Giới thiệu bản thân ngày đầu đi làm sao cho ấn tượng?

  1. Kỹ năng mềm

Ngày đầu đi làm, thay vì giới thiệu khô khan như tên, tuổi, quê quán thì giới thiệu như nào cho thật ấn tượng các bạn nhỉ^^

Từ khóa: 

gioi_thieu_ban_than

,

kỹ năng mềm

Không giới thiệu là ấn tượng khó phai luôn
Trả lời
Không giới thiệu là ấn tượng khó phai luôn

Ngày đầu đi làm của tôi rén lắm bạn ạ. Chỉ dám giới thiệu tên, tuổi, trường đang học với vị trí công việc mình đang làm. Hết.

Mà kể ra công ty mình toàn người trẻ, lúc đấy mà giới thiệu về tình trạng mối quan hệ của bản thân khéo cũng pha được tiếng cười, không khí cho đỡ căng thẳng quá.😅

1. Chuẩn bị sẵn nội dung cần nói

Ngoại trừ những bạn có khiếu ăn nói và hoạt ngôn thì tốt nhất bạn nên lên sẵn nội dung cần nói. Vì nếu không thì bạn sẽ dễ sa lầy vào các lỗi “nói dông, nói dài, nói dở”. Và tất nhiên với một màn “chào sân” thảm bại như thế sẽ khiến bạn bị xuống tinh thần, cũng như đồng nghiệp ít chú ý đến bạn.

Do đó, bạn hãy viết ra giấy nội dung chi tiết cần nói trước. Sau đó, tập dợt trước gương và chỉnh sửa nếu cần. Sẽ không mất quá nhiều thời gian nhưng điều này sẽ khiến bạn đỡ bị “khớp”, không nói lan man và chẳng có chủ đề cụ thể.

2. Đến sớm để quan sát và chuẩn bị

Sẽ thế nào nếu ngày đầu tiên đi làm và bạn đến trễ? Chắc chắn đây sẽ là ấn tượng vô cùng xấu với tập thể. Thêm nữa, khi bạn đến trong tình trạng vội vàng thì sẽ dễ “quên bài”, cũng như không có thời gian để chăm chút lại ngoại hình tươm tất.

Gợi ý rằng thời gian đến tốt nhất là ít nhất 15 phút. Khi đến cơ quan, bạn cũng nên quan sát để chọn vị trí đứng chờ phù hợp (tránh đứng chắn ngay lối đi hoặc ngồi ngay chỗ của đồng nghiệp). Có câu “ăn trông nồi ngồi trông hướng” nên bạn đừng để bản thân bị đánh giá là thiếu tinh tế trong ứng xử.

3. Vận dụng ngôn ngữ hình thể

 

Nhiều người dù nói ngắn gọn nhưng lại có sức hút mạnh mẽ. Thật ra những điều nói ra cũng không phải “đao to búa lớn”, nhưng họ biết cách vận dụng ngôn ngữ cơ thể. Thật vậy, nếu bạn biết sử dụng tinh tế hình thể thì người nghe sẽ chăm chú và ấn tượng hơn.

Luôn mỉm cười, tay buông thả tự nhiên, người đứng thẳng là một số gợi ý giúp bạn đạt được sự tự tin. Hạn chế khoanh tay trước ngực hoặc đầu cúi gằm xuống đất vì chỉ khiến đồng nghiệp buồn chán vì thái độ thiếu tự tin của bạn.

4. Hạn chế ngôn từ tiêu cực

Hãy khiến cho đồng nghiệp nhớ về bạn theo một cách tích cực nhất. Muốn vậy, bạn cần tránh xa các từ như “không chắc, không thành, ít may mắn” mà hãy dùng các từ như “cố gắng, chăm chỉ, hy vọng”. Ví dụ như thay vì nói “Tôi nghĩ bản thân không chắc sẽ giúp ích như thế nào”, thì hãy nói rằng “Tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt công việc và đóng góp sức mình vào sự lớn mạnh của công ty.” Chắc chắn khi dùng các từ ngữ mang tính tích cực sẽ khiến hình ảnh của bạn trở nên tốt đẹp và nhận được sự tín nhiệm cao hơn từ đồng nghiệp.

