BẠO LỰC NGÔN TỪ (Verbal abuse) “LỜI NÓI KHÔNG LÀ DAO - MÀ CẮT LÒNG ĐAU NHÓI”

  1. Sức khoẻ

  2. Giáo dục

  3. Tâm lý học

  4. Tâm sự cuộc sống

Ngôn ngữ vốn thật đẹp, đó là phương tiện tư duy, công cụ giao tiếp xã hội của con người. Bằng ngôn ngữ ta có thể truyền tải mọi cung bậc cảm xúc, mọi thứ tình cảm yêu thương, và cũng chính bằng ngôn từ ta có thể xé nát một mảnh tâm hồn - đó chính là sức mạnh của ngôn ngữ. 
Đã bao giờ bạn nghe thấy những câu nói tương tự như:

“Đồ bỏ đi”, “Thứ vô dụng”
“Ngu như bò”, “Đồ con lợn”
“Làm thì ít, ăn hại thì nhiều”
“Mày sống làm gì nữa, chết đi cho vừa”
“Mày sao lại là con tao? Sao tao lại có đứa con như mày”
Bạo lực bằng lời nói - khái niệm này ít người biết nhưng một cuộc điều tra của nhà tâm lý học cho thấy, cứ mỗi 20 người lại có 1 người phải chịu bạo lực ngôn ngữ, mỗi 50 người lại có 1 người mắc bệnh tâm lý vì bạo lực ngôn ngữ, nhẹ thì có thể bị rối loạn, nặng thì có thể dẫn tới hành vi giết người và tự sát.
https://cdn.noron.vn/2022/06/15/112375475249207-1655281098.pngĐây chính là cách mà người ta đang dần dần hủy hoại một ai đó, một cách từ từ nhưng lại vô cùng tàn nhẫn. Những người thốt ra những câu nói đó không ai khác có khi lại chính là người thân, bạn bè và cộng đồng xung quanh. Đối với các bậc cha mẹ, họ hợp lý hóa “bạo lực ngôn ngữ” khi gọi nó là “dạy dỗ”, “nuôi nấng” đứa trẻ đó tốt nhất có thể, hay họ gọi nó là “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Còn đối với bạn bè những câu nói đó được biện minh là: “Tao chỉ đùa thôi. Tao không có ý xấu. Xin lỗi, được chưa”.

Ừ thì lời nói gió bay, nhưng ly vỡ rồi xin lỗi có lành lại được không? chiếc đinh đóng trên cột rút ra rồi vẫn còn vết hằn mà, con người cũng vậy thôi. Cơn đau của một trận đòn roi có thể nhanh tan biến, nhưng sự sát thương của lời nói lại dễ trở thành nỗi ám ảnh in sâu trong tuổi thơ của nhiều người. Nếu một đứa trẻ thường xuyên phải nghe những lời ác ý, mắng mỏ, chê bai thì chắc chắn sẽ không thể phát triển bình thường được. Và khi vượt ngưỡng chịu đựng thì hậu quả là một loạt các hoạt động phản kháng cực đoan như: tự tử, giết người,....

https://cdn.noron.vn/2022/06/15/48613217878135147-1655282311.jpg
Cre: Freepik

“Con cũng đã cố gắng từng ngày để hoàn thiện bản thân nhưng cho dù con có làm gì đi nữa thì trong mắt mẹ con luôn là một đứa vô dụng và tệ hại. Đáng ra con không nên xuất hiện trên trái đất này”. 
Đây là lời mà những đứa trẻ nên nói sao? mới chỉ 15, 16 tuổi - cái tuổi hồn nhiên vô lo, vô nghĩ mà thế giới này đối với các em thật sự xấu xí, tệ hại đến vậy à? Và sau những câu nói này là cái chết bi thương, nhiều người nói các em bất hiếu, suy nghĩ thiếu chín chắn khi phụ công cha mẹ nuôi dưỡng mang em đến thế giới này để rồi chỉ vì vài câu nói vô tâm mà các em kết thúc cuộc đời mình. Nhưng họ đâu biết rằng ngôn từ có thể là vô tâm với người nói nhưng lại là hữu ý với người nghe. 

Tháng 11/2019, em N.T.H.T sinh năm 2003, ở xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã nhảy cầu Phủ 2, xã Cẩm Vịnh tự tử. Trước khi nhảy cầu tự tử, cô bé đã để lại một bức thư trong cốp xe đạp điện cùng điện thoại di động và đôi dép ở trên cầu.
Nội dung bức thư cuối cùng cô bé 16 tuổi để lại cho bố mẹ trước khi nhảy cầu tự tử khiến nhiều người xót xa: “Con cũng đã cố gắng từng ngày để hoàn thiện bản thân nhưng cho dù con có làm gì đi nữa thì trong mắt mẹ con luôn là một đứa vô dụng và tệ hại. Đáng ra con không nên xuất hiện trên trái đất này”.

