Quang Trung; một Boss lớn của thế kỷ XVIII

  1. Lịch sử

“Mà nay áo vải cờ đào

         Giúp dân dựng nước xiết bao công trình.”

    Chắc đến đây mọi người đều sẽ rõ nhân vật này là ai; Quang Trung - một anh hùng tộc, một vị vua chống ngoại xâm của nước Việt. Trước đây trong các bài viết, tôi chỉ thường đề cập đến những khía cạnh còn bỏ ngỏ về họ; nhưng hôm nay tôi sẽ nói về ông cả về phần nổi lẫn phần chìm.

  Hai mươi lăm tuổi được phong Long Nhương tướng quân và từ đó lập không ít chiến công cho triều đại của mình: đánh Gia Định dẹp dư đảng chúa Nguyễn, đánh tan quân Xiêm sang giúp đỡ Nguyễn Vương Ánh, tấn công Phú Xuân rồi ra Bắc yên họ Trịnh phù vua Lê, cuối cùng là đại phá ba vạn quân Thanh của Tôn Sĩ Nghị. Những trận đánh ấy, những công tích ấy hậu thế mãi mãi ghi nhớ khi nhắc đến ông.

 Sau khi đồng ý giúp đỡ Nguyễn Vương để trả ơn ngày trước và đưa quân sang dưới sự chỉ huy của tướng Châu Văn Tiếp, có thể nói đất Nam Bộ đã có những ngày kinh hoàng trong cảnh cướp bóc nhất là sau khi Châu Văn Tiếp tử trận; đây cũng là một sai lầm của Nguyễn Ánh. Cũng vào lúc ấy, vị tướng quân trẻ tuổi Nguyễn Huệ dẫn quân mã vào Mỹ Tho và trận địa mai phục nơi Rạch Gầm - Xoài Mút với kết quả chắc chúng ta đã rõ: “ quân Xiêm từ đó tuy bề ngoài nói khoác nhưng trong bụng sợ Nguyễn Huệ như sợ cọp.”

 Hạ thành Phú Xuân và ra Bắc dẹp họ Trịnh, cái ranh giới hai Đàng chia cắt Đại Việt kéo dài hơn hai trăm năm từ đây biến mất. Và cũng sau sự kiện ấy, mối duyên vợ chồng giữa em vua Tây Sơn và công chúa nước Nam bắt đầu. Có vài khía cạnh về chuyện tình này mà tôi muốn nói với các bạn; đó là sau khi trả lại đất nước cho vua Lê, Nguyễn Huệ vốn không bằng lòng tước Uy Quốc Công mà thứ ông muốn là cái khác cao hơn và Ngọc Hân công chúa cũng như đất Nghệ An là một hình thức ban thưởng và đền bù cho tướng Tây Sơn.

 Cuối năm Mậu Thân (1788); ba vạn quân Thanh dưới quyền Tôn Sĩ Nghị đem theo giấc mộng Thập đại võ công của vua Càn Long tiến vào Đại Việt với danh nghĩa” Hưng diệt kế tuyệt, tự tiểu tồn vong”. Và người anh hùng ấy lại xuất hiện; không còn là Long Nhương tướng quân hay Bắc Bình Vương, mà dưới cái tên Quang Trung Hoàng Đế. Những cuộc đại duyệt binh, những Gián Khẩu Hà Hồi, những Ngọc Hồi Đống Đa trong ngày đầu Xuân năm Kỷ Dậu đã trở thành mốc son không thể nào quên trong dòng chảy dân tộc, cùng với hình ảnh người anh hùng Quang Trung.

 Kết thúc chiến tranh thì củng cố và xây dựng lại đất nước là điều chắc chắn. Những cải cách, tư duy của triều Quang Trung trên tất cả các mặt chính trị, văn hoá, giáo dục, kinh tế, quân sự, ngoại giao... có thể nói mang trong đó nhiều mong ước, hi vọng ổn định Đại Việt. Ngay cả việc chuẩn bị cho kế hoạch vào Nam tiêu diệt tận gốc quân Gia Định, ai cũng cho rằng nếu được thực hiện thì Nguyễn Vương chắc chắn không thể chống đỡ. Nhưng Lịch sử không có chữ Nếu, Quang Trung ra đi và tất cả chỉ còn là giấc mộng bay theo gió. Cây cột chống trời của Tây Sơn không còn, từ nay nhìn về Tây Sơn ta sẽ chỉ còn thấy những trang sử buồn và cái kết khi Cảnh Thịnh Đế - con trai ông bị thổ mục bắt giao cho quân Nguyễn.

