Lịch sự trong giao tiếp

  1. Kỹ năng mềm

“Lịch sự là có thái độ nhã nhặn, lễ độ khi tiếp xúc phù hợp với quan niệm và phép tắc xã giao của xã hội”

Mình còn nhớ có một lần khi đi du lịch đền Đô (Bắc Ninh) mình đã chứng kiến cảnh một “ông Tây” đã phải nghiêm mặt “hét” lên: “Lịch sự đi” khi nhiều người cứ ngang nhiên qua lại trước ống kính máy ảnh khiến ông không tài nào chụp được một bức hình nào. Rồi nhớ có lần đi ăn trong một bữa tiệc có cô gái rất xinh xắn, dễ thương nhưng khi ăn thì không mấy “lịch sự” chút nào. Cô ấy cứ chỉ nhăm nhăm ăn cái mình thích, đảo đi đảo lại cả đĩa thức ăn chỉ vì muốn tìm được đúng cái mình muốn ăn.

Rồi một lần, trong một cuộc hội thảo với sự có mặt của nhiều các quan khách, các nhà khoa học, các chuyên gia, một nữ nghiên cứu trẻ có gương mặt dễ nhìn và trang phục sang trọng đã lôi cuốn thiện cảm của mọi người ngay giây phút đầu tiên. Nhưng khi ngài chủ tịch hội thảo đang phát biểu thì mọi người giật mình vì tiếng chuông điện thoại phát ra, nữ nghiên cứu trẻ này bắt đầu cuộc đàm thoại bằng giọng nói hết sức ngọt ngào, trong trẻo với âm thanh “vừa đủ nghe cho cả mọi người”. Sau đó, ngồi trong phòng họp mà dường như gương mặt của cô ấy lúc nào cũng bận rộn, miệng luôn nhai nhóp nhép kẹo cao su. Đôi lúc cô ta nhìn cô phiên dịch không mấy hài lòng, thỉnh thoảng còn chỉnh sửa từ ngữ dịch chưa được chính xác với vẻ bực bội ra mặt…Và rồi rất nhiều lần nữa mình nghe đâu đó những lời nhận xét, đánh giá như “sao vô duyên thế”, “đúng là đồ bất lịch sự”, “Tại sao mọi người lại cư xử như vậy? Phép tối thiểu về lịch sự trong giao tiếp chả nhẽ mọi người cũng không biết sao?…

Sau những lần chứng kiến đó, khi trở về nhà mình băn khoăn: Thế nào là lịch sự trong giao tiếp? Phải làm thế nào để trở thành người lịch sự trong giao tiếp? Mình bắt đầu quá trình tìm hiểu, học hỏi, tích lũy kiến thức, quan sát cử chỉ, tư thế, sự cư xử, giao tiếp của những người xung quanh và mình đã có câu trả lời.

*Lịch sự và lịch sự trong giao tiếp

Thế nào là lịch sự và lịch sự trong giao tiếp? Đây là vấn đề đầu tiên mình cần hiểu.“Lịch sự là có thái độ nhã nhặn, lễ độ khi tiếp xúc phù hợp với quan niệm và phép tắc xã giao của xã hội” (Theo Từ điển Tiếng Việt). Như vậy lịch sự là có thái độ ứng xử phù hợp với văn hoá của một xã hội nhất định. Gắn liền với những phương tiện được sử dụng trong quá trình giao tiếp, mình hiểu lịch sự là những ngôn ngữ, cử chỉ, hành vi mà người tham gia giao tiếp sử dụng trong hoạt động giao tiếp một cách có ý thức nhằm thể hiện sự tôn trọng đối tượng giao tiếp với mình, khiến người giao tiếp cảm thấy tốt hơn, dễ chịu hơn hoặc ít tồi tệ hơn và từ đó sẽ tạo ra sự hòa hợp giữa các đối tác giao tiếp. Trong đó điều quan trọng nhất để thể hiện sự lịch sự trong giao tiếp là sự tôn trọng – nguyên tắc hàng đầu trong giao tiếp. 

