[Review Sách] “Tìm Hiểu Võ Học - Bí Mật Võ Lâm Chân Truyền”: Luyện Rèn Thân - Tâm

  1. Sách

“Văn dĩ tải đạo, Võ dĩ thành nhân”- Học văn để đi theo con đường sáng, học võ để hoàn thiện nhân tính là chân lý và cũng là thông điệp tác phẩm Tìm hiểu võ học – Bí mật Võ lâm chân truyền được tác giả Lý Băng Sơn (Chưởng môn phái Võ lâm Phật gia Việt Nam) gửi gắm. Không giới hạn ở cung cấp tri thức về phương pháp tập luyện, tác dụng của luyện tập võ thuật, lịch sử của môn võ, cuốn sách còn là tấm lòng và sự khích lệ bạn đọc vươn lên để chiến thắng bản thân, giữ vững cốt cách trong mọi hoàn cảnh khi đã quyết tâm bước đi trong võ đạo.


Võ thuật và Võ cổ truyền Việt Nam

Cuộc sống là sự đấu tranh và dịch chuyển nên để tồn tại thì loài người cần biết cách tự vệ khi cần thiết. Không có móng vuốt sắc nhọn như hổ báo, không có nọc độc chết người như rắn rết, không có sức khỏe to lớn như trâu bò nhưng con người, bằng trí tuệ đã sáng tạo nên ưu thế sinh tồn cho chính mình ngay từ buổi đầu lịch sử thông qua võ thuật. Đó là hình thức sinh tồn dựa vào cơ thể để chiến đấu chống lại các mối nguy hiểm từ các loài dã thú hoặc chính đồng loại của mình.

Võ thuật gắn liền với tư tưởng, môi trường tự nhiên và lịch sử hình thành, phát triển của mỗi dân tộc khác nhau. Các trường phái võ đều có những nét đặc trưng từ chiến kĩ, đấu luyện, cấp bậc, binh khí v.v… mang sức hấp dẫn riêng, thời loạn thì võ dùng phục vụ chiến đấu còn thời bình thì võ là môn thể thao hấp dẫn góp phần rèn luyện sức khỏe, đạo đức. Võ thuật vốn dĩ không phải dành cho kẻ mạnh mà là phương pháp lấy yếu thắng mạnh vậy nên các dân tộc Châu Á với tầm vóc bé nhỏ đã đặc biệt chú ý đến nền võ học của dân tộc mình, thanh niên trai tráng trong xã hội truyền thống thường được khích lệ tập luyện. Ví dụ như Trung Quốc nổi danh với Kungfu Thiếu Lâm, Nhật Bản có Karatedo, Triều Tiên có Takewondo, Thái Lan có quyền Thái (muay Thái), Indonesia có Pencak Silat, Việt Nam có Võ cổ truyền.

Nhắc đến võ cổ truyền Việt Nam là nhắc đến một quá trình tiếp nhận, trau dồi và bị thử thách liên tục trong những cuộc chiến chống ngoại xâm- thấm đẫm tinh thần yêu nước và ý chí kiên cường, bất khuất. Do đó, nền võ học Việt Nam đề cao tinh thần thượng võ, tinh thần dân tộc cũng như chú trọng đến rèn luyện nhân cách và sự nhẫn nhịn của người học trước khi truyền thụ các kỹ năng chiến đấu.

image

Thập đại yếu pháp trong võ cổ truyền

Ngũ ngoại pháp

1.     Nhãn pháp (phương pháp sử dụng mắt)

2.     Thủ pháp (phương pháp sử dụng đôi tay)

3.     Thân pháp (phương pháp sử dụng thân người)

4.     Yêu pháp (phương pháp sử dụng eo)

5.     Bộ pháp (phương pháp sử dụng đôi chân)

Ngũ nội pháp

1.     Thức pháp (sự hiểu biết)

2.     Tâm pháp (phương pháp luyện tâm tĩnh an định)

3.     Khí pháp (phương pháp luyện tập hít thở)

4.     Kình pháp (phương pháp luyện kình, sử dụng kình)

5.     Thần pháp (phương pháp rèn luyện giác quan thứ sáu)

Từ nội và ngoại hợp thành thập đại yếu pháp trong võ cổ truyền. Dĩ nhiên, để đạt được trọn vẹn thập đại thì cần quá trình khổ luyện nghiêm túc và sự tập trung tuyệt đối, ngoài ra cần có tư chất và nhân duyên nhất định. Khi luyện thành thì có thể trở thành bậc cao thủ hiếm có. Các yếu pháp khác nhau có cách rèn luyện khác nhau, thế nhưng ẩn sau là cả hệ thống nguyên lý rõ ràng, có cơ sở khoa học nhất định.

