Review sách: CẢM ƠN NGƯỜI LỚN

  1. Sách

Tác phẩm: CẢM ƠN NGƯỜI LỚN - Trạm dừng chân ngoái đầu nhìn tuổi thơ

Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh

-------------

Tuổi thơ – Hai từ thân thuộc vang lên ắt hẳn sẽ khiến hồi tim bạn đập vội hơn một nhịp, bởi lẽ tuổi thơ của ai cũng đáng nhớ và đọng lại những kỉ niệm đẹp. Tuổi thơ tôi gắn liền với vùng quê yên ả, những cánh đồng lúa xanh mướt, rồi đến hình ảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau. Ngày xưa khi còn bé, cứ mong mình lớn thật nhanh. Vì tôi hâm mộ người lớn, cảm thấy họ rất oai và có thể sai bảo con nít, bất kể việc lớn hay nhỏ gì. Nhưng cho đến khi thời gian cứ trôi mãi, trôi nhanh như guồng quay bị đứt phanh thì tôi mới nuối tiếc. Cuộc sống cũng giống như chuyến tàu một chiều, đi là đi mãi, không bao giờ trở lại. Ta cứ mãi nhìn về phía sau, ngoái đầu về tuổi thơ, nhưng lưng thì vẫn phải thẳng và mãi không đổi hướng.

Đến khi trưởng thành, rời xa quê vào thành phố làm việc, thi thoảng tôi vẫn “thèm” được trở lại tuổi thơ ấy, vô tư vô lo cùng đám bạn thả diều, chơi nhảy dây, ô ăn quan,… Sống một mình tại nơi có nhịp sống hối hả, tất bật, tôi thường tìm lại cảm giác trở về tuổi thơ qua những trang sách của bác Ánh, đó như là liều thuốc cho tâm hồn bù đắp những lần mong mỏi và khao khát được quay lại tuổi thơ, xoa dịu nỗi nhớ, xoa dịu kí ức.

-------------

Nếu bạn vẫn còn vương vấn câu chuyện của nhóm bạn cu Mùi, cái Tủn, Tí sún và Hải cò hay câu nói viral “Buồn ơi là sầu!” sau khi xếp cuốn sách “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” lại thì đừng bỏ lỡ “Cảm ơn người lớn” – phần hai được bác Ánh kể tiếp hấp dẫn và thú vị không kém. Là khi nhóm bạn tuổi thơ gặp mặt nhau sau khi tất cả đã là người lớn, thậm chí là “lớn hơn cả những người lớn”.

https://cdn.noron.vn/2021/05/10/61270100401680668-1620634431.png

-------------

Một trong những điểm mình yêu thích ở các tác phẩm của bác Ánh là cách miêu tả không gian rất sinh động, sử dụng từ ngữ thân thuộc, gần gũi và giản dị. Những lời thoại của nhân vật cũng vô cùng tự nhiên, thể hiện đúng sự hồn nhiên và tinh nghịch trẻ thơ của những cô bé, cậu bé với những ước mơ nhỏ nhoi, đơn giản. Ví dụ như muốn tự mình bay trên bầu trời như chim, bốn cô cậu nghĩ thế là rủ nhau làm thật, chim bay được nhờ cánh, vậy thì cùng nhau làm cánh, hậu quả sau chuyến bay là Hải cò xuất viện với cánh tay trắng toát vì bó bột. Đến khi nhóm bạn gặp nhau và hồi tưởng lại, ông Hải cò phải thốt lên đầy hậm hực rằng: “Tao mà gặp lại thằng Hải cò ngày xưa tao sẽ xáng cho nó một bạt tai vì cái tội chơi ngu!” 

Ước mơ của người lớn chắc hẳn là phải kiếm được tiền. Cũng chính vì vậy mà người lớn cho rằng những việc làm của trẻ con là vớ vẩn, không phải việc “đại sự” hay làm nên trò trống gì. Cu Mùi, Hải cò, Tí sún và Tủn ở lứa tuổi đó thì lại không nghĩ thế. Bắt đầu từ năng khiếu vẽ tranh của cái Tủn rồi tài năng văn chương hoa lá hẹ của cu Mùi, cả bốn đã cùng nhau tạo nên một cuốn truyện tranh nổi tiếng khắp trường, lớp và kiếm được những đồng tiền đầu tiên trong cuộc đời.

