Sự hữu hạn của con người trong giao tiếp

  1. Kỹ năng mềm

Nhận lời anh Hưng từ rất lâu rồi nhưng chưa bao giờ nghiêm túc ngồi viết một bài về kĩ năng mềm, nay nhân dịp đứng lớp cả ngày về đào tạo Kĩ năng giao tiếp, mình sẽ trích một vài lí do để giải thích tại sao chúng ta tự hào là chúng ta giỏi giao tiếp rồi mà vẫn phải học thêm về nó nhé.

Lý do 1: Điều tác động đầu tiên khi một người đi làm/chơi/ở bất cứ đâu đó chính là giao tiếp với người khác.

Con người khác động vật ở chỗ là có giao tiếp thành tiếng nói và biến nó trở thành ngôn ngữ để có thể học tập cũng như lan toả được. Đây là thế mạnh đặc biệt của chúng ta mà chúng ta lại bỏ lỡ nó, không chịu áp dụng nó hoặc áp dụng không triệt để thì sẽ vô cùng lãng phí. Một người không giao tiếp với người khác thì thực sự sẽ rất cô đơn lạc lõng. Vì vậy trước khi than phiền là tôi không giỏi giao tiếp hãy tự hỏi mình đã chịu mở lòng, chịu mở lời trước mọi người hay chưa nhé.

Lý do 2: Hầu hết chúng ta đã giao tiếp nhưng rơi vào dạng giao tiếp một chiều.

Đã bao giờ bạn rơi vào trạng thái ta nói và chỉ mình ta nghe chưa. Nếu bạn nào đã có con nhỏ chắc sẽ đâu đó trải nghiệm cảm giác này, mình nói và con cho ngoài tai, thậm chí lờ đi lời ta nói - chính là ta rơi vào bẫy chỉ giao tiếp một chiều, không có sự tương tác qua lại và kết quả thì ta cũng đoán được rồi đấy - chắc chắn sẽ không hiệu quả như những gì ta muốn.

Lý do 3: Não bộ của chúng ta tự động xoá bỏ, bóp méo, khái quát thông tin.

Mỗi một giây vũ trụ gửi cho chúng ta 2 triệu bit thông tin thế mà đi vào não chỉ có 134 bit thôi (ít nhờ), số còn lại tự động bị bộ não xoá bỏ, bóp méo luôn. Sếp họp cả tiếng đồng hồ mà sau khi ra về chắc ta chỉ nhớ được vài điều cuối cùng bắt đầu bằng câu "Túm lại nhiệm vụ của chúng ta là...", thậm chí có người chỉ nhớ nổi mỗi một nội dung duy nhất một thông điệp "Nay phòng họp mà sếp nói nhiều lắm, không nhớ gì cả", thật ngộ vì chúng ta hữu hạn thế đấy, ta tưởng ta siêu phàm lắm mà có những thứ não bộ tự quyết định, không cho chúng ta có cơ hội nhúng tay vào đâu.

Lý do 4: Giao tiếp thông thường khác với giao tiếp chuyên nghiệp.

Giao tiếp thông thường là có một bên nói, một bên nghe, nhưng giao tiếp chuyên nghiệp lại là quá trình trao đổi thông tin giữa hai hoặc nhiều bên nhằm không ngừng TẠO LẬP, CỦNG CỐ và PHÁT TRIỂN mối quan hệ qua lại giữa các bên (TS. Đặng Ngọc Sự). Ồ, giật mình chưa khi ta chưa bao giờ đặt câu hỏi mình giao tiếp để làm gì, hoá ra mình chưa chuyên nghiệp đâu khi mình chưa hề xác định mục tiêu cuối cùng của giao tiếp chính là 3 yếu tố cốt lõi trên.

Sương sương 4 lý do trên cũng cho ta thấy rằng thứ ta nghĩ dễ như ăn kẹo mà cũng cần rèn luyện và tu luyện nhiều nhiều lắm.

Vậy để giao tiếp hiệu quả ta cần làm gì nhờ, các bạn chịu khó chờ mình rồi bài tiếp theo mình chia sẻ dần dần hen hihi.

Cảm ơn các bạn!

Từ khóa: 

kĩ năng mềm

,

giao tiếp

,

hiệu quả

,

kỹ năng mềm