Chuyến tàu về Hải Phòng của Thế Lữ?

  1. Văn hóa

Sau khi đọc xong bài Chi tiết trong Sử Việt bạn thấy hấp dẫn nhất mà chưa từng được dạy trong trường, mình chợt nhớ đến một giai thoại mình đã được kể từ cô giáo dạy văn năm lớp 11, mang tên Chuyến tàu về Hải Phòng. Câu chuyện mang màu sắc liêu trai, bí ẩn kể về những năm tháng cuối đời của Hàn Mặc Tử - một thi nhân hào hoa nhưng vắn số của nền văn học Việt Nam.

Từ sau khi mắc bệnh phong cùi, Hàn Mặc Tử bị người yêu lúc bấy giờ là Mộng Cầm bỏ rơi. Ông phẫn uất, đau đớn cả thể xác và tâm hồn, ông viết rất nhiều bài thơ với những hình ảnh máu me, hồn ma rất ghê rợn. Thậm chí ông còn tập hợp các bằng hữu để khởi xướng một trào lưu thơ, gọi là Thơ Điên, gồm Chế Lan Viên, Bích Khê, Yến Lan. Thế nhưng trong khi các tác phẩm của bạn thơ được đem đi xuất bản và được ngợi khen đủ đường, Hàn Mặc Tử chẳng có ma nào đếm xỉa. Chỉ khi Thế Lữ tìm đến căn lều lụp xụp (Hàn Mặc Tử bị phong, không muốn vào trại nên gia đình đưa đi trốn ở một túp lều gần bờ biển) nhận lời sẽ xem xét và xuất bản thơ, họ Nguyễn mới có một mối hy vọng được giãi bày tâm tình của mình đầy đủ nhất qua những dòng thơ cay đắng.


Thế Lữ, sau khi lấy bản thảo từ túp lều của Hàn Mặc Tử rồi, mới lên đường về từ Quy Nhơn về Hải Phòng. Ông lên chuyến tàu đêm khởi hành lúc 10 giờ và trong lúc chờ đợi tàu đến bến thì lôi thơ Hàn ra đọc. Toa của ông ngồi rất đông, ông cũng không hiểu tại sao lại đông như thế. Đó là toa cuối và tàu các toa trên thì trống không. Ông chọn dãy ghế cuối cùng, nơi mà chả có ai ngồi đấy cả, rồi bóp trán suy nghĩ một lúc. Nhưng lúc ấy cũng mệt rồi, Thế Lữ mới ngả lưng xuống và bắt đầu đọc, mặc kệ đời.

Ông bị cuốn vào những dòng thơ đầy máu lệ của Hàn Mặc Tử, đến mức quên cả những gì xảy ra xung quanh. Đến lúc ông ngẩng lên định nghỉ một chút thì giật mình, thấy bên cạnh có người ngồi. Người ấy mặc áo bằng lông trắng như tuyết nhưng lại có những vệt loang lổ màu đỏ tươi, tay cầm cuốn sổ đen ghi chép cái gì, dường như không để ý đến Thế Lữ. Ông tò mò ngó sang xem người ta ghi chép cái gì, chỉ thấy toàn tên người là tên người. Ông cảm thấy rất kì lạ.

Cái người mặc áo trắng ấy ngẩng lên nhìn Thế Lữ, rồi chẳng nói năng gì. Hai người cứ nhìn nhau như thế đến một phút.

"Thơ Nguyễn Trọng Trí hả?" Người ấy hỏi.

"À..Ơ? Cái gì? À vâng." Thế Lữ lúng túng một hồi vì ông không nhớ ra luôn tên thật của Hàn Mặc Tử.

"Tiếc quá." Người ấy tặc lưỡi.

"Tiếc cái gì cơ?"

"Không có gì." Người ấy nói "Thiên cơ bất khả lộ, ông biết chứ?"

