Từ TRẦN TRIỀU Đến Không Gian LEGACY

  1. Giáo dục

  2. Lịch sử

  3. Văn hóa

  4. Tôn giáo

TỪ TRẦN TRIỀU – YÊN TỬ ĐẾN KHÔNG GIAN LEGACY

TRI THỨC VÀ THÀNH TỰU TRONG QUÁ KHỨ ĐƯỢC TIẾN HÓA VÀ ỨNG DỤNG Ở HIỆN TẠI, CHO TƯƠNG LAI.

Hà Nội, Ngày 10/12/2020. Pgs NQ Vinh.

  1. PHẦN 1: TỔNG QUAN NỔI BẬT VỀ TRẦN TRIỀU (1225-1400)

Nằm trong thời kì trung đại của lịch sử Việt Nam, Triều đình nhà Trần đã tiếp nối và kiến tạo nên rất nhiều giá trị cho Đất Việt và nhân loại.

Đại đa số hậu thế khi nhắc đến Nhà Trần chỉ thoáng qua là 3 trận chiến chống lại đế chế Mông – Nguyên (nhiều người chỉ nói quân Mông – Nguyên mà chưa rõ tầm vóc và mức độ to lớn của đế chế hủy diệt văn hóa nhân loại này) hay vài câu chuyện về sự thay triều hoán vị đầu cuối triều một cách mờ nhạt phảng phất sự lãng mạn trong u tịch.

Trong giới hạn ngắn ngọn về thời gian và phạm vi diễn đạt. Tôi chỉ xin nếu lên một số điểm nổi bật mà ít người nhắc đến (điểm phổ biến xin phép không nhắc hoặc chỉ điểm lại) nhằm phần nào tạo ra những đường rõ nét hơn những thành tựu và tri thức của Trần Triều trong quá khứ.

Nhà Trần được hình thành bằng sự gắn kết trong dòng tộc Họ Trần mà khởi đầu theo nhiều nguồn tư liệu thì Trần Kinh từ phương bắc đến Đông Triều khoảng 1110(tục truyền). Sau đến Tức Mặc, Nam Định rồi qua Long Hưng, Thái Bình dựng ấp (ĐVSKTT) gắn liền với sông nước, chài lưới, ruộng đồng, sông bãi. Nhờ sự gắn kết và tài trí qua nhiều đời đã trở thành một thế lực tại Hải Ấp – một trong ba thế lực lớn thời bấy giờ - trở thành cánh tay đắc lực của Thái Tử Sảm – Vua Lý Duệ Tông – mà dẹp loạn trong nước đang làm quốc gia suy tàn đến cạn kiệt sinh khí nên áp phục Nhà Lý mà lấy ngôi lập Trần Triều qua cuộc hôn nhân Trần Cảnh với Hoàng Đế Chiêu Thánh (Lý Chiêu Hoàng – tháng 12 năm 1225).

Trong thời cuộc mà triều đình phân tán, vua tôi tranh giành, quan quân xâu xé quyền lợi còn dân chúng cực khổ, mất niềm tin và chán nản. Một bầu không khí rời rạc bao trùm thì Tộc Trần lại nổi lên nhờ sự đoàn kết, chuyên cần mà xây dựng cho mình nền tảng vững chắc về mặt tư tưởng và niềm tin TỰ CƯỜNG trong cộng đồng. Bằng việc phát triển kinh tế, tích trữ tài vật, chuẩn bị nhân lực tinh nhuệ và hơn hết là truyền đời những gia quy dựa trên nền tảng kiến thức từ chính trị đến quân sự đã giúp mỗi thành viên trở thành người có sức mạnh, năng lực & tầm nhìn thì việc Tộc Trần thay thế Nhà Lý và dẹp yên nội loạn bằng trí, sức và mưu cũng là tất yếu vậy.

Sau khi thành lập năm 1226, triều Trần đã nhanh chóng khắc phục những hậu quả của những năm loạn ly của triều Lý suy vong và thúc đẩy mạng mẽ sự phát triển toàn diện của đất nước. Hệ thống chính quyền được củng cố, sự vận hành được nâng cao với việc sửa đổi và ban hành Hình luật, biên soạn Quốc triều thông chế. Thiết lập chế độ Thượng hoàng để bảo đảm tính liên tục và ổn định trong kế thừa ngôi vua. Triều Trần thực thi nhiều chính sách, biện pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Vào giữa thế kỷ XIII, nước Đại Việt thời Trần đã trở thành một quốc gia độc lập, cường thịnh, đạt đến trình độ không thua kém bình diện phát triển chung của khu vực và thế giới. Sản phẩm tiêu biểu của sự phát triển đó là nền Văn minh Đại Việt mà vào cuối thế kỷ XVIII, nhà bác học Lê Quý Đôn đã tự hào nhận xét: “Nước Nam, hai triều đại Lý Trần có tiếng văn hiến”. Sự phát triển của đất nước, nền văn minh Đại Việt tạo nên thế nước cường thịnh, cơ sở hậu phương vững vàng cho công cuộc bảo vệ đất nước thành công.

