặp được nhiều anh chị xuất sắc đã giúp mình có động lực hơn để theo đuổi ngành. Mình rất hiểu cảm giác mông lung khi không biết bắt đầu từ đâu, và nhất là phải đưa ra một lựa chọn quan trọng như vậy. Có một người chị đã từng bảo với mình: Học tâm lý sẽ giúp em thay đổi tích cực nhiều và trở thành người mà em muốn trở thành.

Thế nên, mình gửi đến bạn một chút trải nghiệm khiêm tốn của mình, để bạn có thể tham khảo thêm. Nếu được, mình cũng mong được bạn góp ý, và chia sẻ về trải nghiệm của bạn trong ngành này. Vì cũng có nhiều bài giới thiệu về chuyên ngành, cơ hội nghề nghiệp, nên mình sẽ chia sẻ một số phẩm chất bạn được trau dồi khi theo đuổi ngành Tâm lý:

1. Khiêm tốn

Tâm lý học là một đại dương, càng học nhiều mình càng thấy nó thật rộng. Nhìn chung, Tâm lý học sẽ bao gồm các nhánh chính: sinh học, nhận thức, xã hội, phát triển, lâm sàng, giáo dục, tổ chức, tính cách, thần kinh nhận thức, tội phạm, sức khỏe, thể thao, thần kinh,… Hãy tưởng tượng quá trình học của bạn như một cái phễu. Thông thường, tụi mình sẽ học tổng quan, rồi sau đó lựa chọn chuyên ngành. Khi học tới Thạc sĩ, Tiến sĩ thì bạn sẽ càng phải lựa chọn chuyên sâu về một (vài) thứ hơn. Ví dụ, ở bậc Đại học, bạn thấy mình có hứng thú với Tâm lý học lâm sàng, thì khi học Thạc sĩ bạn sẽ chọn một phương pháp cụ thể (như là Trị liệu nhận thức hành vi) để theo đuổi. Nếu có hứng thú làm Tiến sĩ, bạn có thể quan tâm tới yếu tố văn hóa trong việc thực hành Trị liệu nhận thức hành vi ở người dân tộc thiểu số ở Việt Nam chẳng hạn. Thế nên, những kiến thức ở Đại học tuy là bao la, nhưng nhìn chung là vừa đủ để tụi mình hiểu về bản thân và hiểu sơ sơ về con người và xã hội.

2. Thấu cảm và cởi mở

Càng học về Tâm lý, sẽ càng nhiều lúc bạn thấy mình cẩn thận với mọi lời nói và hành động hơn. Vì bạn đã hiểu bản thân mình có sức ảnh hưởng tới người khác thế nào và hiểu vì sao một người lại trở nên như vậy. Có một câu đùa tụi mình hay nói với nhau, là học Tâm lý rồi cảm thấy không thể giận được ai. Ba mẹ ở nhà hay trách móc mình, có thể do đã quen với cách nuôi dạy của ông bà, và nghĩ đó là để thể hiện tình yêu thương. Người bạn mà mãi chẳng chịu mở lòng, có lẽ đã từng bị tổn thương nhiều lắm. Và bạn hiểu rằng không được lắng nghe là một nỗi đau; nếu có thể, chỉ cần ngồi lại một lúc, trước khi bạn ấy bị nhấn chìm bởi sự đơn độc. Ngoài ra, vì được tiếp xúc với nhiều kiến thức về con người, bạn sẽ thấy mình cởi mở hơn nhiều. Đó có thể là tôn trọng và trân trọng mọi người, dù họ có là ai, có ở hình dáng nào, ở hoàn cảnh nào.

