Hồ Chí Minh - Nghĩ suy của người hậu bối về con người vĩ đại của dân tộc

  1. Lịch sử

“Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người

Bến Nhà Rồng ghi dấu chân lãnh tụ

Người thanh niên mang dáng hình dân tộc,

Hành trình xa, vẽ đất nước Việt Nam”

1 (1)


Đã bao lần tôi được đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh là bấy nhiêu lần tôi cảm động nghĩ về vị Cha già dân tộc. Sống tại Thành phố mang tên Bác, điều tôi tiếc nhất là chưa bao giờ dân miền Nam được đón Bác vào thăm, Bác được tận hưởng niềm vui của hai miền Nam - Bắc trong ngày chiến thắng giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước và xúc động với phong trưng bày miền Nam trong trái tim Người cùng những tình cảm của người miền Nam dành cho Hồ Chủ tịch.

“ Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”

Hồ Chí Minh đã viết, đã nói, đã quan niệm một chân lý mà chính Hồ Chí Minh đã xây dựng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Trung - Nam - Bắc đều là đất nước Việt Nam. Chúng ta đều chung một tổ tiên dòng họ, đều là ruột thịt anh em. Nước có Trung - Nam - Bắc cũng như một nhà có ba anh em…” Vậy mà nhân dân Miền Nam chưa bao giờ đón Bác vào để được nói chuyện, được nghe Người quan tâm và được nhìn thấy Người dù chỉ một lần. Thực sự đây là phong trưng bày của Bảo tàng làm cho tôi thực sự xúc động và mang bao nổi niệm sau lắng

Tại chuyến đi, một chị Hướng dẫn viên đã giới thiệu cho tôi về một sự kiện mà có lẽ ít người nào biết nếu không tìm hiểu về thực sự cụ thể về cuộc đời của Bác. Đó là tại kỳ họp thứ 6 Quốc Hội khóa II (năm 1963), Quốc hội quyết định trao tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Việt Nam, nhưng Bác từ chối chưa nhận. Người nói: “Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì dân ta sẽ sung sướng, vui mừng”.

tải xuống

Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với miền Nam không chỉ thể hiện qua việc đề ra những đường lối cho cách mạng miền Nam, mà còn thể hiện qua từng suy nghĩ, việc làm hằng ngày của Người.

Trong bảo tàng, tôi được giới thiệu về hình ảnh những hiện vật, tài liệu in sâu tình cảm của Bác với đồng bào miền Nam ngay tại Phủ Chủ tịch hay ngôi nhác Bác ở. Đó là . Chị thuyết minh viên kể lại đó là những cuốn sách nói về gương các anh hùng dũng sĩ miền Nam như cuốn “Người con gái Bến Tre” viết về nữ anh hùng Tạ Thị Kiều; cuốn “Rừng núi diệt thù” viết về gương dũng cảm của anh hùng A Vai ở Tây Nguyên; cuốn “Người trinh sát trí dũng song toàn” viết về anh hùng Trần Dưỡng v.v… Các cuốn sách này Bác Hồ đều đã xem và các anh hùng đó đều đã được gặp Bác. Trên bàn làm việc tại nhà sàn, dưới ánh điện đèn để bàn vẫn nổi lên những nét bút chì xanh đỏ Bác đánh dấu trên những trang báo và bản tin trong nước.

Phía trước cửa nhà sàn, Bác trồng 2 cây dừa do đồng bào miền Nam biếu Bác. Dừa là loại cây đặc trưng của miền Nam, hằng ngày Bác chăm cho 2 cây dừa lớn đều nhau. Bên cạnh nhà sàn là cây vú sữa của một bà má miền Nam (Cà Mau) biếu Bác năm 1955. Hai cây dừa và cây vú sữ a được Bác tự tay chăm sóc hằng ngày.