Trong nền văn minh Đại Việt, tôi muốn lưu ý một số đặc điểm và giá trị tiêu biểu có tác động sâu sắc đến sức sống mạnh liệt của cả dân tộc.

Nông nghiệp: phát triển. Khai hoang mở rộng diện tích trồng trọt, đắp đê được củng cố. 

Thủ công nghiệp: có nhiều ngành nghề, trong nhân dân rất phổ biến và phát triển.

Thương nghiệp: chợ mọc lên ngày càng nhiều, trao đổi buôn bán trong và ngoài nước được đẩy mạnh.

Văn minh Đại Việt về căn bản vẫn là văn minh nông nghiệp trồng lúa nước nhưng đã phát triển đến trịnh độ cao và kết hợp với sự phát triển của các nghề thủ công, quan hệ buôn bán trong nước và khu vực, sự hưng khởi của đô thị và thương cảng mà hai trung tâm mậu dịch đối ngoại lớn nhất là kinh thành Thăng Long và thương cảng Vân Đồn. Triều Trần tiếp tục chính sách “ngụ binh ư nông” vừa bảo đảm lực lượng lao động cho sản xuất nông nghiệp, vừa kịp thời điều động mọi đinh tráng vào lính khi có chiến tranh. Đó là chính sách kết hợp “binh” với “nông”, kinh tế với quốc phòng, nhằm mục tiêu “lúc vô sự thì về làm ruộng, khi có động thì chiểu sổ gọi ra hết”, “bách tính đều là lính (bách tính giai binh)”, “khi có việc chinh chiến thì hết thảy mọi người đều là quân lính (tận dân vi binh)”. 

Về mặt xã hội, trong nền văn minh đó, quan hệ cộng đồng lấy cộng đồng thôn xã và quan hệ huyết thống của dòng họ làm cơ sở, kết hợp với quan hệ vùng và quan hệ quốc gia - dân tộc. Đây vốn là kết cấu xã hội truyền thống, nhưng nhà Trần đã phát huy mạnh qua chính quan hệ của dòng họ tôn thất với xã tắc. Họ Trần là họ tôn thất nắm quyền thống trị quốc gia thể hiện rất rõ những mối quan hệ xã hội-chính trị này qua lời vua Trần Thánh Tông: “Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp tổ tông phải cùng hưởng phú quý với anh em trong họ. Tuy bên ngoài có một người ở ngôi tôn, được cả thiên hạ phụng sự, nhưng bên trong thì ta và các khanh là đồng bào ruột thịt, lo thì cùng lo, vui thì cùng vui. Các khanh nên truyền những lời này cho con cháu để chúng đừng bao giờ quên, thì đó là phúc muôn năm của tông miếu xã tắc”. Từ quan niệm đó, nhà vua hạ chiếu cho các vương hầu tôn thất “khi bãi triều vào trong điện và lan đình, vua cùng ăn uống với họ, hôm nào trời tối không về được thì xếp gối dài, trải chăn rộng, kê giường liền cùng ngủ với nhau để tỏ hết lòng yêu quý nhau”. Kết cấu thôn xã - dòng họ và quan hệ sơn hà – xã tắc thời Trần tạo nên mối quan hệ xã hội gắn kết làng-họ-nước rất mật thiết.

Về đời sống tôn giáo, văn hóa, xã hội Đại Việt thời Trần mang tính cởi mở, phóng khoáng, hòa đồng cao. Tiếp nối truyền thống thời Lý, Phật giáo vẫn thịnh đạt, nhưng Nho giáo càng ngày càng phát triển và Đạo giáo cùng tồn tại. Đó là thời “tam giáo đồng nguyên” với các kỳ thi Tam giáo và sự tôn trọng, không phân biệt đối xử với cả Tam giáo và các tín ngưỡng dân gian. Triều Trần không độc tôn một hệ tư tưởng và tôn giáo như thời Lê sơ độc tôn Nho giáo hồi thế kỷ XV, mà tôn trọng Tam giáo và tìm thấy trong mỗi “giáo” những điều bổ ích cho sự phát triển của chế độ quân chủ và của đất nước, của xã hội. Điều đó thể hiện rõ trong lời của vua Trần Thái Tông: “Cái phương tiện để mở lòng mê muội, con đường tắt để tỏ rõ lẽ tử sinh, ấy là đại giáo của Đức Phật; làm cán cân cho hậu thế, làm khuôn phép cho tương lai, ấy là trọng trách của Tiên Thánh…”. Phật giáo giải đáp những vấn đề “tử sinh”, đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh, nêu cao lòng từ thiện. Nho giáo góp phần xây dựng thiết chế chính trị của chế độ quân chủ, đào tạo và cung cấp đội ngũ trí thức Nho học cho bộ máy hành chính. Cùng với tầng lớp quý tộc tôn thất, các Nho sĩ càng ngày có vai trò trong chính quyền các cấp. Giữa các tôn giáo, tín ngưỡng không có sự bài xích, định kiến mà là sự chung sống và giao lưu, dung hòa. Đấy là nét đặc sắc của đời sống tôn giáo thời Trần, vừa tiếp nối, vừa phát triển truyền thống thời Lý.

