Lý do khiến liên quân Pháp-Tây Ban Nha lựa chọn Đà Nẵng trong cuộc chiến với Đại Nam

  1. Lịch sử

   Ngày 31/8/1858, đoàn quân viễn chinh Pháp-Tây Ban Nha dưới sự chỉ huy của Rigault de Genouilly dàn trận trước cửa Đà Nẵng và gửi tối hậu thư cho quan quân trấn thủ yêu cầu phải hạ vũ khí. Sáng sớm ngày 1/9/1858, đại bác trên các tàu chiến nổ vang, nã đạn liên tiếp về phía đồn luỹ trên thành. Vậy lý do vì sao Pháp lại chọn Đà Nẵng làm mục tiêu nổ súng đầu tiên, khởi đầu cho cuộc chiến với Đại Nam, tôi xin dành ra vài ý kiến cá nhân:

  Đà Nẵng với vị trí quan trọng cả về chính trị-kinh tế giao thương sẽ là một căn cứ vững chắc ở châu Á mà bất kỳ nước phương Tây nào cũng muốn chiếm lấy bằng được. Có Đà Nẵng cũng chính là chẹn giữ con đường giao thương liên lạc Á-Âu, mọi mối quan hệ tác động trong khu vực sẽ được quan sát một cách đầy đủ từ đây. Nếu tìm hiểu các nguồn tài liệu, thư từ, trao đổi tin tức giữa các giáo sĩ với nước Pháp; ta sẽ thấy ngay từ thế kỷ XVII, XVIII Pháp đã có mối quan tâm đặc biệt đến khu vực Đông Nam châu Á và luôn tìm cách giành lấy trước khi bị Anh hẫng tay trên giống như ở Ấn Độ; cũng chính là tạo được một chỗ đứng vững chắc ở khu vực châu Á, đối lại với Anh lúc này cũng đang gắng sức vươn rộng tầm ảnh hưởng của mình. Xây dựng Đà Nẵng thành một thị trường thuộc địa rộng lớn, việc khai thác trao đổi giữa các nước phương Tây sẽ thuận lợi hơn mà không phải đi thêm một quãng đường xa nữa để tới Trung Hoa.

  Đà Nẵng với các cửa biển, hải cảng rộng lớn vô cùng thuận tiện để tàu thuyền ra vào, sẽ giúp ích rất nhiều cho cuộc tấn công lần này. Đồng bằng Nam-Ngãi đủ sức cung cấp lương thực lâu dài cho liên quân suốt cuộc chiến. Cùng với Hải Vân Quan-“Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, tạo thành tuyến phòng thủ quan trọng án ngữ cho Kinh thành Huế. Chiếm Đà Nẵng xong, chỉ cần vượt qua Hải Vân Quan đánh ngược lên thì quân Pháp sẽ nhanh chóng áp sát uy hiếp Kinh thành, buộc triều đình nhà Nguyễn phải đầu hàng -“giáng cho Huế một đòn quyết định” và tiến tới một chiến thắng vang dội. Đây cũng là chiến lược”Đánh nhanh thắng nhanh” trong lộ trình viễn chinh xứ An Nam của Pháp.

   Nhưng tất cả dự định đều không trở thành hiện thực; khi Nguyễn Tri Phương xuất hiện, những cuộc tấn công vào sâu trong đất liền bị ngăn lại. Chiến lược “vườn không nhà trống”, tập kích quấy rối đẩy liên quân vào thế phải chống cự một cách mệt mỏi. Địch bị cầm chân trên bán đảo Sơn Trà và các đồn luỹ An Hải, Điện Hải mà không thể tiếp tục kế hoạch. Sau năm tháng dừng ở Đà Nẵng tiến thoái lưỡng nan; ngày 2/2/1859, De Genouilly cho đem phần lớn quân tiến vào Gia Định, chỉ để lại một lực lượng tiếp tục đóng ở Đà Nẵng. Từ đây; những trận đánh, biến cố sẽ xảy đến với Đại Nam trong cuộc chiến với Pháp-Tây Ban Nha và sau này là mình nước Pháp.


Tài liệu tham khảo:

-Chống xâm lăng-Trần Văn Giàu-Nhà xuất bản Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2017.

-Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858-1897)-Nguyễn Xuân Thọ-Nhà xuất bản Hồng Đức, 2018.

-Đại cương Lịch sử Việt Nam-Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn-Nhà xuất bản Giáo Dục, 2015.

-Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XIX-Đào Duy Anh-Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc, 2018.

-Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX-Lê Thành Khôi-Nhà xuất bản Thế Giới, 2016.

-Lịch sử Việt Nam tập III-Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Khánh, Phạm Hồng Tung, Phạm Xanh-Nhà xuất bản Đại học Quốc Gia Hà Nội, 2016.

-Lịch sử Việt Nam tập VI từ năm 1858 đến 1896-Võ Kim Cương, Hà Mạnh Khoa, Nguyễn Mạnh Dũng, Lê Thị Thu Hằng-Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2013.

-Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (1847-1885)- Yoshiharu Tsuboi-Nguyễn Đình Đầu dịch-Nhà xuất bản Tri Thức, 2017.

-Việt Nam sử lược-Trần Trọng Kim-Nhà xuất bản Kim Đồng, 2017.

-Việt sử tân biên tập V-Phạm Văn Sơn-Cơ sở xuất bản Đại Nam.



Từ khóa: 

lịch sử