Thế Lữ chả hiểu người ấy nói cái mẹ gì nữa, bèn nghĩ là người điên nên không nói chuyện. Ngồi đọc thơ tiếp một lúc thì sực nhớ ra, tại sao người ấy lại biết đấy là thơ Hàn??! Quay lại nhìn thì thấy trên toa chẳng có ai. Ông mới sợ hãi, nằm co ro suốt đêm. Đếm sáng hôm sau tàu đến bến, tập thơ đã không cánh mà bay. Hỏi lái tàu với soát vé, ai cũng bảo chuyến vừa rồi ít người lên lắm, làm gì có đông đâu.

Như thế là Thế Lữ đã đánh mất bản thảo Thơ Điên của Hàn Mặc Tử. Nhưng sự việc chưa dừng lại đó. Sau đó, Quách Tấn cũng một lần làm mất thơ Hàn vì "tìm không thấy". Hàn Mặc Tử sau đấy một thời gian được người nhà đưa vào bệnh viện phong. Những bài thơ trong tập Đau Thương ( Thơ Điên) mà chúng ta đọc ngày nay chỉ là một phần nhỏ những gì còn sót lại trong bản thảo mà khi Hàn Mặc Tử chết rồi người ta tìm thấy. Thế Lữ đã rùng mình khi đọc đến bài Cuối Thu :

"Lụa trời ai dệt với ai căng

Ai thả chim bay đến Quảng Hàn.

Kìa ai gánh máu đi trên tuyết

Mảnh áo da cừu ngắm nở nang?"

Người ta cũng tìm thấy vô số những bài mà đã dự đoán được cái chết của mình, trong cả tập Đau thương và các tập khác :

"Ngày mai tôi chết bên khe ngọc tuyền"

"Một mai kia ở bên khe nước ngọc

Với sao sương anh nằm chết như trăng

Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc

Đến hôn anh và rửa vết thương tâm"


"Ta trút linh hồn giữa lúc đây

Gió sầu vô hạn níu trong cây

Còn em, sao chẳng hay gì cả

Xin để tang anh đến vạn ngày..."

Ít ai biết Hàn Mặc Tử chết không phải vì bệnh phong. Ông chết vì kiết lỵ, cả đêm trước khi chết ông chỉ mệt nhọc lết ra lết vào nhà vệ sinh ( bệnh viện phong lúc ấy, nhà vệ sinh xây cạnh một con suối). Những người mà ông đem lòng yêu say đắm, chẳng có ai đến thăm mộ ông cả. Chỉ có duy nhất một người con gái yêu ông nhưng ông không yêu lại, đến thăm mộ và lặng khóc trước mộ ông.

Chưa hết, trước khi chết, Hàn có tặng một người bệnh nằm chung phòng một tập thơ "Đời", tặng một người chủ cửa hàng vẫn luôn cho ông nợ tiền mỗi khi ra ăn sáng tập thơ "Tình" nhưng khi những người yêu thơ Hàn tìm đến người chủ cửa hàng kia thì... ông ta đã dùng tập thơ đấy làm giấy gói hàng và giấy vệ sinh.

Thơ Hàn Mặc Tử vì lí do gì đó luôn bị mất hoặc bị thiếu sót. Đến cả các bài trong tập thơ đầu của ông đều bị cắt xén vì những lí do lãng xẹt.

Thế Lữ, sau sự cố chuyến tàu, không biết có kể với ai không, mà Hoài Thanh đã viết trong "Thi nhân Việt Nam", với đại ý đánh giá Thơ Điên là một tập thơ vượt khỏi vòng nhân gian và không người phàm nào có quyền đánh giá về nó. Nó không thuộc về thế gian này, không ai có thể hiểu được trọn vẹn và chỉ có thánh thần mới có thể cắt nghĩa hoàn toàn...

Từ khóa: 

hàn mặc tử

,

thế lữ

,

thơ điên

,

văn học việt nam

,

văn hóa