Bóng dáng kinh đô cổ qua các giai thoại

  1. Lịch sử

  2. Văn hóa

Wednesday, 4th February 2009 

Bóng dáng kinh đô cổ qua các giai thoại

Lịch sử dụng nước bốn nghìn năm ghi nhận sự tồn tại qua nhiều triều đại các vua chúa Việt Nam nhưng qua thăng trầm lịch sử có những kinh thành chỉ còn lại bóng dáng trong các huyền thoại, truyền thuyết. Nhất là thời Hùng Vương, cách hơn 3000 năm về trước - một thời kỳ đầy biến động cả về thiên nhiên (biển lùi dần để xuất hiện đồng bằng phù sa màu mỡ) và lịch sử. Đó là việc hình thành những kinh thành cổ đại đầu tiên, đánh dấu sự bắt đầu kết thúc của các bộ lạc sống rải rác trong các hang động miền núi cao tràn xuống chinh phục những vùng đất mới, bộ tộc Hùng Vương đã chiếm ưu thế.

Thời Hùng Vương đã lùi vào quá khứ xa xăm, nhưng lần theo tên núi tên sông và các huyền thoại đẹp đẽ vẫn thấy phảng phất bóng dáng kinh thành của Hùng Vương với hai nàng công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, để lại trong dân gian hai câu truyện về tình yêu nổi tiếng: Chử Đồng Tử-Tiên Dung và Sơn Tinh-Ngọc Hoa. Phải chăng đó là truyện có thật hay chỉ là sự nhân cách hoá tài tình về tình yêu mãnh liệt của dân tộc vào đất đai, niềm tin vĩ đại ngàn đời vào sức mạnh lao động của chính mình, đời này qua đời khác để gặt hái được những mùa lúa vàng trĩu hạt, gây dựng cả một nền văn minh sản xuất lúa nước có một không hai ở xứ sở ẩm thấp, bão lụt, gió mùa. Phải chăng đó là sự ngưỡng mộ, tình yêu tha thiết trước một thiên nhiên kỳ vĩ có miền núi cao xen lẫn với trung du, những dòng sông gấm vóc để có thể bất cứ ai mang dòng máu Việt đều cảm thấy trong lòng mình sống mãi những huyền thoại đẹp như mơ và Vua Hùng như rất gần với thời đại chúng ta với câu ca dao:

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ về giỗ Tổ mùng mười tháng ba.

Còn Sơn Tinh - con rể vua Hùng chính là hiện thân có thật của hệ thống đê điều hàng ngàn kilômét ngày đêm bảo vệ hàng triệu hécta làng xóm và đồng ruộng chạy dọc theo những lưu vực sông. Sơn Tinh - Thuỷ Tinh cũng là bản trường ca bất tận về sự nghiệp lao động dẻo dai, bền bỉ, kiên trì của biết bao thế hệ người Việt để chống chọi và thích nghi với thiên nhiên vừa hiền hoà vừa rất khó tính. Kinh thành đầu tiên và xa xưa nhất theo quan niệm nằm trên vùng đất giữa hai dãy núi Ba Vì và Tam Đảo, do hệ thống những dòng sông như sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Thao, sông Thái Bình bồi tạo. Dấu vết còn lại là Đền Hùng ở Bạch Hạc. Thử đi theo dẫn dắt của truyền thuyết, ta sẽ thấy sự tiếp nối rất lôgíc và hiện thực. Ngọc Hoa - con gái út của vua Hùng và Sơn Tinh, đều lớn lên ở hai bờ sông Hồng. Sơn Tinh là một cậu bé mồ côi cha từ sớm, hàng ngày phải lên núi Ba Vì kiếm củi nuôi mẹ. Thấy Sơn Tinh hiếu thảo và thông minh, Thái Thượng Lão Quân là người do Ngọc Hoàng sai xuống để trông coi núi Ba Vì đã thử lòng và trao cây gậy đầu sinh đầu tử cho chàng để thay người cai trị muôn loài. Cây gậy thần đã giúp Sơn Tinh cải tử hoàn sinh cho Thuỷ Tinh - là con vua Thuỷ Tề do đi chơi đội lốt rắn và bị trẻ chăn trâu đập chết dọc bờ sông. Đền ơn cứu sống con trai, vua Thuỷ Tề đã tặng Sơn Tinh quyển sách ước, còn hai chàng trai tài giỏi đã kết bạn và đi đâu cũng có nhau. Bên kia sông, vua Hùng già yếu và cũng buồn vì mối nhân duyên không tương xứng giữa Chử Đồng Tử - một người đánh cá dặm với cô con gái đầu là Tiên Dung, quyết định kén rể cầu hiền cho cô con gái út. Nghe tin, Sơn Tinh rủ Thuỷ Tinh cùng đến dự hội. Trong hội, còn có rất nhiều chàng trai từ các tộc khác đến, trong đó có cả An Dương Vương Thục Phán - tộc trưởng tộc Âu Việt, nhìn thấy nàng Ngọc Hoa vô cùng xinh đẹp, kiều diễm, hiền dịu, ai nấy đều quyết tâm trổ tài chiếm đoạt. Nhưng tất cả cuối cùng đều thua cuộc, chỉ còn hai chàng trai được mệnh danh là Thần Núi và Thần Nước thi nhau trổ tài trước vua Hùng. Sơn Tinh chỉ núi, núi lở; Thuỷ Tinh phun nước làm mưa lụt, sóng gầm. Vua Hùng thấy hai chàng đều tài giỏi phi thường đành phải ra lời thách đố hóc búa:

- Ngày mai, ai là người mang đến trước cho ta mâm lễ gồm voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, ta sẽ gả con gái và nhường ngôi báu.

