Sống hòa hợp với stress: Nhận diện người bạn đường

  1. Tâm lý học

Căng thẳng - stress là phản ứng của cơ thể đối với các tình huống có hại - cho dù đó là thực tế hay cảm nhận. Khi cơ thể cảm thấy bị đe dọa, một phản ứng hóa học xảy ra trong cơ thể cho phép hành động để ngăn ngừa thương tích. Phản ứng này được gọi là "chiến đấu hoặc bỏ chạy" hoặc phản ứng căng thẳng. Trong phản ứng căng thẳng, nhịp tim tăng lên, thở nhanh, cơ thắt lại và huyết áp tăng. Đó là cách bạn tự bảo vệ mình.

https://cdn.noron.vn/2022/08/16/31996113746983-1660614769.jpgKhông phải tất cả căng thẳng đều xấu. Với mức độ nhẹ, căng thẳng có thể giúp hoàn thành nhiệm vụ và ngăn bị thương. Đó là một điều tốt. Nhưng căng thẳng mãn tính, lâu dài sẽ gây ra hậu quả xấu.

Còn sống còn hít thở là còn stress. Vì vậy sẽ hợp lý hơn nếu chúng ta tìm cách sống hòa hợp với stress thay vì cố gắng tránh né để rồi lại mắc kẹt trong stress.

Trước tiên, hãy cùng nhận diện stress thông qua việc trả lời những câu hỏi sau:

“Liệu rằng mình có đang bị stress?”

“Điều gì đang làm mình stress?”

“Stress này có cần thiết không?”

Mục tiêu của cả quá trình là nhận ra mình đang bị stress, biết cái gì làm mình stress, loại bỏ những stress không cần thiết và sẵn sàng bắt tay vào xử lý những stress cần thiết. Như ông bà ta có dạy “chọn bạn mà chơi”. Chúng ta có thể cởi mở với tất cả mọi người. Nhưng dành thời gian và sức lực nhiều như nhau cho từng ấy người thì quả là mệt mỏi quá sức lắm.

1, Liệu rằng mình có đang bị stress?

Khi tìm kiếm từ khóa “stress” trên google, bạn sẽ ngay lập tức nhận được hàng trăm ngàn kết quả kiểu như “8 tác hại của stress” hay “10 cách để xả stress”. Tuy nhiên, điều quan trọng mà ít ai nhận ra chính là “làm sao có thể xử lý một cái gì đó, khi bạn thậm chí còn không nhận ra nó?”.

Ai cũng mong muốn mình có khả năng quản lý stress tốt để có được cuộc sống an yên. Muốn vậy, việc đầu tiên là phải nhận ra stress ngay khi bạn vừa cảm thấy stress. Sẽ rất khó giải quyết stress (và hậu quả của nó) khi bạn đã tích lũy, dồn nén một khối lượng lớn rất lớn trong thời gian dài rất dài. Như sợi dây thun bị kéo căng thật căng sẽ đột ngột đứt hoặc giãn hoàn toàn. Để nhận ra rằng mình đang stress, điều bắt buộc là bạn phải chú ý quan sát bản thân nhiều hơn.

Bất cứ khi nào cảm thấy “khó chịu” (khó chịu trong người và khó chịu với người khác) hãy dừng lại, hít thở và nhận biết những dấu hiệu sau trên cơ thể và tâm trí của mình. Hãy tự quan sát bản thân xem: “vai tôi có đang căng cứng không?”, “bàn tay tôi có đang đổ mồ hôi?”, “tim tôi có đang đập thình thịch?…” Ngoài ra, nếu bạn đủ nhạy cảm, bạn có thể nhận thấy ở mình các biểu hiện về suy nghĩ và cảm xúc:

“Dạo này sao mình dễ nóng tính thế nhỉ – chuyện bé xíu mà cũng la ầm lên được? Có điều gì mà mãi không tập trung đọc xong trang sách này được? Mệt quá, hay bỏ luôn cho rồi…”

Mỗi biểu hiện của cơ thể không có đúng sai, tích cực hay tiêu cực. Tất cả đều là tín hiệu hữu ích. Lúc nhận được những tín hiệu này, nghĩa là bạn đang stress.

2, Điều gì làm mình stress?

Thông thường, sẽ có 2 trường hợp xảy ra:

2.1. Bạn trả lời được ngay

“Những thứ làm mình lo lắng cứ tuôn trào ra, đôi khi nhiều đến mức trở nên lộn xộn.”

