Bạn có biết Vua Minh Mệnh là người ra lệnh nghiêm cấm tệ phân biệt vùng miền?

  1. Lịch sử

Tình trạng chèn ép, đố kị, phân biệt vùng miền không chỉ xảy ra từ khi thực dân Pháp xâm chiếm, đặt ách đô hộ lên nước ta, tiến hành chia rẽ dân tộc để phục vụ cho mục đích “chia để trị” của chúng, mà tệ phân biệt, kỳ thị đã có từ trước đó khá lâu.

Trong sách sử có đôi chỗ nhắc đến tình trạng này, như câu chuyện xảy ra vào thời Lê Thánh Tông (1442-1497) có liên quan đến việc con trai ông đánh chết viên quan canh cửa vì đã có lời nói xúc phạm đến một người dân vùng Thuận Hóa mà quê mẹ của hoàng tử này lại ở một huyện thuộc đất Thuận Hóa, đó là huyện Kim Trà, phủ Triệu Phong (nay thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên –Huế).

Sách Đại Việt thông sử cho hay: “Triệu Vương Thoan là con thứ 13 của vua Thánh Tông. Mẹ là người xã Hòa Thược, huyện Kim Trà. Vương từ nhỏ đã thông minh quả cảm. Có người ở quê mẹ ông tới kinh thành làm việc, đi đến ngoài cửa Đại Hưng, một viên tiểu hoàng môn vừa đi đến thấy người ấy áo quần lam lũ, lại tranh đường, bèn hỏi rằng “Mày ở đâu?”.

Người ấy đáp: “Ở Thuận Hóa”. Viên tiểu hoàng môn ấy mắng rằng: “Loại sâu bọ này lại dám vô lễ à?”. Lúc ấy Vương từ cửa cung cấm đi ra, nghe thấy thế, chợt nổi cơn giận, lấy gậy đánh chết viên tiểu hoàng môn. Rồi ông đi tắt vào tâu vua rằng: “Tôi là con thiên tử, mẹ tôi người Thuận Hóa. Viên tiểu hoàng môn nói phạm đến tôi, tôi không nén được cơn giận, trót giết mất nó rồi. Như thế là đã mắc tội tự tiện giết người, xin nạp tiền để đền mạng nó”. Nhà vua thương hại tấm lòng của ông, lại cho là có nghĩa khí, cuối cùng không bắt tội”.

Sau này, cuộc chiến Nam – Bắc triều giữa nhà Mạc và nhà Lê Trung Hưng vừa dứt thì tình trạng Trịnh – Nguyễn phân tranh kéo dài hơn 200 năm lại diễn ra càng tạo điều kiện cho sự phân biệt vùng miền phát triển trong tư tưởng của một bộ phận dân chúng. Từ năm Nhâm Tuất (1802), sau khi Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, lập ra triều Nguyễn, lúc này lãnh thổ mới thực sự thống nhất, không còn phân tách, cát cứ như giai đoạn trước đó, nhưng sự phân biệt Bắc – Nam đã xuất hiện ngày càng rõ rệt và trầm trọng hơn, đặc biệt là ở đội ngũ quan lại.

Trong Quốc sử di biên có ghi lại một chi tiết nhỏ liên quan đến một người em trai của vua Minh Mạng là Quảng Oai công Nguyễn Phúc Quân, sách viết như sau: “Công, do đệ tam cung Lê Ngọc Bình sinh ra, là người hào phóng, yêu người, hay bố thí… Mỗi khi thấy đám võ biền bàn tán, phân biệt nhân phẩm người đàng trong, đàng ngoài, Công liền mắng rằng: Lũ mày không biết người đàng ngoài tức là ông cha người đàng trong à?”.

Như vậy, có thể thấy tình trạng chèn ép, đố kị, phân biệt vùng miền, cục bộ địa phương ở giới quan chức thuộc bộ máy chính quyền triều Nguyễn là một trong những nguyên nhân khiến cho hoạt động quản lý, điều hành đất nước gặp cản trở, kém hiệu quả. Trước tình hình tệ nạn này ngày càng nghiêm trọng, vào tháng Giêng năm Ất Mùi (1835), quan Giám sát Ngự sử đạo An Tĩnh (Nghệ An, Hà Tĩnh) là Nguyễn Bá Nghi đã viết sớ gửi về triều tâu xin cần có biện pháp ngăn chặn, bản tấu có đoạn: “Gần đây, ở ngoài phần nhiều là phân biệt Nam – Bắc. Người miền Nam thì kiêu hãnh khinh người, lời nói việc làm đều hay trịch thượng; người miền Bắc thì lấy làm tủi thân, tuy cố gắng làm việc nhưng vẫn đem lòng bất mãn, điều qua tiếng lại dần thành hằn học lẫn nhau. Vậy nên răn bảo đi”.