5. Luôn nhớ nói xin chào và cảm ơn

Bạn hãy luôn nhớ bắt đầu bằng “xin chào” và kết thúc bằng “cám ơn”. Đây luôn là yếu tố cơ bản để mở màn và khép lại một cuộc hội thoại, cũng như thể hiện sự tôn trọng cao nhất cho người nghe. Đừng khiến mọi người hụt hẫng vì lời giới thiệu quá hay nhưng lại vấp lỗi giao tiếp cơ bản này.

6. Sự tự tin luôn là điều quan trọng nhất

Cuối cùng, sự tự tin mới là điều bạn cần đặc biệt lưu ý. Dù rằng bạn sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ bởi môi trường mới, đồng nghiệp mới nhưng hãy cứ thư giãn. Hít vài hơi thật sâu và cố gắng tưởng tượng rằng đây là ngôi nhà mới của bạn và mọi người đều là thành viên trong gia đình. Khi tự tin thì mọi điều bạn nói sẽ chân thành, lôi cuốn và sẽ tạo ấn tượng với người nghe tốt hơn.

Sao bạn không thử mua một ít bánh kẹo, trà hay hoa quả gì đó để mời mọi người cũng như bày tỏ lòng thành của mình với các bậc tiền bối trong công ty. Còn việc muốn giới thiệu cho ấn tượng thì mình nghĩ trước hết để gây được sự chú ý cần ăn nói lưu loát một chút. Muốn như thế bạn nên viết ra một bài giới thiệu ngắn về bản thân mình như tên bạn là gì, bạn sinh năm bao nhiêu, đã hoặc đang theo học ở đâu. Bạn cũng nên bày tỏ mong muốn của mình khi được làm việc chung với mọi người, thể hiện thái độ cầu tiến. Điều quan trọng là trong quá trình giới thiệu cần lưu ý giữ thái độ niềm nở, căng tràn sức sống, thi thoảng hãy cười lên một cái và hãy nhớ là thật thoải mái và bình tĩnh. Cũng tránh sử dụng những từ ngữ tiêu cực khi giới thiệu về bản thân mình. Không nên khoác lác mà hãy thật chân thành.

https://hanoijob.vn/goc-nghe-nghiep/gioi-thieu-ban-than-ngay-dau-di-lam-ghi-diem-an-tuong-cho-tan-binh-moi-dau-xuoi-duoi-lot-ban-nhe/

Bạn cũng có thể tham khảo đường link trên này để tạo ấn tượng tốt trong ngày quan trọng này nhé! Chúc bạn thật nhiều may mắn trong công việc.

Với những trải nghiệm của mình thì mình sẽ không bao giờ gây ấn tượng ở buổi làm đầu tiên. Vì mình làm sale trong ngày FMCG, cạnh tranh khốc liệt nên gây ấn tượng cũng chẳng để làm gì đâu, quan trọng là lo kiếm và giữ khách hàng ấy, đạt KPI là ổn, còn đồng nghiệp cũng chỉ là đồng nghiệp thôi, không thể nào là người thân hay bạn bè chí cốt được mà phải gây ấn tượng. 

Gây ấn tượng để làm gì đã? Nếu bạn đã có ngày đầu tiên đi làm thì hẳn là bạn đã gây được ấn tượng nào đó với sếp/người phỏng vấn bạn để họ nhận bạn vào công ty/team của họ. Còn với đồng nghiệp thì ngày đầu tiên bạn đến, họ cũng không cần quá nhiều ấn tượng về bạn hay nghĩ về bạn nhiều hơn tên, tuổi, quê quán, hay trường học của bạn đâu, cùng lắm là thêm tình trạng độc thân. Nếu muốn gây ấn tượng thì hãy gây ấn tượng trong công việc ấy. Mình thấy đi làm thì không cần quá hình thức mấy thứ râu ria trừ khi đó là tính chất công việc của bạn đòi hỏi phải thế.

