Nhìn người khác đi - Dựa theo mô hình Sinh học - Tâm lý - Xã hội (Biopsychosocial model)

  1. Sức khoẻ

  2. Phong cách sống

  3. Tâm lý học

  4. Kỹ năng mềm

  5. Tâm sự cuộc sống

Rối loạn trầm cảm không phải do nghĩ nhiều. Thường xuyên trì hoãn không hẳn bởi lười biếng.

Mỗi người được tạo nên và chịu ảnh hưởng bởi vô vàn yếu tố, như là: gen di truyền, cách nuôi dưỡng của cha mẹ, nền tảng giáo dục, môi trường sinh sống, yếu tố văn hóa, hành vi và cảm xúc riêng của họ, tình trạng tài chính,... Thế nên, sẽ rất phiến diện nếu chỉ nhìn nhận họ ở một (vài) khía cạnh nhất định.

Nhà tâm thần học George Engel (1977) phát triển mô hình Sinh học - Tâm lý - Xã hội (Biopsychosocial model) để mang đến cái nhìn toàn diện hơn về những điều tác động đến sức khỏe tinh thần, và mở rộng ra là sự phát triển của một con người.

Hiện tại, mô hình này được sử dụng khá phổ biến trong lĩnh vực y tế, sức khỏe. Trong bài viết này, mình sẽ chỉ giới thiệu một cách đơn giản nhất, để từ đó chúng mình có thể hiểu thêm về bản thân, mọi người, và đồng cảm với nhau nhiều hơn.

1. Tổng quan về mô hình Sinh học - Tâm lý - Xã hội

Nhìn chung, một con người được tạo nên và chịu ảnh hưởng bởi:

Góc độ sinh học (liên quan đến thể chất):

  • Gen di truyền

  • Nội tiết tố

  • Chức năng của hệ thần kinh

  • Hóa chất trong não

  • Bệnh thể chất (do virus, vi khuẩn, chấn thương)

  • Sử dụng thuốc và chất

  • Giới tính

  • Tuổi tác

  • Dân tộc,...

Góc độ tâm lý (liên quan đến suy nghĩ, cảm xúc, hành vi):

  • Niềm tin và thái độ

  • Cách nhìn nhận cuộc sống

  • Cách thể hiện cảm xúc

  • Cách đối diện với vấn đề

  • Những nỗi sợ và sự kì vọng

  • Lòng tự trọng

  • Tính cách và tính khí

  • Những sự kiện biến động trong đời,...

Góc độ xã hội (liên quan đến môi trường):

  • Các mối quan hệ xã hội

  • Sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, cộng đồng,...

  • Chuẩn mực xã hội

  • Tình trạng kinh tế xã hội (tình trạng việc làm, điều kiện kinh tế, nền tảng học vấn,...)

  • Phương tiện truyền thông, mạng xã hội

  • Kì thị và phân biệt đối xử,...

https://cdn.noron.vn/2021/09/26/5395238889955511-1632600849_1024.png

Một ví dụ về mô hình Sinh học - Tâm lý - Xã hội trong việc xác định các yếu tố gây ra trầm cảm và lo âu. Ảnh:

The Open University

Bạn có thể nhận thấy có những yếu tố thuộc cả hai/ba góc độ; hoặc là rất khó để phân biệt giữa góc độ sinh học, tâm lý, và xã hội. Mình cũng thấy thế (đùa thôi).

Để hiểu kĩ hơn, bạn có thể tìm kiếm với cụm từ “biopsychosocial model”.

Cũng có một vài phiên bản mở rộng của mô hình này ở góc độ tôn giáo, như ở

bài viết này
.

2. Ứng dụng của mô hình Sinh học - Tâm lý - Xã hội

Như đã chia sẻ ở trên, mục đích của bài viết là chia sẻ cách ứng dụng mô hình này vào lối suy nghĩ thường ngày. Đây là những cách mình thường sử dụng, nếu có phản khoa học, mong bạn thông cảm và góp ý nhé:)

Hiểu về bản thân

Dựa trên các yếu tố đó, mình sẽ tự đặt ra những câu hỏi, ghi lại thành nhật kí, và nhìn lại sau vài tháng. Một vài câu hỏi của mình:

  • Mình có đang ốm/bệnh gì không?

  • Mình có đang phải sử dụng thuốc không?

  • Mình đang cảm thấy cuộc sống thế nào?

  • Dạo này có sự kiện gì thay đổi nhiều không?

  • Mình có đang thân thiết với ai không?

  • Mình còn nghèo không?:)

Thay vì suy nghĩ hoang mang rằng mình là ai, mình thế nào, sử dụng mô hình này giúp mình định vị được bản thân hơn. Nói tóm gọn, mô hình này thể hiện những TÀI NGUYÊN cá nhân.

Đặt kế hoạch tương lai

Sau khi biết là mình đang có gì (dựa vào mô hình trên), mình sẽ đối chiếu với những dự định sắp tới của mình. Ví dụ: Nếu hiện tại mình không khỏe, có thể mình sẽ cần dời lại việc đi làm trong một thời gian. Nếu mình thấy cuộc sống có vẻ tích cực trong mấy tháng nay, mình sẽ cố gắng duy trì những thói quen hiện tại.

