Tiền từ Hitler- một câu chuyện đau lòng về nạn phân biệt chủng tộc và sự áp bức dã man người Do Thái

  1. Lịch sử

  2. Sách

Bằng giọng văn giàu hình ảnh và trí tưởng tượng phong phú, nhà văn nổi tiếng người Séc Radka Denemarková đã miêu tả một thế giới bất công và tăm tối.

Tiền từ Hitler kể về câu chuyện của Gita Lauschmann, cô gái sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần Do Thái nhưng nói tiếng Đức tại ngôi làng Puklice ở Séc. Sáu chương truyện trong tác phẩm là sáu lần nỗ lực trở về quê hương từng là nơi cô trải qua tuổi thơ hạnh phúc trước khi chiến tranh xảy ra.

Vào năm 1945, thiếu nữ 16 tuổi Gita Lauschmanová rời trại tập trung của Đức Quốc xã và phải đối diện với thực tế phũ phàng đáng kinh ngạc rằng trên thực tế không có nơi nào để về. Trải qua muôn vàn khốc liệt, giờ đây cô gái mồ côi Gita quay trở lại ngôi làng của mình với hi vọng sẽ nhận được sự chào đón của người dân ở nơi cô sinh ra và lớn lên. Nhưng thứ Gita nhận được chỉ là sự thù ghét từ những người từng làm thuê cho bố của cô, chính họ lúc này đã chiếm đoạt toàn bộ tài sản và nhà cửa của gia đình Gita. Bọn chúng gán cho cô cái mác phát xít, chúng khiến cô một lần nữa sống trong đọa đày và thống khổ cùng cực. Đối với cô, sống không còn là vấn đề đúng hay sai. Gita may mắn trốn thoát và được người dì ở Praha cưu mang.

https://cdn.noron.vn/2022/03/25/tien-tu-hitler-2-1648180215.jpg

Sáu mươi năm sau, vào mùa hè năm 2005, Gita Lauschmannová lúc này đã là bác sĩ về hưu. Bà quyết định quay lại ngôi làng để đòi lại công lý cho gia đình. Nhưng một lần nữa, người dân nơi đây quyết liệt chống đối lại bà, người duy nhất ủng hộ bà chính là con trai của gia đình trước kia từng tống cổ bà khỏi ngôi nhà của mình.

Liệu rằng sau tất cả đau khổ và oan ức mà Gita Lauschmannová phải chịu đựng ngần ấy năm, bà có thể khiến người dân Puklice thừa nhận sai lầm của họ, liệu bà có thể được nhận dù chỉ là một lời xin lỗi trước khi bệnh tật khiến bà gục ngã và từ giã cõi đời???

Tiền từ Hitler là một câu chuyện đau lòng về nạn phân biệt chủng tộc và sự áp bức dã man người Do Thái. Tác phẩm đã nhận được giải thưởng Magnesia Litera danh giá của Cộng hòa Séc cho thể loại Văn học Séc ở hạng mục văn xuôi năm 2007. Vở kịch cùng tên được công chiếu vào những năm 2010-2012 tại Nhà hát Svanda ở Praha đã làm dấy lên những làn sóng tranh luận trong công chúng về chủ đề nhạy cảm trong mối quan hệ chính trị của Đức-Séc-Do Thái.

———————–

Cuốn sách giành được các giải thưởng danh giá:

Giải thưởng Magnesia Litera ở hạng mục Hư cấu – giải văn chương danh giá nhất của Séc năm 2007;

Giải thưởng Văn học Usedom và Giải thưởng Georg Dehio

https://cdn.noron.vn/2022/03/25/tien-tu-hitler-3-1648180214.jpg

Tác giả

Radka Denemarková, sinh năm 1968 tại Kutná Hora, Cộng hòa Séc. Bà học ngành ngôn ngữ Đức và ngành nghiên cứu ngôn ngữ Séc tại khoa Triết của Đại học Charles, lấy bằng tiến sĩ năm 1997. Bà làm việc với tư cách là nhà nghiên cứu tại Viện Văn học Séc thuộc Viện Hàn lâm Khoa học của Cộng hòa Séc và là nhà viết kịch tại Nhà hát Na zábradlí ở Praha.

Denemarková là nhà văn Séc duy nhất ba lần nhận được Giải thưởng Magnesia Litera (ở các hạng mục khác nhau: văn xuôi, phi hư cấu và dịch thuật). Các tác phẩm của bà đã được dịch sang 19 thứ tiếng.

Dịch giả

Dịch giả Hau Phamová sinh năm 1968 tại Hải Phòng, hiện sống tại Praha, Cộng hòa Séc.

* 1985 -1986: học ngôn ngữ Séc tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.

* 1986 – 1993: học thạc sĩ, Đại học Charles, Prague.

* 1993: nhận bằng thạc sĩ Hóa học (M.S), Đại học Charles, Prague, Séc.

Hiện là phiên dịch viên tòa án được cấp phép và giảng viên bộ môn Việt Nam học (tại Đại học Charles và các trung tâm ngoại ngữ khác).

