Có nên IM LẶNG trong giao tiếp

  1. Kỹ năng mềm

Theo bạn, có nên im lặng trong giao tiếp? Có phải lúc nào cũng cần phải sử dụng ngôn ngữ (nói hoặc viết) để giao tiếp? Im lặng có phải là một thành tố đặc biệt trong giao tiếp? Thông điệp của sự im lặng là gì? Đó là những câu hỏi mình thường đặt ra với các bạn sinh viên trong những giờ dạy về giao tiếp. Và thật thú vị là đã có rất nhiều sự tranh luận, những ý kiến, quan điểm khác nhau. Và cuối cùng tất cả đều thống nhất: Im lặng là một thành tố không thể thiếu trong giao tiếp của con người và thậm chí có vai trò quan trọng.

8704483011097251-1600765064_1024


Điều này có thể nhận thấy trong rất nhiều các câu danh ngôn, tục ngữ ở các nước khác nhau trên thế giới đều đã đúc rút: Lời nói là bạc nhưng im lặng là vàng (tục ngữ Ba Lan/Anh), Thà im lặng để người khác nghĩ rằng mình là kẻ ngốc còn hơn mở miệng để loại bỏ mọi sự nghi ngờ (tục ngữ Anh), Người nói nhiều thiếu vẻ tao nhã (tục ngữ Nhật), Không phải người im lặng là người không nói gì (tục ngữ Hi – Lạp), Im lặng cũng là lời nói (tục ngữ Châu Phi), Không biết thì dựa cột mà nghe (tục ngữ Việt)… Như vậy, rõ ràng im lặng là một phương tiện cần thiết trong giao tiếp và sự im lặng mang nhiều thông điệp, ý nghĩa. 

Khó có thể diễn giải đầy đủ ý nghĩa của sự im lặng bởi im lặng không phải là tín hiệu giao tiếp đơn nghĩa mà nó là tín hiệu đa nghĩa. Ví dụ trong tình huống giao tiếp sau: Một chàng trai mời cô bạn gái của mình ra công viên ngồi tâm sự. Sau một thời gian chuyện trò vui vẻ, chàng trai cảm thấy thời điểm đã đến và ngỏ lời với cô gái. Cô gái ngồi im lặng. Hành vi im lặng của cô gái có thể được diễn giải bởi nhiều ý nghĩa, có thể là: đồng ý (như chúng ta vẫn thường hiểu im lặng là đồng ý), không đồng ý, phân vân, đợi chờ chàng trai năn nỉ, cô gái quá đột ngột không nói nên lời, quá sung sướng không nói nên lời, tìm cách thoái thác, tìm cách nhận lời tế nhị… Điều này tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, đối tượng giao tiếp, mối quan hệ giữa các nhân vật giao tiếp.

Ngoài ra, im lặng cũng có thể được diễn giải theo quy ước xã hội hoặc theo những thông lệ xã hội nhất định, như im lặng trong nghi lễ: một phút im lặng tưởng niệm người quá cố, phút lặng nguyện trong tế lễ tôn giáo...Vậy cần sử dụng sự im lặng trong giao tiếp như thế nào? 

41tiJSylLGL

Để giúp các bạn có thể sử dụng hiệu quả tín hiệu im lặng trong giao tiếp, mình sẽ chỉ ra một số chức năng nhất định của im lặng: 

Im lặng đóng vai trò kết nối, giúp tăng cường, củng cố, duy trì các mối quan hệ: như chúng ta đã biết cốt lõi của hoạt động giao tiếp là sự hòa hợp. Sự hòa hợp đến từ thấu hiểu và thấu hiểu bắt đầu bằng sự lắng nghe. Muốn vậy mỗi người cần phải biết im lặng để lắng nghe. Sự lắng nghe không chỉ giúp thông tin được tiếp nhận và hiểu đúng mà còn giúp giải quyết các mâu thuẫn, xung đột, xây dựng và phát triển mối quan hệ, cùng tạo ra không khí biết lắng nghe nhau trong giao tiếp. 

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp sự im lặng làm giãn cách quan hệ, thể hiện sự bất đồng, tảng lờ, khinh thường, bất chấp...Ví dụ, trong gia đình khi hai vợ chồng  cùng im lặng hoặc một trong hai im lặng không đáp lời. Điều đó có nghĩa là họ đang giận nhau, sự im lặng cho thấy một trục trặc về mối quan hệ. 

Ngoài ra, im lặng còn mang chức năng tạo cảm, đặc biệt trong những trường hợp cần bộc lộ tình cảm, xúc cảm, thái độ, sự chia sẻ với đối tác giao tiếp. Ví dụ trước nỗi đau mà người bạn của mình đang phải trải qua, bạn im lặng không nói gì, nhưng sự im lặng đó lại mang ý nghĩa của một sự đồng cảm. Hoặc trong nhiều tình huống khi người kia đang nổi giận, bạn im lặng để làm dịu đi cơn nóng giận bởi không sẽ chẳng khác nào “đổ thêm dầu vào lửa”. 

Trong giao tiếp, im lặng đôi khi được sử dụng nhằm để lộ hoặc che giấu một điều gì đó. Ví dụ: trước một câu hỏi của đối phương theo chiều hướng đi sâu vào đời tư hoặc bạn không muốn trả lời, sự im lặng có thể là một cách trả lời mang tính ngầm ẩn. 

Trong nhiều trường hợp người ta sử dụng im lặng để thể hiện sự đồng ý, không đồng ý, sự ưng thuận hay phản đối (im lặng như là một sự phán xét). Im lặng đóng vai trò là sự kích hoạt. Ví dụ, sự im lặng quá lâu trong một mối quan hệ có thể làm cho đối phương thêm tức giận, “tức nước vỡ bờ”, tạo ra đỉnh điểm của sự mâu thuẫn, xung đột.

Trên đây là một số kiến giải về ý nghĩa của sự im lặng của mình. Các bạn có thêm thông tin gì thì bổ sung giúp mình nữa với nhé. Cảm ơn các bạn! 

Từ khóa: 

kỹ năng mềm

Mình trong 1 cuộc tranh luận thì sẽ im lặng tính toán các sơ hở của đối phương rồi quay lại vả cho nó vài phát nếu mình ghét nó. Còn nếu như mình không ghét họ thì sẽ đưa ra các quan điểm để hoàn thiện hay đơn giản là 1 góc nhìn khác. Còn chán thì kiếm cái bút rồi quay tranh thủ liếc cái đồng hồ. 
Trả lời
Mình trong 1 cuộc tranh luận thì sẽ im lặng tính toán các sơ hở của đối phương rồi quay lại vả cho nó vài phát nếu mình ghét nó. Còn nếu như mình không ghét họ thì sẽ đưa ra các quan điểm để hoàn thiện hay đơn giản là 1 góc nhìn khác. Còn chán thì kiếm cái bút rồi quay tranh thủ liếc cái đồng hồ. 

im lặng cũng là sức mạnh - Rockerfeller

3 năm học nói, cả đời học im lặng