Giấc mơ thiên tài

  1. Sách

Tôi là một cô gái lập dị, từ nhỏ đã được coi là thiên tài, ngoài việc phát triển tài năng xuất chúng của tôi ra thì không còn một mục đích sống nào khác cả. Tuy nhiên, khi mà những hoang tưởng thời thơ ấu dần dần phai nhạt, tôi phát hiện mình chẳng có gì cả ngoài giấc mơ thiên tài——Tất cả những thứ có được chỉ là những khuyết điểm kỳ quặc của thiên tài. Người đời tha thứ cho sự phóng túng của Richard Wagner, nhưng bọn họ sẽ không tha thứ cho tôi.

Thêm vào chút tuyên truyền của phong cách Mỹ, có lẽ tôi sẽ được khen ngợi là thần đồng. Lúc ba tuổi tôi đã có thể đọc thuộc lòng thơ Đường. Tôi vẫn còn nhớ dáng vẻ huênh hoang đứng trước ghế mây của một ông lão vẫn một lòng tận hiến với nhà Thanh đọc to rõ ràng câu thơ “Thương nữ nào hay sầu vong quốc, bên sông hát khúc Hậu Đình Hoa” (1), nhìn từng giọt lệ của ông rơi xuống. Lúc bảy tuổi tôi viết cuốn tiểu thuyết đầu tay, là một bi kịch gia đình. Gặp phải chữ có nét bút phức tạp, tôi thường chạy đến hỏi đầu bếp cách viết. Cuốn tiểu thuyết thứ hai liên quan đến một cô gái thất tình và tìm đến cái chết. Mẹ tôi nhận xét: Nếu như cô gái đó muốn tự sát, cô ấy tuyệt đối sẽ không ngồi tàu từ Thượng Hải đến Tây Hồ để tự vẫn. Nhưng bởi vì khung cảnh đầy chất thơ của Tây Hồ, tôi cuối cùng cũng cố chấp giữ lại. 

Tài liệu đọc ngoại khóa của tôi chỉ có “Tây Du Ký” và một vài quyển truyện cổ tích, nhưng tư tưởng của tôi không hề bị chúng trói buộc. Năm tám tuổi, tôi thử viết một cuốn tiểu thuyết thể loại giống với Utopia, đề danh “Khoái Lạc Thôn”. Người ở thôn Khoái Lạc là một dân tộc vùng cao hiếu chiến, bởi vì có công chế ngự người Miêu, được hoàng đế Trung Quốc đặc cách, miễn thuế, và trao quyền tự chủ cho nên thôn Khoái Lạc là một đại gia đình tách biệt với thế giới bên ngoài, tự cung tự cấp, bảo tồn nền văn hóa sống động của thời đại bộ lạc.

Tôi chuyên lấy sáu quyển vở bài tập khâu lại với nhau, mong muốn tạo thành một tác phẩm phong phú, tuy nhiên không lâu sau tôi liền mất đi hứng thú với đề tài vĩ đại này. Bây giờ tôi vẫn lưu giữ rất nhiều khung hình minh họa mà mình đã vẽ, giới thiệu các dịch vụ, kiến trúc, trang trí nội thất của xã hội lý tưởng này, bao gồm thư viện, “phòng luyện võ”, tiệm socola, vườn hoa trên sân thượng. Phòng ăn công cộng là một cái chòi nghỉ mát ở trong ao sen. Tôi không nhớ ở đó có rạp chiếu phim và chủ nghĩa xã hội hay không —— Tuy là thiếu hai sản vật văn minh này, bọn họ dường như vẫn sống rất tốt.

Khi chín tuổi, tôi do dự không biết nên chọn âm nhạc hay mỹ thuật là sự nghiệp cả đời mình. Sau khi xem xong một bộ phim về một họa sĩ nghèo, tôi khóc một trận, quyết định làm nghệ sĩ dương cầm, ở trong một phòng hòa nhạc nguy nga tráng lệ diễn tấu.