Suốt đời mình, Hồ Chủ tịch kiên quyết đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc, thống nhất của Tổ quốc. Đối với miền Nam, tình cảm của Bác vô cùng thắm thiết. Bác nói: “Miền Nam ở trong trái tim tôi”, “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. Chưa giải phóng được miền Nam, Bác tự coi là nhiệm vụ làm chưa tròn, cho nên Người đã nói với Quốc hội khi Quốc hội có ý định trao huân chương Sao Vàng cho Người: “Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi huân chương cao quý đó”.

Những năm miền Nam chiến đấu chống Mỹ ác liệt, Bác đã có ý định vào miền Nam “để thăm đồng chí, đồng bào” và yêu cầu tổ chức để Bác đi. Bác nêu vấn đề một cách rất kiên quyết. Thấy Bác tuổi đã cao, sức khoẻ không còn được như trước, các đồng chí Bộ Chính trị đề nghị xin cố gắng cùng toàn dân đánh Mỹ mau thắng rồi mời Bác vào. Bác nói: “Tôi muốn vào là vào lúc này, chứ thắng rồi mới vào thì nói làm gì?” Lâu lâu Bác lại nhắc lại vấn đề và hỏi việc chuẩn bị đến đâu rồi. Thấy Bác rất quyết tâm, các đồng chí phụ trách đành phải báo cáo đường đi rất khó khăn, vất vả, Bác đi không được. Bác nói : “Nếu không có đường nào khác thì tổ chức cho tôi đi bộ. Các chú đi được thì tôi đi được. Đi mỗi ngày một ít. Chưa chắc thua các chú đâu”.

Trong những năm cuối, tuy yếu mệt nhưng Bác vẫn tập đi bộ, tập leo dốc và nhiều khi leo những dốc khá cao. Các đồng chí đều can ngăn, nhưng Bác cứ leo. Bác muốn xem sức mình hiện nay thế nào và vẫn quyết rèn luyện để thực hiện ý định “vào miền Nam với đồng bào, đồng chí”.

Từ năm 1968 trở đi, Bác yếu nhiều hơn. Bác yêu cầu: hễ có đồng chí miền Nam nào ra thì phải cho Bác biết và đưa vào gặp Bác. Vì vậy, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra Bắc đã được vào thăm Bác, đặc biệt là các chị và các cháu. Mỗi lần gặp, Bác đều hỏi tình hình rất tỉ mỉ và Bác rất vui…

Những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9/1969, khi thấy trong người đã mệt, Bác đề nghị các đồng chí phục vụ cho Bác được uống nước dừa của 2 cây dừa trên. Biết Bác đã mệt, không uống được, song các đồng chí phục vụ vẫn làm theo yêu cầu của Bác. Trước khi đi xa, Bác luôn nhớ tới miền Nam. Tại nhà Bác nghỉ và chữa bệnh, vẫn lưu lại nhiều kỷ vật gắn với miền Nam mà Bác Hồ đã sử dụng, đó là tấm bản đồ “Bố trí binh lực địch ở miền Nam Việt Nam”, hằng ngày Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị nghe báo cáo, theo dõi trên bản đồ để nắm tình hình chiến sự.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”, từng hiện vật, từng đồ dùng của Bác, từng trang báo, trang tin Bác đã đọc và để lại bút tích đã thể hiện tình cảm đó. Tuy không trực tiếp được vào thăm đồng bào và chiến sĩ miền Nam, nhưng sự quan tâm, tình cảm thương yêu trìu mến của Bác lúc nào cũng đến với đồng bào. Tình cảm ấy thể hiện rất rõ qua những lần Bác tiếp các đoàn cán bộ, chiến sĩ ở miền Nam ra thăm miền Bắc.

