Phong trào Cần Vương - Hồi chuông kết cho vai trò lãnh đạo của giai cấp phong kiến.

  1. Lịch sử

b9

Nguồn ảnh: https://loigiaihay.com/phong-trao-can-vuong-c83a14413.html

Một trong những điểm sáng của triều đình nhà Nguyễn khi tỏ rõ thái độ cùng nhân dân chống Pháp chính là phong trào Cần Vương. Đáng tiếc phong trào bị dập tắt thất bại, vị vua yêu nước Hàm Nghi phải bôn ba nơi đất khách quê người. Âu cũng là định mệnh vì thật đáng tiếc phong trào Cần Vương có quá nhiều điểm yếu chí mạng - đây cũng là nguyên nhân dẫn đến phong trào thất bại. Những nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của phong trào Cần Vương:

Giai cấp lãnh đạo thiếu tính quyết đoán

Phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết là linh hồn, là người phất lá cờ lãnh đạo. Nhưng đằng sau họ là cả một triều đình rối ren. Vua Tự Đức băng hà, triều đình hỗn loạn, lần lượt các vị vua từ Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc và Hàm Nghi lên ngôi đều chịu sự can thiệp và tác động trực tiếp của ba vị phụ chính đại thần là Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường và Trần Tiễn Thành. Triều đình nhà Nguyễn gặp đầy biến động, có thể nói riêng Tôn Thất Thuyết là người thao túng hết mọi việc phế lập 4 triều vua Nguyễn. Phong trào Cần Vương nói Tôn Thất Thuyết mới là nhân vật chính thì đúng hơn. Ông là người chủ chiến, là người phát động cũng là người thay cả vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương. Thực tế, vua Hàm Nghi vừa là người lãnh đạo trên danh nghĩa tinh thần vừa đứng trong vai trò lãnh đạo.

Vua Hàm Nghi hoàn toàn không hề có kinh nghiệm chiến đấu, chỉ một chiếu chỉ mà quy tụ lực lượng thì quá khó chưa kể trước đó triều đình nhà Nguyễn đã mất uy tín trước người dân. Tại sao lại nói thế? Lần lượt nhà Nguyễn chủ trương chủ hòa, cắt nhường đất và đồng ý hòa hoãn, đánh mất tiên cơ và thậm chí là cùng với thực dân Pháp đàn áp lại những cuộc khởi nghĩa yêu nước. Tất cả những việc làm đó đã làm cho lòng người dân không thể quy tụ về chứ đừng nói là có thể tập trung sức mạnh toàn dân tộc. Hãy nhìn lại phong trào Cần Vương sẽ thấy các cuộc khởi nghĩa chỉ diễn ra ở chủ yếu là vùng miền trung bộ và bắc bộ ngày nay. Miền nam đã hoàn toàn mất hy vọng ở triều đình nhà Nguyễn khi lần lượt ký kết các hòa ước cắt nhượng cả 6 tỉnh nam kỳ và chính thức thừa nhận sự bảo hộ của Pháp.

Ngay tại triều đình trung ương cũng bị chia rẻ. Triều đình lúc nào cũng cầm chừng nhau với 2 phe chủ hòa và chủ chiến. Chính thái độ của những người nắm quyền không quyết đoán nên mới có chuyện phế lập nhà vua như trò chơi rồi chuyện triều đình giao cho 3 phụ chính đại thần và tam cung. Khi chiếu Cần Vương ban ra, thì thay vì triều đình toàn lực chống Pháp thì đằng này lại thêm 1 vấn đề phải quan tâm là sự an tòan của 3 vị tam cung là đức Từ Dụ thái hậu (mẹ vua Tự Đức) và 2 người vợ vua Tự Đức. Và chắc rằng cả 3 vị này không quen cực khổ nên sau một thời gian bôn ba phải chấp nhận trở về triều đình Huế và theo sự sắp đặt của người Pháp.