Nhìn lại kết quả trong quá khứ

Khi đạt được một thành tựu nào đó, bạn có thể muốn phân tích những yếu tố tạo nên thành công ấy. Ví dụ: Mình vừa được tăng lương vì dạo này sức khỏe tốt nên làm việc hiệu quả, tinh thần tích cực, môi trường thân thiện thoải mái. Từ đó, cố gắng duy trì những yếu tố tích cực và giảm bớt yếu tố tiêu cực.

Còn nếu kết quả không như mong đợi, mình mong bạn hãy bao dung với bản thân một chút. Nếu nhìn theo mô hình sinh học - tâm lý - xã hội, những điều tiêu cực không phải hoàn toàn do bản thân bạn đâu. Bạn có thể trách bản thân chưa học đủ nhiều để đạt được điểm tốt, nhưng thực tế là bạn đã cố gắng, và có những điều không chỉ đòi hỏi nỗ lực đơn thuần. Có những khi thông minh và nền tảng giáo dục tốt thật sự là một lợi thế vượt trội. Thế nên, hãy cố gắng xác định những gì bạn có thể kiểm soát và những gì không thể, nhé.

Tăng sự đồng cảm và cải thiện mối quan hệ

Khi nhìn đủ rộng, chúng mình sẽ thấy đánh giá một con người là điều không nên chút nào. Với vô vàn những yếu tố kia, mình đâu có thể hiểu hết để đưa ra nhận xét về họ. Mình biết để nhìn nhận một người từ nhiều góc độ và cảm thông là một điều rất khó. Bản thân mình cũng có ác cảm với rất nhiều kiểu người, nhưng khi thấy bản thân không thể đưa ra lời giải thích cho những hành động của họ, mình nghĩ mình nên im lặng.

Đối với những người thương yêu, mình tưởng là mình đã hiểu họ. Nhưng không. Mình không thể nào và sẽ không bao giờ hoàn toàn hiểu được toàn bộ về một người nào cả. Nếu đủ yêu thương, hãy lắng nghe và hỏi chuyện nhiều hơn. Và bao dung đồng cảm cho nhau dưới nhiều góc độ. Mình có một người bạn rất tuyệt vời, nhưng thường xuyên hoài nghi bản thân và mặc cảm về giá trị của bạn. Mình không thấy phiền khi nghe bạn kể chuyện, vì mình hiểu là bạn ít khi tin tưởng để chia sẻ với ai, cảm giác tự ti của bạn có thể đến từ việc bị so sánh với người khác, và rồi bạn cũng dần tin vào việc bản thân bạn là người không có giá trị. Hoặc là có những câu chuyện về cha mẹ độc hại. Mình vừa thấy thương bạn nhỏ, vừa thấy xót cho cha mẹ ấy. Hẳn họ cũng có những kí ức tuổi thơ và môi trường sinh sống không mấy lành mạnh.

Một vài suy nghĩ của mình

Những điều mình kể trên không đồng nghĩa là biện hộ cho bản thân và mọi người. Nếu áp dụng đúng cách, mình tin là bạn có thể hiểu bản thân,mở lòng và yêu thương nhiều hơn.

Lần tới, khi não bạn chuẩn bị hiện ra những nhận xét về một người nào đó, hãy cố gắng nhớ 3 vòng tròn như hình trên, nhé ^_^

Cá nhân mình rất thích mô hình này, vì nó thể hiện cuộc đời của con người như một câu chuyện. Không có điều gì xảy ra chỉ hoàn toàn do một nguyên nhân cả. Vì thế, mình dần học cách lắng nghe, tìm hiểu để nhìn nhận mọi thứ đa chiều hơn. Mình cũng hiểu là học cách soi chiếu mọi thứ qua góc độ sinh học - tâm lý - xã hội sẽ tốn nhiều thời gian và công sức; nhưng mình cảm thấy những điều này giúp bản thân thận trọng khi đưa ra nhận xét và suy nghĩ cởi mở hơn.

Mong bạn an yên và nhiều sức khỏe.

Bài viết được tham khảo dựa trên:

  1. Mental Health Care (3rd Edition) - Catherine Hungerford, Donna Hodgson, and Tony Jones

  2. The biopsychosocial model of illness: a model whose time has come - Peter W Halligan & Derick T Wade

Từ khóa: 

sức khoẻ

,

phong cách sống

,

tâm lý học

,

kỹ năng mềm

,

tâm sự cuộc sống

Cảm ơn bạn nhé. Nhiều khi mình đánh giá một người nhưng sau này mình bắt gặp họ ở những khía cạnh khác, thậm chí đối lập với những gì mình thấy trước đó. Con người luôn khó nắm bắt thậm chí bản thân mình còn không hiểu được mình nên việc cố hiểu hoặc phán xét chỉ là suy đoán phiến diện của cá nhân tại 1 thời điểm nào đó. 
Trả lời
Cảm ơn bạn nhé. Nhiều khi mình đánh giá một người nhưng sau này mình bắt gặp họ ở những khía cạnh khác, thậm chí đối lập với những gì mình thấy trước đó. Con người luôn khó nắm bắt thậm chí bản thân mình còn không hiểu được mình nên việc cố hiểu hoặc phán xét chỉ là suy đoán phiến diện của cá nhân tại 1 thời điểm nào đó. 
Cuộc sống này nó buộc phải vậy chứ chúng ta đâu có muốn vậy.hi