[Sách] [Suối nguồn, Ayn Rand] Đức tin Howard Roark

  1. Nghệ thuật

  2. Văn hóa

  3. Sách

Sau bao nhiêu ngày dượt đi dượt lại “Suối nguồn”, cuối cùng tôi cũng hiểu tại sao cuốn sách cùng những tư tưởng của Ayn Rand lại gây tranh cãi đến thế, và tại sao các nhà phê bình lại không thích nó, trong khi công chúng thì chia ra hai nửa, một bên theo phe các nhà phê bình và một bên cuồng loạn vì những tư tưởng của Ayn Rand. Bởi vì nếu thế giới được chia ra thành những phần chính xác như Ayn Rand hình dung, thì phần lớn loài người đều là đám đông chống lại Howard Roark bất chấp việc làm trái lương tâm của mình trong cuốn sách. Một cá thể như Roark đã đóng trọn vai trò của anh trong cuộc đời, trong sứ mệnh mà anh được sinh ra để làm – thứ mà dường như từ khi sinh ra anh đã nhận biết được nó. Thực chất thì, tôi nghĩ, đám đông đó sợ hãi sự đột phá, thay đổi, tính vị kỉ hơn, vì họ luôn thèm khát sự an toàn, ổn định bên trong vòng tay đồng loại, thèm khát sự công nhận lẫn nhau. Và một cá thể như Roark thì lại không cần sự công nhận nào cả, chỉ mình anh công nhận anh là đủ, anh sống vì lý tưởng và vì chính con người mình, chứ không sống vì đám đông.

https://cdn.noron.vn/2022/01/15/thefountainheadrandthefountainh-1642225187.jpg

Có lẽ, chính Roark mới là người hiểu nhất cái gọi là lý tưởng, và trong mắt anh, thuyết vị nhân sinh hóa ra lại là một thứ đạo đức giả. Quả vậy, làm sao ta có thể lo lắng và chăm lo cho người khác nhiều hơn chính bản thân mình, và kẻ phàm tục nào sẽ làm điều đó ngoài mục đích muốn người khác công nhận và nhìn nhận hắn ta như một vị thánh? Trong lịch sử, từng có nhà tư tưởng, nhà kiến quốc, nhà đạo đức nào…hay tất cả những nhân vật từng tự vỗ ngực thậm xưng hay được xưng tụng là những kẻ sống vì cộng đồng, vì lý tưởng lại chưa từng dính máu trên đôi bàn tay, chưa từng hạ sát một ai đó để thực hiện những lý tưởng vị nhân sinh của mình? Quả như Roark nói, con người sinh ra với tư cách là những cá thể riêng biệt, cái “tôi” riêng biệt, nhưng chính xã hội lại khép tất cả loài người vào một cái khuôn “vị nhân sinh” – vì cộng đồng, và nếu như ta không sống vì lý tưởng chung thì ta chẳng là gì khác ngoài một kẻ vô lại, bỏ đi. Nhưng hãy thử tưởng tượng, nếu ta không sống vì cộng đồng, nếu ta không để đám đông định nghĩa mình và sự tồn tại của mình, vậy thì ta có còn là con người nữa không? Ta có còn là ta nữa không? Trả lời câu hỏi đó, ta rốt cuộc sẽ hiểu ra vì sao Roark (hay chính tác giả) lại lên án và khinh bỉ thuyết “vị nhân sinh” đến thế. Về cá nhân mình, tôi không cho rằng sống vì người khác nên là lý tưởng của con người, nếu ta không đền đáp, đáp ứng được từng nhu cầu của cá nhân mình, thì sống vì người khác cũng chỉ là dạng sống tầm gửi, dựa dẫm, hay chính xác như Roark nói, đó là kiểu “sống thứ sinh”.

