"Làm sao để người trẻ hứng thú với Lịch sử nước nhà, yêu và tự hào về Lịch sử Việt Nam?"

  1. Lịch sử

Tuần này, mình xin phép được mở đề tài tranh biện về một vấn đề đang gây trăn trở cho những người yêu Lịch sử, là làm sao để người trẻ Việt yêu và tự hào về Lịch sử nước mình?

Lịch sử là gì? Nó đâu chỉ là những sự kiện đã qua, cũng không hẳn là những sự kiện xưa cũ. Mà nó là cuộc sống của tiền nhân, và biết đâu nó sẽ giúp thế hệ hôm nay và mai sau có được những bài học sâu sắc.

Người trẻ thờ ơ với Lịch sử? Đó là một trăn trở của những người yêu Lịch sử, trong đó có mình. Mình chỉ là "tay ngang" thôi, không dám nhận là "chuyên gia Sử học". Mình chỉ giống như một cậu bé sinh ra ở thời hiện đại, nhưng thích nhặt nhạnh những mảnh ghép xưa cũ để tự an ủi bản thân, và tự tìm ra lẽ sống cho mình thôi.

Trở lại với việc làm sao để Lịch sử gần với thế hệ trẻ? Người ta chỉ biết nói Lịch sử khô khan, cứng nhắc. Nói suông thì ai chẳng nói được. Nhưng xin khẳng định, Lịch sử không hề khô khan, cứng nhắc ạ. Ngược lại, nếu như biết "đánh trúng tâm lý" thì nó sẽ rất cuốn hút đấy ạ.

Đã bao giờ các bạn tự hỏi, tại sao những bộ tiểu thuyết như Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử lại đi gần đến dân chúng như vậy chưa? Tạm thời chúng ta chưa bàn đến tỷ lệ chính xác của nó là bao nhiêu (mà thực ra thì TQDN hay Thủy hử nó là "bảy thực ba hư", chắc hẳn ai cũng biết).

Lịch sử Việt Nam đâu có kém cạnh sử Trung Hoa đâu, cái chính là chúng ta không có những bộ tiểu thuyết như thế. Hoàng Việt long hưng chí, Hoàng Lê nhất thống chí, Nam triều Công nghiệp diễn chí, về sức hấp dẫn và lan tỏa thì làm sao bằng được Tam quốc diễn nghĩa hay Thủy hử?

Người xưa chưa làm được, thì thế hệ hôm nay sẽ làm việc đó. Chúng ta có thể thực hiện nó bằng nhiều cách, ví dụ như là đưa Lịch sử lên phim ảnh, sân khấu,...(nói chung là những sản phẩm mà giới trẻ ưa chuộng). Hay là, chúng ta có thể "hiện đại hóa" nó, sử dụng ngôn ngữ hiện đại để "diễn nghĩa" Lịch sử dân tộc (Ví dụ: Khi mô tả về thời kỳ Lê Trung Hưng, thay vì nói "Vua Lê giữ uy phúc, chúa Trịnh giữ quyền bính", thì sẽ nói "Chúa Trịnh làm mọi việc, vua Lê ngồi tận hưởng. Nhưng nếu khiến chúa Trịnh ngứa mắt, thì hoàng thân nhà Lê sẽ được free 1 vé chào Thái Tổ, Thánh Tông").

Cách thức thì có nhiều, nhưng ngắn gọn lại là mỗi người hãy cố gắng tìm cho mình một hứng thú với Lịch sử đi. Sách vở Lịch sử, thay vì lê thê chữ nghĩa thì hãy lồng nhiều hình ảnh đa dạng, sinh động; ngôn từ gần gũi vào để cuốn hút giới trẻ hơn nữa. Nhưng mà nếu như thái quá, thì nó lại thành "xuyên tạc, phá hoại" Lịch sử đấy, cái đó thì mình phản đối à nghen.

Trên kia là quan điểm cá nhân của mình, mong được mọi người góp ý ạ.

Mọi người có thể chia sẻ, cơ duyên nào đã đưa các bạn đến với Lịch sử được không ạ?

Từ khóa: 

truyền cảm hứng

,

lịch sử việt nam

,

sử việt

,

lịch sử