Hung thần cá sấu

  1. Lịch sử




Ông cậu mình ngày trẻ mở quán thịt rừng trên Dak Lak. Ổng vẫn thường vào sâu trong núi rừng Tây Nguyên, tận các buôn làng của người Thượng, thịt gì cũng từng nếm qua. Hồi ổng còn hành nghề, mỗi lần mình đến Buôn Ma Thuột là được đãi. Tuy nhiên thịt cọp, voi, cá sấu vẫn chưa có dịp thử.

Ổng bảo thịt cọp và voi ăn hôi tanh, cực kỳ dở. Nhưng mình nghĩ thịt cá sấu lại ngon. Bằng chứng là sau khi quân Pháp chiếm thành Gia Định khoảng 13 năm, bác sĩ Morica đến Đông Dương tham quan. Lúc đi từ Sài Gòn về Chợ Lớn ông có thấy rất nhiều vườn nuôi cá sấu, mỗi vườn xấp xỉ 300 con. Người ta thực sự thích ăn thịt sấu nên nuôi như... gà.

Đại Việt sử ký toàn thư, sở thú thời Trần Dụ Tông được miêu tả rằng:

"Mùa đông, tháng 10, đào hồ ở vườn ngự trong hậu cung. Trong hồ xếp đá làm núi, bốn mạch đều khai ngòi cho chảy thông nhau. Trên bờ hồ trồng thông, tre và các thứ hoa thơm cỏ lạ. Lại nuôi chim quý, thú lạ trong đó. Sai người Hóa Châu chở cá sấu đến thả vào."

Trong truyện "Đất rừng phương nam", Đoàn Giỏi mô tả khá kỹ phường săn cá sấu của dân miền tây. Thằng An đi xem tía nuôi nó và ông già Tư đâm mồi trong U Minh. Phải dùng gỗ mun để khiến con sấu đau đớn tột cùng, sau đó cắt gân đuôi, rồi khoá mõm bằng dây thép. Họ dụ con sấu 5 mét bằng một cây đèn nghe đồn được đốt bằng mỡ người, mua từ các tay phù thuỷ Mã Lai.

Cá sấu Tây Nam Bộ rất to và hung dữ, kích thước ngang một con khủng long ăn thịt cỡ nhỏ.  Hồi hổ tướng Nguyễn Huỳnh Đức hộ giá chúa Nguyễn Ánh, ngồi trên thuyền ban đêm nhìn nước lừ lừ sủi bọt bên dưới cũng thấy ớn lạnh rằng: "Té xuống là chỉ có chết"


Từ khóa: 

lịch sử