REVIEW Tà Dương- DAZAI OSAMU

  1. Sách

 
Trong dòng chảy đằng đẵng của lịch sử, con người không ngừng cố gắng, tiến bộ để rồi chết đi.
Một cuộc đời đầy sai lạc và đau khổ..
Một cuộc đời man mác buồn, hệt tà dương sắp tắt rồi lại mãnh mẽ thiêu đốt bùng sáng những vệt nắng cuối cùng.
Tà Dương, một câu chuyện man mác buồn của một gia đình quý tộc suy sút của Nhật Bản.
Cuộc đời như một giấc mộng, từ lâu đã biết chỉ thoáng kinh hồng, đừng như Nam Kha chôn mình trong mộng ảo, để khi tỉnh dậy chỉ còn là nỗi đau.
Người mẹ quý tộc cho đến chết vẫn cố giữ lại niềm tự tôn trang nhã của một quý tộc, người em trai Naoji sống những ngày tháng vô định mục rỗng, để rồi “cọng cỏ cuối cùng sụp chết con lạc đà”, người em trai từ bỏ kiên trì với cuộc sống và sinh mệnh, thất bại trong cách cố gắng hòa nhập với những dân thường lựa chọn nơi quy túc cho cuộc đời. Và một Kazuko can đảm theo đuổi tình yêu, dám đấu tranh cho cuộc sống, cho hi vọng của chính mình.
Người em trai Naoji trong thư tuyệt mệnh viết:
 
“Thật tình, em không hiểu nổi tại sao mình lại phải sống。
Chỉ những người muốn sống thì mới được sống thôi. Con người cùng với quyền được sống thì chắc chắn có quyền được chết.
Cái suy nghĩ này của em, chẳng có một chút mới mẻ gì, nhưng em nghĩ do con người ta sợ hãi một cách kì lạ với cái điều đương nhiên, gần như nguyên thủy này nên chỉ không nói ra thôi.
Những người muốn sống họ có thể làm bất cứ chuyện gì để sống còn. Điêù đó là tuyệt hảo, và vinh quang của kiếp người chắc là nằm ở chỗ đó. Nhưng em nghĩ chết cũng không phải là tội lỗi."
Cái chết là một phần của sự sống, con người sinh ra để chết đi. Đó là một vòng lặp không thể chối từ, chỉ là.. con người luôn chọn cách trốn tránh đi sự thật hiển nhiên ấy. Naoji cũng từng như thế. Bi kịch của Naoji là bi kịch của những con người Nhật Bản thời bấy giờ. Naoji hiện thân cho sự chuyển giao của quá khứ và tương lai, vì lẽ đó Naoji luôn là nguyên nhân phá vỡ đi sự bình yên của gia đình chăng? Là cầu nối để người mẹ quý tộc cuối cùng và Kazuko- đại diện cho hi vọng và tương lai hiểu nhau hơn.
 
“Băn khoăn đứng giữa hai dòng nước.
Nên chọn một dòng hay để nước trôi.”
.
.
.
Ba con người, ba đại diện, ba lựa chọn khác nhau trong cuộc sống. Người mẹ quý tộc văn nhã dịu dàng sống mãi trong chiếc lồng vàng son quá khứ. Naoji tỉnh táo và tuyệt vọng, suy sút chán đời mong muốn hòa nhập vào tầng lớp thường dân để rồi chán nản trốn tránh cuộc sống, lao đầu vào rượu chè bê bết. Kazuko can trường gai góc, nhận rõ hiện thực rồi đứng lên mạnh mẽ đấu tranh cho bản thân, dũng cảm theo đuổi tình yêu cách mạng.
Kazuko là hiện thân của cách mạng, hiện thân của tương lai và ánh sáng nước Nhật trong thời chiến.
 
“Nhân loại được sinh ra vì tình yêu và cách mạng.”
Nếu kết cục của người mẹ mang trong mình sự kiêu ngạo của quý tộc và người em lẩn tránh thực tại có thể đoán trước thì tương lai của người chị Kazuko lại là muôn hình vạn trạng. Dù tà dương sắp tắt, cũng ánh lên mình sự rực rỡ khó ai bì kịp.
Con người luôn không ngừng đấu tranh để tìm cách sống mà mình cho là đúng.
Con người chiến đấu vì điều gì? Phải sống như thế nào?
Sẽ không ai có thể trả lời cho chúng ta được.
Những gì chúng ta có được, chỉ là sự mê mang mà thôi.
Vượt qua vực thẳm của tuyệt vọng, cứ chạy mà không có mục đích.
Hệt bầy chó hoang trên mình toàn là bùn nhơ.
Từ khóa: 

sách

"Tà Dương" của Nhật khiến anh nghĩ tới "Tắt đèn" của Việt. “Nhân loại được sinh ra vì tình yêu và cách mạng.” Câu này đối với anh khá hay, có lẽ sẽ giúp không ít người đọc thoát ra khỏi những lối mòn để sống một cuộc đời đáng sống.

Trả lời

"Tà Dương" của Nhật khiến anh nghĩ tới "Tắt đèn" của Việt. “Nhân loại được sinh ra vì tình yêu và cách mạng.” Câu này đối với anh khá hay, có lẽ sẽ giúp không ít người đọc thoát ra khỏi những lối mòn để sống một cuộc đời đáng sống.