Những người có khả năng nói chuyện hài hước luôn là một lợi thế dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào và bất kỳ vị trí nào (là sếp, là nhân viên,...)
Mình cảm thấy mình là người khá là cứng nhắc, nghiêm túc
Vậy có nên học cách nói chuyện hài hước không? Và cách nói chuyện này có phải mang tính tự nhiên, khả năng bẩm sinh không?
Nói chung, tôi nghĩ nếu bạn thấy cái gì tốt thì làm.
Cái cần suy nghĩ là việc đó có tốt hay không, và làm như thế nào thì có thể có kết quả. Nếu việc ấy chắc chắn tốt và bạn nghĩ có thể có kết quả, thì làm. Những cái khác không cần phải nghĩ.
Tất nhiên ta có thể sai. Bạn có thể nghĩ là sống ở mặt trăng thì tốt và nếu xây một cây cầu thì chắc là lên đó được. Tức là, không phải cứ nghĩ là tốt thì sẽ làm được thật.
Nhưng điều rất hay là dù cho có như thế đi chăng nữa, khi dốc tâm lực vào làm một việc, bạn sẽ trưởng thành. Bạn có thể không sống được ở mặt trăng, nhưng nếu nghiêm túc thì chắc chắn bạn sẽ có thêm vô số kiến thức và kinh nghiệm về đánh giá giả thuyết, kỹ thuật xây dựng, v.v :D. Những kỹ năng ấy sẽ giúp bạn làm những việc mà những người chưa từng cố gắng không thể làm được.
Để tôi lấy một ví dụ đơn giản hơn. Nếu một bạn trẻ sống ở một vùng nghèo đói, dân trí thấp, mọi người thường bỏ học ở cấp 3, và bạn ấy nghĩ rằng chắc bạn cũng theo truyền thống ấy, đất sỏi không cần có chạch vàng, thì chắc là bạn ấy sẽ thành công, theo tiêu chuẩn của vùng ấy.
Tất nhiên bạn ấy thấy học nhiều hơn một chút, tìm những công việc có yêu cầu cao hơn một chút, thì tốt hơn. Nếu bạn ấy cố gắng vượt khó mà học, tốt nghiệp trường tốt, tìm được việc tốt, thì sao? Có phải chuyện ấy là không thể không? Cứ cho là bạn ấy không làm được, nhưng nếu theo đuổi con đường ấy thì chắc chắn bạn ấy sẽ trở thành con người có ý chí hơn, hiểu biết hơn, và có năng lực hơn cái con người mà bạn ấy sẽ là nếu cứ chấp nhận những gì đang có và tưởng rằng sẽ có.
Quay lại với câu hỏi của bạn nhé.
Tại sao hài hước lại tốt, thì người ta đã nói nhiều quá rồi nên để câu trả lời đỡ chán tôi không giải thích nữa. Nếu bạn thấy hài hước là tốt, thì hãy trở nên hài hước. Đến xinh đẹp còn làm ra được thì hài hước sao lại không.
Có một bạn ở dưới nói "là chính mình không phải tốt sao," vì không thể đồng ý được nên tôi viết câu trả lời này.
"Chính mình" là cái gì thế? Một người bây giờ cố chấp, bảo thủ, dốt nát thì suốt đời sẽ như vậy vì đó là cái "chính mình" của họ sao? Không, con người có cái may mắn là khác với khúc gỗ, chúng ta thay đổi được. Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời, là bởi vì giang sơn không bị dục vọng chi phối, không bị người ngoài tác động, và cũng không suy nghĩ quá nhiều. Bạn muốn thì bạn phải làm. Hãy đi, sẽ (có thể) đến, còn không đi thì đúng quá rồi, lúc nào cũng sẽ là "chính mình," một phiên bản tương đối ì ạch của "chính mình."
Bạn có tin hài hước là một năng khiếu không? Hồi trước cũng nhiều người nói giỏi ngoại ngữ là do năng khiếu. Nhưng sau đó, do thấy cái sự thật là hầu hết trẻ em bán đồ lưu niệm ở các khu du lịch đều có năng khiếu nói ngoại ngữ, hay toàn bộ dân ở Quebec đều có năng khiếu, người ta thấy nhột nhột và thấy có gì đó không ổn nếu dùng từ "năng khiếu" kiểu ấy nên đã bớt dùng đi rồi.
Tôi nghĩ hài hước là một biểu hiện của trí tuệ. Khi bạn cố gắng luyện tập để trở nên hài hước, bạn trở nên thông minh hơn. Không phải là kiểu thông minh giúp bạn giải toán nhanh hơn, mà là kiểu thông mình giúp bạn hiểu tình huống, hiểu suy nghĩ của người khác, và hiểu về cuộc đời tốt hơn.