“Nếu có thể con ước mình chưa từng được sinh ra, con có một điều ước rằng mình chưa từng tồn tại”. 
Khoảng 10h ngày 1/8/2020, một nam thanh niên đi bộ trên hành lang phía đông mặt cầu Trần Phú bắt qua hạ lưu sông Cái nối hai tuyến giao thông Phạm Văn Đồng – Trần Phú thuộc địa phận hai phường Vĩnh Thọ và phường Xương Huân, TP Nha Trang. Khi đến đoạn giữa cầu, bất ngờ người thanh niên này leo qua lan can thép rồi gieo mình xuống dòng sông. Sau vài phút chới với, nam thanh niên chìm hẳn dưới dòng nước.
Một số người đến vị trí người thanh niên dừng lại trước đó đã tìm thấy thư tuyệt mệnh ghi trong tập vở học sinh được chắn gió bằng đôi dép nhựa màu đen. Theo nội dung thư thì nguyên nhân tự vẫn là do bị cha chê trách khùng điên, bại não khi đeo kính mắt màu đen đi tập thể dục buổi sáng, rồi bị nghi ngờ cùng nhóm bạn lừa đảo khi kiếm tiền bằng trò chơi trên mạng.

https://cdn.noron.vn/2022/06/15/5794213715585922-1655283897.jpg

Cre: Pinterest

Nói về những vụ tự tử của con trẻ, nhiều quan điểm cho rằng đây thực sự là cú đánh chí tử với cha mẹ vì đứa trẻ tự tử đã không hiểu chuyện, trước khi chọn cái chết có từng nghĩ tới công sinh thành, nuôi nấng của mẹ cha hay không? 
Nhưng liệu đã có ai từng đặt câu hỏi: Có bao nhiêu đứa trẻ trong quá trình trưởng thành đã có vô số lần muốn nhảy xuống từ những chiếc cầu, chúng còn sống chỉ đơn giản là vì chưa dám? 

Có một sự thật rằng, cha mẹ chúng và những người xung quanh mãi mãi không thể nào biết trước khi nhảy cầu, đứa trẻ ấy đã phải trải qua những gì.
“Một lời bất cẩn có thể nhóm lên xung đột 
Một lời tàn nhẫn có thể phá hỏng một cuộc đời”
-Thomas Carlyle-

Người gây ra tổn thương thì có thể nhanh chóng quên đi như gió thoảng mây bay, còn người chịu tổn thương thì lại đau lòng đến cả cuộc đời. 
Nhà biên tập, nhà thần học Tyron Edwards đã nói: “Lời nói tốt hơn và xấu hơn suy nghĩ; chúng bày tỏ suy nghĩ, bổ sung cho suy nghĩ; chúng mang lại sức mạnh cho suy nghĩ để hướng tới cái thiện hoặc cái ác; chúng đưa suy nghĩ vào một hành trình dài bất tận để tìm lời chỉ dẫn, sự thoải mái và hạnh phúc, hay để gạt bỏ đau thương, nỗi buồn, sự suy sụp.” 
Bạo hành bằng lời nói cũng rất đa dạng và có nhiều phương thức khác nhau đôi khi chính chúng ta cũng mất cảnh giác. 
“Bạo hành cảm xúc là một dạng bạo lực mà ở đó, những kẻ bạo hành không phải lúc nào cũng dùng lời lẽ như một nhát dao ngay tức thì, mà sử dụng chúng như một loại độc dược từ từ giết chết bạn không để lại chút vết tích” – Augusten Burroughs.
Đặt biệt danh xấu: Một biệt danh kiến bạn trở nên ngại ngùng tự ti nhưng lại được ngụy trang theo cách “nghe vui mà”, “nghe dễ thương mà” cũng là một dạng bạo hành.
Mỉa mai: Kẻ bạo hành luôn tìm cách khiến bạn ngượng ngùng và phải xấu hổ, mặc dù nghe có vẻ nhưng đang khen, tâng bốc bạn nhưng lại là một cách chọc ngoáy, bỡn cợt.
Phê bình: Không có gì sai với những lời chỉ trích mang tính xây dựng. Nhưng trong một mối quan hệ bị lăng mạ bằng lời nói, nó đặc biệt khắc nghiệt và dai dẳng nhằm cố gắng hạ thấp lòng tự trọng của bạn.
Hạ bệ: Kẻ ngược đãi muốn bạn cảm thấy tồi tệ về bản thân. Họ sử dụng sự sỉ nhục và xấu hổ để hạ thấp bạn và ăn mòn sự tự tin của bạn.
Thao túng: Thao túng là một nỗ lực để khiến bạn làm điều gì đó mà không cần phải ra lệnh trực tiếp. Bạn không mắc sai lầm về điều đó nhưng nó lại kiểm soát bạn và giữ cho bạn mất cân bằng.
Đổ lỗi: Tất cả chúng ta thỉnh thoảng đều có những lỗi lầm. Nhưng một người lăng mạ bằng lời nói sẽ đổ lỗi cho bạn về hành vi của họ. 
Buộc tội: Nếu ai đó liên tục buộc tội bạn về mọi thứ, họ có thể ghen tị hoặc đố kỵ. Hoặc có lẽ họ là người có tội trong hành vi đó. Dù bằng cách nào, nó có thể khiến bạn đặt câu hỏi liệu bạn có đang làm điều gì đó sai trái hay không, đây cũng là một dạng thức vô cùng đáng sợ của bạo lực ngôn từ.
Cô lập: Từ chối nói chuyện, nhìn thẳng vào mắt bạn hoặc thậm chí khi ở cùng phòng với bạn khiến bạn bị sự im lặng và cô độc đáng sợ tra tấn tâm hồn. 
Đe dọa: Sự đe dọa dù chỉ bằng lời nói cũng là một hành vi bạo hành lời nói nghiêm trọng. Những lời đe dọa này khiến bạn lo sợ và dễ dàng bị thao túng, kiểm soát.

