[Tấm gương Lịch sử] Trọng Do đường xa gánh gạo nuôi cha

  1. Lịch sử

Trọng Do là người nước Lỗ, tên tự Tử Lộ, là một trong những học trò giỏi của Khổng Tử. Trọng Do không những nổi tiếng vì văn hay chữ tốt mà còn được người trong nước kính trọng do lòng hiếu thảo không ai bì kịp. Thời ấy, chiến tranh ảy ra liên miên, Lỗ lại là nước nhỏ nằm giữa các nước lớn, phải cung phụng rất nhiều phẩm vật mới mong giữ gìn được yên ổn. Vì vậy, không những triều đình mà cả đến người dân cũng chẳng mấy ai sung túc. Riêng nhà Trọng Do còn nghèo hơn hết, dù hai cha con đã ra sức cày bừa kiếm ăn vẫn không hề dư dả chút nào.

Đã vậy, năm ấy đất Biện lại bị hạn hán nặng nề, nước sông cạn tới đáy nên ruộng lúa chết khô, cây trái cằn cỗi, hoàn toàn không còn lương thực qua ngày. Nạn đói càng lúc càng hoành hành dữ dội, người người phải kéo nhau qua tỉnh khác xin ăn hoặc làm công tạm thời. Nhà Trọng Do cũng lâm vào tình trạng như vậy nhưng phụ thân của ông vì tuổi già sức yếu khó có thể đi xa lại không chịu mất mặt van xin người khác lấy miếng cơm thừa, nhất quyết ở lại quê hương, thà rằng chết đói còn hơn để mất danh dự.

Trọng Do là người hiếu thảo, không muốn trái lời cha, suy nghĩ mãi chỉ còn một cách là đến nhà họ hàng mượn vài chục cân gạo thì may ra mới duy trì được sự sống cho cha. Tuy nhiên, khó khăn nhất là nhà họ hàng lại cách xa hơn trăm dặm mà hiện tại trong nhà chẳng còn hột gạo qua đêm, nếu đi chậm thì cha già có thể chết đói. Với lòng hiếu thảo cao độ, Trọng Do không hề ngần ngại, ngay sáng hôm ấy lên đường, đi thật mau để chiều tối tới nơi, sau đó chàng lại sợ cha già đói khát nên lập tức quay về ngay, chẳng màng đang là lúc đêm tối có nhiều trộm cướp.

70f174705be68c5db175fed7f8d0ca4f

Trọng Do chữ hiếu cùng cha

Hai trăm dặm đặng chẳng xa mấy phần

Gạo ngon đội mấy chục cân

Thương cha đói khát chẳng ngần ngại chi.

Trọng Do đi suốt đêm ấy, đến được nhà thì mệt lả người, nằm ngay ra đất thở dốc nhưng trong lòng vô cùng vui sướng vì cha già đã có gạo ăn. Việc làm này khiến người biết chuyện hết sức cảm thán, bởi vì sức người trong một ngày một đêm đi hết hơn hai trăm dặm đường chẳng thần kỳ lắm ư? Đó chính là sức mạnh của lòng hiếu thảo khiến con người thêm sức mạnh.

Sau khi cha mất, Trọng Do sang nước Sở sinh sống. Sở vương vốn đã nghe danh ông từ lâu, vội sai người đến mời vào triều và phong làm Đại phu, bổng lộc hậu hĩ. Nhìn dinh thự sang trọng, mỗi bữa cơm đều có những món ngon vật lạ, Trọng Do rơi nước mắt, không sao nuốt nổi và thường than với mọi người:

Trước kia tuy ta bần hàn thật nhưng trong lòng vui sướng vì được phụng dưỡng cha mẹ, nay có giàu sang đến đâu cũng không còn báo hiếu được nữa rồi, vì vậy mà buồn thương, tiếc nhớ khôn cùng.

Than xong, Trọng Do khuyên nhủ mọi người:

Nếu ai còn cha còn mẹ thì nên hết sức tỏ lòng hiếu thảo, kẻo mai cha mẹ mất rồi thì có ngàn vàng cũng chẳng làm gì được nữa, khi ấy có hối hận thì đã muộn mất rồi.
Từ khóa: 

100 tấm gương lịch sử

,

tấm gương hiếu thảo

,

ngày của cha

,

trọng do hiếu nghĩa

,

lịch sử trung hoa

,

lịch sử