3. Đạo đức

Đạo đức là một điều thiết yếu khi làm việc cùng con người. Tụi mình được học đi học lại những điều này trong mỗi môn học, mỗi học kì. Mỗi quốc gia sẽ có một bộ quy định về đạo đức của người làm Tâm lý riêng. Một số ví dụ đơn giản là: Bạn cần đủ kiến thức để hành nghề (Không phải có bằng Cử nhân là đủ); bạn không được chia sẻ thông tin của thân chủ/người tham gia nghiên cứu, trừ khi phục vụ cho luật pháp/điều tra hình sự/quy định của tổ chức khoa học hay nơi làm việc,v…v… Những quy định trên có thể sẽ hơi phức tạp, nhưng nó chính là thứ sẽ bảo vệ bạn trước pháp luật. Giả sử, bạn có thể bị điều tra về việc liên quan tới một thân chủ có hành vi tự hại. Trong trường hợp này, bạn cần có giấy chấp thuận tham gia trị liệu, cam kết rủi ro, biên bản phiên trị liệu, v…v… đủ chứng minh là bạn đã hoàn thành đủ trách nhiệm. Mình tin là hiểu và thực hành theo đạo đức sẽ khiến bạn trở thành một người làm nghề tử tế và sống có trách nhiệm hơn.

4. Chủ động

Tâm lý học là một ngành khoa học non trẻ, nhưng phát triển cực mạnh mẽ. Nếu không chủ động học hỏi, bạn có thể bị tụt hậu bất cứ lúc nào. Các bài tiểu luận, bài tập lớn được tạo ra vì mục đích này. Sự chủ động thể hiện ở việc bạn tự tìm tòi, nghiên cứu, và tìm kiếm sự giúp đỡ. Mỗi tuần tụi mình sẽ phải tự đọc khoảng 70 – 150 trang sách cho mỗi môn. Khi tới lớp, giảng viên sẽ tóm tắt lại những ý chính, và sẽ có lớp học thực hành để thảo luận. Tụi mình cũng được khuyến khích để chia sẻ và hỏi, nhưng tuyệt đối không hỏi những điều đã có trong giáo trình và tài liệu. Bạn có thể im lặng nếu muốn, nhưng nếu không bày tỏ thắc mắc thì cũng sẽ không có ai tự nhiên chia sẻ với bạn.

5. Kiên trì

Vì Tâm lý là một ngành khoa học, nên không thể thiếu một số môn có liên quan tới toán, sinh học, hóa học, v…v… Nhưng hiểu được những kiến thức này sẽ giúp bạn đi xa hơn rất nhiều. Thực tế là những phần này không quá khó, bạn chỉ cần một chút kiên trì. Bạn cần kiên nhẫn để dò lại mấy dòng code vừa viết, xem thừa thiếu dấu ngoặc ở đâu. Bạn cần một chút thời gian hơn để hiểu não người có mấy phần chính, và tụi nó tương tác với nhau như thế nào. Bạn có thể cần đọc nhiều lần để hiểu cái chất này đi vào cơ thể sẽ qua đâu, làm sao nó có tác dụng an thần được.

6. Tư duy khoa học

Học Tâm lý giúp bạn hình thành cách nhìn nhận vấn đề thận trọng hơn. Bạn sẽ cần bằng chứng khoa học, hay số liệu để đưa ra quyết định. Điều này giúp bạn hạn chế được những lựa chọn quá cảm tính, hay quá dễ tin. Và nhất là, bạn không được khẳng định chắc nịch về bất cứ điều gì. Mỗi nghiên cứu hay lý thuyết nào đều có hạn chế của nó.

Ngoài ra, bạn cũng học được cách giải quyết vấn đề một cách khoa học: Nhận diện vấn đề -> tìm hiểu tài liệu -> thiết kế giải pháp -> áp dụng -> đánh giá giải pháp -> kết luận/bổ sung/chỉnh sửa.

Có một điều mình tâm đắc nhất, đó là học Tâm lý giúp khả năng viết tiếng Anh tốt lên cực nhiều. Bạn cần viết đủ chi tiết, thuyết phục, nhưng cũng ngắn gọn, không màu mè. Bạn cũng sẽ học được cách sắp xếp mọi thứ tuyến tính, và sử dụng ngôn ngữ thận trọng hơn. Ví dụ: Tụi mình sẽ dùng “người có rối loạn tâm lý” thay cho “bệnh nhân tâm lý”, để không thể hiện thái độ kì thị/dễ gây tổn thương và hiểu lầm.

