Người cha câm điếc của tôi

  1. Sách

  2. Xã hội

  3. Tâm sự cuộc sống

Cha giành lại mạng sống của tôi từ tay Tử thần…Phía Bắc Liêu Ninh có một thành phố cấp tỉnh tên Thiết Lĩnh, ở đầu đường công nhân Thiết Linh, hầu như mỗi buổi sáng sớm hoặc chiều muộn bạn đều nhìn thấy một ông lão đẩy chiếc xe đậu phụ chậm chạp bước, trên xe có gắn một chiếc loa chạy bằng ắc quy, một giọngnữ vang lên: “Đậu phụ đây, đậu phụ nước chua chính thống đây! Đậu phụ đâyyyy——"

.

Tiếng rao ấy là của tôi. Mà ông lão ấy là cha của tôi. Cha là một người câm điếc. Cho đến năm 20 hôm ấy, tôi mới đủ can đảm dùng giọng của mình rao cho xe đậu phụ của cha thay cho tiếng chuông đồng ông đã dùng mấy chục năm nay. Từ năm 2-3 tuổi tôi đã biết có một người cha câm điếc là tủi nhục đến nhường nào, vì thế mà từ nhỏ tôi đã ghét cha. Khi tôi nhìn cảnh một đứa trẻ được người lớn sai đến mua đậu phụ, chưa trả tiền đã chạy mất, khoảnh khắc cha tôi gân cổ lên ú ớ gào không thành tiếng, tôi không như anh cả chạy đuổi theo đánh thằng bé vài roi, tôi chỉ xót xa nhìn cảnh tượng trước mắt không nói một lời, tôi không ghét đứa bé ấy, tôi chỉ ghét người cha câm điếc của mình. Dù cho hai anh mỗi lần chải đầu cho tôi đều đau điếng nhưng tôi cũng chỉ cố chịu chứ tuyệt nhiên không để cha thắt tóc cho tôi thêm lần nào nữa. Tôi luôn thẳng thừng từ chối ông ấy. Lúc mẹ mất không hề để lại tấm di ảnh nào, chỉ có một tấm ảnh trước khi lấy chồng chụp chung với dì hàng xóm, một tấm ảnh đen trắng 7cm, lúc cha bị tôi đối xử lạnh nhạt thì thường đến lật mặt sau chiếc gương xem ảnh chụp của mẹ, nhìn cho đến khi phải đi làm việc ông mớilủi thủi rời đi.


Tôi phải chăm chỉ học hành, đậu đại học rồi rời khỏi cái thôn mà ai ai cũng biết cha tôi là một người câm điếc này! Đây là ước muốn lớn nhất của tôi lúc bấy giờ. Tôi không biết hai anh lần lượt lập gia đình thế nào, không biết phòng đậu phụ của cha đã đổi mấy cái cối xay rồi, không biết đông qua hạ đến chiếc chuông mòn vành kia đã vang lên bao nhiêu nẻo đường con phố…. Tôi chỉ biết chán ghét bản thân, điên cuồng học tập.

Cuối cùng tôi cũng đậu đại học, cha đặc biệt vì tôi mặc chiếc áo Mã Quáimàu xanh lam được thêu tay, ngồi dưới ánh đèn chiều nhá nhem tối, hớn hở không kém phần trịnh trọng nhét vào tay tôi những đồng tiền còn vương mùi đậu phụ, miệng không ngừng mấp máy “nói”. Tôi ngơ ngác nhìn ông mừng rỡ đi thông báo cho thân thích cùng hàng xóm, khi tôi thấy cha gọi chú hai và anh cùng đi giết con lợn béo mà ông tỉ mỉ chăm sóc, mời hàng xóm láng giềng đến chúc mừng tôi đậu đại học, không biết điều gì đã chạm đáy lòng, tôi khóc. Lúc ăn cơm tôi cầm một bát mì lớn gắp thêm vài miếng thịt, khóc lên rồi nói: “Cha, cha ăn thịt đi.” Cha không nghe được, nhưng ông ấy biết điều tôi muốn nói, trong mắt ánh lên tia sáng trước nay chưa từng thấy, ông uống từng ngụm lớn rượu Cao Lương hòa nước mắt, cha tôi, ông say thật rồi, mặt đỏ bừng, lưng thẳng tắp, thủ ngữ tự nhiên nhanh nhẹn! Phải biết rằng, 18 năm qua ông thấy được mấy lần tôi mấp máy khẩu hình gọi “cha” đâu chứ.

