Làm thế nào để đọc 50+ cuốn sách trong một năm và ghi nhớ những gì đã đọc?

  1. Sách

  2. Kỹ năng mềm

Oprah Winfrey đã từng nói: “Books were my pass to personal freedom. I learned to read at age three, and soon discovered there was a whole world to conquer that went beyond our farm in Mississippi”. “Sách là con đường dẫn tôi đến tự do. Tôi học đọc từ khi 3 tuổi và sớm nhận ra rằng có cả một thế giới để chinh phục bên ngoài nông trại của tôi ở Mississippi”. Tôi cũng là người yêu sách và nhận được nhiều lợi ích từ sách. Nhờ có sách, tôi phát triển tư duy, học hỏi được nhiều điều bổ ích và áp dụng vào cuộc sống. Những cuốn sách như Automic Habits, The 4-Hour Workweek hay gần đây là Show Your Work tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của tôi. Càng đọc nhiều, tôi càng muốn đọc nhiều hơn. Nhưng tôi cũng vấp phải một vấn đề là dù đọc nhiều nhưng lại quên đi phần lớn những gì đã đọc. Lúc này, tôi bắt đầu tìm kiếm những cách đọc sách nhanh và hiệu quả hơn. Tôi nghĩ rằng, những ghi chú của tôi cũng có thể giúp ích phần nào cho việc đọc của bạn. Vậy là bài viết này ra đời.

Tạo thói quen đọc sách

Bắt đầu nhỏ

Khi mới bắt đầu, hãy đặt cho mình những thói quen nhỏ. Đó là điều tôi đã áp dụng và cảm thấy rất hiệu quả trong mọi vấn đề của cuộc sống. Những mục tiêu lớn lao có thể làm bạn phấn khích trong chốc lát, nhưng lại dễ khiến bạn nản lòng. Đặt một mục tiêu nhỏ, phù hợp với bạn sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ giúp bạn bắt đầu và tiếp tục. Ví dụ như đọc 1 trang sách mỗi ngày. 1 trang sách chắc cũng chỉ mất của bạn 2 phút. Đơn giản và dễ dàng. Sau khi đã quen, bạn có thể đọc 2 trang, 3 trang và nhiều hơn nữa. Từ đó bạn hình thành nên thói quen đọc sách cho mình.

Tạo không gian đọc sách

Tạo cho mình một không gian đọc yêu thích sẽ giúp bạn gia tăng cảm hứng. Tôi thích đọc trên chiếc ghế sofa êm ái đật ở nơi nhiều ánh nắng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nơi đọc sách ưa thích của tôi lại là trên giường ngủ. Tôi đặt 1 cuốn sách ở đầu giường và cố gắng tạo thói quen đọc sách trước khi đi ngủ và ngay khi thức dậy.

Bạn cũng có thể thiết kế một không gian đọc cho riêng mình. Tốt nhất, bạn nên chọn nơi yên tĩnh để đọc. Để tránh xao nhãng khi đọc, bạn cũng nên để điện thoại ra khỏi tầm với và tắt các thông báo từ điện thoại.

Cố định một khoảng thời gian trong ngày để đọc sách

Trước đây, ngay khi thức dậy, tôi luôn sử dụng điện thoại để vào Kenh14 xem tin tức. Hiện tại, tôi bắt đầu thay thế thói quen này bằng việc đọc sách. Tôi luôn đọc khoảng 20 phút, sau đó mới đi làm vệ sinh cá nhân và ăn sáng.

Buổi tối, tôi cũng dành 30 phút trước khi đi ngủ để đọc sách. Đây thường là khoảng thời gian tôi thích nhất trong ngày. Vì tôi cảm thấy thư giãn và thoải mái khi đã hoàn thành công việc. Bởi vậy, tôi cực kỳ háo hức khi được đắm mình vào cuốn sách yêu thích.

Có một danh sách những cuốn sách yêu thích

Tôi luôn có một danh sách những cuốn sách muốn đọc. Mỗi khi có một tác giả yêu thích nào đó gợi ý những cuốn sách phù hợp với bản thân, tôi thường kiểm tra trên Goodreads và lưu lại. Sau khi sinh con, tôi không giữ được thói quen này.

Gần đây, tôi sử dụng Goodreads trở lại vì nhận thấy những lợi ích của ứng dụng này. Tôi sẽ tiếp tục cập nhật những cuốn sách yêu thích trên Goodreads. (Và cả trên The Introvert Writer trong thời gian tới). Bạn có thể tìm thấy tôi trên Goodreads

tại đây
.

