Tứ Niệm Xứ Trong Thiền Là Gì?

  1. Tâm linh

  2. Tôn giáo

https://cdn.noron.vn/2022/02/16/60202920811842480-1645027399_1024.jpg

Tứ Niệm Xứ trong tiếng Pali là Cattaro Satipatthana, trong đó Cattaro là bốn, Sati là niệm hay nhớ, biết, không bỏ quên đối tượng, còn Patthana là Xứ hay nơi trú ngụ; Patthana là hình thức rút gọn của Upatthana nghĩa là để tâm mình gần lại với đối tượng. 

Trong khái niệm về Tứ Niệm Xứ, thì Sati thường gợi lên nhiều thảo luận xung quanh ý nghĩa của từ này. Theo ngài Ñāṇavīra (1987) thì ở mức độ cơ bản nhất thì Sati thường được hiểu là “trí nhớ”; nhưng với ý nghĩa này thì trí nhớ này liên quan đến quá khứ, thể hiện trạng thái hồi tưởng nhiều. 

Còn trong Bát Chánh Đạo, thì Sati lại liên quan đến hiện tại nhiều hơn, nên vì thế ngài Ñāṇavīra nhìn nhận Sati là nhớ về hiện tại hay ý thức rõ rệt về phút giây hiện tại. Những tranh luận này bắt nguồn từ việc chuyển dịch từ Sati trong tiếng Pali sang tiếng Anh, thuật ngữ mà chúng ta biết đến là “Mindfulness”, song ban đầu người ta thường dùng cụm từ “Bare attention” để diễn tả ý nghĩa về sự chú ý đơn thuần. Học giả Thomas William Rhys Davids (1843–1922) là người đầu tiên dịch từ Sati sang tiếng Anh với thuật ngữ “Mindfulness” trong cụm từ Sammā-sati như sau: “Right Mindfulness; the active, watchful mind”. 

Ngài Bhante Vimalaramsi giải thích cụ thể hơn về ý nghĩ nhớ của Sati trong cuốn A Guide to Tranquil Wisdom Insight Meditation của mình như sau: Sự ghi nhớ của Sati giúp chúng ta chú ý khi tâm trí chuyển từ đối tượng này sang đối tượng khác, thêm vào đó, sự ghi nhớ này giúp tâm trí chúng ta quay lại đối tượng thiền khi tâm trí bị đi lạc.

Trong kinh điển, những bài kinh quan trọng liên quan đến Tứ Niệm Xứ có thể đến là Kinh Đại Niệm Xứ trong Trường Bộ Kinh, hay các bài kinh như Kinh Niệm Xứ, Kinh Nhập tức xuất tức niệm, Kinh Thân hành niệm trong Trung Bộ Kinh, hay phần Tương ưng niệm xứ trong Thiên Đại Phẩm thuộc Tương Ưng Bộ Kinh. 

Phương pháp hành trì của Tứ Niệm Xứ được nhắc đến trong Kinh Đại Niệm Xứ với phần mở đầu, và sau đó là đi sâu vào chi tiết của các phương pháp quán chiếu về Thân, Thọ, Tâm, Pháp.

“Này các Tỷ kheo, đây là con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh lý, chứng ngộ Niết bàn. Ðó là Bốn niệm xứ.

Thế nào là bốn? Này các Tỷ kheo, ở đây vị Tỷ kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời.”

Cũng đề cập đến Tứ Niệm Xứ, nhưng Kinh Đại Niệm Xứ triển khai chi tiết trên nền tảng nội dung cơ bản của Kinh Niệm Xứ; đặc biệt là phần quán pháp. Các phép quán được triển khai như sau theo Kinh Đại Niệm Xứ.

Quán Thân, hay Niệm Thân hoặc Thân Quán Niệm Xứ: Gồm có 6 đề mục phân thành 14 đối tượng. Cụ thể là quán sát hơi thở, quán sát tứ oai nghi, quán sát các tiểu oai nghi, quán sát 32 thể trược, quán sát tứ đại, quán sát tử thi. Quán thân tập trung vào thân, để nhận biết thân này thế nào, cấu tạo của thân để hướng đến đoạn trừ thân kiến.

Này các Tỷ kheo, thế nào là Tỷ kheo sống quán thân trên thân?

Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt. Tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra. Thở vô dài, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở vô dài"; hay thở ra dài, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở ra dài"; hay thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở vô ngắn"; hay thở ra dài, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở ra ngắn"; Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập; "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập; "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập; "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.