Cha vẫn tiếp tục khổ cực làm đậu phụ, dùng tiền vương mùi đậu phụ nuôi tôi học đại học. Năm 1996 tôi tốt nghiệp rồi được điều đến Thiết Linh cách quê tôi 20km.

Sau khi sắp xếp mọi thứ xong xuôi, tôi đi đón người cha lầm lũi một mình đến thành phố tận hưởng tình cảm muộn màng của con gái, nhưng trên đường đi taxi tội bị tai nạn xe.

Những việc sau đó đều do chị dâu kể lại——

Trong số người đi đường, có người nhận ra tôi là con gái nhà ông Đồ, thế là các anh và các chị dâu vội vã chạy tới, nhìn thấy tôi nằm hôn mê bất tỉnh trong vũng máu thì khóc la um sùm, ai nấy đều rối cả lên. Cha tôi là người đến sau cùng, ông dạt đám người sang một bên, bế đứa con gái mà mọi người đoán là khó mà sống nổi của mình lên, chặn chiếc xe hơi bên đường lại, ông vác tôi trên vai để tiện thò tay vào túi áo móc ra một nắm tiền lẻ rồi nhét vào tay tài xế, kế đó ông không ngừng vẽ hình chữ Thập, cầu xin bác tài chở tôi tới phòng cấp cứu. Chị dâu bảo, chị ấy chưa từng thấy người cha yếu ớt của tôi kiên cường và mạnh mẽ đến thế!

Sau khi xử lý sạch vết thương, bác sĩ cho tôi chuyển viện và cũng ngầm ra hiệu cho anh 2 anh 3 chuẩn bị lo hậu sự. Bởi vì khi đó họ gần như không thể đo được huyết áp của tôi, đầu bị va đập đến nỗi biến dạng.

Cha xé nát cái áo liệm anh 2 mua cho tôi lúc anh ấy tuyệt vọng, ông chỉ vào mắt của chính mình, rồi chìa ngón cái thể hiện thái dương của bản thân, sau đó ông lại chĩa hai ngón tay vào tôi, tiếp đó là chìa ngón cái ra, lắc lắc tay, nhắm nghiền mắt. Anh hai cuối cùng cũng không chịu nỗi mà bật khóc. Ý của ba là: “Các con không được khóc, cha còn không khóc thì các con càng không được khóc. Em của các con sẽ không chết, nó mới hơn 20 tuổi, con bé nhất định sẽ tốt lên, chắc chắn chúng ta sẽ cứu sống được con bé!”

Bác sĩ nói họ đã cố gắng hết sức, ông bảo anh 2 nói với ba: “Cô gái này không cứu được nữa, nếu có cứu cũng phải trả rất nhiều tiền, nhưng cũng không chắc sẽ khỏe lại.”

Trong phút chốc cha tôi quỳ sụp xuống, nhưng rồi ông đứng lên ngay, cha chỉ vào tôi rồi vươn tay lên cao, mô phỏng theo dáng vẻ trồng cây, cho heo ăn, cắt cỏ, xay cối xay, kế đó ông móc túi áo rỗng tuếch của mình ra, ông xòe bàn tay mình ra chỉ vào mặt trái rồi mặt phải, ý nghĩa là: “Cầu xin mọi người, hãy cứu lấy con gái tôi, con tôi nó vẫn còn tương lai phía trước, nó rất giỏi, mọi người nhất định phải cứu con bé. Tôi sẽ kiếm tiền để trả tiền viện phí, tôi sẽ cho heo ăn, trồng cây, làm đậu phụ, tôi có tiền, bây giờ tôi có tận 4000 tệ.”

