Làm thế nào để BÌNH AN trước những phán xét, thị phi ở đời ?

  1. Kỹ năng mềm

Buổi chiều hôm qua tôi nhận được một cuộc điện thoại. Từ phía đầu dây bên kia tôi nghe thấy tiếng nức nở của một em sinh viên mà tôi rất mực yêu quý bởi sự chăm chỉ, thông minh và đầy nghị lực thời đi học. Em tâm sự với tôi về những gì mà em đang phải trải qua tại môi trường làm việc sau khi ra trường. Em bị cho là “ngựa non háu đá”, “trứng khôn hơn vịt” rồi nhận không ít những lời nhận xét không hay từ những đồng nghiệp khi em mạnh dạn bộc lộ bản thân, đưa ra những ý kiến, quan điểm riêng của mình trong những cuộc thảo luận công việc. Câu chuyện của em khiến tôi nhớ đến mình cách đây 15 năm. Ngày đấy tôi cũng như em bây giờ chân ướt chân ráo từ môi trường đại học, sau khi tốt nghiệp tôi hăm hở bước vào một môi trường làm việc mới với sự hồn nhiên cùng bao ước mơ, hoài bão, dự định muốn được thực hiện và mong muốn đem hết lòng nhiệt tình, sự say mê, sáng tạo của tuổi trẻ để cống hiến. Nhưng tất cả đã nhanh chóng lụi tàn khi tôi gặp phải những ánh mắt dò xét, những định kiến, những yêu cầu quy tắc chuẩn mực nghiêm ngặt và những lời nhận xét đầy ác ý dành cho tôi. Tôi vẫn còn nhớ như in những giờ họp (mà sau này đã trở thành nỗi ám ảnh trong tôi) khi tôi đã phải nhận biết bao lời nhận xét, kiểm điểm như hàng tấn bom đạn rớt vào đầu (mà điều phi lý đó đều là những điều không phải như tôi nghĩ, tôi làm). Có những đêm tôi trằn trọc không ngủ được. Tôi bật dậy và khóc nức nở cảm thấy một sự bất lực, bế tắc đang đè nặng lên tâm trí. Trời ơi, với cô bé vừa mới ra trường như tôi, làm sao có thể chịu đựng được!

Và ngay cả bây giờ khi tôi đang sống tốt với chính cuộc sống của mình, theo đuổi những ước mơ và đam mê của bản thân, cố gắng để lan tỏa những nguồn năng lượng tích cực và lối sống lành mạnh cho những người xung quanh trên cơ sở giá trị, vốn sống, sự hiểu biết của bản thân nhưng tôi vẫn không thoát khỏi những lời đàm tiếu phía sau lưng. Họ nói tôi đang ôm đồm, tôi đang sống ảo, tôi quá rảnh rỗi. Tôi đang dùng hình ảnh cá nhân của mình để bán hàng cho một sản phẩm nào đó? Tôi đang ảo tưởng với cuộc sống hạnh phúc cá nhân của mình…Thật là nực cười quá đi !

Khi nghe được những lời nhận xét này, thú thực cảm xúc đầu tiên của tôi khi đó là sự bàng hoàng, run rẩy và không thể tin được rằng mình đang cố gắng sống tốt, lan tỏa điều tích cực cho người thân, bạn bè và những người xung quanh mình thì vẫn không thoát khỏi miệng lưỡi thiên hạ. Từ bàng hoàng tôi chuyển sang sợ hãi. Sợ hãi về chính những con người đã đơm đặt những điều phi thực cho tôi. Sợ hãi bởi đó là những con người sống quanh tôi, những người mà tôi vẫn gặp hàng ngày và khi gặp họ vẫn vồn vã nói chuyện, hỏi han, khen ngợi, khuyên bảo…nhưng đằng sau đó là những nhận xét, dè bỉu đầy ác ý về tôi. Từ sợ hãi tôi chuyển sang ức chế, bực tức và nghi ngờ chính bản thân mình.Thực sự mình đã sống tốt chưa? Mình có làm gì sai không để người khác đàm tiếu, nhận xét như vậy? Tôi quay cuồng đầu óc, rối bời trong hàng tá những suy nghĩ khác nhau, chuyển từ trạng thái cảm xúc này sang trạng thái cảm xúc khác. Thế nên tôi càng hiểu hơn về cảm xúc mà em sinh viên của tôi đang phải trải qua, nhớ lại cảm xúc của mình cách đây 15 năm khi vừa mới ra trường. Môi trường xung quanh với những thị phi, định kiến, thiếu không gian cởi mở, an toàn, thoải mái với những lời nhận xét tưởng như vô thưởng, vô phạt kia rồi sẽ kìm hãm, giết chết lòng nhiệt tình, sự say mê, sáng tạo của con người như thế nào? Đó chính là một thực tế mà chúng ta gặp không ít trong xã hội, trong những môi trường, không gian khác nhau hiện nay. Dường như đâu đó vẫn có những người họ cho rằng mình có quyền để nói, đưa ra những lời bình phẩm, nhận xét về người khác trên cơ sở những quan điểm của họ. Và nhất là khi chúng ta vốn sống trong nền văn hóa mà cái chung dễ dàng được chấp nhận hơn là sự khác biệt. Thế nên sẽ thật là khó để có thể thay đổi được điều này cũng như không thể ngăn cấm hay thay đổi được suy nghĩ của người khác về mình. Chỉ có một cách duy nhất là chúng ta hãy “tự cứu chính mình” ra khỏi những phán xét, thị phi của xã hội.