“Suối nguồn” là một sự báng bổ trực diện và mạnh mẽ lên mọi quan niệm tôn giáo, đức tin, mọi khuôn mẫu xã hội, và phải chăng cũng vì thế mà bọn họ căm ghét anh. Dominique, Malory, những người ủng hộ Roark và chính anh, có lẽ đều đã sinh ra nhầm thời điểm và nhầm không gian, chỉ một quả đất nhỏ bé này có vẻ không dung chứa hết được bọn họ, tôi chưa từng thấy bất kể ai có thể trở nên thống nhất đến như những con người ấy. Đặc biệt là Roark, anh giống như một khối thạch anh trong suốt, tuyệt đẹp với kết cấu hoàn hảo do chính tự nhiên sinh ra chứ không phải bị nhào nặn bởi bàn tay con người, tôi chưa từng thấy một con người nào có thể mang duy nhất một lý tưởng xuyên suốt và thấu suốt bản thân mình đến thế, nếu con người thực sự là những bản thể hoàn hảo nhất trong thiên hà này, thì Roark chính là bản thể hoàn hảo nhất trong những bản thể ấy. Anh là kẻ vô thần, anh không tuân theo bất cứ nguyên tắc hay khuôn mẫu nào, người ta lên án anh là một kẻ không có đức tin, một kẻ vị kỉ tự mãn chỉ biết đến chính mình. Nhưng kì thực, anh lại là kẻ có đức tin sâu sắc và cao cả nhất, đức tin của anh gắn liền với những điều anh làm, với những nguyên tắc và triết lý thiết kế của anh trong kiến trúc, anh tin tưởng vào nó như tin tưởng vào chính mình, anh chưa từng sợ hãi những kẻ sống thứ sinh, và vì thế, anh tiếp nhận mọi đàm tiếu và báng bổ của dư luận quanh mình với sự thờ ơ của một vị thánh. Anh là kẻ có nguyên tắc cứng rắn và vững chắc nhất, những nguyên tắc ấy thể hiện rõ rệt nhất trong phong cách của anh, và anh không vì đám đông lên án mình, không vì tấm gương của người thầy mà anh kính trọng, không cả vì người đàn bà anh yêu mà thay đổi nó. Và người theo đuổi cái “tôi” và sự vị kỉ mạnh mẽ như anh hóa ra lại là người mang đến cho cộng đồng những cái cần thiết và tốt đẹp nhất, trong triết lý kiến trúc của mình, Roark không thiết kế, không xây dựng vì người khác muốn thế, mà anh làm vì chính anh muốn thế, vì những điều mà mặt đất, cát, sỏi, bê tông, những khung thép…nói với anh, và bằng cách nào đó, chính những thứ được sinh ra một cách tự nhiên như thế lại là cái phản ảnh rõ nhất con người sống trong đó, không ai có thể giả dối trong những công trình của anh, chưa bao giờ tôi thấy có bất cứ ai tôn thờ tính tự nhiên đến thế. Trong suốt bộ tiểu thuyết, Roark đã đứng ở nơi cao nhất và ngạo nghễ nhìn xuống loài người e sợ anh và tôn thờ anh, bởi vì họ tôn thờ anh nên họ sợ anh, bởi vì họ không hiểu anh nên họ lên án anh, mà không ai có thể hiểu được anh, không một vũ khí tinh thần nào có thể tác động lên anh kể cả nỗi đau đớn mà Dominique mang lại cho anh suốt bảy năm trời. Bên cạnh anh, dường như tất cả mọi người đều trở nên nhỏ bé. Với tôi, Roark chính là một hình mẫu hoàn hảo nhất của con người, vẻ đẹp của anh là vẻ đẹp tuyệt vời nhất mà thiên nhiên từng tạo ra, anh là kẻ thánh thiện hơn cả những vị thánh, là kẻ bao dung nhất trong tất cả những kẻ bao dung, là kẻ ít vị kỉ nhất trong đám đông lên án anh là tên vị kỉ và là kẻ tôn trọng con người nhất bởi những xúc cảm của anh chính là những xúc cảm mang tính người nhất, sự ngây thơ và vô tư của anh chính xác là cái mà tạo hóa đã ban cho con người từ thuở hồng hoang.

Đọc các bài review khác của mình

TẠI ĐÂY

Từ khóa: 

sách

,

cảm thụ nhân vật

,

cảm thụ văn học

,

phân tích

,

nghệ thuật

,

văn hóa

,

sách

Đọc đi đọc lại như đọc kinh :)))

Trả lời

Đọc đi đọc lại như đọc kinh :)))

Nghe nói cuốn này có khuyến cáo không đọc khi nằm ngửa, tránh các chấn thương vùng mặt không đáng có khi....tuột tay

Đọc 4 tháng mới hết cuốn này =))))