[Viết lách] Minerva và cái chết

  1. Sách

  2. Sáng tác

  3. Triết học

Minerva trông thấy một con thú nằm chết bên đường, nhưng cô không hiểu vì sao.. Sự thắc mắc của cô không nằm ở nguyên nhân dẫn đến cái chết, mà nằm ở lý do vì sao nó lại chết như một hành động, tựa như bao hành động khác như ăn, uống, hay sống.

"Tại vì sao lại chết?" Minerva không rời mắt khỏi con thú.

Cái xác không hề có một vết máu, và xương thịt vẫn còn quá tươi để thu hút lũ ruồi nhặn. Thứ bất động này cứ nằm ở đấy, mắt mở toang ra như đang nhìn vào một điều gì đó vô hình trước mắt. Ấy vậy mà, con thú hòa hợp với cảnh vật xung quanh một cách kì lạ như thể thiên nhiên đã cố tình tạo ra một tác phẩm nghệ thuật có thời hạn mà chỉ có kẻ nào đủ may mắn mới có thể chiêm ngưỡng được. Đến một thời điểm nào đấy, vết mực sẽ bắt đầu loang lỗ, bốc mùi hôi thối; các đường nét vốn uốn lượn sắc sảo dần mờ nhạt và sập xệ đi, lõm xuống thành một cái hố sâu hoắt trên nền tác phẩm. Minerva hiểu được sự may mắn của mình, nên cô quyết không rời đi cho đến khi tác phẩm đến thời hạn của nó. Điều khiến cô hứng thú với cái xác đến thế là bởi vì cô chưa từng chứng kiến cái chết dù đã nghe đến nó bao nhiêu lần trong sách vở. Đúng là như vậy, 16 năm trời tại Thung lũng cái bát, cái chết chưa bao giờ hiện diện ở đây, hay ít nhất là khi nó xảy ra, ít sinh vật nào ở đây chứng kiến được điều đó. Chính vì vậy, Minerva có một nỗi niềm băn khoăn về cái chết ngây ngô như cách cô băn khoăn về bữa tối của mẹ.

"Tại vì sao nó lại chọn cái chết?" Cô thốt ra thành lời. Đối vơi cô, chết dường như là một hành động tự thân người ta quyết định, cũng giống khi họ quyết định đi bộ, đọc sách, hay ngồi dưới bóng cây ô-liu già đến 5 giờ chiều chẳng hạn. Thế thì vì sao lại chết? Khi con người ta hoàn toàn có thể tận hưởng các niềm hân hoan của sự sống. Minerva do đó nghĩ rằng mọi sự mặc nhiên sẽ chẳng bao giờ quyết định điều này, kể cả cô và gia đình mình. Giờ đây trong cuộc đời bé nhỏ của cô, con thú là người đầu tiên cô biết đến đã chọn cái chết. Minerva thán phục, song cô cũng bày tỏ một niềm tiếc nuối với con thú, "Nếu như mày sống thì chúng ta đã được chơi đùa với nhau nhiều hơn."

Trời còn chưa đến đỉnh đầu, mấy ai có cái phước lành mà đứng tại chỗ ngắm nhìn một cái xác sắp sửa phân hủy lâu như thế. Chẳng có thứ gì ngáng đường, trời thì vẫn hãy còn sáng, và dù có tối cô vẫn chỉ cần quay trở lại ngôi nhà của mình, giả vờ như thể cô đã đi chệnh khỏi đường mòn rồi cuối cùng trở về với điểm xuất phát. Minerva dường như đã nắm chắc kịch bản vừa mới nghĩ ra này, và cứ thế thong dong vừa ngắm nhìn vừa lẩm bẩm trong miệng những câu hỏi đáng nhẽ đã được trả lời bởi con thú. Không may, chưa đầy một tiếng mà lũ ruồi nhặn bắt đầu bay quanh cái xác, dường như chúng nó cố tình đến sớm hơn dự định hòng chiếm lấy con thú cho riêng chúng. Tiếng vo ve dần dần nuốt chửng không chỉ cái xác, mà cả tâm trí của Minerva.

"Thật đáng tiếc", cô tự an ủi, "nếu như chúng ta có nhiều thời gian hơn với nhau." Nói rồi, cô đứng dậy tiếp tục hành trình của mình, và cũng không quên để lại một ánh nhìn bất mãn dành cho lũ ruồi nhặn.

Vậy là, nếu dường như điều này đối với chúng ta là một điềm gở mà chỉ có kẻ nào ngu xuẩn mới dám ngó lơ, thì đối với Minerva, đó là trang sách đầu tiên trong hành trình của cô, nguyên vẹn trước những vẩn đục và đau thương mà cái chết vốn mang lại cho đại đa số loài người.

*******

Tôi viết bài này nhân dịp một đêm mất ngủ tại Hà Nội, và Minerva - một trong các nhân vật chính của cuốn sách tôi đang viết, đã dẫn dắt tôi trong vô thức đến với những tò mò ngây ngô về cái chết của cô.

Đến cuối cùng, nhưng suy tư về cái chết đã cho tâm hồn tôi một sự an ủi diệu kì.

Từ khóa: 

cái chết

,

sáng tác

,

viết lách

,

triết học

,

sách

,

sáng tác

,

triết học

Suy tư về cái chết thường gián tiếp liên quan đến suy tư về sự sống, đêm mất ngủ ấy có thể kết nối đến một quyết định nào đó của bạn chăng? :)

Trả lời

Suy tư về cái chết thường gián tiếp liên quan đến suy tư về sự sống, đêm mất ngủ ấy có thể kết nối đến một quyết định nào đó của bạn chăng? :)