Những người đứng đầu đất nước mà thiếu sự quyết tâm chống giặc thì làm sao quy tụ sức mạnh toàn dân tộc. Và khi nhìn vào giai đoạn đầu của phong trào Cần Vương chúng ta chỉ thấy sự yếu ớt, cô độc của vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết thôi. Dẫu nhà vua và đại thần đầu triều yêu nước nhưng họ cô lập chống giặc. Đây là nguyên nhân đầu tiên thất bại của phong trào Cần Vương.

Phong trào mang đậm tính bộc phát, thiếu kế hoạch, đường lối cụ thể

Tôn Thất Thuyết chỉ mới bước đầu xây dựng lực lượng kháng chiến và chưa có kế hoạch gì để thực hiện một cuộc kháng chiến lâu dài để chống thực dân Pháp cả. Ngay cả phát súng mở màn cho phong trào Cần Vương là cuộc phản công ở kinh thành Huế năm 1885 cũng là nằm ở thế bị động phản công để tạo bất ngờ chứ hoàn toàn chưa được định liệu trước.

Chính sự chiến tranh theo tính chất bộc phá, bất ngờ và chưa có kế sách lâu dài là nguyên nhân khiến cho phong trào lâu vào bế tắc dạng như "tùy cơ ứng biến" không có phương hướng rõ ràng. Và kết quả là thất bại thảm hại khi ngay từ cuộc tấn công ở đồn Mang Cá sau khi thực dân Pháp giành thế chủ động trở lại đã gây tổn hại nặng nề cho triều đình và dân chúng vô tội.

Chiếu Cần Vương đưa ra như một giải pháp cứu vãn tình thế nhưng thực tế là các cuộc khởi nghĩa nổ ra hưởng ứng theo cụm địa phương và tính chất đơn lẻ hoàn toàn không thể cứu viện được để mở rộng phong trào trên khắp lãnh thổ.

Đối tượng tham gia kháng chiến không phải là lực lượng chiếm đa số và chưa được sự đồng thuận trong dân chúng

Các cuộc khởi nghĩa lớn trong phong trào Cần Vương:

  • Nghĩa hội Quảng Nam của Nguyễn Duy Hiệu.
  • Khởi nghĩa của Nguyễn Xuân Ôn ở Nghệ An.
  • Khởi nghĩa Ba Đình (1886–1887) của Đinh Công Tráng, Phạm Bành ở Nga Sơn, Thanh Hóa.
  • Khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng ở Bình Định.
  • Khởi nghĩa của Lê Thành Phương ở Phú Yên (1885–1887).
  • Khởi nghĩa Hùng Lĩnh (1886–1892) của Tống Duy Tân ở Bá Thước và Quảng Xương, Thanh Hóa.
  • Khởi nghĩa Bãi Sậy (1883–1892) của Nguyễn Thiện Thuật ở Hưng Yên
  • Phong trào kháng chiến ở Thái Bình – Nam Định của Tạ Hiện và Phạm Huy Quang.
  • Khởi nghĩa Hưng Hóa của Nguyễn Quang Bích ở Phú Thọ và Yên Bái.
  • Khởi nghĩa Thanh Sơn (1885–1892) của Đốc Ngữ (Nguyễn Đức Ngữ) ở Hòa Bình.
  • Khởi nghĩa của Trịnh Phong ở Khánh Hòa (1885–1886).
  • Khởi nghĩa của Lê Trực và Nguyễn Phạm Tuân ở Quảng Bình.
  • Khởi nghĩa của Hoàng Đình Kinh ở vùng Lạng Sơn, Bắc Giang.
  • Khởi nghĩa của Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân ở Quảng Ngãi.
  • Khởi nghĩa của Trương Đình Hội, Nguyễn Tự Như ở Quảng Trị.
  • Khởi nghĩa Hương Khê (1885–1896) của Phan Đình Phùng, Cao Thắng ở Hương Khê, Hà Tĩnh.

