Đọc “Rumi tinh tuyệt” như cách để đối thoại với chính mình

  1. Sách

  2. Triết học

  3. Tâm linh

Tôi biết đến Rumi hơi muộn, và cũng không có một nền tảng nào trước đó của bản thân giúp tôi hiểu ông hơn. Tôi tìm đọc Rumi trong lúc đang “tập đọc”, tức là khi tôi bắt đầu đọc thơ và thử gạt mọi định kiến, mọi quan điểm ban đầu của mình về thơ ca và văn chương sang một bên, rồi sau đó dùng tất cả những gì chân thật nhất của mình để đọc.

Chính vì thế, đối với tôi, Rumi không phải nhà huyền môn Sufi vĩ đại nhất, cũng không phải bậc thầy tâm linh; Rumi là một người bạn mới quen, vừa xa lạ, vừa thú vị, gợi rất nhiều thi hứng và khiến tôi tò mò muốn biết thêm về ông. Thế nên, ngay khi

Book Hunter
quyết định xuất bản tập “Rumi tinh tuyệt”, tôi đã rất háo hức. Đây là cái háo hức khi sắp được trò chuyện thêm với một con người lí thú mà trước đó mình ít gặp. Tôi háo hức trong bí mật, vì tự thấy bản thân mình hiểu về Rumi ít quá, còn chưa đọc gì về cuộc đời ông. Tất cả những gì tôi biết là ông say rượu. Tôi muốn biết thêm về Rumi, muốn được trò chuyện thêm với ông, muốn cùng ông say thử một lần.

https://cdn.noron.vn/2021/10/19/6752616316514591-1634639818_1024.jpg

Cuốn “Rumi tinh tuyệt” đến tay tôi đúng ngày rằm tháng Bảy, vào một buổi chiều nắng gay gắt. Nhưng phải mãi đến hôm nay, giữa chiều mưa ở một con phố Hà Nội xa, tôi mới đọc kĩ từng câu từng chữ ông viết trong tập sách này.

“Tôi toan tính để đạt được cái tôi muốn

và kết thúc trong tù.

Tôi đào những cái hố để đánh bẫy kẻ khác

và ngã vào.

Tôi nên hoài nghi

về những gì mình muốn.”

(“Ai đã làm ra những đổi thay này” – Rumi)

Tập thơ gồm 27 chương, chia làm 27 chủ đề, đi từ tửu quán ra đến cuộc đời, và từ cuộc đời bất tận, Rumi quay vòng “trong dòng máu của bạn”. Bạn sẽ không thể đọc hết 27 chương trong một ngày, một tuần, một tháng, hay một năm. Với “Rumi tinh tuyệt”, bạn sẽ cần một quãng thời gian dài hơi hơn, để thưởng thức, để say – tỉnh, tỉnh – say, để nhảy múa, để thức dậy mỗi ban mai, để ngước lên thưởng ngoạn đêm trăng sóng sánh, để bối rối, để trống rỗng, để lặng thinh, để hứng tình, để hú hét, yêu thương và nhảy múa… Tôi nghĩ, với chừng ấy đích đến, tôi có thể đọc Rumi cả đời.

Thế nhưng, hóa ra Rumi đến không phải chỉ để đối thoại với tôi, mà còn đem đến cơ hội cho tôi đối diện và trò chuyện với chính mình. Đọc thơ Rumi, tôi lắng nghe ông; nhưng cùng lúc đó, trong tâm trí tôi cũng dội lại từng dòng, từng dòng suy tư.

Khi ông viết: “Rồi cái chết đến tựa bình minh, và bạn tỉnh giấc cười vào điều bạn nghĩ là buồn đau”, dường như tôi thấy chính mình mỗi lần tỉnh dậy khỏi cơn mê kéo dài suốt đêm, ngồi thừ trên giường, nhìn lại tất cả những mệt mỏi, đau đớn, kiệt quệ mà giấc mơ đêm đem lại. Rồi tôi thấy mình cũng có lúc bật cười. Tôi bắt đầu tự hỏi, vì lẽ gì mà mình lại có những giấc mơ như vậy nhỉ? Mình sẽ xử lý tình huống như thế nào? Mọi thứ trong mơ rồi sẽ về đâu, và hiện thực sẽ về đâu?

