[Chia sẻ & Giáo dục] 06 Lưu ý khi học Đại học

  1. Giáo dục

  2. Sách

  3. Kỹ năng mềm

  4. Tâm sự cuộc sống

Trước đây, tôi từng có một bài viết về quãng thời gian ở Đại học có tên: 

Lời tâm sự của sinh viên năm cuối
. Trong bài viết này, tôi sẽ tập trung vào chia sẻ kinh nghiệm học tập của bản thân ở Đại học nhiều hơn.

Không có gì là tốt nhất ngay từ đầu, bạn cần tự trải nghiệm để rút ra các kinh nghiệm mà bản thân cảm thấy phù hợp. Ai cũng được dạy thế nào là tốt, nhưng để vận dụng điều tốt vào cuộc sống thì thường gặp phải trở ngại do thiếu quyết tâm, tính trì hoãn hoặc không có phương pháp đúng đắn và thiếu đi người đồng hành, khích lệ kịp thời.

Bài viết dựa trên trải nghiệm của cá nhân tôi, kết hợp thêm học hỏi kinh nghiệm từ mọi người xung quanh và các cuốn sách tôi được đọc.

https://cdn.noron.vn/2021/07/31/121447635000235868271246789458294196196582n-1627726054_1024.jpg

1. Có chế độ sinh hoạt lành mạnh và tư duy tích cực

Bước chân vào giảng đường Đại học, sẽ có không ít bạn choáng ngợp trước môi trường tự do mà Đại học mang lại. Tự do ở đây không phải là thiếu tổ chức, mà bởi Đại học tin các bạn sinh viên đã đến giai đoạn tự chủ, tự giác trong việc học tập của mình. Nói cách khác, đây chính là giai đoạn các bạn bắt đầu nhận được sự tôn trọng như những công dân trưởng thành, có trách nhiệm và có định hướng rõ ràng.

Mặc dù vậy, không phải ai cũng thích nghi ngay được với sự tự do và biết cách biến sự tự do ấy thành cơ hội để rèn luyện tính tự chủ. Bởi ba trở ngại lớn sau đây:

- Thực lòng mà nói, nhiều bạn sẽ vào Đại học vì mong muốn, yêu cầu của gia đình. Do đó, nhóm bạn này mang suy nghĩ: vào được trường là coi như hoàn tất nghĩa vụ để buông mình sống theo ý thích.

- Có những bạn rất vui sướng khi đỗ Đại học, nhưng sau đó lại nhận ra môi trường học tập ở Đại học không giống như các cấp học trước, từ đó dẫn đến tình trạng hoang mang, mất phương hướng, không hiểu tại sao bản thân càng cố lại càng thụt lùi.

- Đại học là khuôn viên rộng lớn với bạn bè đến từ khắp mọi miền trên đất nước, các mối quan hệ mới, các hoạt động mới dễ “cuốn các tân sinh viên theo chiều gió”.

Như vậy, điều đầu tiên các bạn sinh viên cần lưu ý là sự tự chủ mang tính chất quyết định. Dù thông minh, nhanh nhẹn hay cần cù, chịu khó; hướng nội hay hướng ngoại thì thành quả sẽ luôn đến, miễn là các bạn biết tự chủ.

Nếu ngay từ đầu bạn đã mang sẵn (hoặc bị tiêm nhiễm) suy nghĩ “Năm nhất để trải nghiệm, năm hai sẽ học, năm ba tặc lưỡi, năm tư thôi cố lấy… cái bằng” thì bốn năm Đại học sẽ kết thúc mà không bồi đắp cho con người bạn thêm nhiều giá trị.

Từng có một người bạn nhẩm tính với tôi rằng học phí bốn năm Đại học mà đầu tư mua máy ép nước mía, sau đó mở mấy cơ sở thì đã có thể có tiền tiêu rủng rỉnh. Tôi không phản đối cách nghĩ này, nhưng nếu đã có cách nghĩ ấy thì bạn không nên miễn cưỡng thi vào Đại học mà hãy dừng lại để bắt tay vào thực hiện ý tưởng ngay. Bạn sẽ nhận ra đôi lúc thứ người khác làm tốt, dù công việc tưởng chừng đơn giản, thì chưa chắc bản thân bạn đã biết cách làm cho tốt.

Học tập mà nghĩ đến chuyện kiếm tiền quá sớm, thì các bạn sẽ rơi vào tình trạng lãng phí tiền bạc trong khi vốn kinh nghiệm làm việc cũng chẳng thêm được là bao.

Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy là nảy sinh tư duy tiêu cực theo kiểu: “Nhà trường chỉ dạy lý thuyết; các tỷ phú bỏ học mà vẫn giàu; quan trọng là kinh nghiệm thực tế v.v…”

Nhà trường dạy lý thuyết là đúng, vì đó là nơi rèn luyện cho bạn sự kiên nhẫn, cách suy nghĩ, thói quen sinh hoạt quy củ và cung cấp cho bạn môi trường đủ an toàn để thực hành. Trên thực tế, nhiều bạn sinh viên có thể kêu la việc thiếu tính thực tế trong các giờ học nhưng lại không sẵn lòng tham gia các hoạt động ngoại khóa, tìm việc làm thêm hay đi xin dấu xác nhận khống thay vì thực tập cho nghiêm chỉnh.

Các tỷ phú bỏ học đều giàu có là cách nghĩ phổ biến (và cũ rích) tiếp theo, cũng đã được nhiều người phân tích mổ xẻ nên tôi không nhắc lại. Thế nhưng tôi có thể khẳng định bỏ học không phải là cách làm giàu. Các tỷ phú giàu bởi họ phát minh ra cách học của riêng họ và ít ai trong số họ lười đọc sách: Bạn đã từng thấy kế hoạch nghỉ hưu của Bill Gates, Warrent Buffet, Elon Musk hay Mark Zukerberg khi họ đang vô cùng giàu có chưa?

Cuối cùng là không ít bạn sinh viên mau mắn đề cao kinh nghiệm thực tế trong khi bản thân bạn chưa hiểu rõ thực tế cần những kinh nghiệm ra sao. Không phải là giỏi nhậu nhẹt, hay đi “phượt”, biết các chốn ăn chơi, thức đêm cày game, xem video thị phi trên mạng, đầu tư ăn mặc sành điệu hay vài mánh khỏe khôn vặt là “kinh nghiệm thực tế” mà các nhà tuyển dụng trông đợi ở sinh viên sau khi tốt nghiệp. Mà nếu họ cần những thứ đó ở bạn, thì thực ra bạn cũng không nhất thiết phải học Đại học nếu muốn làm việc ở một môi trường như vậy.

Kết thúc phần đầu tiên này, tôi mong muốn các bạn ghi nhớ nếu đã chọn Đại học thì đừng “học đại”. Bạn hãy hướng đến thói quen sinh hoạt lành mạnh và tư duy tích cực ngay từ đầu, đừng nghĩ năm nhất là năm của “xả hơi” sau khi đỗ Đại học. Nếu bạn nghĩ vậy, các năm học còn lại cũng sẽ chịu chung số phận tương tự.

Tôi muốn giúp các bạn hình dung được tâm thế cần phải có khi bước vào giảng đường Đại học. Tâm thế của bạn sẽ được trả lời cụ thể khi bạn cầm tấm bằng trên tay. Bạn có thể học nhiều hơn, để sở hữu thêm nhiều tấm bằng. Nhưng tôi tin hầu hết chúng ta chỉ cần một tấm bằng đúng thực lực để xây dựng tương lai cho bản thân. Do đó, hãy chuẩn bị cho mình tấm bằng tốt nhất có thể.

Để học tập tốt, tôi xin chia sẻ lại cùng các bạn những kinh nghiệm sau đây:

2. Chủ động nghe giảng trên lớp

Tôi nhận ra nghe giảng trên lớp là điều đầu tiên thường bị bỏ lỡ trong các tiết học. Nghe thì kỳ lạ nhưng thực tế này gần như là phổ biến ở tất cả các cấp học.

Bước vào một lớp học, dù không phải là người chuyên giảng dạy, bạn và tôi đều có thể nhận ra bức tranh muôn màu của những sinh viên, học viên: bấm điện thoại, ăn sáng, ăn vặt, ăn chiều, vẽ trên giấy, ngó ra ngoài cửa sổ, ngắm một bạn khác, ngủ gật, nói chuyện riêng, cậy bàn, nghịch bút v.v…trong giờ học.

Đối phó với tình trạng này, mỗi giảng viên lại có chiến lược khác nhau: người thì thật nghiêm khắc ngay từ đầu, người thì giảng bài như không có chuyện gì xảy ra, người thì im lặng giao bài tập lên bảng rồi lại im lặng, người thì đọc giáo án đều đều cho sinh viên chép, người thì cho sinh viên xem powerpoint và video đến hết giờ v.v…

Thế nhưng trong bầu không khí ấy, nếu bạn chủ động nghe giảng, bạn vẫn có thể học, thậm chí là học được rất nhiều thứ.