Khi bình tâm và suy nghĩ lại, tôi biết mình cần/nên phải làm gì. Có một điều chắc chắn rằng tôi sẽ không bao giờ để những lời nhận xét, thị phi kia ảnh hưởng và làm vẩn đục cuộc sống, giết chết đi nguồn năng lượng sống tích cực trong mình. Tôi vẫn sẽ là tôi, sống như những gì vốn có của bản thân, theo những giá trị cá nhân mà tôi mong muốn. Tôi biết đích xác những gì mà mình đang làm. Những câu chuyện, những chia sẻ của tôi là những trải nghiệm từ cuộc đời thực, từ những đúc rút, kinh nghiệm, bài học rút ra qua nhiều chiêm nghiệm, nghĩ suy của bản thân. Như trong một bài viết tôi đã từng chia sẻ “Facebook cũng là không gian để mình có thể chia sẻ những câu chuyện chân thực của bản thân, những thông tin hữu ích mình đọc được, những điều mà mình đã làm được, những quan điểm cá nhân với hy vọng sẽ “cần cho ai đó” và truyền cảm hứng được cho bạn bè, những người xung quanh về cuộc sống” (Bài viết “Mình thường dùng Facebook để làm gì?). Như vậy, nó ít nhiều giúp ích cho tôi, giúp tôi rèn luyện và hoàn thiện bản thân mình tốt hơn. Và đặc biệt tôi đang lan tỏa được nguồn năng lượng tích cực cho những người xung quanh. Tôi biết những người yêu thương tôi đang phấn khởi và vui mừng khi tôi có nhiều thay đổi trong cuộc sống so với con người tôi trước đây. Tôi vui vì nhận được những comment, những lời khen, lời cảm ơn chân thành từ bạn đọc qua mỗi bài viết chia sẻ. Điều đó có nghĩa là tôi đang làm một viết rất tốt cho mình và cho mọi người xung quanh. Vì vậy, tôi sẽ vẫn luôn là tôi cho dù tôi ở bất cứ đâu hay giao tiếp với ai, trên không gian mạng hay không gian thực ngoài đời. Tôi tin rằng sự chân thành, thực tâm luôn là yếu tố cốt lõi giúp tôi có được những mối quan hệ chân thành, bền vững.

Tôi cũng không có quyền phán xét và ngăn cấm người khác nhận xét về mình. Bởi mỗi người đều có quyền tự do ngôn luận. Tôi nghĩ tích cực hơn về những gì mình nghe được, biết được. Đồng thời bình tâm để nghĩ người nói về mình họ là ai? Họ đâu có là mình, sống gần mình và làm sao để hiểu được hết con người mình, những hành động, việc làm mà mình đang làm, những giá trị cá nhân mà mình theo đuổi. Thế nên không nên quá bận tâm về họ và hãy để ngoài tai những lời nhận xét đó. Hơn nữa, những gì mà họ đang nghĩ/nói về mình chỉ là trên cái nhìn hời hợt, bề ngoài của họ về mình dựa trên những quan niệm, định kiến cá nhân của chính họ. Thiết nghĩ việc đánh giá một con người, một sự việc không thể qua cái nhìn phiến diện một chiều mà luôn cần có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, sự kết nối các thông tin, dữ liệu, các góc nhìn mới có thể đưa ra kết luận hay một nhận định phù hợp.

Tôi cũng không cố gắng để sống theo ý kiến của người khác. Bởi tôi hiểu rằng mình không thể chiều lòng hết tất cả mọi người và mình cũng không thể sống để chỉ chiều lòng người khác. Mỗi người cần phải là chính mình. Hãy sống theo ước mơ và những giá trị cá nhân mà mình mong muốn. Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là bạn sẽ lựa chọn một lối sống ích kỷ, sống cho riêng mình mà không hề quan tâm, để ý đến những người xung quanh. Hãy “gạn đục khơi trong”, lắng nghe, lựa chọn những lời khuyên, sự góp ý, chân thành từ những người bạn để giúp mình sống tốt hơn.

Con người là “nhân vô thập toàn”. Tôi biết rằng bản thân mình chưa thể và không thể là hoàn hảo. Nhưng điều quan trọng là tôi biết mình là ai, hiểu được mong muốn, giá trị cá nhân mà mình theo đuổi. Thế nên, tôi sẽ cần phải nỗ lực và cố gắng nhiều hơn nữa để tốt hơn mình của ngày hôm nay và những ngày sau đó để sau này khi nhìn lại tôi không cảm thấy hối hận, nuối tiếc về những ngày đã qua và những việc mình đã làm. Đây cũng chính là lời nhắn nhủ tôi dành cho chính mình và dành cho em sinh viên của tôi ngày hôm qua!

Từ khóa: 

kỹ năng mềm

Em nghĩ thời nay đa số mọi người rơi vào tình cảnh "bị thích hoặc bị ghét, nhưng ít khi được hiểu" cô ạ. Sự tự do bày tỏ quan điểm nếu thoái hóa thì nó trở thành thói quen phán xét người khác. Em mong cô vẫn sẽ tiếp tục lan tỏa những giá trị tích cực ạ.

Trả lời

Em nghĩ thời nay đa số mọi người rơi vào tình cảnh "bị thích hoặc bị ghét, nhưng ít khi được hiểu" cô ạ. Sự tự do bày tỏ quan điểm nếu thoái hóa thì nó trở thành thói quen phán xét người khác. Em mong cô vẫn sẽ tiếp tục lan tỏa những giá trị tích cực ạ.