Bác sĩ nắm lấy tay cha, họ lắc đầu, ý muốn nói 4000 tệ hoàn toàn không đủ. Cha trở nên gấp gáp, ông chỉ tay vào anh và chị dâu, nắm chặt tay thành hình nắm đấm, muốn nói: “Tôi còn có mấy đứa nó, cha con tôi, gia đình tôi sẽ cùng nhau cố gắng, chúng tôi có thể làm được.” Bác sĩ không nói gì, ông lại chỉ chỉ lên trần nhà, cúi đầu dậm dậm chân, chấp hai tay lại kề bên mặt phải nhắm mắt lại, ý muốn nói: “Tôi có nhà, tôi có thể bán, tôi có thể ngủ dưới đất, cho dù tán gia bại sản tôi cũng muốn con gái tôi được sống.” Sau đó ông lại chỉ lên ngực của bác sĩ, đặt hai tay song song nhau: “Bác sĩ, bác sĩ hãy yên tâm, chúng tôi sẽ không quỵt tiền đâu. Chuyện tiền bạc chúng tôi sẽ nghĩ cách.”

Anh hai dịch lại động tác ký hiệu cho bác sĩ nghe, còn chưa dịch xong, vị bác sĩ đã quen với sinh ly tử biệt cũng rơi nước mắt!

Tình cha cao cả, không chỉ làm điểm tựa cho sinh mạngcủa tôi mà còn tiếp thêm niềm tin và quyết tâm cứu sống tôi của các y bác sĩ một niềm tin và lòng quyết tâm rằng bác sĩ có thể giành lại mạng sống cho tôi. Tôi được đưa lên bàn phẫu thuật.

Cha ngồi túc trực ngoài phòng cấp cứu, ông ấy thấp thỏm không yên cứ đi đi lại lại trên hành lang tới nỗi đế giày cũng bị mòn! Ông không rơi một giọt nước mắt nào, nhưng việc chờ đợi mười mấy giờ đồng hồ đã khiến ông phồng cả chân! Ông không ngừng múa may hai tay loạn xạ làm động tác cầu trời khấn phật, van xin ông trời hãy để con gái ông được sống!

Trời xanh cũng động lòng! Tôi vẫn còn sống. Nhưng tôi đã hôn mê tận nữa tháng, tôi chẳng thể nào đáp lại tình thương của cha. Đối mặt với “người thực vật” như tôi, mọi người đều đã mất tin niềm tin, chỉ còn mỗi cha vẫn luôn túc trực cạnh giường, kiên quyết đợi tôi tỉnh lại!

Ông dùng đôi bàn tay thô ráp của mình nhẹ nhàng xoa bóp cho tôi, cuống họng không thể cất thành tiếng vẫn miệt mài ú ớ gọi, ông ấy đang vẫy tay gọi: “Con bé Vân này, con mau tỉnh lại đi, Vân ơi, ba đang đợi con uống sữa đậu nành mới vắt đây!”

Vì để bác sĩ và y tá đối đãi tốt với tôi hơn ông đã tranh thủ khoảng thời gian anh hai thay ông chăm tôi ở bệnh viện liền nấu một đĩa đậu phụ non nóng hôi hổi đem tới, gần như đem tặng bác sĩ y tá và cả nhân viên ở khoa ngoại. Mặc dù bệnh viện có quy định không được nhận đồ của bệnh nhân nhưng khi họ đối diện với lời thỉnh cầu mộc mạc và chân thành của cha, họ cũng miễn cưỡng nhận lấy. Cha cảm thấy rất hài lòng, thế là ông càng có thêm lòng tin. Ông dùng thủ ngữ nói với họ: “Mọi người là người tốt, tôi tin mọi người chắc chắn sẽ chữa trị được cho con gái nhà tôi!”