Bạn cần tập trung tâm trí vào người giảng viên đang trên bục giảng và ngẫm nghĩ kỹ mỗi điều họ trình bày: họ là kho tàng đầy ắp vốn sống và sách vở mà họ đã đúc kết được.

Dù họ nói ít hay nói nhiều, nếu chúng ta chăm chú và biết nắm bắt, thì chắc chắn sẽ có thu hoạch tương xứng. Không phải ngẫu nhiên mà giảng viên đứng trên bục giảng còn sinh viên cần ngồi lắng nghe. Bạn cần nhớ rằng mỗi giờ học trôi qua là bạn và gia đình đang phải trả chi phí nhất định.

Lắng nghe ở đây không phải là lắng nghe theo kiểu nuốt từng lời rồi tuôn ra rào rào như máy trên giấy. Lắng nghe ở đây là kèm theo tư duy của cá nhân bạn, quan điểm, cách nghĩ của riêng bạn. Đừng quá lo lắng về việc ghi chép, bạn có thể ghi chép nhưng không nên ghi chép theo kiểu “đọc – chép” của các cấp học dưới. Cá nhân tôi thích ghi chép theo phương pháp của Cornell: chia trang giấy với một cột để ghi các ý nổi bật, một cột dành cho các câu hỏi và phần cuối để tóm tắt nội dung chính.

Quan trọng nhất là nghe để hiểu vấn đề trên lớp, kết hợp với phương pháp ghi chép phù hợp. Một ngày bạn sẽ chưa thấy kết quả, nhưng sau một học kỳ, bạn sẽ thấy kết quả rõ rệt trên bảng điểm.

3. Chủ động đọc sách

Đọc sách rất quan trọng khi bạn học Đại học. Thay vì nói đến những thứ cao xa, hãy cố đọc trọn vẹn cuốn giáo trình của bạn trước. Sau khi đọc xong giáo trình, hãy tìm kiếm phần tài liệu tham khảo của nó để đọc thêm các tựa sách bạn thấy quan tâm.

Nên xin lời khuyên từ giảng viên về các cuốn sách hay nên đọc. Không chỉ giới hạn trong danh mục sách chuyên ngành, mà họ còn có thể gợi ý thêm cho bạn nhiều cuốn sách có ích khác. Thời gian dành cho việc thư giãn ở căng-tin nên hài hòa với thời gian bạn ở thư viện đọc sách. Dù căng-tin, quán ăn quanh khu vực ký túc xá, cửa tiệm internet, cửa hàng tiện lợi thường là nơi đông vui nhất nhưng điều ấy không có nghĩa đây là địa điểm bổ ích dành cho bạn.

Bạn nên cố gắng dành thời gian đọc sách đều đặn, để ít nhất sau khi tốt nghiệp bạn có kiến thức ở trong ngành học của mình- đủ để nói cho người khác hiểu và hiểu điều người khác nói trong buổi phỏng vấn xin việc đầu tiên.

Ngoài thư viện trường, bạn cũng có thể tìm đến Thư viện Quốc gia hoặc các dự án thư viện tư nhân hoàn toàn miễn phí. Theo tôi nghĩ, chẳng ai lại gây khó khăn với một sinh viên hiếu học và ham thích đọc sách.

Những cuốn sách bạn đọc được trở thành một phần con người bạn. Khi bạn trưởng thành và bận rộn hơn, sẽ không còn nhiều thời gian cho sách. Nhưng nếu việc đọc đã trở thành thói quen thì bạn luôn có quyền hy vọng những cơ hội tốt hơn trong cuộc sống sẽ đến với bạn- và bạn đủ khả năng để nắm bắt lấy.

Đọc sách là niềm vui mang lại nhiều lợi ích, cho nên đừng quá căng thẳng ép bản thân đạt được lợi ích từ sách một cách khiên cưỡng. Bạn chỉ cần vui vẻ đọc, đọc đa dạng các thể loại và tìm đọc sách mà những người tử tế, thành đạt trong cuộc sống chia sẻ là đủ. Không cần ép mình phải thích, nhưng cũng đừng ngại hay sợ những trang sách.

4. Chủ động đặt câu hỏi

Lời khuyên này ở mức khó hơn một chút, nhưng bạn hoàn toàn có thể làm được: hãy chủ động đặt câu hỏi.