Đơn cử như sự rèn luyện và vận dụng thủ pháp là sự mô phỏng các loài cầm thú tượng trưng ở các thế tay như Hầu thủ, Hạc thủ, Xà thủ, Hùng chưởng, Ưng trảo, Hổ trảo. Thủ pháp còn kết hợp với nguyên lý âm dương, ngũ hành như nắm đấm tượng trưng cho Kim (tính chất công phá), tay đao tượng trưng cho Mộc (tính chất nguy hiểm), cùi chỏ tượng trưng cho Hỏa (sự dữ dội), thủ chỉ tượng trưng cho Thủy (sự âm hiểm), tay chưởng tượng trưng cho Thổ (sự hóa giải) trong đó tồn tại đầy đủ tương sinh, tương khắc. Sự hiệu quả không tự nhiên đến mà cần được bồi đắp thông qua quá trình tập luyện thường xuyên. Nóng vội hay quá ôm đồm trong rèn luyện dễ mang đến các ảnh hưởng xấu, thậm chí là các chấn thương nhưng hờ hững, lười biếng thì không cũng không thể có thành tựu, đó là những điều mong bạn đọc suy ngẫm.

Ngoài ra võ cổ truyền cũng có rất nhiều hệ phái, nên cân nhắc lựa chọn để tìm ra bộ môn phù hợp với cơ địa, khí chất của bản thân. Có minh sư chỉ điểm cộng thêm nỗ lực cố gắng thì nhất định sẽ có thành tựu. Thành tựu của con nhà võ không phải để so sánh hơn thua với ngoại cảnh, mà dùng để khắc chế tâm cảnh bên trong con người mình bằng cơ thể tráng kiện và tinh thần minh mẫn.

Đặc trưng môn phái Võ Lâm Phật gia Việt Nam          

Võ phái Võ Lâm Phật gia Việt Nam bắt nguồn từ môn võ có nguồn gốc từ thời Lý, là môn võ xuất phát từ cửa thiền, được phóng tác theo lối chiến đấu của các loài mãnh thú trong rừng. Đây là một võ phái hòa hiếu, chủ yếu dạy cho môn sinh cách rèn tập cơ thể và tu dưỡng đạo đức đồng nhất thân tâm, lấy tu thân dưỡng tính làm tôn chỉ, lấy hành thiện làm phương pháp xử thế.

Khi sáng tạo ra võ thuật, con người mong muốn lấy đó làm lợi khí để khuất phục địch thủ. Sự khuất phục ấy được tạo nên từ sức mạnh, điều đó là đúng trong tranh đấu nhưng lại sai trong đạo làm người. Để học võ thành tài, trước hết người học võ cần là con người có mục đích sống không vì cái “tôi” cá nhân. Sự khổ luyện không quản ngại thời tiết, chịu đựng mọi đau đớn thể xác có ý nghĩa gì nếu chỉ để nung nấu, nuôi dưỡng khát vọng chế ngự mọi vật ? Trước hết, tập luyện võ thuật là để có sức khỏe, tâm tính bình hòa và chỉ tự vệ khi thực sự cần thiết. Nếu luyện võ là để khoe khoang thì đang tự rước vạ vào thân, thế nhưng đáng buồn thay, nhiều môn võ lại đề cao tính thực chiến để tô đậm tính thắng thua trong lòng người học để rồi từ khát vọng chiến thắng bản thân khi nào dần biến thành tham vọng chiến thắng người khác. Từ chỗ suy nghĩ “lấy yếu địch mạnh” trở thành “mạnh được yếu thua” là bước đường bi thảm của những cao thủ võ thuật không may đánh mất hoài bão vì sự háo danh, háo thắng.