Mình không nhớ rõ ngày đầu tiên đi học. Nhưng mình nhớ rất rõ ngày đầu tiên đi làm.
Mình khá may mắn, sinh ra trong gia đình khá giả, được học tại một trường đại học quốc tế. Ngay cả so với bạn bè cùng lứa, cùng trường, mình cũng có phần gặp may. Vào học kỳ cuối cùng, trong khi bạn bè ngược xuôi tìm chỗ thực tập, mình đã xin được việc làm toàn thời gian, nhân viên chính thức của một công ty nước ngoài. Nhưng may mắn chỉ đến đó. Tồn tại được ở chỗ làm hay không không phụ thuộc vào may mắn.
Tuần đầu tiên đi làm khá yên ổn. Mình chưa được giao việc gì nhiều, chủ yếu đọc tài liệu training. Dù là công ty quốc tế, chi nhánh khắp nơi trên thế giới nhưng mỗi chi nhánh có số lượng nhân viên rất hạn chế. Văn phòng hồi đó chỉ có một sale manager, một operation manager và bốn nhân viên chăm sóc khách hàng. Mình là một trong bốn nhân viên, dưới sự quản lý của operation manager. Training trực tiếp cho mình ban đầu là một chị supervisor.
Cả nhóm nhân viên xem ra có vẻ nhỏ, nhưng phục vụ cả trăm khách hàng là công ty. Nội những khách hàng thường xuyên làm việc hằng ngày đã hơn 50. Mình làm việc với chị supervisor ở reception của một tầng lầu. Manager và các nhân viên khác ở tầng lầu còn lại. Hai tuần sau khi bắt đầu làm việc, chị sếp gọi mình lên họp riêng. Chị bắt đầu buổi họp bằng nhận xét: “Sau hai tuần em làm việc ở đây, chị chưa nhận được feedback nào tốt về em cả”. Đó là một cú shock đầu đời. Lần đầu tiên đi làm, sau hai tuần cố gắng làm quen với tất cả mọi thứ, cố gắng được việc nhất có thể, tất cả những gì mình nhận được là “chưa thấy gì tốt về em cả”. Chị giải thích: “Trong ngành dịch vụ này, khi em làm việc tốt sẽ không ai nhớ. Nhưng chỉ cần em làm sai một lần thôi, họ sẽ quên hết tất cả những gì em làm đúng và nhớ mãi, nhắc đi nhắc lại lỗi lầm của em.” Chị sếp sau đó còn nói nhiều lắm, nhưng mắt mình đã nhòe đi. Mình không biết, đó chỉ là sự bắt đầu của ba tháng cảm tưởng như địa ngục.
Nếu không vì cái luận án tốt nghiệp, có lẽ mình đã bỏ chỗ làm đó sau một tháng đầu tiên. Sau đó, chị sếp chuyển mình lên ngồi cạnh để trực tiếp training. Chị hướng dẫn rất nhiều thứ, ngoài những kiến thức dành cho công việc còn nhiều kỹ năng làm việc mà ở trường mình chưa bao giờ được dạy. Có điều sự ức chế sau cú shock đầu tiên ngày càng lớn. Cộng với cách làm việc của chị: mọi thứ chỉ được chỉ một lần, phải tự ghi chép lại, chị không chỉ lần hai, khiến mình càng ngày càng sợ. Chỉ cần hỏi cái đã được chỉ là sẽ bị la. Mọi việc càng ngày càng tệ hơn. Mình đếm từng ngày trong tuần để cho qua những ngày phải đi làm. Mình càng ngày càng thu hẹp mình ở chỗ làm, không bao giờ cười giỡn với ai, lúc nào cũng căng thẳng, lúc nào cũng sợ mình làm sai cái gì đó.
Lần đầu tiên mình bật khóc thật sự là một lần mình hỏi chị về những con số trong một hóa đơn gửi cho khách. Lúc đó chị cao giọng: “Chị đã chỉ em một lần rồi mà, tại sao em không ghi chú lại, em tự nhớ lại đi, chị không chỉ lần nữa đâu”. Sau đó mình ôm cái hóa đơn một lúc, cố gắng nhớ lại nhưng thực sự không thể nào nhớ nổi. Mình chợt nghĩ tại sao mình lại phải khổ sở thể này; ghi chú những con số này đâu đơn giản, ngay cả khi có ghi lại đọc lại cũng chưa chắc đã hiểu, nếu chỉ hướng dẫn lại cho mình một lần nữa thì có mất gì đâu cơ chứ. Thế là mình lẳng lặng khóc. Khóc không phải vì không hiểu nổi mấy con số, mà vì trong suốt cuộc đời đi học, dù điểm cao hay thấp, mình chưa bao giờ bất lực đến thế.
Chị sếp phát hiện ra, và có lẽ nhận ra mình hơi quá tay, chị chỉ lại cho mình một lần nữa và có một cuộc nói chuyện riêng với mình. Chị xin lỗi và giải thích tại sao chị lại khó tính đến thế: “Bởi vì ở môi trường công việc lúc nào cũng ngập đầu này, không ai có thời gian để quay lại chỉ cho em lần hai.” Dĩ nhiên, mình không học được bài học đó ngay lập tức. Sự việc đó dù được sửa chữa, nhưng kết hợp với một thời gian dài bị áp lực, đã cứa sâu vết thương trong lòng mình.