7. Hạnh phúc

Có nhiều người chọn học Tâm lý vì muốn chữa lành cho bản thân. Bạn có thể được học về những cách chăm sóc sức khỏe tinh thần, một số nguyên do có thể làm sức khỏe tinh thần của bạn tổn thương chẳng hạn. Tụi mình cũng có rất nhiều buổi chia sẻ, hay thậm chí là những bài tập cần phải lắng nghe và bày tỏ sự thấu hiểu, yêu thương với nhau. Học Tâm lý cũng giúp bạn ý thức được tầm quan trọng của việc đặt ra ranh giới với mọi người. Có thể ai đó tìm đến bạn vì muốn xin lời khuyên, nhưng bạn cần nhiều kiến thức hơn, hay chỉ là cần nghỉ ngơi do tiếp xúc với nhiều người quá. Trong quá trình học, tụi mình cũng không tránh khỏi những kiến thức khiến mình khó chịu, bối rối, hay choáng ngợp. Nhưng yêu thương bản thân là một hành trình. Và mình tin là kiến thức Tâm lý giúp tụi mình hiểu bản thân, chấp nhận chính mình, và mở lòng với những sự giúp đỡ hơn.

Một trong những kiểu bài tập phổ biến nhất của tụi mình là viết ra những điều mình học được, cảm nhận, và tự đánh giá sự tiến bộ của mình. Tâm lý học là một ngành đầy mông lung, nhưng khi dành thời gian để nhìn lại, tụi mình có thể thấy rõ những bước đi của bản thân. Mình hy vọng là bạn đủ thoải mái và can đảm để đặt bước chân đầu tiên, dù có là học qua một trang web nào đó, hay theo đuổi ngành một cách nghiêm túc. Và mình tin bạn sẽ là một người tuyệt vời, một người như bạn muốn là, nếu được sống đúng với điều bạn mong ước.

Từ khóa: 

tâm lý học

,

du học

,

hướng nghiệp

,

chuyện tuổi 20s

,

thấu ngành hiểu nghề

Bạn nào muốn học tâm lý học, nhưng chưa có hiểu biết gì về ngành này, mình nghĩ là nên tham khảo qua " Tâm lý học trong nháy mắt", bộ này sẽ đề cập đến những vấn đề cơ bản nhất của tâm lý học cũng như định hướng căn bản ngành nghề tương lai cho các bạn. Nếu muốn tìm hiểu kĩ hơn, sâu hơn 1 chút thì có thể đọc dẫn luận tâm lý học, tâm lý học đại cương, tâm lý học đời sống v.v..

Còn có thể đọc Tư duy nhanh và chậm, phi lý trí, thiên tài bên trái kẻ điên bên phải, tâm lý học hài hước...

Trả lời

Bạn nào muốn học tâm lý học, nhưng chưa có hiểu biết gì về ngành này, mình nghĩ là nên tham khảo qua " Tâm lý học trong nháy mắt", bộ này sẽ đề cập đến những vấn đề cơ bản nhất của tâm lý học cũng như định hướng căn bản ngành nghề tương lai cho các bạn. Nếu muốn tìm hiểu kĩ hơn, sâu hơn 1 chút thì có thể đọc dẫn luận tâm lý học, tâm lý học đại cương, tâm lý học đời sống v.v..

Còn có thể đọc Tư duy nhanh và chậm, phi lý trí, thiên tài bên trái kẻ điên bên phải, tâm lý học hài hước...

Mình nghĩ để có thu nhập tốt nếu theo đuổi TLH thì cần phải cực kỳ giỏi và có tâm lý vững vàng. Trước mình có nghe một chị đang thực tập nhưng đã khá là áp lực tinh thần dù chỉ làm việc với trẻ nhỏ. Nói chung là mấy người nhạy cảm quá mức như mình chẳng hạn, thì không hợp TLH lắm

Mình lúc đầu Cơ bản là thấy hay thì đăng ký thử. Nhưng đến lúc học rồi mới biết rằng thật sự rất rất hay và thú vị

Rất khâm phục bạn vì đã lựa chọn thei đuổi đam mê của mình, đặc biệt với ngành Tâm lý chưa thực sự phỏi biến ở Việt Nam