Những gương mặt không cảm xúc

  1. Kỹ năng mềm

Đó là những người mà khi gặp bạn không còn mong muốn được nói chuyện, không còn chút hào hứng để chia sẻ, bạn cảm thấy như mình không được chào đón, bị mất đi nguồn năng lượng tích cực… Bạn sẽ thắc mắc tại sao? Đó là bởi vì họ đã sở hữu một “gương mặt không cảm xúc”!

Vai trò của phương tiện phi ngôn ngữ trong giao tiếp

Khi giao tiếp/tiếp xúc trực tiếp với một ai đó, bạn không chỉ sử dụng ngôn ngữ - phương tiện cơ bản, quan trọng trong giao tiếp mà bạn còn sử dụng một bộ phận tối quan trọng trong giao tiếp, “là một phần cốt yếu của tất cả các tình huống” người – đối – người”. Đó chính là phương tiện phi ngôn ngữ: “là toàn bộ các bộ phận kiến tạo nên giao tiếp không thuộc mã ngôn ngữ, có nghĩa là không được mã hóa bằng từ ngữ” nhưng đều tham gia vào quá trình giao tiếp (trao đổi thông tin).

Đó có thể là các yếu tố thuộc về ngôn ngữ cơ thể như ánh mắt, nụ cười, cử chỉ, tư thế…, là các yếu tố thuộc về ngôn ngữ vật thể như trang phục, trang sức, phụ kiện…Và ngay cả khi bạn không nói gì thì chính những biểu hiện của bạn thông qua các phương tiện giao tiếp này ở những mức độ khác nhau có thể vô tình hay hữu ý cũng đều đang truyền tải một thông điệp nào đó.

Ví dụ: khi bạn không hài lòng với ai đó bạn im lặng không nói gì, khuôn mặt nghiêm nghị nhưng người giao tiếp với bạn sẽ ngầm hiểu bạn đang giận họ hoặc không vui; bạn vui mừng trước kết quả của người khác bằng khuôn mặt rạng rỡ, ánh mắt vui tươi, tự hào…

shutterstock_715595248


 Nếu giao tiếp ngôn ngữ chủ yếu cung cấp, truyền tải thông tin thì giao tiếp phi ngôn ngữ lại chứng minh tính ưu việt của nó trong việc thể hiện và chia sẻ các cung bậc tinh tế của tình cảm, xúc cảm và thái độ (bổ sung, làm rõ sắc thái ý nghĩa cho ngôn ngữ). Theo một nghiên cứu: Sức mạnh thông điệp = ngôn từ (7%) + giọng nói (38%) + hình ảnh (53%). Trong nhiều trường hợp phương tiện phi ngôn ngữ sẽ thay thế ngôn ngữ có tính chủ đích (Ví dụ: khi bạn tham gia giao thông muốn xin sang đường bạn sẽ dùng tín hiệu đèn báo hoặc vẫy tay); điều tiết chuỗi giao tiếp ngôn ngữ (thể hiện qua ánh mắt, khuôn mặt, cử chỉ của bạn muốn người nói nên nói tiếp hay dừng lại); kiểm chứng tính xác thực của ngôn ngữ (lời nói đôi khi sẽ không tương thích với biểu hiện) giúp bạn dễ dàng biết được độ chân thực của lời nói.

Điều thú vị nữa là giao tiếp phi ngôn ngữ còn xuất hiện nhiều hơn ngôn ngữ và người ta dễ dàng ghi nhớ cái người ta nhìn thấy hơn là cái người ta nghe thấy. Tuy nhiên, thật đáng tiếc là nhiều người đã không nhận ra được điều này hoặc không biết cách sử dụng thế mạnh của các phương tiện phi ngôn ngữ trong giao tiếp. Trong bài viết này, mình sẽ chỉ ra vai trò của một số phương tiện giao tiếp không lời nhưng lại có vai trò cực kỳ quan trọng trên khuôn mặt (diện hiện) của chúng ta cũng như chỉ ra ý nghĩa của những biểu hiện giúp bạn lựa chọn cách biểu đạt phù hợp nhằm đem lại hiệu quả cao trong giao tiếp trực tiếp của bạn.

