[Ngày này năm xưa] Ngày thành lập quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam

  1. Lịch sử

Bạn có biết ngày 15/2/1961 Bí thư Xứ ủy Nguyễn Văn Linh đã đọc nhật lệnh quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang ở miền Nam Việt Nam thành Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam

Với mục đích tạo một vị thế độc lập với Quân đội Nhân dân Việt Nam ở miền Bắc của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và chỉ thị của Tổng quân ủy, ngày 15/2/1961 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập với lực lượng ban đầu là các đội vũ trang tự vệ, vũ trang tuyên truyền của các địa phương miền Nam. 

Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam (QGPNM) tên chính thức là Các lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam Việt Nam, gọi tắt là Giải phóng quân hoặc Quân Giải phóng. Đến cuối năm 1961, bộ đội địa phương tỉnh, huyện và bộ đội chủ lực khu có 24.500 người; du kích, tự vệ có 100.000 người (70.000 người ở Nam Bộ, 30.000 người ở khu V). Bộ đội chủ lực thuộc các quân khu có 11 tiểu đoàn. Các tướng lĩnh chỉ huy Quân Giải phóng: Trần Văn Trà, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh, Nguyễn Thị Định… Tính đến tháng 12 năm 1974 quân chính quy Quân Giải phóng ở miền nam lên tới 200.000 bao gồm cả quân miền Nam và lực lượng từ Bắc vào. Năm 1976 Quân Giải phóng miền Nam được hợp nhất với quân đội Nhân dân Việt Nam, lấy tên chung là Quân đội Nhân dân Việt Nam.

FNL_Flag.svg (1)
Quân kỳ
Huyhieu-MTDTGPMNVN
Quân huy


Các giai đoạn hoạt động:

Giai đoạn 1961-1965, ngay sau khi ra đời, QGPMN bám sát phương châm phát triển lực lượng, cùng toàn dân đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng, tập trung xây dựng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích; trong đó, chú trọng phát triển bộ đội chủ lực cả về biên chế, tổ chức và vũ khí, trang bị.

Giai đoạn 1965-1968, QGPMN tiếp tục phát triển lực lượng, đẩy mạnh hoạt động tác chiến, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ.

Giai đoạn 1969-1975, QGPMN thực hiện tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, cùng toàn dân đánh bại chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Ở giai đoạn này, QGPMN gặp nhiều khó khăn: lực lượng bị tổn thất chưa kịp khôi phục, không tiếp tế được vật chất hậu cần do bị đánh phá liên tục... Để duy trì lực lượng tiếp tục chiến đấu, QGPMN tổ chức thành nhiều bộ phận đứng chân ở các vùng, miền khác nhau.

Trải qua 14 năm (1961-1975) xây dựng và chiến đấu, QGPMN - bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam - đã làm tròn nhiệm vụ chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam, Quân uỷ và Bộ Tư lệnh Miền, QGPMN đã phát huy truyền thống, bản chất cách mạng cao đẹp của Quân đội Nhân dân Việt Nam, vừa xây dựng, vừa chiến đấu, hoàn thành vẻ vang sứ mệnh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các trận đánh, chiến dịch tiêu biểu của QGPMN: trận Ấp Bắc, trận Bình Giã, chiến dịch Mậu Thân 1968, chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Hồ Chí Minh...

Từ đội quân nhỏ bé ban đầu, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chăm lo của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhân dân, Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng phát triển , tiếp tục nhiệm vụ ngày nay là xây dựng Quân đội hùng mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nguồn tham khảo:

Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam - bước phát triển mới về tổ chức lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Tạp chí Quốc phòng toàn dân

tapchiqptd.vn

Từ khóa: 

ngày này năm xưa

,

lịch sử