Khi ông viết: “Khi bạn trở thành nhiều người như vậy, bạn chẳng là gì cả. Trống rỗng”, tôi lại thấy hình bóng chính mình mỗi khi cố gắng hòa nhập vào một cộng đồng xa lạ. Tôi muốn hòa nhập hay không? Tôi-trống-rỗng có phải tôi-hiện-tại? Trống rỗng là đúng hay sai, tốt hay xấu, hay cả hai?

Khi ông viết: “Không có sự can đảm trong ý niệm về chiến trận,” tôi lại thấy hiển hiện trước mắt mình hình bóng của một vị chiến thần cổ xưa, nhưng vị chiến thần này hình như đang thua trận, đang dần nhận ra rằng nếu “cốt lõi dũng khí của đàn ông chân chính là khả năng từ bỏ những ham muốn nhục dục”, thì có lẽ ta ít có dũng khí chăng? Vị chiến thần quay về thở than với tôi, hay tôi đang tự nói với chính mình? Rumi đang nói chuyện về chiến thần, hay đang kể một câu chuyện về tôi?

Đọc thơ Rumi, tự nhiên tôi lại đặt ra cho mình nhiều câu hỏi hơn, và cũng tự mình đi tìm câu trả lời cho nhiều câu hỏi. Thơ Rumi vừa cụ thể lại vừa gợi mở. Sự gợi mở ấy khiến người đọc vừa cảm nhận thơ, lại vừa có cơ hội nhìn vào chính suy nghĩ dấy lên trong tâm trí mình, nhìn nhận nó, đào sâu nó, đánh giá nó… Đọc thơ Rumi, bạn không chỉ trải nghiệm đời thơ, không chỉ trải nghiệm Rumi, mà còn chính mắt trải nghiệm đời mình. Bạn không cần phải “giống” Rumi để có thể đọc và hiểu thơ ông. Đôi khi, càng khác biệt lại càng đem lại nhiều trải nghiệm tinh thần kỳ diệu. Và bức tranh chân dung của bạn sẽ dần được phác họa qua cách bạn say Rumi. Đọc thơ Rumi, điều duy nhất cần làm là giữ mình tồn tại. Tồn tại để lại tiếp tục đối thoại với Rumi và đối thoại với chính mình. “Không có cách nào để nói về điều này, bằng quá nhiều từ ngữ! Và không điểm nào để ngừng nói về nó.”

Tôi không thúc giục bạn phải đọc Rumi ngay, nhưng không đọc Rumi thì sẽ bỏ lỡ cả một đời thống khoái, đắm say, và chắc chắn sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để thấu hiểu bản thân mình. Đến giờ, tôi vẫn tiếp tục đọc Rumi, vừa đọc, vừa lắng nghe những suy nghĩ gợi lên trong đầu mình, vừa lắng nghe gã say rượu lang thang Rumi ca hát. “Rumi tinh tuyệt” là hũ rượu ngàn năm mà Rumi ủ cho nhân loại. Và nhân loại, với hũ rượu này, chắc sẽ còn say mê nhảy múa đến cả vạn năm.

Nguyễn Hoàng Dương

Từ khóa: 

sách

,

sách

,

triết học

,

tâm linh

“cốt lõi dũng khí của đàn ông chân chính là khả năng từ bỏ những ham muốn nhục dục” ? liệu có đúng không khi phái mạnh chẳng còn ham muốn nữa?

Trả lời

“cốt lõi dũng khí của đàn ông chân chính là khả năng từ bỏ những ham muốn nhục dục” ? liệu có đúng không khi phái mạnh chẳng còn ham muốn nữa?

Cảm ơn cách dẫn link sách của bạn....cảm ơn bài viết.. rất ấn tượng với mình