Theo sách Đại Nam thực lục, sau khi nhận được bản tấu, xem xét kỹ thấy đề nghị của Nguyễn Bá Nghi hợp lý và rất cần thiết, vua Minh Mạng ban một bản dụ với triều thần rằng:

“Việc tâu đó phải lắm. Ta từ khi lên ngôi đến nay, dùng người làm việc giữ một lòng công tâm, nào có kỳ thị bao giờ. Nay thống nhất một nhà, sách cùng văn trị, xe cùng vệt bánh, chính là văn hội phong hóa cộng đồng. Bộ, Viện và Nội các ở kinh, các trực và các tỉnh ở ngoài từ trước đến nay, người Nam người Bắc, miễn có tài là được dùng, muốn cho họ gom công góp sức, kính cẩn giúp việc. Đến như truất bỏ hay thăng chức, chỉ nhằm vào người đó hay hay dở; thưởng phạt chỉ tùy người đó có công hay có tội, chứ chẳng vì Bắc hay Nam mà đối xử khác nhau.

Thế mà có một vài lũ xấu xa, nảy sinh ý càn bậy. Người miền Nam nếu có hơi trội thì cũng nên yên phận giữ mình, sao được lấn lướt người khác, nếu tự kiêu căng vì là người Nam thì chỉ là những kẻ nông nổi và khinh bạc, chẳng biết phận mình mà thôi! Người miền Bắc nếu hăng hái, phấn chấn tự khắc có thể thân danh vinh hiển, sao đến nỗi bị người ta khinh nhờn được? Nếu lấy làm tủi thân vì là người Bắc thì chỉ là người không biết tự cường mà thôi!”.

Sau khi nhận định tác hại của sự kiêu căng, đố kị và cho rằng tệ này chỉ có ở một số người chứ không phải là chủ trương của triều đình, vua Minh Mạng cho rằng:

“Những khí cục nhỏ nhen, không nên để lớn dần ra, e thành mầm bè nọ đảng kia như đời Tống, đời Minh thì tai hại chẳng nhỏ. Nay không thể không nghiêm khắc răn dạy các tôi con lớn nhỏ trong kinh, các tỉnh đều biết: Triều đình lập pháp rất công bằng, thẳng thắn, bổ dùng sai khiến chỉ theo tài năng của mọi người, chứ không hề phân biệt Nam – Bắc.

Từ nay nên cùng nhau rèn rũa tình chung trong trắng, đón lấy ơn phúc. Người Nam không nên hợm mình mà khinh người; người Bắc không nên nản lòng mà sinh chán, trọng việc công, quên tình riêng, thân mật với mọi người mà không bè đảng mới là tôi con của triều đình. Sau một phen này, đã thiết tha dụ bảo rõ ràng, nếu còn phân biệt kia khác, người Nam còn có khí thế hợm mình mà khinh miệt người Bắc; người Bắc còn có lòng oán vọng mà dị nghị người Nam, cùng nhau hục hặc lôi thôi điều nọ tiếng kia, khi bị phát giác ra thì sẽ chịu tội nặng thêm một bậc. Vậy đem việc này ra thông dụ cho mọi người đều biết”.

Qua bản dụ trên, chúng ta thấy vua Minh Mạng đã “tuyên bố” rõ ràng về việc dùng người của triều đình cốt ở tài năng, đạo đức chứ không căn cứ vào thành phần xuất thân, là người vùng miền nào. Vua phê phán tệ địa phương, cục bộ, ganh gét, đố kị, ông khuyên mọi người biết khiêm tốn, giữ mình, tránh kết bè kéo đảng gây những tác hại không nhỏ trong quan hệ với nhau cũng như trong công việc quốc gia.

Việc bài trừ nạn phân biệt, kỳ thị là điều rất cần thiết, khi mỗi một viên quan ở cương vị của mình, không kể là người Bắc hay Nam đều dốc lòng trung thành, tận tâm, đoàn kết sẽ giúp cho bộ máy chính quyền hoạt động hiệu quả, đem lại lợi ích chung cho dân, cho nước. Điều trăn trở của vua Minh Mạng không chỉ là nỗi lo lắng của thời bấy giờ mà đến tận hôm nay nó vẫn mang nhiều ý nghĩa thời sự sâu sắc.

Lê Thái Dũng

Ảnh:Vua Minh Mạng

49542348_2444972048907033_4419345292579569664_n
Từ khóa: 

tinh hoa việt nam

,

vua minh mạng

,

lịch sử

Vậy hả, bây giờ mình thấy Nam-Bắc vẫn kì thị nhau, thậm chí có nhiều thành phần lên mạng bịa chuyện không có thật để kì thị nhau, buồn thật.

Trả lời

Vậy hả, bây giờ mình thấy Nam-Bắc vẫn kì thị nhau, thậm chí có nhiều thành phần lên mạng bịa chuyện không có thật để kì thị nhau, buồn thật.