Nhờ có sách ước và gậy thần, Sơn Tinh đã thắng, đoạt được nàng công chúa, có lẽ vậy vì ghen nên Thuỷ Tinh đã giận dữ đổi bạn thành thù. Thuỷ Tinh dẫn đầu các đội quân thuỷ quái để làm một trận quyết đấu đất long, trời lở nhằm đánh bại Sơn Tinh hòng cướp lại Ngọc Hoa. Những nơi hai chàng đánh nhau dữ dội đã được ghi lại như hồ Đồng Mô (Sơn Tây) - có nghĩa là đồng có nhiều mô đất, dấu tích mà Sơn Tinh đã gánh để ném chặn các dòng nước do Thuỷ Tinh dâng lên; đầm Đượng (đầm Long - Ba Vì) 16 cửa, nơi Thuỷ Tinh bị thất trận rút lui; gò Mả Đống (Đường Lâm – Sơn Tây), vực Cầu Hang (Sơn Tây) địa danh những nơi ẩn náu của những loài thuỷ quái vốn là tướng lĩnh của Thuỷ Tinh không kịp rút ra biển khi ấy.

Thắng lợi hoàn toàn, Sơn Tinh xin vua Hùng được đón công chúa về núi Ba Vì với mình mà không nhận ngôi vua vì phải thực hiện lời hứa giữ gìn ngôi núi Tổ Ba Vì muôn đời cho non sông nước Việt. Có lẽ khi vua Hùng già yếu cũng về sống với con rể và con gái, thế nên chăng Ba đỉnh Ba Vì được truyền thuyết ghi nhận là đỉnh vua Hùng, đỉnh Sơn Tinh và đỉnh Ngọc Hoa công chúa.

Lại nói về An Dương Vương Thục Phán vì quá yêu công chúa, tuy thua nhưng vẫn thỉnh thoảng kéo quân đến đánh, thấy vậy, Sơn Tinh khuyên vua Hùng nhường ngôi cho An Dương Vương để cầu hoà và mở rộng bờ cõi, tăng thêm sức mạnh. Do vậy, sau này, khi vua Hùng băng hà, kinh thành đã được chuyển từ Bạch Hạc về Cổ Loa. Theo tương truyền có bốn đền được xây xung quanh vùng chân núi Ba Vì để kỷ niệm trận chiến thắng của Sơn Tinh. Đến nay chỉ còn Đền Và (Đông Cung) là còn lại. Đền Và tôn nghiêm thờ phượng vị thánh dẫn đầu trong 4 vị thánh bất tử (Tứ Bất tử) của Việt Nam, chỉ cách Hồ Hoàn Kiếm 42km.

Bước vào Đền Và, bạn có cảm giác như đâu đây bóng dáng của một kinh thành cổ. Đền giống như một cung điện nhỏ, có thành làm bằng những tảng phiến đá ong lớn bao quanh. Nằm giữa một khu rừng lim cổ đại nhỏ còn sót lại với những dãy nhà lớp lớp, có gác chuông gác trống hai bên sân. Phải qua hai thư ký và tứ trụ triều đình mới vào được cung chính. Trong cung có ba ngựa gỗ cao bằng ngựa thật, có hạc đứng trên rùa và cột đá biểu tượng cung điện. Tận cùng là hậu cung linh thiêng với ba ngai vàng lớn được chạm trổ hình chim Lạc Việt trên có bức khảm: Thượng đẳng tối linh. Đền được trùng tu lại nhiều lần, nhất là đời Hậu Lê, nhưng xuất xứ được ghi nhận là xây có thể cách đây hàng ngàn năm. Nhìn những tảng đá rêu phong cổ kính sẽ thấy rõ điều đó nơi đây, dấu tích của một thời vàng son. Đặc biệt Đền có một vị trí trang trọng và rất lớn so với các đền khác ở nước ta. Các đời vua minh chủ đã lên đây cầu nguyện cho ngai vàng được bền vững và giữ gìn được non sông gấm vóc. Xin Vua đồng thời là Thánh Sơn Tinh phù hộ và đáp ứng những ước vọng tốt đẹp nhất của dân tộc. Theo truyền thống, cứ 4 năm một lần là một lễ rước rất lớn vào rằm tháng Giêng âm lịch đón Sơn Tinh sang sông Hồng để thăm mảnh đất quê mẹ. 

Do lẽ vậy, trên cái nôi đầu tiên của sự hình thành kinh thành vua Việt Nam, các kinh đô dù có đi đâu rồi cũng về hội tụ gần gần đó. Đó là Hai Bà Trưng tôn mẹ là Mèn Thái Hậu lên ngôi ở Ba Vì năm 43-44 sau Công Nguyên. Lý Nam Đế gây dựng nhà nước Vạn Xuân thế kỷ thứ VI và Phùng Hưng thế kỷ thứ VIII đều gần Thăng Long, tức Hà Nội ngày nay và nhà Lý cũng dời đô về Hà Nội dọc sông Hồng. Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu - một nhà văn hoá Á Đông vĩ đại đã từng chọn một vị trí nằm dựa lưng vào núi Ba Vì nhìn thẳng qua kinh thành vua Hùng làm nơi nghỉ ngơi và làm việc của mình. Điều này càng thấy rõ hơn tính hiện thực của các huyền thoại của dân tộc Việt Nam, nhất là về các kinh thành cổ.

"Trích: Việt sử giai thoại thực tiễn"- Nguyễn Quang Vinh.

Từ khóa: 

lịch sử

,

văn hóa

thích đọc mấy câu chuyện lịch sử như này😍

Trả lời

thích đọc mấy câu chuyện lịch sử như này😍