Bạn đã từng gặp tình huống mà cùng nghe một câu chuyện cười, có người cười trước, có người cười sau, có người không cười chưa? Đó là vì họ có nền tảng khác nhau, cảm quan khác nhau, dẫn đến cách hiểu và phản ứng khác nhau. Khó kết luận về những người không cười, nhưng những người cười trước nói chung nhanh nhạy hơn những người cười sau. (Nhưng mà những người "cười người hôm trước" thì không phải thế nhé.)
Những người mà chọc cười bằng những chuyện trai gái tục tĩu, những chuyện chế nhạo người không có mặt, hay những câu đùa vốn hay nhưng đã nhàm vì bị nhai lại quá nhiều, là những người từ chối thể hiện trí tuệ của họ. Cũng có thể họ không có để thể hiện, dù thế nào thì đấy cũng không phải là hài hước. Nếu bạn muốn luyện tập để "trở nên hài hước" thì xin hãy tránh mấy cái đó ra nhé.
Đánh giá trí tuệ của người khác là việc không cần và thường không nên làm, nhưng thỉnh thoảng nó được thực hiện tự động, nhờ vào những người hài hước. Nhìn cách mà một người đùa, hay cách mà một người phản ứng trước chuyện đùa, ta có thể biết được họ thế nào. Thông thường thì hiệu quả của những sáng tác hài hước là cao nhất khi tác giả là người hiểu biết và nhanh nhạy hơn những người nghe một chút, hay ít nhất là cùng mức độ. Nếu chênh lệch trình độ giữa chuyện đùa và người nghe quá lớn, không cần biết là lệch về phía nào, thường người ta không cười được. Thỉnh thoảng bạn nhìn bọn trẻ con hay các bậc tiền bối cười trước một thứ gì đó, mà chẳng hiểu tại sao họ cười, thì là do nguyên nhân này đấy. Những người thông minh hơn có thể chọn điểm rơi để nhiều người thấy chuyện họ nói là hài hước hơn. Những người kém thông minh hơn thì cơ bản không có khả năng chọn điểm rơi ở chỗ làm những người quá hiểu biết so với họ thấy buồn cười. Thỉnh thoảng thì vẫn có những chuyện tình cờ.
Hài hước ngoài là biểu hiện của trí tuệ, còn là biểu hiện của sự quan tâm đến người khác. Chẳng hạn, vì hiểu rằng phải nghe suốt một thời gian dài là điều vô cùng mệt mỏi, nên các diễn giả, các thầy giáo giỏi thường hay nói những thứ hài hước. Cái làm họ giỏi không phải chỉ là năng lực chuyên môn, mà còn là sự quan tâm đến người nghe. Một thầy của tôi trước đây hồi cấp 3 nhiều năm liền được bình chọn là giáo viên được yêu thích nhất. Giờ học của thầy thì có lẽ một nửa thời gian là nói chuyện phiếm (nội dung thầy dạy lúc thi đại học ai cũng làm được hết-toàn-bộ nhé, chúng tôi có nhiều giáo viên cho các nội dung khác nhau của một môn học).
Nghiêm túc với hài hước không phải là loại trừ lẫn nhau. Nếu bạn tin mình là người nghiêm túc, bạn vẫn có thể hài hước: đan xen sự hài hước giữa những lúc nghiêm túc, hoặc vừa hài hước vừa nghiêm túc. Có lẽ vì ta có những hiểu lầm nhất định về sự hài hước nên mới có suy nghĩ rằng nó không đi cùng với nghiêm túc. Như đã nói, hài hước là biểu hiện của trí tuệ và sự quan tâm người khác, chứ không phải là sự thể hiện của từ ngữ cợt nhả hay những chuyện vô duyên.
Trước khi kết thúc câu trả lời này, tôi muốn trích dẫn mấy chuyện đùa của những người có vẻ nghiêm túc.
Thầy mà tôi kể ở trên, trong buổi học đầu tiên của chúng tôi với thầy, có một lúc đã nói thế này:
Người Việt thường gọi những cái quan trọng là phụ. Con đê chắn lũ cho cả Hà Nội, không có nó thì bơi bì bõm suốt ngày, lại gọi là đê Yên Phụ. Món ăn quan trọng và ăn rất thường xuyên, thì gọi là đậu phụ. Cái công trình quan trọng nhất trong nhà, mà không có thì khốn đốn, lại đi gọi là công trình phụ. Còn cái người quan trọng nhất trên đời, không có thì chẳng có loài người nữa, thì lại gọi là phụ nữ.
Trong một cuốn tôi đọc chưa quá lâu, tác giả có lúc viết về rượu chó ở Hàn Quốc, đại ý thế này:
Một số lượng chó khổng lồ được dùng để tạo ra rượu chó, thứ được cho là rất tốt cho việc bồi bổ sức khỏe, đặc biệt là sau phẫu thuật. Không hiểu sao người Hàn lại bị phẫu thuật nhiều như vậy.