[…]

Như vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì ở trên đời. Này các Tỷ kheo, như vậy Tỷ kheo sống quán thân trên thân.

Quán thọ hay Niệm Thọ, hoặc Thọ Quán Niệm Xứ

Này các Tỷ kheo, ở nơi đây Tỷ kheo khi cảm giác lạc thọ, biết rằng: "Tôi cảm giác lạc thọ"; khi cảm giác khổ thọ, biết rằng: "Tôi cảm giác khổ thọ"; khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ, biết rằng: "Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ". Hay khi cảm giác lạc thọ thuộc vật chất biết rằng: "Tôi cảm giác lạc thọ thuộc vật chất". Hay khi cảm giác lạc thọ không thuộc vật chất, biết rằng: "Tôi cảm giác lạc thọ không thuộc vật chất". 

[…]

Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì ở trên đời. Này các Tỷ kheo, như vậy Tỷ kheo sống quán thọ trên các thọ. 

Quán tâm, hay Niệm Tâm hoặc Tâm Quán Niệm Xứ là nhận biết sự thay đổi của Tâm, không để tâm bị lôi cuốn theo hay bị vấy bẩn bởi tham sân si. Với sự tập trung ý chí cao độ, chúng ta có thể nhiếp phục tâm, đoạn trừ các tâm bất thiện đã sanh trưởng lẫn chưa sanh trưởng. Gọi là Tâm bất thiện, vì có tương ưng với căn bất thiện là căn Tham (Lobhamūla), căn Sân (Dosamūla) và căn Si (Mohamūla). Trong ba căn này, căn Si là quan trọng nhất, vì trong các ác pháp hay bất thiện pháp không hề thiếu vắng căn Si. Nguyên nhân sanh khởi Tâm bất thiện cũng có năm nguyên nhân đối lập với Thiện, đó là: Không như lý tác ý (Anyonisomanasikāra), ở chỗ không đáng ở (Appaṭirūpadesāvā), thân cận ác nhân (Asappurisarūpa nissāya), đời trước không tạo nhiều thiện phước (Pubbe akaṭa-puññaṭā), lập trường sai quấy (Aṭṭamicchāpanidhi). Nên một trong những cốt lõi trong phương pháp quán trong Tứ Niệm Xứ chính là Như Lý Tác Ý (Yoniso Manasikàra)

Theo Thắng Pháp Tập Yếu Luận, “Tham được tìm thấy trong tám tâm câu hữu với tham. Tà kiến được tìm thấy trong 4 tâm tương ưng với tà kiến. Mạn được tìm thấy trong 4 tâm không tương ưng với tà kiến.” Ngài Minh Châu lại nói tiếp: “Do si (moha), con người sanh tham và sân, làm tất cả những điều ác. Vì vậy, Si là nguồn gốc của tất cả việc bất thiện có mặt trong tất cả 12 bất thiện tâm. Con người không có tàm, không có quý nên làm tất cả những điều ác, vì vậy vô tàm, vô quý được tìm thấy trong 12 bất thiện tâm. Con người không làm điều ác trong khi thân tâm an tịnh và điều hòa. Chỉ khi nào tâm trí loạn động, con người làm điều bất thiện. Vì vậy Uddhacca (trạo cử) có mặt trong 12 bất thiện tâm.” Ngoài ra, thì Luận còn nói: “Sân, tật, keo kiết và hối được tìm thấy trong hai tâm tương ưng với sân. Hôn trầm và thụy miên được tìm thấy trong năm tâm cần được nhắc bảo. Nghi được tìm thấy trong tâm tương ưng với nghi.”Có thể thấy, trong 12 tâm bất thiện luôn đi kèm với 14 tâm sở bất thiện tương ứng, có 14 loại: “Moho: Si, Ahirikam: Vô tàm. Anottappam: Vô quý. Uddhacca: Trạo cử. Lobho: Tham. Ditthi: Tà kiến. Màno: Mạn. Doso: Sân. Issà: Tật. Macchariyam: Xan. Kukkuccam: Hồi. Thìna: Hôn trầm. Middha: Thụy miên. Vicikicchà: Nghi.”