Sức mạnh cần được sử dụng vào mục đích đúng đắn, cho nên các môn võ có căn bản lâu đời đều đề cao đạo đức trước khi học tập công phu. Các võ sư chân chính thường đặc biệt kén chọn tư chất đồ đệ có khả năng thay mình giữ gìn võ đạo, cũng bởi vậy các bậc sư phụ thà âm thầm chấp nhận cảnh khó chứ không truyền dạy bừa bãi vì lợi ích. Người học võ là người học để phụng sự cộng đồng thay vì phục vụ cá nhân. Hiểu được như vậy thì tuy học võ những sẽ không cần phải dùng đến võ mà vẫn “bất chiến tự nhiên thành”.


image

Khổ luyện thành tài

Biển học vô bờ mà biển võ cũng vô biên, muốn theo thì phải theo đến cũng mới có thành quả. Khó khăn đầu tiên mà người học võ gặp phải là không biết nên chọn môn gì, thầy nào và kiên trì tập luyện ra sao. Trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay thì tình trạng “biết nhiều luyện ít” tương đối phổ biến. Từ phim ảnh, sách vở hay các clip ngắn, ai cũng có thể tiếp cận võ thuật và trong một phút cao hứng, ý tưởng luyện võ xuất hiện cùng viễn cảnh trở thành đệ nhất cao thủ khiến người đời thán phục hiện ra. Tiếp theo đa số sẽ bắt đầu tìm kiếm các khóa học, tích trữ sách vở, hăng hái sắm sửa dụng cụ tập luyện. Một thời gian sau, cao thủ đó vẫn chưa xuất hiện và người đã từng có dự định luyện võ cũng biến mất.

Vượt qua được giai đoạn này thì lại gặp phải tình trạng môn nào cũng thích, phái nào cũng hay. Sau khi xem xong các bộ phim về sư phụ Diệp Vấn thì nôn nao muốn học Vịnh Xuân Quyền, rồi đột nhiên tình cờ xem các bộ phim có Tony-Jaa lại quay sang đam mê Muay Thái, tập được ít buổi lại xem phim của Lý Tiểu Long thì lại phát hiện ra cái thần diệu của Tiệt Quyền Đạo thế rồi lại nghe khuyên là nên học môn võ nhẹ nhàng như Aikido thì sẽ đỡ vất vả hơn v.v…Năm tháng trôi qua cho đến sáng tinh mơ dậy sớm để hít thở mới thấy được Thái Cực Quyền là bộ môn lý tưởng không thua gì Kungfu Thiếu Lâm v.v…. Đó là cảnh khổ của người có đam mê nhưng không có lý trí. Để khắc phục tình trạng này thì nên tìm thầy để chỉ bảo hoặc tự thân suy nghĩ kĩ nên tập theo hệ phái nào cho phù hợp với nguyện vọng, cơ địa và hoàn cảnh bản thân, dứt khoát đã quyết là theo đến cùng.

Tiếp cận được môn võ yêu thích rồi thì còn phải trải qua rất nhiều khổ ải.

Luyện quyền bất luyện công

Đáo lão bất trường không

Tập luyện võ nghệ mà chỉ chăm chú rèn luyện gân cơ, sức mạnh mà không chú trọng hàm dưỡng nội lực thì khi về già toàn bộ thành tựu đều bị phế bỏ do cơ thể đã lão hóa, gân xương hay các cơ bắp không còn ở trạng thái tối ưu. Hàm dưỡng nội lực liên quan đến việc dung dưỡng tinh – khí – thần ở trạng thái viên mãn kết hợp với hơi thở điều hòa và tâm trạng tĩnh tại, khoan dung. Để được như vậy người học võ cần ý thức bản thân từng giây, từng phút để luôn điều chỉnh ở trạng thái cân bằng. Tập luyện Thiền định là phương pháp quan trọng để đạt được sự cân bằng này. Quá trình này kéo dài trọn đời đòi hỏi sự nhẫn nhịn tốt, vì vậy phải thật sự cố gắng nếu như không muốn làm uổng phí công lao tập quyền thuật trong thời kì đang còn sung sức. Sự điều độ là thói quen khó đạt được nếu bản tính hẵng còn ham vui hoặc chưa thật lòng quyết tâm.