  Đã nói về phần nổi thì giờ hãy thử bàn về những thiếu sót hay những điều Quang Trung chưa làm được.

 Về chính trị văn hoá xã hội; có thể nói triều Quang Trung có rất nhiều cố gắng nhưng chưa đủ và những mong muốn của ông đã không thể thành sự thực. Lập Sùng Chính viện, dùng chữ Nôm để củng cố nên quốc học; mục đích thì rất đúng nhưng thành quả lại chưa đạt được, vì cách thức áp dụng chưa phù hợp, nhất là với một đất nước có nền văn hoá giáo dục Hán học lâu đời như Đại Việt bấy giờ. Hay cho dỡ các chùa quán mà chỉ xây một ngôi chùa lớn ở mỗi phủ huyện để làm Phật giáo thêm tôn nghiêm, các bậc tăng đạo có nơi tu hành; nhưng lại vô tình phá huỷ văn hoá, kiến trúc chùa chiền độc đáo rực rỡ thời kỳ Lê Mạc.

 Mong muốn lấy lại đất Lưỡng Quảng; mộng ước ấy của Quang Trung liệu có hay không khi đối thủ của ông chính là nhà Mãn Thanh cùng vị vua Càn Long nổi tiếng với tư duy chinh phục bình định. Đại Thanh lúc này đang ở trong giai đoạn thịnh trị bậc nhất của Khang-Càn thịnh thế; Càn Long sẽ chẳng vì lý do gì mà đem đất Quảng Tây làm quà hôn lễ rồi để cho Quang Trung có thể tự ý đem quân chiếm lấy Lưỡng Quảng. Đại Việt mới bước đầu yên ổn; trái phải trước sau đều có những thế lực phân chia thì Quang Trung đã thống nhất được đất nước hoàn toàn chưa. Bản thân ông còn phải lo sự chia rẽ giữa mình với Thái Đức; trong đã thế, ngoài sao bình ổn. Muốn làm được việc đó, ông phải thống nhất giang sơn về tay mình đồng thời thu phục được các thế lực cũng như lòng dân; bởi chuyện gì sẽ xảy ra nếu chiếm được đất người mà bản thân nước mình vẫn tồn tại mầm lửa loạn cháy âm ỉ.

 Đội quân của người anh hùng áo vải tuy thiện chiến với những tướng quân tài ba mưu lược, vũ khí được trang bị tối tân nhưng lực lượng và xuất thân không thống nhất; đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra cảnh nội bộ lục đục sau này. Quang Trung dung giữ một toán cướp biển Trung Hoa và để phục vụ dưới trướng mình; việc này sau đó vô tình khiến chúng có cơ hội cướp bóc ngoài mặt biển và các vùng lân cận mà không bị trừng trị bởi đã được Tây Sơn che chở, những nạn nhân đó có thể không chỉ là thương nhân ngoại quốc mà còn cả tàu thuyền Đại Việt nữa. Chính sách tuyển quân bắt lính của nhà Tây Sơn cũng mang tính ép buộc khi đếm số nóc nhà các xã, hương trên đường đi rồi từ đó tính ra số đinh tráng phải nộp; nhiều nơi dân chúng lo sợ phải trốn chạy hoặc bắt con gái thế vào cho đủ để tránh bị giết việc làm này tuy làm tăng lực lượng nhưng sẽ gây ra tình trạng náo loạn, quân mới tuyển thiếu và không được rèn luyện kỹ năng ra trận; sau này khi chiến tranh kết thúc nhà nước không dùng tới nữa thì họ sẽ không biết phải làm sao để trở về quê quán cũ.  

 Về bản thân vị vua ấy; có đôi điều tôi muốn nói với các bạn. Quang Trung đáng ngưỡng mộ, nhưng cuộc đời ông không phải không có vết. Khi tấn công Phú Xuân, quân Tây Sơn đã cho người quật phá lăng mộ các đời chúa Nguyễn- những người có công mở đất phương Nam; đó cũng là một lý do khiến sau này Gia Long trả thù Tây Sơn tàn bạo:”Ta vì chín đời mà trả thù”. Ông cũng đã bí mật cho người đánh chìm đoàn thuyền trở về Bắc của danh sĩ Bắc Hà Trần Công Xán trên biển khi vào Phú Xuân bàn định xin trả lại đất Phú Xuân. Khi tiến ra Bắc lần thứ hai diệt Vũ Văn Nhậm khiến Mẫn Đế lo sợ mà bôn tẩu ra ngoài, Bắc Bình Vương từng có ý thay ngôi nhà Lê nhưng bị các cựu thần phản đối nên đành thôi; chứ nếu đồng thuận là anh Huệ lên ngôi Boss từ lâu rồi.