Mọi việc không tốt đẹp hơn sau đó. Đỉnh điểm là vào một ngày đẹp trời nhưng không suôn sẻ. Ngày hôm đó rất bận, nhiều khách hàng yêu cầu nhiều dịch vụ cùng lúc. Chị sếp cử mình đi ngân hàng. Mình không biết tại sao chị lại muốn mình đi ngày hôm đó trong khi bình thường là một chị nhân viên kiêm kế toán. Ngày hôm đó từ đầu đã không tốt đẹp. Một khách hàng cần dịch bài gấp. Mình quá bận nên đành gửi công ty dịch thuật dù biết công ty đó luôn trễ hẹn. Đến ngân hàng, do tâm lý đang không tốt, mình điền sai chứng từ phải điền lại nhiều lần. Thế là mình về trễ. Về tới công ty, mình nghe mọi người nói chị sếp bực vì mình đi quá lâu. Mình cũng chẳng biết làm gì vì bản thân cũng đang bực. Mình tranh thủ ăn cơm trưa để quay lại làm việc sớm. Đang giữa bữa, chị sếp đạp cửa phòng mình đang ngồi ăn, tuôn một tràng:
– Bài dịch cho khách em đã xong chưa? Bao giờ mới xong? Khách yêu cầu 1h lấy.
– Em gửi cho công ty dịch thuật rồi. Ăn cơm xong em sẽ gọi cho họ.
– Em có biết công ty đó không bao giờ đúng hẹn không? Nếu họ dịch không xong thì em định làm sao đây?
Sau đó còn nhiều câu đôi co giữa mình và chị sếp. Cả hai đều trong cơm áp lực. Sau nửa ngày trời căng thẳng, mình như không còn gì để mất. Nhưng mình vẫn cố gắng đứng lên bảo vệ bản thân. Kết thúc là mình bỏ cả bữa cơm trưa còn lại, lao đầu vào làm việc, vừa làm vừa khóc. Ngày hôm đó cuối cùng rồi cũng qua. Không có khách hàng nào phàn nàn. Nhưng nỗi sợ của mình đối với chị sếp thì kéo dài mãi cho tới những năm sau đó khi không còn làm việc chung với nhau nữa. Cho đến giờ mình vẫn không muốn đối diện với chị.
Sau sự việc đó, có lẽ chị sếp cũng bó tay. Mình được chuyển về làm việc ở tầng dưới, không phải ngồi cạnh chị sếp nữa. Từ lúc đó mọi thứ trở nên tốt hơn. Mình bắt đầu cáng đáng lượng công việc ngang với mọi người. Cuối tháng, mình cũng nhập và gửi hóa đơn cho gần cả trăm khách hàng mà không bị sai cái nào. Một lần, chị làm chung tầng lầu nghỉ bệnh. Chị sếp không cho ai xuống phụ. Ngày hôm đó, một mình mình giải quyết công việc cho tất cả khách hàng của nguyên tầng lầu đó. Từ đó, chị sếp bắt đầu tin tưởng. Mình được chỉ những việc mới không phải ai cũng được chỉ.
Ba tháng đầu tiên của mình trôi qua như địa ngục. Khi mọi chuyện thực sự tốt đẹp hơn, chị sếp của mình nghỉ việc. Mình tiếp tục làm thêm sáu tháng trước khi quyết định tìm một công việc mới. Trong chín tháng, mình là nhân viên trẻ nhất từng làm việc tại đó, người duy nhất được nhận khi thâm chí chưa tốt nghiệp. Mình học được rất nhiều, chứng tỏ được bản thân không phải chỉ với đồng nghiệp mà còn với chính mình.
Một vài năm sau mình vẫn xem trọng và thầm cảm ơn những bài học mà chị sếp dạy cho ngày đó. Thậm chí mình còn sử dụng những bài học đó làm lời khuyên cho các bạn sinh viên mình làm việc chung:
” khi em làm việc tốt sẽ không ai nhớ. Nhưng chỉ cần em làm sai một lần thôi, họ sẽ quên hết tất cả những gì em làm đúng và nhớ mãi, nhắc đi nhắc lại lỗi lầm của em.”
“Không ai có thời gian để chỉ em lần hai.”
Phải đến bảy năm sau, khi bắt đầu tìm hiểu và tập huấn về Giao Tiếp Phi Bạo Lực (Nonviolent Communication), mình mới nhận ra mọi thứ không nhất thiết phải như thế. Làm khó dễ nhau không khiến công việc tốt hay hoàn hảo hơn, và môi trường làm việc của mình ngày đó là môi trường không lành mạnh khi mà mọi người đối xử với nhau bằng cách “nhắc đi nhắc lại lỗi lầm” và “tất cả mọi thứ chỉ được chỉ một lần”. Khi ngồi cạnh chị sếp,tâm lý căng thẳng, mình hầu như chẳng làm được gì cả. Chỉ khi tách ra, mình mới bắt đầu trở lại là chính mình. Công việc đó khiến mình rất tốt trong việc điều phối sắp xếp công việc, bù lại nó phá hủy mối quan hệ giữa mình và chị sếp, tổn thương lòng tự trọng của mình đến nhiều năm sau đó.
Mua một chút hoa quả mời mọi người và câu chuyện nó dễ vào hơn bạn ạ.