Hãy tạo cho mình một danh sách đọc nhé. Nó sẽ giúp bạn có thêm động lực đọc sách. Bạn cũng dễ dàng chuyển sang một cuốn sách mới mà không mất thời gian tìm kiếm đâu sẽ là cuốn sách tiếp theo của bạn.

Tham gia câu lạc bộ sách hoặc thử thách đọc sách

Tham gia câu lạc bộ sách cũng là một cách giúp bạn có thêm động lực để đọc sách. Hiện nay, có rất nhiều nhóm đọc sách trên Facebook bạn có thể tham gia. Thực ra, tôi cũng không tham gia nhiều nhóm trên Facebook ở thời điểm hiện tại. Vì tôi có con nhỏ và nhiều việc cần hoàn thành trong ngày. Tôi chỉ giới hạn ở 2 đến 3 nhóm mà tôi thực sự có thể đóng góp cho cộng đồng đó.

Tuy nhiên, tôi có tham gia một nhóm đọc sách tương tự khi học đại học và cảm thấy hiệu quả. Chúng tôi đọc sách và chia sẻ những ý kiến về cuốn sách. Mỗi khi có thời gian, chúng tôi cũng thường rủ nhau đi mua sách. Dù cũng có những sở thích đọc khác nhau, chúng tôi vẫn thường kể cho nhau về cuốn sách mình đang đọc. Nhờ đó, chúng tôi biết thêm những kiến thức thú vị mà không cần trực tiếp đọc cuốn sách đó.

Tham gia thử thách đọc sách cũng là một cách bạn nên thử. Ngày trước, tôi tham gia thử thách đọc trên Goodreads và thất bại. Nhưng tôi dự định sẽ tiếp tục thử thách hoàn thành reading list của mình trong năm nay, bắt đầu từ tháng 7 này.

Mang theo sách mọi nơi, mọi lúc

Khi đi ra ngoài, tôi luôn mang theo một cuốn sách. Trong thời gian chờ đợi, tôi có thể đọc sách. Như vậy tôi không cảm thấy phiền khi phải chờ một ai đó. Nếu giữ thói quen này thường xuyên, bạn sẽ đọc được rất nhiều sách. Tùy vào sở thích của mình, bạn có thể lựa chọn mang theo sách giấy hoặc sách điện tử.

Tôi có sử dụng Kindle, nhưng vẫn thích mùi sách giấy. Với những cuốn sách yêu thích, tôi thường giữ sách giấy và đọc lại nhiều lần. Tôi luôn cảm thấy thật tuyệt vời mỗi khi cầm một cuốn sách trên tay,

Dù vẫn thích đọc hơn là nghe sách, nhưng với sự tiện lợi của sách nói, có thể tôi sẽ chuyển sang thói quen này trong thời gian tới. Hiện tại, thi thoảng tôi có sử dụng Audible. Audible có nhiều cuốn sách với giá khá hợp lý, chỉ với 0.99$. Gần đây tôi biết được một ứng dụng sách nói khá thú vị. Đó là

Fonos
. Bạn có thể đăng ký sử dụng ứng dụng này cho mình. Tôi cũng dự định sẽ trải nghiệm ứng dụng này trong thời gian tới.

Trao thưởng khi hoàn thành thử thách đọc sách

Nếu như làm xong một điều gì đó mà được thưởng thì còn động lực nào to lớn hơn. Tôi thường sử dụng chiêu này khi cần tạo ra động lực cho bản thân. Thường thì tôi thích được thưởng một buổi tối xem phim tại gia với đồ ăn, đồ uống ưa thích. Thi thoảng là những lần đi ăn nhà hàng cùng cả gia đình. Treo thưởng khiến tôi cố gắng và nỗ lực hơn để hoàn thành những kế hoạch đã đề ra. Bạn cũng nên giữ một danh sách những điều bạn mong ước, và lấy nó làm phần thưởng cho mình mỗi khi hoàn thành mục tiêu đọc sách nhé.

Để đọc sách nhanh và hiệu quả

Lựa chọn những cuốn sách phù hợp với bạn

Chắc hẳn các bạn đã từng trải qua tình trạng mua một cuốn sách về vì nghĩ rằng đó sẽ là cuốn sách tuyệt vời với bạn. Kết quả là, bạn lại không thoải mái vì những gì cuốn sách mang lại. Có thể bạn không thích cách viết của tác giả. Đôi khi bạn không đồng ý với những quan điểm mà tác giả đưa ra trong sách. Hay bạn không hiểu những gì mà tác giả truyền tải. Ví dụ như có lần tôi mua một cuốn sách là bản dịch tiếng Việt và không hiểu được ý tưởng của người dịch. Tôi đọc trong chán nản và bỏ dở cuốn sách giữa chừng.