 Việc quật mộ các chúa Nguyễn và thủ phạm liệu có phải Quang Trung cùng nhà Tây Sơn hay không, xin dành vài nhận định, diễn giải của bản thân. Trong buổi lễ Hiến phù; Gia Long tuyên cáo trước quần thần:

- Trẫm nghe, vì chín đời mà trả thù là nghĩa lớn kinh Xuân Thu.

 Có người cho rằng những gì Gia Long nói hay những dòng sử liệu được ghi lại trong Liệt truyện,Thực lục của Sử quán triều Nguyễn đầy những sai sót, bịa đặt để có cớ trừng trị và hạ nhục Tây Sơn.

 Đại Nam thực lục ghi chép:

“Tháng 9, ngày Ất hợi [ 9/8/1801], sửa lại sơn lăng.Trước kia giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ tham bạo vô lễ, nghe nói chỗ đất phía sau lăng Kim Ngọc (tức lăng Trường Mậu) [lăng của chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái] rất tốt, định đem hài cốt vợ táng ở đó. Hôm đào huyệt, bỗng có hai con cọp ở bụi rậm nhảy ra, gầm thét vồ cắn, quân giặc sợ chạy. Huệ ghét, không muốn chôn nữa. Sau Huệ đánh trận hay thua, người ta đều nói các lăng liệt thánh [các chúa Nguyễn] khí tốt nghi ngút, nghiệp đế tất dấy.Huệ bực tức, sai đồ đảng đào các lăng, mở lấy hài cốt quăng xuống vực. Lăng Hoàng Khảo ở Cư Hóa [lăng Cơ Thánh của Nguyễn Phúc Côn, thân sinh vua Gia Long] Huệ cũng sai Đô đốc Nguyễn Văn Ngũ đào vứt hài cốt xuống vực ở trước lăng. Nhà Ngũ ở xã Kim Long bỗng phát hỏa. Ngũ trông thấy ngọn lửa chạy về. Người xã Cư Hóa là Nguyễn Ngọc Huyên cùng với con là Ngọc Hồ, Ngọc Đoài ban đêm lặn xuống nước lấy vụng hài cốt ấy đem giấu một nơi. Đến nay, Huyên đem việc tâu lên. Vua thương xót vô cùng, thân đến xem chỗ ấy, thì vực đã bồi cát mấy chục trượng. Tức thì sai chọn ngày lành làm lễ cáo và an táng lại. Các lăng đều theo nền cũ mà xây cao lên. 

Ngày Kỷ hợi [1/11/1801], vua thân đến tế cáo, nghẹn ngào sa lệ, bầy tôi đều khóc cả. Sai đổi xã Cư Hóa làm xã Cư Chính, cho dân miễn dao dịch làm hộ lăng. Cho Huyên làm Cai đội (năm Minh Mệnh thứ 11[1830] phong An Ninh bá, lập đền thờ ở núi Cư Chính) con là Ngọc Hồ, Ngọc Đoài tòng quân ở Bình Định cũng được gọi về hậu thưởng cho”

 Hay một đoạn sử trong Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả:

“Theo truyền thuyết, khi Tây Sơn khai quật hài cốt đức Hưng Tổ ném xuống sông thì một hôm Nguyễn Ngọc Huyên bỏ lưới bắt cá, sau ba lần đều thấy cái sọ nằm trong lưới. Huyên cho là sọ của một vị nào anh linh nên kiếm nơi an táng tử tế. Khi vua Gia Long lên ngôi, đi tìm lại hài cốt của thân phụ, nghe người làng tường thuật, ngài cho đòi Ngọc Huyên bảo chỉ chỗ. Khi đào được sọ lên, vua chích huyết ở tay mình cho giọt vào sọ, sọ liền hút những giọt huyết này”