Khoảng thời gian ấy, vì để gom đủ tiền đóng viện phí, cha đã đi đến từng thôn từng xóm trước đây ông từng bán đậu hũ, ông dùng sự thiện lương sự chân thành nửa đời còn lại để đổi lấy khoản tiền đủ để con gái ông vượt qua ranh giới sinh tử. Bà con lối xóm lần lượt cho mượn tiền, nhưng cha tôi chẳng qua loa chút nào, ông dùng cây bút chì thường dùng ghi chép các khoản thu chi bán đậu hũ viết lại các khỏan đóng góp bằng nét chữ xiêu vẹo một cách cẩn thận: Trương Tam Trang 20 tệ, Lý Cương 100 tệ, Chị dâu Vương 65 tệ…

Nửa tháng sau, vào một buổi sáng nọ, cuối cùng thì tôi cũng tỉnh lại, tôi nhìn thấy một ông già gầy trơ xương, ông ấy ư ư a a, bởi vì thấy tôi đã tỉnh lại nên ông vui đến mức há hốc mồm ú ớ, vì quá xúc động nên mái đầu bạc phơ trong phút chốc ướt đẫm mồ hôi. Cha tôi, nửa tháng trước tóc cha vẫn còn xanh, mới nửa tháng mà như thể đã già đi 20 tuổi!

Cái đầu bị cạo trọc của tôi cũng lú tóc con, cha xoa đầu tôi, ông cười hiền từ. Trước đây cái xoa đầu này với ông ấy mà nói là thứ gì đó rất xa xỉ. Nửa năm sau tóc tôi cũng mọc lí nhí được vài cọng đủ để bọc thành một chỏm tóc, tôi nắm lấy tay cha bảo ông chảy đầu giúp mình. Ông trở lóng ngóng chảy từng sợi tóc một cách chậm chạp, chảy một hồi vẫn không ra được kiểu đúng ý ông. Tôi cột vội chỏm tóc rồi ngồi lên xe của cha, chiếc xe được cải tiến thành xe đẩy rong rủi các con phố. Có lần nọ, cha dừng xe, ông vòng tới trước mặt tôi làm động tác muốn bế tôi rồi lại quăng tôi đi, sau đó miết miết ngón tay biểu thị đang đếm tiền, thì ra ông ấy muốn bán tôi như bán đậu hũ! Tôi giả vờ ôm mặt khóc, ông lại cười không ra tiếng, tôi lén nhìn ông qua kẽ tay, ông cười tới nỗi ngồi xổm xuống đất. Chúng tôi cứ chơi trò này mãi đến khi tôi có thể đứng dậy đi lại.

Bây giờ, ngoài việc thỉnh thoảng nhói lên những cơn đau đầu bất chợt, thì trông tôi vô cùng khỏe mạnh. Vì lẽ đó mà cha tôi đắc ý mãi thôi! Chúng tôi cùng nhau cố gắng trả xong khoản nợ, cha cũng chuyển đến thành phố để sống chung với tôi. Nhưng ông đã làm lụng cả một đời, quả thật không thể nào ngơi tay. Tôi bèn thuê một gian nhà nhỏ gần nhà để ông làm chỗ bán đậu hũ. Đậu hũ của cha thơm ngon núng nính, miếng nào miếng nấy đều to, mọi người đều muốn ăn. Tôi gắn thêm cái loa chạy bằng bình ắc quy lên xe đậu phụ cho ba, mặc dù ông không thể nghe được tiếng rao lảnh lót của tôi nhưng chắc chắn là ông biết. Bởi vìmỗi lần chạm tay bật loa, ông đều ngẩng đầu lên để lộ gương mặt hạnh phúc và mãn nguyện.

(摘自《中国青年》2002年第18)

Từ khóa: 

sách

,

xã hội

,

tâm sự cuộc sống

Ngưỡng mộ tác già

Trả lời

Ngưỡng mộ tác già

Đọc xong mà bị cảm động ấy. Hức hức

Cảm ơn em đã chia sẻ. Một bài viết rất xúc động về tình cha con. Anh nghĩ trong sâu thẳm mỗi con người, dù ngoại hình của họ có ra sao, vẫn luôn có một trái tim Phật.