Trong phần miêu tả về phương pháp quán về tâm trong Kinh Đại Niệm Xứ, Đức Phật chú trọng việc theo dõi sự chuyển đổi của tâm từ đối tượng này qua đối tượng khác; mà không tập trung vào duy nhất một đối tượng, kinh viết: “Với tâm có tham, biết rằng tâm có tham; hay Với tâm không tham, biết rằng tâm không tham.” Đây là một điểm khác biệt giữa thiền Tứ Niệm Xứ và thiền Định, mà Đức Phật đã nhắc đến trong Đại Kinh Saccaka (Mahàsaccaka Sutta) trong quá trình tầm đạo với hai vị đạo sư nổi tiếng về thiền định thời bấy giờ. Có thể thấy, việc sắp xếp quán thọ sau đó đến quán tâm không phải là ngẫu nhiên. Mặc khác, Đức Phật không cố gắng diệt thọ, mà là biết về sự sanh khởi của thọ; và không để tâm vướng mắc vào sự sanh khởi ấy, như ngài nói khi chứng Minh đầu tiên trong Tam Minh: “lạc thọ sanh nơi Ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta”.

Này các Tỷ kheo, như thế nào Tỷ kheo sống quán tâm trên tâm?

Này các Tỷ kheo, ở đây vị Tỷ kheo: "Với tâm có tham, biết rằng tâm có tham"; hay "Với tâm không tham, biết rằng tâm không tham";

[…]

"Có tâm đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ kheo, như vậy vị Tỷ kheo sống quán tâm trên tâm.

Quán pháp, hay Niệm Pháp hoặc Pháp Quán Niệm Xứ. Pháp là những đối tượng của Tâm. Pháp hay Dhamma có nhiều, nhưng được Đức Phật chia thành hai loại là Pháp Tục Đế (Sammuttisacca) và Pháp Chân Đế (Paramatthasacca). Hai pháp này bao hàm trọn vẹn các pháp trong thế gian. Trong đó, Pháp Chân Đế được chia thành Hữu Vi (Saṅkhāra) và Vô Vi (Asaṅkhāra). Trong đó, Pháp Chân Đế Vô Vi chính là sự tịch tĩnh vắng lặng hoàn toàn thanh tịnh nên được gọi là Niết Bàn (Nibāna). Còn Pháp Chân Đế Hữu Vi lại bao gồm Danh (Nāma) và Sắc (Rūpa). Trong Danh Pháp, lại được bao gồm bởi Tâm (Citta) và Tâm Sở (Cetasika). Sau đó, Tâm lại được phân loại theo lãnh vực (Vacara) thành bốn loại gồm: Tâm Dục Giới (Kāma vacaracitta), đây là những tâm bắt cảnh dục, có 54 tâm. Tâm Sắc Giới (Rūpa vacaracitta), là tâm thiền lấy sắc pháp làm đề mục tu thiền, gồm có 15 tâm. Tâm Vô Sắc Giới (Arūpa vacaracitta), là tâm thiền lấy vô sắc pháp làm đề mục tu thiền, gồm có 12 tâm. Tâm Siêu Thế (Lokuttaracitta), là tâm biết cảnh Niết Bàn thoát ly thế gian, có 8 tâm hoặc 40 tâm nếu tính theo 5 chi thiền. Trong phần quán pháp nhắc đến các đối tượng là: các trần cảnh lưu lại trong tâm, các sắc pháp vi tế (16), Tâm và Tâm sở, các khái niệm, Niết Bàn. Đề mục của quán Pháp được triển khai theo cách nội dung sau: Quán sát năm triền cái, Quán sát ngũ thủ uẩn, Quán sát 6 căn, 6 trần; quán sát sắc, thinh, hương, vị,xúc, pháp, Quán sát Thất Giác chi: Niệm, Trạch pháp, Tinh tấn, Hỉ, Khinh an, Định, Xả, Quán sát Tứ Đế: Khổ - Tập – Diệt – Đạo.

Này các Tỷ kheo, thế nào là vị Tỷ kheo sống quán pháp trên các pháp?

Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm triền cái. Và này các Tỷ kheo, thế nào là vị Tỷ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm triền cái?

Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo, nội tâm có tham dục, tuệ tri: "Nội tâm tôi có tham dục"; hay nội tâm không có tham dục, tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi không có tham dục". Và với tham dục chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy. Và với tham dục đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy. Và với tham dục đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy.

[…]

Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay sống quán tánh sanh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp. "Có những pháp ở đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ kheo, như vậy Tỷ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bốn Thánh đế.

Quán pháp khởi đầu với việc nhận biết Tham, bởi lẽ, Tham là cội rễ sâu đậm và dày đặc nhất khiến chúng ta bị mê mờ, bị lôi kéo. Dục lậu thường được dùng để chỉ sự tham ái các dục vọng. Hữu-lậu lại để chỉ cho tham-ái sắc và vô sắc giới. Kiến lậu: là 62 tà kiến được nêu trong kinh Phạm Võng (Brahmajàla), và Vô minh lậu: là mê mờ không thấu hiểu như thật đối với Tứ Ðế, quá khứ, vị lai, cả hai đời và đối với Lý Duyên-Khởi. 