Văn hóa thời Trần cũng chưa có sự phân hóa sâu sắc và cách biệt giữa văn hóa dân gian với văn hóa cung đình, quý tộc. Các nghệ thuật dân gian như múa rối nước, biểu diễn múa hát, các trò chơi như đấu vật, đánh cầu, đua thuyền…cũng được trình diễn trong sinh hoạt và nghi lễ cung đình. Trong triều có “đại nhạc” dùng trong đại lễ, còn “tiểu nhạc” dùng cả trong sinh hoạt văn hóa quý tộc và dân gian.

Một thành tựu góp phần tăng thêm sức mạnh trí tuệ của nước Đại Việt là triều Trần chăm lo phát triển giáo dục và thi cử, coi trọng học vấn, coi trọng việc tuyển dụng và sử dụng nhân tài. Triều Trần mở mang Quốc học viện, tổ chức thi Thái học sinh, đặt danh hiệu Tam khôi năm 1247(Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa), đào tạo các trí thức Nho học. Số Nho sĩ ngày càng có vai trò quan trọng trong chính trường và trong sáng tác văn học, phát triển văn hóa. Các lộ, phủ đều có trường công. Trong nhân dân, các làng xã có trường tư. Các kì thi được tổ chức ngày càng nhiều, có quy củ và nề nếp.

Phan Huy Chú đánh giá cao thành tựu của chế độ thi cử thời Trần: “Bấy giờ người tài giỏi sinh ra nhiều, người văn học chen vai nhiều, như thế đủ thấy thành hiệu của việc dùng khoa cử lấy nhân tài”. Tầng lớp quý tộc Trần có nguồn gốc từ cư dân đánh cá ven biển, chuộng võ nghệ, nhưng học vấn thấp, Trần Thủ Độ bị coi là người “không có học vấn”. Nhưng sau khi vương triều thành lập, các vua và quý tộc Trần nhanh chóng trở thành những người có học vấn cao, trong đó có những nhà văn hóa lớn, những tướng soái tài hoa, văn võ kiêm toàn. Nhìn vào vài gia đình hoàng tộc thấy rõ điều đó. Con của vua Trần Thái Tông có Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật. Con của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có Hưng Võ Vương Nghiễn, Hưng Nhượng Vương Tảng, Hưng Trí Vương Hiện…

Chủ trương trọng dụng người tài của triều Trần được Phan Huy Chú đánh giá cao: “nhiều danh thần về dòng tôn thất có người do công lao danh vọng vào làm tướng, về phái Nho học có người do văn chương học vấn lên chức Tể, chỉ có tài là được cất đặt, không câu nệ về tư cách. Cho nên bấy giờ các bậc đức tốt tài cao đều được dùng”. Nhìn vào triều đình thời đầu Trần, thấy nhiều gương mặt vua sáng tôi hiền tài ở tầm cao của trí tuệ dân tộc.

Đó là các Hoàng đế anh minh Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và dưới là những quý tộc tài cao như Trần Thủ Độ, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Quốc Tuấn…; những triều thần, dũng tướng như Lê Tần, Trần Bình Trọng, Đỗ Khắc Chung, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Trần Thì Kiến…Đó là những con người đảm đương công cuộc xây dựng đất nước thời bình và cũng là những tướng soái dũng lược trong thời chiến.