*Một số cách thể hiện sự lịch sự trong giao tiếp 

1/Lịch sự trong ngôn ngữ giao tiếp

unnamed (1)



Lịch sự trong ngôn ngữ giao tiếp có nghĩa là bạn cần có những ngôn ngữ (nói và viết) thể hiện sự tôn vinh, đề cao thể diện/nhân thân của người giao tiếp với mình, ghi nhận, tôn trọng họ. Ví dụ: gọi tên, gọi đầy đủ tên và chức vị hoặc dùng một số ngôn từ mang tính trang trọng như: trân trọng, hân hạnh, quý vị, ngài…(ta sẽ thường bắt gặp cách nói năng này trong những cuộc giao tiếp chính thức như hội họp, hội nghị, hội thảo…). 

Hay đó là sự tôn trọng, nâng cái TÔI của người nghe bằng cách “nâng tầm người nghe” hoặc “hạ tầm người nói”. Bạn sẽ thường hay gặp cách nói: Thưa chị, tôi có thể giúp gì cho chị đây ạ, Chủ nhật này xin được mời hai bác quá bộ đến nhà em chơi, Chẳng mấy khi rồng đến nhà tôm chơi (cách nói pha chút hài hước thân mật)

Lịch sự trong ngôn ngữ giao tiếp đôi khi là bộc lộ sự quan tâm đến người khác, kéo gần khoảng cách giữa người nói và người nghe, tạo sự gần gũi, thân mật. Hãy khẳng định hoặc cho người nghe biết rằng bạn quan tâm đến họ như thế nào. Ví dụ: Mình biết là cậu rất bận nhưng vì mình đang rất cần cậu giúp đỡ nên cậu có thể bớt chút thời gian xem bài luận này giúp mình được không?  Tôi biết làm thế này là phiền chị lắm, nhưng nhờ chị đọc giúp bản thảo này…

“Xin lỗi”, “nhận lỗi” người khác cũng có thể là một phép lịch sự trong giao tiếp. Không nhất thiết bạn phạm lỗi bạn mới phải nói lời xin lỗi mà lời xin lỗi ở đây được thực hiện khi người nói ý thức được việc mình sắp làm phiền người khác hoặc sắp nêu ra điều gì đó không tốt với người nghe, vì vậy họ lấy làm rất áy náy. Lời xin lỗi mở đầu câu nói trước khi đề cập đến điều không tốt thể hiện sự áy náy của người nói (là phép lịch sự trong giao tiếp), giúp cho người nghe khi tiếp nhận cảm thấy tốt hơn, dễ chịu hơn hoặc ít tồi tệ hơn (tạo sự hòa hợp giữa các đối tác giao tiếp). Ví dụ nếu là người lịch sự bạn sẽ nói “Tôi rất xin lỗi phải thông báo với bạn công ty chúng tôi không không thể nhận bạn trong đợt tuyển dụng này. Hẹn gặp lại bạn trong lần tuyển dụng tiếp theo” hoặc “Tôi xin lỗi vì có thể ý kiến của tôi đưa ra không đồng quan điểm với anh”; Rất tiếc là trong điều kiện hiện nay chúng tôi chưa thể đáp ứng những yêu cầu của ông…

Bạn có thể thể hiện sự lịch sự trong giao tiếp bằng cách tránh đề cập đến người nói và người nghe khi họ mặc lỗi (chỉ mặt điểm tên trực tiếp khiến họ xấu hổ, mất thể diện trước đông người). Ví dụ bạn chỉ nên nói: Tôi đề nghị không nói chuyện riêng trong giờ họp; Tôi đề nghị các anh, chị ngồi cuối phòng không nói chuyện riêng trong lớp học; Tôi đề nghị chúng ta không nói chuyện riêng trong phòng họp…

Một cách khác để thể hiện lối nói lịch sự trong giao tiếp: nói công khai như thể người nói chịu ơn người nghe. Ví dụ: Chị làm ơn làm phước cho tôi một lời khuyên; Nếu được anh giúp thì tốt quá/thì còn gì bằng/thì quý hóa quá/thì tôi không bao giờ dám quên ơn. ..