Một số biểu hiện hữu hiệu trên khuôn mặt khi bạn giao tiếp trực tiếp

* Ánh mắt (nhãn giao, tiếp xúc ánh mắt)

Đôi mắt của con người đóng một vai trò cực kì quan trọng trong giao tiếp. Nó chính là “cửa sổ tâm hồn” của mỗi người. Có thể nói, chuyển động của mắt và tiếp xúc ánh mắt tạo ra độ biểu cảm cao nhất so với các bộ phận khác trên khuôn mặt. Mặt khác, trong các tín hiệu của giao tiếp con người đôi mắt tạo ra các tín hiệu rõ ràng và chính xác nhất, biểu hiện các cung bậc tình cảm tinh tế nhất của con người: giận giữ, thách thức, yêu thương…

Ví dụ: Trẻ sơ sinh khi chưa thể giao tiếp bằng ngôn ngữ, chúng thường tiếp xúc, trò chuyện với mẹ qua ánh mắt hoặc tại sao chúng ta thường chơi chơi trò ú òa với trẻ (bởi khi khi nhìn thấy mắt trẻ thường cười). Hoặc khi trẻ mắc lỗi, bố mẹ chúng chỉ cần biểu đạt bằng ánh mắt nhìn, trẻ sẽ hiểu. Mình còn nhớ một bài thơ về Tình yêu đã từng nói về sự truyền tải thông điệp qua đôi mắt: Em bảo anh đi đi/Sao anh không đứng lại/Em bảo anh đứng lại/ Sao anh vội đi ngay/Lời nói tựa gió bay/Đôi mắt huyền đẫm lệ/Sao mà anh ngốc thế/Không nhìn vào mắt em…Như vậy, bạn có thể thấy rằng đôi mắt là phương tiện giao tiếp quan trọng biểu đạt thông điệp trong giao tiếp.

Trong thực tế giao tiếp mỗi kiểu nhìn sẽ chứa đứng ý nghĩa, thông điệp khác nhau. Ví dụ:  nhìn trừng trừng (sự lạnh lùng, cáu giận, thái độ trịnh thượng…), nhìn trố mắt (sự phân vân, ngạc nhiên, lo sợ, thẫn thờ…), nhìn trìu mến (sự tin tưởng, thành thật, ham mê…), nhìn lên: thái độ trực thượng, bất cần, đánh trống lảng, phân vân, suy xét…), nhìn xuống: sự lúng túng, không tự tin hoặc sự ngượng ngùng, biết lỗi, sự dối trá, không chân thật…), nhìn ngang (không thành thật, không hợp tác, bất cần, bất quan tâm…). Tất nhiên, sự định ý nghĩa của các kiểu nhìn trên chỉ mang tính chất tương đối bởi nó còn tùy thuộc vào từng hoàn cảnh giao tiếp và nền văn hóa khác nhau.

Ví dụ: Hai người bạn thân sau nhiều năm xa cách gặp nhau tại sân ga. Một người nắm lấy đôi vai bạn lắc mạnh, nhìn từ đầu tới chân rồi từ chân lên đầu. Kiểu nhìn này lại là biểu hiện sự vui mừng, thân mật (chứ không phải là sự “supper soi” khiến người khác khó chịu). Hoặc trong một ca phẫu thuật bác sĩ có thể đưa mắt, y tá sẽ hiểu và đưa dụng cụ cần thiết (nếu ngoài cuộc sống vị bác sĩ cũng đưa mắt như vậy sẽ bị hiểu là khinh người).

Một lưu ý khác khi tiếp xúc bằng mắt trong giao tiếp là trong các nền văn hoá khác nhau, nhãn giao cũng được nhìn nhận theo những ý nghĩa khác nhau.

Ví dụ: Trong văn hoá Tây phương (Anh – Mĩ – Úc) việc nhìn thẳng vào đối tác giao tiếp được coi là một hành vi tích cực nhằm tỏ ra cởi mở, thẳng thắn và thích thú; và việc tránh tiếp xúc ánh mắt thường bị quy xét là biểu hiện của sự chán chường, không trung thực, không hợp tác. Ở các nền văn hoá Đông Á như Việt, Nhật, Hàn, Trung, Thái…việc nhìn trừng trừng, nhìn thẳng bị coi là bất lịch sự và mang tính thách thức. Thật là thú vị phải không các bạn! Vì vậy, chúng ta không nên vội vàng quy kết, đánh giá những biểu hiện sai trong giao tiếp của người mà mình tiếp xúc (nhất là khi không cùng nền văn hóa) và cần phải biết được sự khác biệt trong giao tiếp để có thể giao tiếp đúng trong môi trường đa văn hóa bạn nhé.