https://cdn.noron.vn/2021/05/10/88028314668962058-1620634465.jpg

-------------

Tưởng chừng như quyển sách chỉ kể tiếp câu chuyện về nhóm bạn cu Mùi nhưng mình vẫn có thể nhận thấy được những triết lí, chiêm nghiệm sâu sắc từ những chi tiết, những câu chuyện nhỏ. Đọc những dòng suy nghĩ, chiêm nghiệm của nhân vật “tôi” hay của chính tác giả, chúng ta sẽ thấy thấm thía, không phải theo cách nặng nề mà vô cùng nhẹ nhàng, dí dỏm bởi người lớn chúng ta cũng ĐÃ TỪNG hồn nhiên và ngây thơ như thế. “Trẻ con tìm thấy tất cả ở nơi chẳng có gì còn người lớn chẳng tìm được gì trong tất cả”.

Người lớn đã từng là trẻ con, nhưng trẻ con chưa từng là người lớn. Tuy nhiên, trong câu chuyện ngoài bốn nhân vật chính cu Mùi, cái Tủn, Tí sún và Hải cò thì bác Ánh còn kể về những “người lớn dễ thương”, “Thỉnh thoảng có những người lớn dễ thương. Người lớn dễ thương thỉnh thoảng nghĩ ra những trò chơi dễ thương.” Mẩu chuyện nhỏ về “người lớn dễ thương” mình thích nhất ở đây là về ba mẹ của cái Lý, nhà nó là một tiệm tạp hóa nhỏ, bán nước mắm lẻ, cạnh cái muỗng ống trúc đong nước mắm cho khách, mẹ nó có treo cái bảng các-tông chi chít tên người và con số – đó là sổ ghi nợ khi hàng xóm mua thiếu. Rồi một ngày mẹ con Lý rượt ba nó vì cái tội xóa sạch tấm bảng ấy. Điều đáng nói là mẹ nó rượt ba nó chạy lòng vòng chứ không đánh cái nào hết, còn ba nó thì co giò chạy mà vẫn cười hì hì, cứ vài ba bữa là lại xóa sạch tấm bảng. Lý do là ba nó thương hàng xóm xung quanh mình, ai cũng nghèo, cũng khổ, nên lâu lâu ba nó xóa bớt nợ. Chắc hẳn các bạn ai cũng thắc mắc: “Vậy tại sao mẹ con Lý không ghi nợ chỗ khác rồi cất đi?” Câu trả lời rất đơn giản: Bởi vì mẹ của cái Lý cũng là một “người lớn dễ thương”.

https://cdn.noron.vn/2021/05/10/61270100401680669-1620634489.jpg

-------------

Gấp lại cuốn sách, lòng mình vui lâng lâng nhưng cũng man mác buồn, nhận ra bản thân mình cũng từng như cu Mùi, cái Tủn. Cuốn sách như một trạm dừng chân giúp chúng ta có thể ngoái đầu nhìn lại tuổi thơ một lần nữa khi “Chiếc vé đi tuổi thơ” hết rồi.

“Ở một nơi nào đấy xa xôi

Có thành phố,

ngày xưa,

có thành phố

Nơi rất ấm, tuổi thơ ta ở đó

Từ rất lâu,

đã từ lâu,

trôi qua…

Ở thành phố Tuổi Thơ –

bài ca ngày nhỏ

Chúng tôi hát –

Xin cám ơn điều đó!

Nhưng chúng tôi không trở lại,

Đừng chờ!

Trái Đất nhiều đường.

Từ thành phố Tuổi Thơ,

Chúng tôi lớn,

đi xa…

(trích thơ của Robert Rojdesvensky)

——

Thank you for reading!

Review by @Thu Hồng Hoàng.

Cre photo: IG @canbeeen.

Từ khóa: 

sách

Mình chưa biết cuốn này của NNA, chắc phải tìm đọc mới được

Trả lời

Mình chưa biết cuốn này của NNA, chắc phải tìm đọc mới được

Hihihi đọc xong revieww của chị em đã phi lên tikiiii click :* click:* đặt sách mà không nghĩ suyyyy :>>>>

Haiz đọc xong mấy bài review sách của bạn quyển nào cũng muốn mua :( mình là fan của chú Ánh, mê bộ Kính Vạn Hoa lắm bạn ạ, ngoài ra còn rất thích "Cô gái đến từ hôm kia" và "Tôi là Bê-tô" nữa :) dạo này bận quá cuốn "Khi con chim xanh biếc bay về" mới xuất bản cũng chưa kịp đọc nữa :)