Hãy cẩn thận, ảo tưởng sức mạnh là có thật

  1. Tâm lý học

Bạn có bao giờ thắc mắc rằng tại sao trong các chương trình tìm kiếm tài năng như Vietnam’s got talent, Vietnam idol, ...vẫn luôn có những thí sinh hát ko đủ hay, múa ko đủ giỏi nhưng họ vẫn tự tin ra sân khấu hay chưa? Và họ có thật sự biết được mình đang hát sai tông, múa sai điệu chứ?

Trên thực tế, chẳng ai biết điều này cả, vấn đề là quy mô gia đình và bạn bè thực sự rất nhỏ so với việc lên biểu diễn cho hàng nghìn khán giả cả nước nên họ chẳng thể nào lường trước những cái “boo” phản đối từ phía khán giả.

Hiệu ứng ảo tưởng sức mạnh, tên khoa học là Hiệu ứng Dunning-Kurger được theo tên 2 nhà khoa học, đã chứng minh rằng chúng ta không thực sự giỏi trong việc tự đánh giá bản thân. Điều đó có thể được giải thích như sau:

  • Khi bạn càng giỏi việc gì đó, bạn càng bỏ nhiều thời gian ra để luyện tập, thì bạn càng có nhiều kinh nghiệm, và bạn sẽ có thể so sánh bản thân mình với người khác một cách chính xác hơn. Khi càng cố gắng để tiến bộ, bạn sẽ nhận ra những điểm mà bạn cần cải thiện. Bạn bắt đầu nhìn ra được sự phức tạp và chiều sâu của vấn đề; bạn biết đến những người đang dẫn đầu trong ngành, tự so sánh với họ và nhận ra điểm thiếu sót của mình.
  • Mặc khác, khi bạn càng kém việc gì đó, bạn càng bỏ ít thời gian cho việc luyện tập và càng nắm được ít kinh nghiệm. Vì vậy, khả năng so sánh bản thân với người khác của bạn cũng kém hơn. Những người xung quanh lại không chỉ ra điều đó, hoặc là bởi vì trình độ của họ cũng chỉ bằng hoặc kém bạn, hoặc là họ không muốn làm bạn tổn thương. Sự cách biệt nho nhỏ giữa bạn và những người mới nhập môn khiến cho bạn tin rằng mình thật là siêu phàm. Charles Darwin đã tổng hợp một cách vô cùng súc tích: "Ngu dốt mới là thứ hay sinh ra sự tự phụ chứ không phải tri thức."
  • Dù là chơi đàn guitar hay viết truyện ngắn, tấu hài hay chụp ảnh, những kẻ nghiệp dư thường tự cho mình là chuyên gia hơn là chính bản thân các chuyên gia. Giáo dục không chỉ gói gọn trong việc học về những điều bạn chưa biết, mà còn bao hàm cả việc trau dồi những gì bạn đã biết.

Hãy tưởng tượng như chúng ta đang leo một ngọn núi danh vọng và có 4 cột mốc quan trọng là Nhập môn, Nghiệp dư, Chuyên nghiệpBậc thầy. Bạn có thể thấy những bước đi của mình rất quan trọng, thật khá dễ dàng khi bạn đặt những bước chân đầu tiên, khi bạn còn khỏe và đầy khát khao, bạn những tưởng leo núi là dễ dàng lắm vì bạn đã và đang leo được núi kia mà (thật ra mới có mấy bước thôi). Khoảng cách giữa những bước đi thật sự khá mơ hồ và đó chính là lúc hiệu ứng Dunning Kruger phát huy tác dụng. Bạn nghĩ rằng cùng một thời gian leo từ cột Nhập môn sang Nghiệp dư, bạn cũng có thể chinh phục cột Chuyên nghiệp trong tích tắc và bạn sai rồi, bạn thực sự sai thật rồi.

Tuy nhiên, có một sự an ủi nhẹ cho bạn rằng chúng ta, ai cũng từng trải qua hiệu ứng này một vài lần trong cuộc đời bất kể lĩnh vực gì, cái bản tính tham lam và tự phụ đã có sẵn trong mỗi người từ rất lâu rồi. Cảm giác thất bại và kém cỏi thực sự rất đáng sợ, nó sẽ ăn mòn tâm hồn bạn và không cho bạn hoàn thành bất kì công việc gì. Thế nhưng cảm giác kiêu ngạo lại còn xấu xa hơn khi bạn nghĩ mình đủ giỏi rồi và dừng lại không tiếp tục cố gắng thêm nữa.

Vì thế đừng để hiệu ứng Dunning Kruger tác động tiêu cực đến bạn và gây cho bạn sự kiêu ngạo, hãy cứ đi từng bước chậm rãi khi leo núi, thở đều và tập trung vào từng bước đi của mình mà không quan tâm đến bất kì ai, bạn sẽ không biết mình leo được bao xa cho đến khi nhìn lại cuộc hành trình đâu, nhưng đừng có mà so sánh thái quá nhé! Chúc bạn leo núi vui.


Từ khóa: 

tâm lý học

,

ảo tưởng sức mạnh

,

tâm lý học