Nhìn vào các cuộc khởi nghĩa sẽ thấy lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa giai đoạn này đều là sĩ phu yêu nước hoặc quan lại cũ của triều đình từ quan kêu gọi khởi nghĩa. Các cuộc khởi nghĩa không hề có một sợi dây kết nối với nhau ngoại trừ lá cờ Cần Vương. Địa bàn nổ các cuộc khởi nghĩa chỉ túm tụm vào 1 địa phương nhất định. Và dễ dàng bị cô lập tiêu diệt nếu quân địch dồn sức tấn công.

Thứ hai, các cuộc khởi nghĩa không được người dân hưởng ứng nhiều đặc biệt là tầng lớp dân thường - vì có một số tư liệu ghi lại những nghĩa quân tham gia kháng chiến không có nguồn tiếp tế lương thực đã phải cướp lại lương thực từ dân chúng. Một cuộc kháng chiến mà không được lòng dân thì dù cuộc kháng chiến đó là chính nghĩa thì cũng bị thất bại bởi sức mạnh của dân chúng là chìa khóa cho chiến thắng.

Thứ ba, các cuộc khởi nghĩa do tính chất và quy mô quá nhỏ, lẻ nên không đủ sức mạnh để đương đầu trực diện với quân Pháp mà chủ yếu là đánh hiểm, đánh bất ngờ, đánh dạng du kích và khi quân Pháp tập trung quân đội chủ lực tấn công thì không có sức chống trả.

Trên đây là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến phong trào Cần Vương cũng như các cuộc khởi nghĩa trong phong trào thất bại. Ngoài những nguyên nhân chính còn có một số nguyên nhân khác như: vấn đề tôn giáo, vũ khí thô sơ,... nhưng những nguyên nhân này dưới góc nhìn của cá nhân tôi thì thuộc về nguyên nhân do trách nhiệm của người lãnh đạo.

Tuy phong trào Cần Vương thất bại nhưng vẫn để lại cho hậu thế những bài học ý nghĩa

  • Là phong trào đầu tiên do vua quan nhà Nguyễn phát động thể hiện tinh thần yêu nước chống quân Pháp vì thực sự trước đó người dân cả nước hoàn toàn thất vọng trước thái độ của nhà Nguyễn khi liên tục chấp nhận cầu hòa và cắt nhượng đất, chấp nhận sự bảo hộ của thực dân Pháp đối với Việt Nam.
  • Phong trào Cần Vương cho thấy vai trò lãnh đạo của nhà nước phong kiến đã không thể triệu tập được lực lượng cả nước cùng chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Cần phải có một giai cấp lãnh đạo được người dân cả nước cùng đứng lên chống giặc.
  • Đánh giặc luôn luôn cần phải có một đường lối, kế hoạch rõ ràng và lâu dài. Nhất là khi đã đánh mất tiên cơ rơi vào thế bị động. Rõ ràng nếu từ đầu nhà Nguyễn chống Pháp một cách quyết liệt thì có thể Việt Nam sẽ đi một con đường khác, cái đường lối nửa vời nghị hòa đã khiến chúng ta đánh mất thế chủ động ngay khi giặc Pháp đặt chân lên Việt Nam.
  • Phải biết điều hòa các mâu thuẫn nội bộ trước khi chiến đấu với giặc ngoài vì bên trong không điều hòa thì làm sao toàn lực chiến đấu với giặc ngoại xâm bên ngoài.


Từ khóa: 

phong trào cần vương

,

vua hàm nghi

,

khởi nghĩa

,

lãnh đạo

,

tôn thất thuyết

,

lịch sử

Bài viết của bạn rất hay cảm ơn bạn

Trả lời

Bài viết của bạn rất hay cảm ơn bạn

Vốn dĩ dân Viêt Nam hồi ấy trước khi Pháp sang cũng có cảm tình vs nhà Nguyễn quái đâu, cứ xem mấy vụ nổi loạn thì thấy mà, nhất là khu vực Bắc Hà