https://cdn.noron.vn/2022/06/15/5794213715585988-1655285385.jpg

Nguồn: Sưu tầm

Nếu là nạn nhân của bạo lực ngôn từ thì ta phải làm sao?
Điều này vốn không hề đơn giản, chúng ta phải học cách vượt qua những câu nói tầm thường. Để không bị nó cấu xé và gặm nhấm tâm hồn, chúng ta bắt buộc phải đối mặt với nó bằng những suy nghĩ tích cực nhất:
Họ nói bạn vô dụng, bất tài: tại sao không cho họ thấy những gì họ nói là để miêu tả chính họ.
Họ mỉa mai bạn xấu xí, ngoại hình khó coi: Chúng ta đâu được quyết định hình hài của mình khi sinh ra. Có thể bạn không có ngoại hình ưa nhìn nhưng những người chế diễu bạn mới là những kẻ xấu xa cả diện mạo cho tới cả tâm hồn. 
Họ nói bạn nghèo: Đúng bạn có thể nghèo vật chất nhưng không thể nghèo nhân cách như họ. 

Đừng để bị tổn thương vì những điều tầm thường, không xứng đáng. Trừ khi bạn cho phép thì không ai có quyền làm tổn thương bạn. Giáo dục chân chính là dùng những phương pháp tích cực để giúp chúng ta ngày càng trưởng thành, nhận thức ngày càng trở nên tốt hơn, hoàn thiện bản thân hơn.
Trong tâm lý giáo dục có một thuật ngữ là “Hiệu ứng Unger Marie”. Unger Marie là tên một cô gái, cô gái này vốn có ngoại hình không được đẹp. Nhưng người thân trong gia đình và bạn bè của cô luôn luôn động viên cổ vũ, cùng tạo cho cô niềm tin vào bản thân, họ luôn nói với cô rằng “con thật xinh đẹp”, “bạn thật tuyệt”. Chính nhờ vậy, cô gái luôn tự tin, mỗi lần soi gương cô cảm thấy mình đúng là xinh đẹp, cũng tự đáy lòng nói với chính mình rằng “kỳ thực, bạn rất đẹp”. Dần dần cô gái thực sự trở nên ngày càng xinh đẹp.

"Vật gì sắc bén nhất trên thế giới này?
Vật nhọn nhất là lưỡi của con người. 
Con người dùng lưỡi có thể dễ dàng làm tổn thương trái tim, cảm giác của người khác.”
Bao nhiêu vì sao, bao nhiêu ánh đèn cũng không thể thắp sáng được màn đêm. Bao nhiêu xót xa, nước mắt cũng đâu thể vực dậy một tâm hồn đầy những vết xước, thương tổn. Lời đã nói ra thì đâu thể thu hồi lại được, chỉ mong ta hãy dịu dàng với nhau một chút, hãy tử tế với nhau một chút và cẩn trọng với lời nói của mình để tránh làm đau người khác. Mặc dù ngôn ngữ có thể gây tổn thương, song nó lại có tác dụng rất mạnh mẽ để biểu đạt tình yêu thương. Hãy dùng ngôn ngữ làm phương tiện để thay đổi cả thế giới chứ đừng lấy ngôn ngữ có thuốc độc, có dao găm để huỷ hoại thế giới của một người.

https://cdn.noron.vn/2022/06/15/973744272626422-1655285945.png

Cre: Pinterest

Cảm ơn các bạn đã đồng hành cùng mình trong bài viết trên, mình rất mong nhận được thêm ý kiến đóng góp của các bạn! ❤️
Từ khóa: 

bao_hanh

,

sức khoẻ

,

giáo dục

,

tâm lý học

,

tâm sự cuộc sống