Các bạn sinh viên thường có ấn tượng về việc đặt câu hỏi ở giữa đám đông là thích thể hiện, hơn nữa nếu lỡ đặt câu hỏi mà ngu ngơ thì dễ bị chê cười.

Nhưng bạn đừng quên, đám người cho rằng bạn thích thể hiện và chê cười bạn trong lớp học sẽ chẳng liên quan gì nhiều đến tương lai của bạn. Còn việc hỏi thì có.

Biết đặt ra câu hỏi sẽ giúp bạn ý thức hơn điều bản thân đang tiếp nhận. Kiến thức sẽ không thể tự động nạp vào đầu bạn và được giữ lại nếu thiếu đi các câu hỏi. Cứ mạnh dạn hỏi điều mà bạn muốn biết, miễn là nó có liên quan đến bài học (với những câu hỏi không liên quan đến bài học, bạn nên đợi hết giờ hoặc tìm người phù hợp để hỏi- người sẵn sàng trả lời hoặc khích lệ bạn tiếp tục tìm kiếm câu trả lời thay vì cáu gắt khi bạn hỏi tới).

Đặt câu hỏi còn xây dựng cho bạn tác phong tự tin và tinh thần sẵn sàng phản biện khi cần thiết. Đôi khi, chúng ta thường đánh giá rằng bản thân hiểu rõ vấn đề cho đến khi thình lình một câu hỏi xuất hiện.

Trong quãng thời gian sinh viên, tôi thường đặt câu hỏi cho giảng viên và các nhóm thuyết trình trong lớp học. Cũng có những giảng viên rất thông thái trả lời, cũng có những nhóm bạn hoan nghênh việc tôi đặt câu hỏi sau khi họ thuyết trình, vì điều này có nghĩa tôi quan tâm đến những thông tin họ cung cấp. Thế nhưng ngược lại, cũng có giảng viên không thoải mái với việc đặt câu hỏi và cũng có lớp học phản ứng khi tôi đặt các câu hỏi, vì họ muốn mọi việc diễn ra nhanh chóng và kết thúc tốt đẹp.

Tôi không tin rằng cuộc sống của chúng ta là để hướng tới kết thúc tốt đẹp. Vì ai cũng sẽ kết thúc bằng cái chết, mà chết có phải là điều tốt đẹp? Tôi tin là hành trình liên tục đặt ra các câu hỏi và đi tìm các câu trả lời để nâng cao hiểu biết là mục đích của cuộc sống.

Lần tới, nếu bạn băn khoăn điều gì, thì cứ mạnh dạn giơ tay lên hỏi. Học Đại học là để mở mang trí tuệ mà lại không muốn hỏi gì thì lãng phí quá. Nghĩ sâu hơn, nếu bạn không muốn hỏi, thì ai cũng có thể làm giảng viên đứng lớp của bạn- không chỉ trong trường học mà còn ở cả đơn vị bạn làm việc sau này nữa.

https://cdn.noron.vn/2021/07/31/16186719902132310510203329832708914679206n-1627726055_1024.jpg

5. Chủ động kết bạn với những ai có ý thức học tập tốt

Đừng ngại ngần làm việc này ngay lập tức: kết giao với những người có ý thức học tập tốt hơn bạn. Tôi không nói là kết bạn với những người có thành tích học tập tốt, bởi vì có nhiều cách để nhóm này đạt được thành tích học tập- cả chính đáng lẫn chưa chính đáng. Làm thân với họ, bạn sẽ ỷ lại và lệ thuộc vào họ thay vì tự thân cố gắng.

Đối với những sinh viên có ý thức học tập tốt, bạn sẽ học hỏi được từ họ sự nỗ lực, bền bỉ (bởi không phải ai trong nhóm này bẩm sinh đã thông minh) bạn sẽ học hỏi được ở họ sự trung thực, tự trọng (học cho ra học là cách để bạn bày tỏ lòng tự trọng với gia đình vẫn đang chu cấp cho bạn) và động lực học tập của họ sẽ lan tỏa đến bạn (họ không có điều kiện tham gia các thú vui, họ lo nghĩ cho việc nộp học phí của gia đình, họ đang có một hoài bão lớn lao sau khi tốt nghiệp).