98679-22


·      Nụ cười:

Cùng với ánh mắt, nụ cười là một trong hai phương tiện hữu hiệu nhất bộc lộ cảm xúc trên khuôn mặt của chúng ta. Có lẽ mình không cần phải nói thì các bài cũng biết nụ cười đóng vai trò quan trọng như thế nào trong đời sống cũng như trong giao tiếp. Nó được coi là một thông điệp tích cực. Chính vì vậy, người Ý cho rằng: “Trong kinh doanh, thà tuyển một cô có trình độ học vấn sơ đẳng nhưng có nụ cười duyên còn hơn một cô cử nhân mà có bộ mặt lạnh như tiền” hay “Nụ cười là một đường cong mềm mại làm cho bao sự phải đúng hàng thẳng lối”.Người Việt mình thì khẳng định “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Người Trung Hoa nói: người nào không biết mỉm cười thì đừng nên mở tiệm. Đối với người Mỹ: trong kinh doanh, nụ cười được xếp hàng đầu trong 3 chữ S: smile (nụ cười), speed (tốc độ), sincerity (sự thực thà).

Có thể nói, nụ cười trong đời thường là một chỉ báo của sức khỏe, hạnh phúc cho ta và cho những người quanh ta “Một nụ cười chẳng mất vốn mà lợi thật nhiều. Một nụ cười không làm nghèo người phát ra nó mà làm giàu người nhận nó. Một nụ cười chỉ nở trong khoảnh khắc nhưng có khi làm cho ta nhớ suốt đời. Nụ cười gây hạnh phúc trong gia đình, nó là nguồn gốc của những hảo y trong hiệp tác làm ăn và là dấu hiệu của tình bè bạn. Kẻ phú qu‎ý mà không có nó thì vẫn còn nghèo, còn kẻ nghèo mà có nó thì vẫn còn cái vốn vô tận. Nụ cười bồi dưỡng kẻ mệt nhọc, nó là hình ảnh bình mình cho kẻ ngã lòng, là nắng xuân cho kẻ buồn rầu, là thuốc mầu nhiệm nhất của tạo hóa để chữa lo âu. Nụ cười không thể mua được, nếu ta khư khư giữ nó thì nó chẳng có giá trị gì, nhưng nếu ta dùng nó một cách hào phóng thì có giá trị vô cùng”. Vì vậy, bạn đừng bao giờ tiết kiệm một nụ cười cho mình và cho những người xung quanh nhé. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là lúc nào chúng ta cũng cười hoặc cố gắng, gượng ép để cười. Mà điều quan trọng là nụ cười của bạn cần xuất phát từ sự hồn nhiên, vui vẻ, tích cực từ bên trong bạn. Muốn vậy bạn cần rèn luyện cho mình một trạng thái cơ thể tốt, có tư duy, thái độ sống tích cực, yêu đời, phải biết “quẳng gánh lo đi mà sống” và luôn mong muốn trao đi nguồn năng lượng tích cực cho người khác.

Trong giao tiếp bạn có thể sử dụng nhiều kiểu cười khác nhau: cười mỉm, cười tủm tỉm, cười vui, cười lớn, cười sảng khoái, cười sung sướng…nhưng cần phải tùy thuộc vào hoàn cảnh, đối tượng, tính chất của cuộc giao tiếp (cười đúng lúc, đúng chỗ). Cần tránh những kiểu cười “vô duyên”, “lỗi nhịp”: cười gượng, cười vô vị, cười cay độc, cười thương hại, cười đểu, cười nhếch mép…Đồng thời cũng phải hết sức cảnh giác với những người “miệng nam mô, bụng bồ dao găm”, hoăc “bề ngoài thơn thớt nói cười mà trong nham hiểm giết người không dao” (kiểu cười của Tú Bà – Truyện Kiều – Nguyễn Du).

ky-nang-giao-tiep-28


·      Một số biểu hiện khác trên khuôn mặt (diện hiện).