Bởi vậy khi có điều kiện, tôi thường tìm sách gốc Tiếng Anh để đọc. Ngoài ra, tôi cũng lựa chọn sách dựa vào gợi ý từ bạn bè, hoặc từ những tác giả mà tôi yêu thích. Thi thoảng, vô tình tìm được một cuốn sách có tựa đề hay, tôi sẽ xem review trên Goodreads. Đây là một vài tips giúp tôi tìm kiếm những cuốn sách yêu thích cho mình.

Quy tắc 50

Có bao giờ bạn thấy áp lực phải đọc hết cuốn sách mình đã mua? Nhiều khi chỉ vì tiếc số tiền bỏ ra để mua cuốn sách? Gần đây, tôi đặc biệt quan tâm đến việc

tối ưu hóa thời gian
. Bởi vậy, tôi không muốn lãng phí thời gian cho một cuốn sách mình không thích.

Tôi biết được một quy tắc khá hay để bạn có thể áp dụng vào việc đọc sách. Đó là hãy đọc 50 trang đầu tiên của cuốn sách. Nếu bạn cảm thấy cuốn sách không phù hợp với bản thân, hoặc bạn không hợp với phong cách của tác giả, hay bất kỳ lý do gì khác, hãy dũng cảm đặt nó sang một bên. Chuyển sang một cuốn sách khác mà bạn yêu thích.

Đọc lướt

Tôi biết đến kỹ năng skim – đọc lướt khi học IELTS. Tuy nhiên, tôi chưa hề sử dụng kỹ năng này vào việc đọc sách. Cho đến gần đây khi muốn đọc nhiều sách hơn nữa, tôi chợt nhớ ra và muốn thử vào việc đọc của mình. Hiện tại, tôi luôn cố gắng đọc lướt để lấy ý chính của cuốn sách. Nếu nhìn qua có một đoạn nào hay và tâm đắc tôi mới dừng lại để đọc thật kỹ. Điều này khiến tôi đọc nhanh và hiệu quả hơn.

Ghi nhớ những gì bạn đọc

Đọc thành tiếng

Gần đây, khi theo học chị Linh Phan, tôi học được cách đọc to mỗi khi cần biên tập bài viết. Tôi nảy ra ý tưởng thử nghiệm cách này vào đọc một cuốn sách. Hầu như tất cả những cuốn sách tôi đọc gần đây đều là sách tiếng Anh. Với cách này tôi cũng có thể luyện tập khả năng nói và phát âm của bản thân. Đương nhiên, chỉ với đoạn thực sự hứng thú tôi mới đọc to. Khi đọc lướt, tôi không thể thực hiện cách này.

Take notes khi đọc

Trước đây, khi đọc xong một cuốn sách tôi thường quên những gì mình đọc sau khoảng một, hai tuần. Gần đây, tôi bắt đầu áp dụng việc take notes, ghi chép lại những đoạn hay trong sách để làm tư liệu. Điều này cũng giúp tôi nhớ lâu hơn. Tôi thường sử dụng giấy nhớ để dán vào sách. Thi thoảng tôi ghi luôn vào sách. Tôi học được đâu đó rằng, ghi vào sách có thể khiến bạn đọc hiệu quả hơn. Bởi khi cần đọc lại, bạn nhìn lại những dòng đã ghi và nhớ ra những ý tưởng chợt xuất hiện trong đầu mình đã được ghi lại trong sách.

Nếu không ngồi đọc trên bàn, tôi gấp góc trang mà tôi yêu thích để có thể tìm lại một cách dễ dàng. Nếu sử dụng thiết bị điện tử, tôi sử dụng chức năng highlight để ghi nhớ lại.

Review sau khi đọc

Ngoài ra, tôi cũng thực hiện việc review 3 dòng về cuốn sách ngay sau khi đọc. Những cảm xúc thường chỉ vẹn nguyên ngay khi bạn vừa đọc xong cuốn sách. Bởi vậy, ghi chép lại ngay khi vừa đọc sẽ giúp bạn lưu giữ những cảm xúc chân thật nhất của mình.