Nhờ nền tảng của Giáo dục kết hợp với thủ công và sự sáng tạo đã có những bước đột phá về các ngành Khoa học kỹ thuật sau này, tiêu biểu như:

  • 1272 Đại Việt Sử Ký do Lê Văn Hưu biên soạn
  • Y học có danh y Đại Y – Thiền Sư Tuệ Tĩnh với triết lý: Thuốc Nam (cây thuốc, bài thuốc) trị bệnh cho Người Nam (người nước Nam – Đại Việt).
  • Kiến trúc sư, công trình sư Nguyễn An (người thiết kế và xây dựng Thiên An Môn, Tử Cấm thành, đắp đê sông Hoàng Hà)
  • Hồ Nguyễn Trừng: chế tạo thành công súng thần công, súng (hỏa giáo). Đóng các loại thuyền lớn.
  • Các công xưởng luyện kim của triều đình và trong làng nghề. Nghệ thuật tạo tác, điêu khắc các đồ dùng đạt đến độ tinh xảo rất cao, các công trình từ đời sống đến phật giáo đa dạng từ kim loại đến gỗ, đá,…
  • Cùng với thương nghiệp – thủ công nghiệp đã nâng bước cho nghề gốm – sứ phát triển và vươn xa (Gốm Chu Đậu – Hải Dương).

Hình thành và giữ nước bằng binh nghiệp, Nhà Trần với ý thức “Tự Cường” đã hợp nhất được toàn dân vượt qua những thời khắc quan trọng và ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lịch sử. Thắng lợi của ba lần kháng chiến chống Mông Nguyên không thể tách rời với thành quả xây dựng đất nước, tạo nên tiềm lực quốc phòng và hậu phương của chiến tranh. Chính Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo cũng thấy rõ mối quan hệ này và nhận thức sâu sắc về nguyên nhân sâu xa của chiến thắng là do: “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, nước nhà chung sức”. Cũng từ nhận thức đó, ông khuyên vua Trần Anh Tông muốn giữ nước trước hết phải “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”. Năm 1288 sau chiến thắng, trở về kinh thành bị tàn phá nặng nề, các cung điện bị đốt phá, Thượng hoàng Trần Thánh Tông phải ở tạm trong hành lang của Thị vệ. Nhiều triều Trần muốn gấp rút điều dân phu xây dựng lại các cung điện, đắp lại thành lũy, nhưng Trần Hưng Đạo lại khuyên vua nên để cho dân nghỉ và nói câu bất hủ “Chúng chí thành thành” (ý chí của dân chúng mới là bức thành). Trần Quốc Tuấn đánh thắng giặc nhờ sức mạnh của toàn dân và muốn xây dựng bức thành giữ nước trong lòng dân. Thắng lợi trên chiến trường không phải chỉ định đoạt bằng cuộc chiến đấu một mất một còn của các trận đánh mà còn được định đoạt bởi hậu phương, bởi công cuộc xây dựng đất nước trước và trong chiến tranh, bởi sức mạnh của nền văn minh Đại Việt với tất cả giá trị kết tinh của nó trong đó nổi bật lên chủ nghĩa yêu nước, ý thức dân tộc, tinh thần đoàn kết vì đại nghĩa. Không có cơ sở xây dựng đất nước, không có nền văn minh Đại Việt với những giá trị ưu việt như vậy làm sao có được chiến công đại phá Mông Nguyên, một đế chế cượng thịnh, hung hãn đang hoành hành trên thế giới Á-Âu đương thời.

Chiến thắng năm 1288 không chỉ chấm dứt mộng tưởng xâm lược nước ta mà còn làm thay đổi lịch sử của thế giới khi chặn đứng con đường bành trướng của đế chế Mông Nguyên đã xâm chiếm phần lớn thế giới từ đông sang tây khiến không ít nên văn minh của các dân tộc sụp đổ, và góp phần làm suy yếu dẫn tới tan rã đế chế này.

Với tư tưởng xung đột chỉ để mang lại hòa bình, bằng mọi giá phải giữ được sự bình yên của Vua Tôi nhà Trần đã được thể hiện qua những chính sách thực tế như “vườn không nhà trống”, xây dựng đất nước cường thịnh từ các cộng đồng dân cư. Kiên quyết đấu tranh ngoại giao và mở rộng lãnh thổ qua việc kết giao với Chiêm Thanh bằng cuộc hôn nhân của Huyền Trân công chúa và Vua Chế Mân với quà cưới là hai châu Ô, Rý đưa lãnh thổ Đại Việt kéo dài thêm xuống phía Nam xứ Thuận Hóa (Lê Quý Đôn). 

Với 175 năm tồn tại của mình, nhà Trần đã tạo lập được những kỳ tích thực sự huy hoàng: chấm dứt được tình trạng hỗn loạn của xã hội Đại Việt vào những năm cuối của Vương triều Lý (1009-1225); Xây dựng được nhà nước Trung ương tập quyền thống nhất, vững mạnh từ cấp trung ương, tới cấp cơ sở là xã; Lập lại được trật tự chính trị - xã hội; củng cố được sự thống nhất của quốc gia; chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, khoan thai sức dân; thúc đẩy văn minh Đại Việt phát triển lên tầm cao mới.

(Còn tiếp)

Từ khóa: 

giáo dục

,

lịch sử

,

văn hóa

,

tôn giáo