Tốt nhất hãy ngồi trước một tờ giấy, một cây viết và ghi ra tất cả những lo nghĩ đang hiện lên trong đầu bạn. Cứ ghi ra cho bằng hết. Bạn sẽ bất ngờ vì trong đầu mình có thể chứa hằng nhiều thứ đến thế và trên vai mình đang phải gánh vác nhiều trách nhiệm đến vậy. Cứ ghi ra hết – sắp xếp sau!

2.2. Mãi không nghĩ ra mình đang lo lắng điều gì

Cơ thể không nói dối. Một khi bạn nhận được tín hiệu của nỗi lo biểu hiện trên cơ thể thì chắc chắn nỗi lo tồn tại ở đâu đó, dù bạn có đang nhận ra hay chưa. Có những điều mà người ta thường cho là “nhỏ nhặt” không đáng kể đến hay “đương nhiên” phải lo nghĩ rồi, vì vậy mà bỏ qua nó. Đừng như vậy, đây là lúc thành thật và nhạy cảm. Hãy ghi ra hết, từ những điều bạn dành nhiều thời gian để suy nghĩ đến những thứ nhỏ nhất bạn đang bận tâm.

Dần dần, bạn sẽ có được kết nối để nhận ra được mình đang lo lắng. “Ồ, hóa ra chuyện này ảnh hưởng tới mình nhiều hơn mình nghĩ.” 

3, Stress này có cần thiết không?

Khi bạn đã liệt kê được tất cả các các vấn đề làm mình stress, việc tiếp theo là gạch bỏ những stress không cần thiết, chỉ để lại các stress cần thiết để đối mặt.

Công cụ sau đây sẽ là một cách đơn giản dễ áp dụng để phân loại nguồn stress thành “cần thiết” hay “không cần thiết”:

3.1. Lưới lọc nguồn gây stress

Những vấn đề trong cuộc sống có thể nằm ở 3 vị trí của lưới lọc: ngoài vòng tròn quan tâm, trong vòng tròn quan tâm và trong vòng tròn ảnh hưởng. Phân loại này dựa vào mức độ tác động qua lại giữa bạn và vấn đề đó.

  • Ngoài vòng tròn quan tâm: Là những vấn đề không ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn
  • Trong vòng tròn quan tâm: Là những vấn đề có ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn.
  • Trong vòng tròn ảnh hưởng: Là những vấn đề có ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn và bạn có thể ảnh hưởng ngược lại để thay đổi vấn đề. 

3.2. Đối với từng vị trí của vấn đề trên tấm lưới lọc, chúng ta có những thái độ cụ thể:

Bạn chỉ có 24 tiếng đồng hồ một ngày và một cơ thể cần phải nghỉ ngơi. Hãy ưu tiên dành nguồn lực về sức khỏe và và thời gian ở nơi hữu ích. Hãy dành càng nhiều nguồn lực càng tốt cho những thứ ở trong vòng tròn ảnh hưởng.

Giảm nguồn lực dành cho những thứ nằm ngoài vòng tròn ảnh hưởng. Vì tại thời điểm hiện tại bạn không thể làm gì để thay đổi những sự việc này nên cách tốt nhất là “bỏ nó qua một bên”. Bỏ sức lực vào đây giống như muối bỏ biển. Càng cố gắng bạn chỉ càng lo lắng. Bạn sẽ nhận lại cảm giác bất lực, bế tắc, nạn nhân. Căng thẳng bắt nguồn từ những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực như vậy.

3.3. Bây giờ ta lại nói về stress

  • Stress cần thiết: những vấn đề nằm trong vòng tròn ảnh hưởng
  • Stress không cần thiết: những vấn đề nằm ngoài vòng tròn ảnh hưởng

Hãy giữ lại trên mặt giấy những stress cần thiết vì bạn có thể hành động để sự việc trở nên tốt đẹp hơn. Đây chính là những nguồn stress có lợi – quan trọng với bạn và thúc đẩy sự phát triển của bạn. Gạch bỏ thẳng tay những stress vô ích vì bạn không thể làm gì để thay đổi. Không việc gì chúng ta phải chịu đựng tất cả căng thẳng mà cuộc đời mang đến cho mình.

Cùng nhìn lại danh sách này, dễ thấy rằng số nguồn gây stress đã giảm đi hơn phân nửa. Bạn giảm được một nửa áp lực, và còn có được cái nhìn rõ ràng hơn cho những việc cần bắt tay vào giải quyết.


Nguồn tham khảo:

  • Stephen Covey. The seven habits of highly effective people.
  • Dale Carnegie. How to stop worrrying and start living.
  • Chade-Meng Tan. Search inside yourself.
Từ khóa: 

stress

,

sống hòa hợp với stress

,

tâm lý học