Theo các bạn, tuổi tác có liên quan đến việc tiếp nhận những giá trị trong quá trình đọc sách?
Người đọc càng lớn tuổi, thì càng dễ hiểu được thông điệp trong tác phẩm, càng nhanh chóng tìm ra những điểm giá trị để vận dụng vào cuộc sống...hay... tuổi tác không liên quan gì đến việc đọc hiểu và áp dụng sách, mà chỉ cần có sự ham thích là đủ?
Hãy tham gia chia sẻ suy nghĩ của bạn tại Book Debate nhé?

Mình không coi tuổi tác như là một yếu tố then chốt để quyết định đến khả năng nhận thức và tiếp thu của một người. Bằng chứng là trong thế giới phát triển vừa nhanh vừa mạnh mẽ như hiện nay, sự biến đổi của nó đòi hỏi sự thích nghi nhanh chóng với hoàn cảnh và năng lực tiếp thu cái mới nhanh tương đương - điều mà các bạn càng trẻ, được sinh trưởng và giáo dục trong môi trường này phần nhiều sẽ làm tốt hơn những người đã có tuổi - được sinh trưởng và giáo dục trong thế giới cũ, theo những phương cách cũ. Như vậy, sự tiếp thu đối với một tác phẩm cũng không phải lúc nào cũng phụ thuộc vào tuổi tác. Mình có một nhóm bạn chơi chung với nhau vì cùng có hoạt động yêu thích chung là đọc sách, nhóm bạn của mình hầu như đều được tiếp xúc với văn học kinh điển và các tác phẩm kinh điển từ rất sớm (khoảng 7, 8 tuổi) và từ tầm tuổi đó họ đều đã có những nhận thức độc lập và rất thú vị về tác phẩm và nhân vật, mang tính phản biện rất cao mà nhiều khi ngay cả người lớn cũng không tin rằng những đứa trẻ tầm tuổi đó có thể nghĩ được. Mình nghĩ nhóm bạn đó của mình là một minh chứng cho việc không phải cứ càng lớn tuổi là khả năng tiếp thu một cuốn sách sẽ nhiều hơn những người trẻ hoặc ít tuổi.
Tuy nhiên, có một điều mà tuổi tác có thể tác động đến cách bạn nhận thức về nội dung hay thông điệp của một tác phẩm - đó là sự trải nghiệm đi cùng với tuổi tác. Người càng sống lâu thì càng có nhiều trải nghiệm sống, tất nhiên độ phong phú của những trải nghiệm đó cũng tùy người, nhưng chính độ phong phú của những trải nghiệm đi cùng với tuổi tác mới là thứ tác động đến khả năng lĩnh hội tác phẩm của một người. Khi xưa, thế giới loài người vốn dĩ được chia thành những cộng đồng nhỏ và hẹp, những người lớn tuổi trong cộng đồng thường được trọng vọng hơn vì trải nghiệm sống nhiều hơn hẳn so với những đứa trẻ sinh trưởng trong cộng đồng vốn không có cơ hội ra bên ngoài, và cũng không thể hiểu về cách vận hành của xã hội của chúng hơn những người nhiều tuổi hơn. Thế giới toàn cầu hóa với nhiều hơn cơ hội va chạm văn hóa và tiếp xúc với đa dạng văn hóa đã xóa nhòa các khoảng cách và ranh giới, trải nghiệm và kinh nghiệm giờ đây không còn là đặc quyền của những người lớn tuổi, việc học của đám trẻ cũng nhanh chóng và mạnh mẽ hơn như đã nói ở đầu. Do đó, với những người lớn tuổi, khả năng lĩnh hội và thấu hiểu cuốn sách cũng đến từ trải nghiệm sống, tư duy và sự đa dạng của các tri thức mà họ tiếp cận. Những người lớn tuổi hơn hẳn có thể đã có nhiều cơ hội với nhiều trải nghiệm hơn nên sự tiếp thu của họ đối với một vấn đề trong sách cũng có thể khác biệt hơn, lạ hơn, ở một góc nhìn khác hơn nhưng điều không đồng nghĩa với việc họ sẽ tiếp nhận được nhiều giá trị hơn những người ít tuổi.