Người Việt thường nói “Trông mặt mà bắt hình dong”, người Anh quan niệm “Khuôn mặt người ta có thể được đọc như một cuốn sách” và đặc biệt với người Nhật – một dân tộc cực kỳ trọng phép tắc, lễ nghi họ rất khắt khe trong văn hóa giao tiếp (so với người Việt Nam ta thoải mái và ít câu nệ hơn). Mình được biết giới làm việc văn phòng Nhật kiểm soát cả cảm xúc, nét mặt để cố gắng làm vui lòng người đối diện, đạt hiệu quả tối đa trong giao tiếp.

Có thể nói, tất cả các bộ phận trên khuôn mặt đều tham gia vào giao tiếp. Ví dụ nét mặt của bạn giúp bạn truyền tải những thông tin nhất định: nét mặt u buồn bày tỏ sự cảm thương, chia sẻ với nỗi đau của người khác (trong đám tang); nét mặt rạng rỡ, vui tươi, hân hoan chia sẻ niềm vui (đám cưới)…Khi giao tiếp người ta có thể nhìn gương mặt để phỏng đoán người sâu sắc hay nông cạn, người có hậu hay đoản hậu, người trí hay đần, người siêng năng hay lười, người hướng nội hay hướng ngoại, người quảng đại hay hẹp hòi.

Ngoài ra, một số biểu hiện khác trên khuôn mặt như những cái nhíu mày, chun mũi, nhếch mép, gật đầu hay lắc đầu… ;các đặc tính thể chất: như hình thức của mắt (to, nhỏ, sâu, lồi…), mũi (cao, thấp, thẳng, gẫy…), miệng (rộng, hẹp, mỏng, dày…),..đều truyền tải những thông điệp nhất định về thân thế, hoàn cảnh, khí chất, trí tuệ…Chính vì vậy, bạn đừng bao giờ giữ một “gương mặt không cảm xúc” khi giao tiếp. Những biểu hiện tích cực trên khuôn mặt giúp bạn tạo sự tương tác, sự ấn tượng, thu hút từ người nghe/người giao tiếp với bạn và quyết định việc người khác nghĩ gì về bạn. Đồng thời giúp bạn thể hiện sự tự tin, am hiểu, chủ động, bình tĩnh (quyền lực và sự thống lĩnh được biểu hiện qua ngôn ngữ không lời) đặc biệt là khi bạn thuyết trình/nói chuyện trước đám đông (bạn có thể đọc thêm bài viết Bí quyết để có bài thuyết trình hiệu quả mà mình đã chia sẻ trên chuyên mục Kỹ năng mềm nhé). Tuy nhiên, việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể không phải chỉ là sự học thuộc và trình diễn (theo kiểu kỹ thuật) mà ngôn ngữ cơ thể tốt cần đến từ sự tự tin về điều bạn đang nói, về nội lực từ bên trong bạn. Mình tin rằng bạn sẽ trở thành một “thỏi nam châm” mà bất kì người nào cũng muốn giao tiếp với bạn.

thu hut chu y



Đừng để những cảm xúc tiêu cực hiển thị trên khuôn mặt, vì đó là một loại biểu tình khiến người khác chán ghét”

119746361_794666961291678_5082905594158755534_n



Từ khóa: 

kỹ năng mềm

có ai bị trầm cảm nặng quá xong mất khả năng thể hiện cảm xúc không. kiểu trong lòng thì cực kì vui nhưng người xung quanh lại hỏi sao buồn. kiểu trong lòng khá đau nhưng mà lại bị hỏi sao vui.

Trả lời

có ai bị trầm cảm nặng quá xong mất khả năng thể hiện cảm xúc không. kiểu trong lòng thì cực kì vui nhưng người xung quanh lại hỏi sao buồn. kiểu trong lòng khá đau nhưng mà lại bị hỏi sao vui.

Cảm giác khi phải giao tiếp với một người mặt không có cảm xúc gì rất khó chịu. Mình có nhiệt tình bắt chuyện như nào người ta cũng không để ý.