Tiếp đó, Ái tột độ sinh chấp thủ. Do Ái thúc đẩy Thủ hành, thí dụ Ái như tên trộm sờ soạng tìm kiếm đêm khuya, Thủ chính là lúc ăn trộm hay là lúc hành động. Ngã-kiến-thủ có đến 20 loại đối với ngũ uẩn như sau: ngã với thân là một, ngã là sở hữu của thân, ngã ở trong thân, thân ở trong ngã. Thường người ta chỉ đề cập đến 5 triền-cái, vô-minh triền-cái được bỏ ra ngoài. Các triền-cái này được các thiền tháo gỡ, làm cho tạm ngưng. Chúng chỉ được trừ diệt hoàn toàn khi chứng tứ quả Thánh. Nghi được trừ diệt khi bước vào Dự-Lưu. Ái-Dục, Sân và Hối được trừ diệt khi bước vào đạo quả Bất-Lai. Thụy - miên, hôn-trầm, và trạo-cử được trừ diệt khi chứng đạo quả A-La-Hán. Và sự đoạn trừ này gắn liền mất thiết với Tứ Niệm Xứ, như Đức Phật đã nhấn mạnh: “Này các Tỳ Kheo có năm hạ phần kiết sử.Thế nào là năm? Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Này các Tỳ Kheo, để đoạn tận năm hạ phần kiết sử này. Bốn Niệm Xứ cần phải tu tập.” (Tăng Chi Bộ Kinh, Chương chín pháp, phẩm Niệm Xứ, kinh (V),67) hay “Này các Tỳ Kheo có năm thượng phần kiết sử. Thế nào là năm? Sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử, vô minh. Này các Tỳ Kheo, để đoạn tận năm thượng phần kiết sử này. Bốn Niệm Xứ cần phải tu tập. (Tăng Chi Bộ Kinh, Chương chín pháp, phẩm Niệm Xứ, kinh (VIII), 70) 

[1] “Này Aggivessana, đó là minh thứ nhất Ta đã chứng được trong đêm canh một, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Như vậy, này Aggivessana, lạc thọ sanh nơi Ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.” - Đại Kinh Saccaka (Mahàsaccaka Sutta), bản dịch Hoà Thượng Thích Minh Châu.

[1]Ñāṇavīra Thera, Clearing the Path, Path Press, 1987.

[2]Sharf R (2014). "Mindfulness and Mindlessness in Early Chan". Philosophy East and West. 64 (4): 933–64

[3]Thomas William Rhys Davids cũng giải thích “Sati is literally 'memory' but is used with reference to the constantly repeated phrase 'mindful and thoughtful' (sato sampajâno); and means that activity of mind and constant presence of mind which is one of the duties most frequently inculcated on the good Buddhist.” Davids TR (1881), Buddhist Suttas, Clarendon Press.

[4]“The first part of Mindfulness is to remember to watch the mind and remember to return to your object of meditation when you have wandered off. The second part of Mindfulness is to observe how mind’s attention moves from one thing to another.” Bhante, Vimalaramsi (2015). A Guide to Tranquil Wisdom Insight Meditation, Annapolis, MO 63620: CreateSpace Independent Publishing Platform. p. 4. ISBN 978-1508569718.

----------------------

Từ khóa: 

tứ niệm xứ

,

chánh niệm

,

mindfulness

,

peace of mind

,

phật học

,

tâm linh

,

tôn giáo

Bài viết chi tiết và công phu quá anh, mong là trong tương lai anh sẽ chia sẻ thêm về Thiền ạ
Trả lời
Bài viết chi tiết và công phu quá anh, mong là trong tương lai anh sẽ chia sẻ thêm về Thiền ạ
Bạn có thể chia sẻ giúp mình 1 việc không? Mình rất muốn tìm hiểu về Phật Giáo nguyên thủy. Nhưng mình đang không biết bắt đầu từ đâu.

Cảm ơn anh đã chia sẻ bài viết này. Em mới đọc về đạo Phật thông qua các cuốn sách của thầy Thích Nhất Hạnh, và bác Nguyên Phong. Em đang mong muốn tìm hiểu sâu thêm về Phật Giáo, đặc biệt là Mật tông Tây Tạng, rất mong được giới thiệu sách từ anh. Và hi vọng được đọc thêm nhiều bài viết như này nữa ạ.