Luyện võ là luyện tâm, luyện thân. Luyện cho tâm vững vàng không kinh sợ và luyện thân dày dạn trong đau đớn. Khi buộc phải giao đấu nếu người học võ có nội tâm quá kinh hãi thì thành thục võ nghệ đến mấy cũng không thể tự vệ. Do cơ thể mất kiểm soát từ đó dẫn đến chân tay loạn xạ, hơi thở dồn dập nên nhanh chóng bị địch thủ- dù có không luyện võ, đánh bại. Người học võ cũng không tránh khỏi khi bị chấn thương, bầm tím. Cơ thể đau đớn kèm theo thương tích bên ngoài cũng đóng góp không nhỏ khiến cho võ sinh lùi bước. Để có khắc phục tình trạng đó chỉ còn cách là kiên quyết tập luyện đến cùng cho quen với nỗi sợ và quen với nỗi đau. Bản lĩnh của người học võ cũng theo đó mà dần được hình thành trong mỗi thử thách. Xét đến cùng, đó là cuộc chiến không khoan nhượng của ý chí và tinh thần say mê võ đạo.

Khi đã đạt đến trình độ nhất định, võ sĩ vẫn phải giữ thói quen “văn ôn, võ luyện” đều đặn. Ở một phương diện khác, là người có thành tựu thì họ lại càng cần phải khiêm tốn và sẵn lòng chỉ bảo cho những võ sinh mới. Nếu người võ sĩ tự hào thái quá về bản thân thì phải ngay lập tức tự xét lại mình và tiếp thu góp ý từ những người xung quanh “Cao nhân ắt có Cao nhân trị”. Để suy tưởng, có thể liên hệ với hình ảnh của các chiến binh Samurai luôn mang bên mình thanh kiếm dành cho kẻ thù (Katana) và thanh kiếm dành cho chính bản thân (Tanto) trong tinh thần võ sĩ đạo thực thụ.

image

Thay cho Lời kết

Bài review trên đây nhằm để bày tỏ lòng kính trọng sâu sắc của người viết đối với tác giả của cuốn sách: Võ sư Lý Băng Sơn và muốn tâm huyết, tài năng của tác giả được lan tỏa đến những bạn trẻ có cùng yêu thích võ học.  Khi nhân gian đang say sưa tìm kiếm danh lợi mà vẫn có những con người dành thời gian, công sức chắp bút gìn giữ những giá trị lâu đời thì thông qua trang sách thì quả thật vô cùng đáng trân trọng.

Bằng sự ham thích võ học chân chính và tư chất thông tuệ, Võ sư Lý Băng Sơn đã được các đại sư phụ nức tiếng trong làng võ thuật trước đây như: cố Đại sư phụ Vương Kiếm Trần Công, cố Đại sư phụ Thiện Tâm (Đoàn Tâm Ảnh), cố Đại sư phụ Băng Tâm Lý (Lý Chấn Hòa) chỉ bảo. Tinh hoa gói gọi trong cuốn sách Tìm hiểu võ học – Bí mật Võ lâm chân truyền là tri thức quý giá về võ đạo, võ học, võ công, võ thuật, võ nghệ mà độc giả dù mới tìm hiểu võ học, đang tập luyện võ nghệ hay đã trải qua quá trình rèn luyện võ đạo nên tìm đọc.     

Review chi tiết bởi Nguyễn Phú Hoàng Nam – 

Bookademy

Từ khóa: 

review sách

,

võ lâm phật gia

,

lý băng sơn

,

võ lâm việt nam

,

nguyễn phú hoàng nam

,

sách

Bạn đọc nhiều thể loại quá, từ giáo dục con trẻ đến bí kíp võ lâm :))

Trả lời

Bạn đọc nhiều thể loại quá, từ giáo dục con trẻ đến bí kíp võ lâm :))

Nay Nam review chủ đề mới nha

Nhiều người nghĩ học võ chỉ đơn thuần là học đánh đấm nhưng thực chất còn phải kết hợp rèn luyện rất nhiều yếu tốt về "Tâm" nữa.