Chưa bao giờ câu nói “chọn bạn mà chơi” lại đúng đến vậy nếu đem áp dụng ở bậc Đại học. Một nhóm năm người có thể cùng nhau học nhóm hoặc thay vào đó cùng nhau chơi bài ăn tiền; một nhóm năm người cũng có thể cùng bạn làm bài thuyết trình và chia sẻ niềm vui thành công hoặc thay vào đó bạn làm bài tập thay cho cả năm để rồi được bù lại một trận nhậu túy lúy.

Đây là điều cuối cùng, và cũng là điều khó nhất mà bạn cần làm được. Bởi chính những người bạn có ý thức học tập tốt sẽ có tiềm năng trở thành những người bạn tốt đồng hành cùng chúng ta về lâu dài, thậm chí là cả sau khi ra trường.

6. Chủ động cân bằng cuộc sống

Với những lưu ý trên, các bạn sinh viên có cảm thấy áp lực không? Nếu có, thì tin tốt là tôi sẽ gửi đến các bạn lời khuyên cuối cùng rất nhẹ nhàng: Chủ động cân bằng cuộc sống.

Không phải tập trung cho học tập là cả bốn năm đó bạn sẽ lao vào học một cách điên cuồng. Ghi nhớ học là sứ mệnh chính để mỗi ngày tiến bộ thêm một chút là đủ. Bạn còn trẻ, có nguyên tắc rõ ràng nhưng không nên quá khắt khe với bản thân.

Chúng ta vẫn có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa, đi làm thêm, đi liên hoan với tập thể và nếm vị ngọt của những rung động đầu đời. Miễn là bạn đừng xao lãng việc học.

Cuộc sống có rất nhiều phần thưởng, nhưng đôi khi có quá nhiều phần thưởng lại là một hình phạt. Bạn sẽ lựa chọn, sẽ dồn sức rồi hối tiếc, rồi lại lựa chọn rồi mãn nguyện, rồi lại lựa chọn. Sau khi tốt nghiệp, bạn không còn là một cô/cậu sinh viên nữa mà sẽ trở thành nhân viên, vợ/chồng, mẹ/cha rồi sếp, rồi ông/bà. Ở giai đoạn nào, những người xung quanh cũng luôn kỳ vọng bạn hết mình. Cuộc sống chuẩn bị cho bạn nhiều vai diễn, nhưng cuộc đời này của bạn chỉ có một, hãy biết phấn đấu nhưng đừng quên tận hưởng. Trong khi thực hiện hành trình của bản thân cũng đừng quên giúp đỡ mọi người xung quanh.

Thay cho lời kết

https://cdn.noron.vn/2021/07/31/b25e125ba25b1ng2bv25c325a02bb25e125ba25a3ng2b25c42591i25e125bb2583m2bc25c325a12bnh25c325a2n-1627726057_1024.png

Thời sinh viên của tôi khá may mắn khi kết giao được với những người bạn thú vị và được lên lớp học cùng những giảng viên có tính cách phong phú.

Nếu để ý, bạn sẽ thấy tôi nhắc lại rất nhiều lần từ “chủ động”. Tóm gọn lại, thì kinh nghiệm quý giá nhất của tôi trong thời sinh viên nằm ở sự chủ động ấy. Tôi không phải là "zombie" và bạn cũng đừng tự mình biến mình thành "zombie" chỉ vì quá thụ động.

Tôi đúc kết lại được đôi điều, dẫu còn bé nhỏ và mang tính chất cá nhân nhưng tôi mong rằng chia sẻ này sẽ mang đến cho các bạn sinh viên một vài gợi ý hữu ích để việc học tập trở nên hiệu quả hơn. Để từ đó, các bạn có cơ hội nhận được tấm bằng tốt nghiệp xứng đáng với thời gian, tiền bạc, công sức của gia đình và bản thân các bạn.

Từ khóa: 

phương pháp học đại học

,

hnreader07

,

nguyễn phú hoàng nam

,

giáo dục

,

sách

,

kỹ năng mềm

,

tâm sự cuộc sống

nhiều khi muốn học hành tử tế mà chẳng có động lực lại còn tương lai mịt mờ khi ra trường nữa

Trả lời

nhiều khi muốn học hành tử tế mà chẳng có động lực lại còn tương lai mịt mờ khi ra trường nữa

Cảm ơn anh rất nhiều vì bài chia sẻ tâm huyết ạ. Em cũng đang cố gắng hết sức vì tương lai của mình 😊😊

Đọc đến cuối bài ngưỡng mộ thành tích của Nam thật đấy! Quá xuất sắc ^^~