2/Lịch sự trong ăn uống

2_60088



Để thể hiện sự lịch sự trong ăn uống bạn cần lưu ý thực hiện theo một số phép tắc mà ông cha ta đã dạy như: 

 “Lời mời cao hơn mâm cỗ”: cần có lời mời trước và sau khi ăn xong. Một số người thường chỉ nhớ mời khi bắt đầu ăn (hoặc đôi khi quên cả lời mời) nhưng khi ăn xong thường đứng dậy ngay mà không mời người còn lại. 

“Ăn trông nồi ngồi trông hướng”: khi ngồi ăn bạn nên chú ý vị trí chỗ ngồi sao cho hợp lý, tránh như Mã Giám Sinh khi đến nhà Kiều “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng” bạn nhé. Theo văn hóa của người Việt mình vị trí chỗ ngồi thường sẽ tùy theo quan hệ vị thế (quan hệ này sẽ do địa vị, tuổi tác, giới tính chi phối) nhất là ngày xưa khi chúng ta bị ảnh hưởng nhiều bởi tư tưởng Nho giáo (đề cao tính tôn ti trật tự, trọng nam khinh nữ) hoặc văn hóa trọng lão của người Việt. Ngày nay điều này có thể đã có nhiều thay đổi nhưng bạn vẫn cần lưu ý “nhập gia tùy tục” nhé. Ngoài ra khi ăn bạn cũng nên để ý lượng thức ăn, cách gắp các món ăn sao cho lịch sự bởi lẽ bạn là ai cũng sẽ được thể hiện rất rõ trong văn hóa ăn uống của bạn đó. 

“Ăn có nhai, nói có nghĩ”: điều này có nghĩa là khi ăn bạn cần chú ý ăn uống nhỏ nhẹ,  không vương vãi, không nhai chóp chép, thành tiếng…

Ngoài ra còn có rất nhiều tiểu tiết khác trong ăn uống (mà nhiều khi chúng ta thường bỏ qua) bạn cần lưu ý để không bị coi là bất lịch sự nhé. Ví dụ: cách đưa gắp thức ăn, cách chấm đồ ăn, để muôi canh…

3/Lịch sự trong ăn mặc, cử chỉ, tư thế

34940-e7e203587073918caca4e363f1de8ee5-ohaytv



Trang phục trong giao tiếp được ví như “làn da thứ hai” của con người. Cách ăn mặc là một trong những chỉ số quan trọng cho biết bạn là ai (quan điểm, lối sống, gu thẩm mỹ…) đồng thời thể hiện sự lịch sự, tôn trọng của bạn với người giao tiếp hay không. Vì vậy, bạn cần chú ý cách ăn mặc sao cho phù hợp với: làn da, vóc dáng, giới tính, tính cách, thời đại, hoàn cảnh, đối tượng, tính chất của cuộc giao tiếp và cả các thông lệ văn hóa – xã hội nữa bạn nhé.

Khi giao tiếp bạn cần tránh một số động tác, cử chỉ, tư thế không nên có: đưa ngón tay ra chỉ chỉ, trỏ trỏ đặc biệt là chỉ vào mặt người khác, gác đầu gối, chĩa mũi chân vào người đối diện, ngoáy tai, ngoáy mũi, rung đùi, xem đồng hồ tỏ ý sốt ruột khi người khác đang nói, ánh mắt nhìn đi chỗ khác, không tập trung hoặc nhìn thẳng, nhìn trừng trừng, nhìn đểu vào người đối diện…bởi tất cả đều thể hiện sự bất lịch sự của bạn. 

Ngoài ra, còn có rất nhiều phương diện khác, như: có mặt đúng giờ, giữ đúng lời hứa, không xâm phạm vào sự riêng tư của người khác, giữ một khoảng cách nhất định giữa người nói và người nghe…đều là những cách để thể hiện sự lịch sự, tôn trọng đối với người khác đồng thời thể hiện sự tự trọng của chính mình. 

Lịch sự là một trong những yếu tố quan trọng cần có trong giao tiếp thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với đối tượng giao tiếp, giúp xây dựng hình ảnh của bạn trong mắt người khác đồng thời tạo nên hiệu quả của cuộc giao tiếp. Vì vậy, hãy là người lịch sự trong giao tiếp các bạn nhé. 

Từ khóa: 

giao tiếp

,

kỹ năng mềm