 Vua Quang Trung không đánh trận hay thua và vợ ông cũng không mất trước thời điểm ông tàn phá lăng các chúa; có thể họ đúng khi nói về những dòng sử liệu, nhưng trên đời có mấy ai đem việc tổ tông ra để giễu cợt dối trá; và rằng trong số sáu người vợ của Quang Trung chép trong Liệt truyện phần Chính biên được ghi nhận không có ai mất trước hoặc vào thời điểm Quang Trung tàn phá lăng mộ chúa Nguyễn đã là đầy đủ. Lịch sử Việt Nam chẳng phải cũng từng ghi nhận những người vợ lúc hàn vi hay khi đã đạt vinh quang của những ông vua hay sao, có thể người vợ mà Quang Trung định an táng trên phần đất thuộc lăng mộ các chúa là một người như vậy, gắn bó với ông thuở hàn vi và không được ghi chép lại đầy đủ sau này. Tháng 3 năm 1792, Nguyễn Vương đem quân tiến lên Thị Nại đốt phá thuyền chiến Tây Sơn, sau việc này có thể vua Quang Trung giận mà cho người quật phá lăng các chúa. Về vấn đề Tây Sơn có quật mộ hay không thì tư liệu cho nó vẫn còn thiếu, nhưng nếu để phủ nhận việc Quang Trung có khả năng là thủ phạm thì không thể. Có người nghĩ lăng mộ các chúa bị quân Trịnh phá chứ không phải Tây Sơn vì họ Trịnh vốn cũng có thù với họ Nguyễn; nhưng tại sao khi lên ngôi Gia Long không trừng trị họ Trịnh hay hậu duệ lão tướng Hoàng Ngũ Phúc mà còn hậu đãi, an trí và lo việc thờ cúng họ Trịnh trong khi có thể đó là những kẻ đã quật phá lăng mộ tổ tiên nhà Nguyễn. Hơn vậy trong số các lăng bị đào phá còn có mộ cha của Nguyễn Vương, con người mạng khổ ấy đâu có thù oán gì với họ Trịnh mà cũng phải chịu chung số phận. Hai họ Trịnh Nguyễn vốn có tình thông gia, nay chiếm được cơ nghiệp chẳng lẽ lại vì chuyện phân tranh quyền lực mà quật phá mồ mả họ Nguyễn; sau này chính vua Gia Long cũng từng dụ bảo họ Trịnh rằng hai nhà vốn tình nghĩa thông gia thân thiết từ lâu ư. Ở Phú Xuân lúc này vẫn còn Công nữ Ngọc Tuyên con gái Vũ Vương đang đi tu lấy hiệu là Vân Dương ni cô, bà là người đã mật báo cho Gia Long tình hình đô thành, việc các lăng bị phá cũng như cung cấp tiếp viện cho quân Gia Định; một người con liệu có thể nói lời gian trá về việc có kẻ quật mồ cha mẹ, tiên tổ mình không. Nếu là do quân Trịnh hay bọn trộm mộ đào tìm cổ vật thì không lẽ gì bà lại đổ vạ cho Tây Sơn. 

 Có người cho rằng Quang Trung đánh đuổi ngoại xâm, thống nhất Đại Việt về một mối liệu có đúng không? Vế trước thì khỏi bàn, nhưng vế sau chưa đầy đủ❌; bởi Quang Trung chấm dứt tình trạng chia cắt hai Đàng tạo tiền đề bước đầu còn người hoàn thành công cuộc đó là Gia Long🇻🇳. Đại Việt thời Quang Trung; Bắc có tàn dư nhà Lê🏳, Trung có Thái Đức Nguyễn Nhạc🏴, Nam còn lực lượng quân Gia Định🚩; như vậy liệu đã được coi là thống nhất chưa⚔. Cả ba thế lực này không mạnh bằng Quang Trung và tất nhiên ông có thể dẹp yên; nhưng đất nước còn cái loạn phân tranh cát cứ, lòng người Nam Bắc vẫn li tán thì Quang Trung dứt loạn mà cũng thành chưa dứt loạn.

Triều đại nào, vị vua nào cũng đều có điều được và chưa được. Tự hào những công lao những đóng góp nhưng những khía cạnh còn thiếu xót, những điều chưa được cũng cần phải tìm hiểu để có được cái nhìn trọn vẹn. Bài viết vẫn còn nhiều thiếu sót do kiến thức hạn hẹp nên mong nhận được góp ý, ý kiến của mọi người.



Từ khóa: 

lịch sử