Ứng dụng ít nhất một điều đã học vào cuộc sống

Sau khi đọc xong cuốn sách, tôi luôn cố gắng tìm một điều đơn giản nhất để có thể áp dụng vào cuộc sống. Bởi chỉ có như vậy, kiến thức mới trở thành của bạn và mang lại lợi ích cho bạn. Khi đọc xong cuốn sách thói quen nguyên tử của James Clear, tôi đã bắt đầu thực hành một vài điều vào cuộc sống. Đầu tiên là thói quen 2 phút để bắt đầu mọi thứ. Sau đó là việc tạo ra thói quen làm những việc cố định trong một khoảng thời gian nào đó. Ví dụ đọc sách ngay khi thức dạy hay trước khi đi ngủ.

Hãy nhớ ứng dụng những điều đã học từ sách để làm giàu thêm cho cuộc sống của mình nhé.

Dạy lại những gì đã học

Trong

bài viết
về đọc sách, Darius Foroux – một trong những tác giả tôi yêu thích đã viết:

“Luôn cố gắng học mọi thứ với mục đích dạy lại nó cho những người khác. Khi bạn có tư duy này, bạn sẽ nỗ lực tối đa để hiểu được những khái niệm và ý tưởng của cuốn sách. Trong quá khứ, tôi từng rất bị động. Tôi đọc một vài thứ và cho rằng đã hiểu được ý đồ của cuốn sách. Một sai lầm to lớn. Bộ não của chúng ta thực sự mạnh mẽ, nhưng không đến nỗi như vậy.

“Hoặc tôi đọc được một vài điều và cho rằng đó là sự thật. Nhưng tôi cũng học được rằng không có sự thật nào hơn là một thứ có ích (đó gọi là triết lý thực dụng). Đừng bao giờ cho rằng mọi thứ là đúng đắn. Hãy phản biện và tìm kiếm những ý tưởng từ góc nhìn của bạn. Điều này đúng với người này, nhưng cũng có thể không đúng với người khác, kể cả bạn.”

Bạn có thể đọc rất nhiều và tìm kiếm được nhiều điều mới mẻ từ sách. Nhưng đừng quên phản biện và tìm hiểu xem điều đó có thực sự đúng và phù hợp với mình hay không. Tôi cũng luôn cố gắng giữ cho mình tư duy này khi đọc sách. Nhiều cuốn sách nói với tôi về tác dụng của việc dậy sớm. Tôi biết điều đó. Nhưng với một bà mẹ hai con bị mất ngủ kinh niên sau nhiều năm chăm sóc con nhỏ như tôi, rất khó để trở thành “early bird”. Tôi luôn ngủ đến khi nào bản thân thấy đủ và có thể thức dậy một cách sảng khoái. Đương nhiên, không phải là lúc 9, 10 giờ sáng. Nhưng cũng không phải là lúc 4 giờ sáng như nhiều người có thể làm. (Tôi thường dậy vào lúc 6 giờ sáng).

Lời Kết

Một lần nữa, tôi muốn mượn lời của Darius Foroux để kết thúc bài viết này. “Hãy nhớ rằng; Không quan trọng là bạn đọc được bao nhiêu cuốn sách. (Bạn có thể quên con số 50+ của tôi, nhưng tôi vẫn sẽ giữ nó như một mục tiêu của mình). Nhiều khi nhiều hơn không có nghĩa là tốt hơn. Hãy hỏi tại sao mình lại đọc? Thời gian là có hạn. Hãy sử dụng nó một cách thông minh. Cho tất cả mọi điều. Kể cả việc đọc một cuốn sách.”

Chúc các bạn đọc vui, đọc nhanh, nhớ lâu và áp dụng mọi điều mình đọc một cách hiệu quả vào cuộc sống!

Từ khóa: 

đọc sách

,

đọc hiệu quả

,

đọc sách nhanh

,

sách

,

kỹ năng mềm

Mình nghĩ đọc nhiều không quan trọng bằng đọc được những gì. Nói cách khác, chất lượng đọc quan trọng hơn số lượng đọc.

Trả lời

Mình nghĩ đọc nhiều không quan trọng bằng đọc được những gì. Nói cách khác, chất lượng đọc quan trọng hơn số lượng đọc.

Bạn có lẽ là người đọc rất chăm chỉ với những kế hoạch chỉn chu phải không ạ ^^?

Đọc được 50 cuốn sách hiệu quả trong một năm chắc hẳn cuộc sống của người đọc sẽ có nhiều thay đổi tích cực, chị nhỉ?