Về sắc màu, nốt nhạc, câu chữ, tôi vô cùng nhạy cảm. Khi tôi đang sợ phải đàn piano, tôi liền tưởng tượng ra rằng 8 nốt nhạc kia có những tính cách riêng, khoác lên mình những bộ quần áo rực rỡ nắm tay nhau nhảy múa. Tôi học viết văn thường thích dùng từ ngữ mang đậm màu sắc, từ ngữ bay bổng, như “xám trắng”, “hoàng hôn”, “du dương”, “tráng lệ”, “sầu muộn”, vậy nên tôi thường mắc lỗi dài dòng. Đến nay, tôi vẫn thích đọc “Liêu Trai Chí Dị” và xem tạp chí thời trang Paris tầm thường là bởi vì những câu chữ có sức hút này.

Ở trong trường tôi được tự do phát triển. Tôi ngày càng tự tin, mãi đến năm 16 tuổi, mẹ tôi từ Pháp trở về tìm hiểu đứa con gái đã xa cách nhiều năm của mình.

“Mẹ hối hận vì ngày trước đã tận tình chăm sóc cho căn bệnh Thương Hàn của con”- mẹ nói với tôi, “Mẹ thà là nhìn con chết đi, cũng không đành lòng nhìn con sống một cách đau khổ.”

Tôi nhận ra rằng mình không biết gọt táo. Tôi đã từng nỗ lực cực khổ mới học được cách may vớ. Tôi sợ đến tiệm cắt tóc, sợ gặp khách hàng, sợ may quần áo. Có nhiều người cũng từng thử dạy tôi móc len, nhưng không một ai thành công. Sống 2 năm ở một căn nhà, hỏi tôi chuông cửa ở đâu tôi còn chẳng biết. 3 tháng liền, mỗi ngày tôi đều lái xe kéo đến bệnh viện tiêm thuốc, nhưng vẫn không biết đường đi. Tóm lại, sống trong xã hội hiện thực, tôi không khác gì đồ bỏ đi.

Mẹ cho tôi 2 năm để học thích ứng với hoàn cảnh sống. Mẹ dạy tôi nấu cơm, dùng bột giặt để giặt đồ, học dáng đi đứng; học cách nhìn ánh mắt của người khác, bật đèn nhớ phải kéo rèm cửa; học cách soi gương để nghiên cứu nét mặt; nếu không có khiếu hài hước, tuyệt đối đừng nên nói đùa.

Trong nhận thức chung về khía cạnh đối nhân xử thế, tôi thường để lộ rõ là kẻ ngu ngốc. Kế hoạch 2 năm của tôi là một trải nghiệm thất bại. Ngoài khiến tôi mất đi sự cân bằng về suy nghĩ ra, lời cảnh cáo nghiêm trọng của mẹ không còn bất kỳ sự ảnh hưởng nào đến tôi nữa.

Có một phần trong nghệ thuật sống mà tôi không thể không lĩnh hội. Tôi biết được cách xem “Thất tịch tháng 7”, nghe Scotland thổi kèn, hưởng thụ ghế mây trong làn gió nhẹ, ăn đậu phộng rang muối, chiêm ngưỡng ánh đèn neon trong đêm mưa, giơ tay hái chiếc lá xanh ở ngọn cây từ tầng 2 của xe buýt. Trường hợp không có sự liên kết giữa người với người, tôi cảm thấy cuộc sống tràn ngập niềm vui. Tôi không thể khắc phục sự phiền muộn gặm nhấm này trong 1 ngày, cuộc sống khoác lên mình chiếc áo lộng lẫy nhưng lại đầy rẫy những con bọ chét.

(1) Bạc Tần Hoài- Đỗ Mục, bản dịch của Trọng Đức

Cô gái trẻ không biết đến nỗi hận mất nước
Ở bên kia sông còn hát khúc “Hậu đình hoa”.

Lược dịch tự truyện Trương Ái Linh, phần 4

Từ khóa: 

sách

Bạn có thể dịch tiếp được không? Mình muốn hóng tiếp về cô gái "thiên tài" này quá.

Trả lời

Bạn có thể dịch tiếp được không? Mình muốn hóng tiếp về cô gái "thiên tài" này quá.

Thiên Tài thường "bị" gọi như vậy, nhưng anh nghĩ không phải ai trong số họ cũng thích/quan tâm khi được gọi như thế.

Mình đã nghĩ bạn là cô gái thiên tài đó, cuốn theo và cực kỳ hâm mộ. Hoá ra đây là truyện bạn dịch hỏ😅