Trích đoạn 1

Đoàn người sẽ bắt đầu di chuyển vào sáng sớm. Vận chuyển vượt qua biên giới Tiệp. Một cuộc thanh trừng triệt để, làn sóng đầu tiên dạt về phía đông, bây giờ về phía tây; tôi di chuyển ở trong cả hai làn sóng ấy. Từ một số những người halfling lâu ngày bị đói khát toát ra sự nhẹ nhõm khó hiểu. Mặc dù vào ban đêm bọn chúng lại lục tung những chiếc vali buộc dây đai và thu lấy những món đồ có giá trị. Không một chút bối rối lúng túng, bằng những cái móng vuốt tham lam thèm khát chúng bới tung mọi đồ vật nằm trong những chiếc ba lô và những chỗ cất giấu ở những túi bên trong áo vét. Chúng nhào vào bộ ngực dưới vạt áo của những người phụ nữ và cười khúc khích, tát bùm bụp vào cơ thể nạn nhân của mình từ mọi phía và giật đứt những sợi dây chuyền và đồng hồ của họ. Còn những cái khuyên tai, thì chẳng cần mất công tháo ra. Chỉ cần giật bụp một phát thật mạnh, thế là xong, rồi những tiếng la hét van xin và những đồ trang sức lấp lánh ánh vàng trên thùy tai chuyển thành đồ trang trí hình những hạt lựu hồng hồng rớt xuống. Những người phụ nữ có món đồ trang sức như thế này còn phải trải qua một lần tuyển chọn khác nữa. Những người phụ nữ trẻ trung xinh đẹp với những giọt nước màu hồng chảy dọc xuống dưới cổ bị kéo ra sau những tấm rèm hoặc là chỉ bị đẩy lăn vào trong đó, những giọt rớt xuống chảy dài dọc theo đường viền quanh cổ chui xuống dưới ngực và những bàn tay thèm khát của lũ đàn ông lần theo chúng, xuống dưới, xuống dưỡi, rồi thấp hơn, thấp hơn nữa, không biết bao nhiêu là vết thương và những tiếng nức nở dai dẳng, một số gào rú lên, sao vậy chẳng lẽ những năm tháng qua họ vẫn chưa quen với những điều như vậy xảy ra sao, những việc như thế xảy ra hằng ngày. Đó mới chỉ là một khởi đầu ngọt ngào. Nhưng ai trong số họ muốn tôi mô tả tường tận chi tiết những gì sẽ xảy ra tiếp theo đây?

Trích đoạn 2

Đến cuối đời Denis sẽ cay đắng tiếc nuối. Bởi vì ông sẽ không để cho mình được yên và như một người duy nhất ông tìm thấy những chi tiết mà cho đến nay chưa ai từng biết về cuộc đời Gita Lauschmannová. Nhưng bởi vì con người không thể tin vào chính mắt mình, huống hồ vào những ánh mắt khác, và bởi vì không thể tin vào những lời nói của mình, còn nói gì những lời phát ra từ miệng những người khác, thế nên…

Thế nên Denis sẽ nuốt vào trong những gì ông biết.

Và định mệnh sẽ không cho ông thời gian để kể cho ai cái điều khiến cho ông cảm thấy nặng nề nhất và làm cho ông không chỉ mất ngủ mà còn mất cả niềm vui sống trong những năm cuối đời. Ông đã ngẫm nghĩ tự hỏi, tại sao chúng ta sẽ không được biết cái điều chính yếu về cuộc sống của con người. Không phải vì câu chuyện có thể kết thúc, mà bởi vì vốn từ ngữ có thể sử dụng kết thúc. Vâng, chắc chắn rồi, lời nói có thể gây ra nhiều tội ác.

Không thể ngăn cản được họ bất cứ điều gì

.

Nguồn: NXB Phụ Nữ

Từ khóa: 

tiền từ hitler

,

radka denemarková

,

nxb phụ nữ

,

thư viện tự lập

,

noron

,

lịch sử

,

sách

Vậy chỉ có người Do Thái mới chịu sự phân biệt chủng tộc hay sao? Xuyên suốt chiều dài lịch sử đâu đâu cũng có mâu thuẫn sắc tộc , tôn giáo , giai cấp . Một nửa cái bánh mì thì vẫn là một nửa cái bánh mì. Còn một nửa sự thật thì còn có đáng tin hay không.  Mình không phủ nhận những gì mà người Do Thái phải chịu đựng trong thế chiến 2 . Nhưng tâm lý đàn áp người Do Thái không chỉ có ở mình đệ tam đế quốc . 
Trả lời
Vậy chỉ có người Do Thái mới chịu sự phân biệt chủng tộc hay sao? Xuyên suốt chiều dài lịch sử đâu đâu cũng có mâu thuẫn sắc tộc , tôn giáo , giai cấp . Một nửa cái bánh mì thì vẫn là một nửa cái bánh mì. Còn một nửa sự thật thì còn có đáng tin hay không.  Mình không phủ nhận những gì mà người Do Thái phải chịu đựng trong thế chiến 2 . Nhưng tâm lý đàn áp người Do Thái không chỉ có ở mình đệ tam đế quốc .