Sáng 21/10/1962, tại Phủ Chủ tịch, tiếp Đoàn đại biểu Ủy ban TWMTGPMN do Giáo sư Nguyễn Vân Hiếu làm Trưởng đoàn, Bác đã hỏi thăm về tình hình chiến sự, về đời sống của đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Đoàn đã tặng Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng một số tặng phẩm của đồng bào miền Nam, trong số tặng phẩm đó có tập thơ viết tay của anh Trọng Tuyển. Trước khi hy sinh, anh Trọng Tuyển có ước mơ duy nhất là được gửi kính tặng Bác tập thơ do anh sáng tác. Bác nhận tập thơ, Người lặng đi một lúc, với niềm xúc động và tình thương bao la đối với đồng bào miền Nam, Bác đưa tay lên ngực trái, nơi trái tim mình và nói: “Bác chẳng có cái gì tặng lại cả, chỉ có cái này”. Ngừng một chút, Bác nói tiếp với giọng đầy xúc động: “Hình ảnh miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim tôi”. Câu nói của Bác làm cả đoàn xúc động.

Tháng 7/1969, chị Mác Ta Rô Hát, nữ Chủ nhiệm Báo GraMa (Cuba) phỏng vấn Bác một số câu hỏi, trong đó có câu hỏi về tình cảm của Bác đối với đồng bào miền Nam. Trả lời nhà báo, Bác nói: “Ở miền Nam, những thanh niên dưới 25 tuổi không biết được thế nào là 2 chữ tự do. Có thể nói rằng, ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình có một nỗi đau khổ riêng và nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình gộp lại thì đó là nỗi đau khổ của tôi”.

Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho đồng bào miền Nam thật sâu đậm và thiêng liêng. Đó là tình cảm của Người cha đối với các con, là tình cảm của vị lãnh tụ kính yêu đối với đồng bào và chiến sĩ nơi thành đồng Tổ quốc.

“Bác Hồ là vị cha chung

Là sao Bắc Đẩu là vầng Thái Dương”

Tấm lòng của nhân dân miền Nam với Bác Hồ cũng mênh mông vô bờ bến. Như hồi kháng chiến chống thực dân Pháp, địch bắt được hai em đi rải truyền đơn. Nó tra tấn đánh đập dữ dội, nhưng cuối cùng vì hai em tuổi vị thành niên, nó phải thả. Nhưng trước khi thả, nó giở âm mưu xảo quyệt. Trước cửa xà lim nhốt hai em, nó trải hình Bác dưới đất và bảo: "Tụi bây có muốn ra khỏi đây thì phải bước qua tấm hình đó!". Hai cháu quay trở vào chứ không bước qua.

Bac-Ho-voi-nong-dan-600x407

Được tin Bác qua đời, cả nước vô cùng tiếc thương. Dân Cà Mau ai ai cũng treo ảnh Bác Hồ ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Có người còn lập bàn thờ ngay tại gia đình để tưởng nhớ Bác. Nhiều gia đình đã ba đời thờ cúng Bác, như gia đình ông Nguyễn Văn Tân ở ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực…Bà con nơi đây luôn tâm niệm, đó niềm vinh dự lớn lao của họ khi được thờ một vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc. Vào các ngày lễ, ngày Tết, ngày sinh, ngày mất của Bác, bà con đều nấu mâm cơm, hoa, quả làm giỗ Bác theo tục thờ cúng tổ tiên. Chị Thuyết minh viên giới thiệu về lời của cô Lê Thị Thanh Hải – nguyên PGĐ Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, người đã từng nghiên cứu chuyên đề “ Bác Hồ với Miền Nam- Miền Nam với Bác Hồ”, kể lại.

Là con cháu Bác Hồ, mỗi người chúng ta nguyện ra sức học tập và làm theo tư tưởng của Người, xem đó là kim chỉ nam trên con đường phát triển của dân tộc, của đất nước trong thời đại mới. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một việc làm lâu dài và phải xuất phát từ tư tưởng, nhận thức, tình cảm thiêng liêng đối với Bác. Có như vậy, tôi mới thấy hết được giá trị to lớn mà Người đã để lại cho con cháu đời sau, để từ đó noi theo gương Bác, học tập và hoàn thiện bản thân, đóng góp công sức của mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

“Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà

Miền Nam mong Bác, nỗi mong Cha…”

Chút suy tư về Người - Trân trọng một tấm lòng

Linh CK


Từ khóa: 

lịch sử

,

tinh hoa việt nam

,

lịch sử