Ông bà ta có câu “Đầu xuôi thì đuôi lọt”, vận vào trong công việc thì sự khởi đầu thuận lợi luôn cho ta một cảm giác an tâm và mọi chuyện sẽ tiến triển theo hướng tích cực hơn. Đối với người đi làm, dù là lá ít năm kinh nghiệm hay đã già dặn trong nghề thì buổi đầu đi làm, gây ấn tượng tốt với mọi người nơi làm việc vẫn luôn là quan trọng.

Mình đã từng làm cho 1 công ty trước khi đến với công ty hiện tại và mình đã chuẩn bị rất kỹ càng cho ngày đầu đi làm, trong đó có phần giới thiệu về bản thân. Cũng nhờ màn giới thiệu có sự chuẩn bị chu đáo ấy mà mình gây được ít nhiều ấn tượng tốt với mọi người. Và thật may mắn khi mọi người trong công ty hầu hết đều tôn trọng và yêu quý mình. Vậy nên mình rất sẵn sàng chia sẻ với các bạn những tips mà mình đã áp dụng để giới thiệu bản thân thật tốt ngày đầu đi làm.

1. Chuẩn bị chu đáo nội dung cần nói.

Để tránh bị bí từ, bí nội dung do căng thẳng, tránh bối rối, ấp úng khi nói thì sự chuẩn bị này là vô cùng cần thiết. Một bản giới thiệu ngắn gọn được chuẩn bị trước luôn khiến bạn trở nên tự tin hơn và hiệu quả hơn.

Vậy nội dung của bản giới thiệu gồm những gì? Không cần quá dài dòng, lan man, bay bổng, bạn chỉ cần có giới thiệu về:

  • Tên tuổi, quê quán, chuyên ngành và vị trí mà bạn sẽ làm
  • Bạn đã hay đang theo học ở đâu, có kinh nghiệm như thế nào cho vị trí mới tại công ty.
  • Bày tỏ mong muốn khi làm cùng mọi người và thể hiện sự quyết tâm cống hiến.

2. Luyện tập

Nếu như bạn cảm thấy vẫn còn lo sợ, hồi hộp thì hãy luyện tập thật nhiều trước khi nói. Bạn hoàn toàn có thể luyện tập trước gương, nói chuyện một mình hay nói cho gia đình, bạn thân nghe để họ cho mình những góp ý chân thành và tập làm quen khi giới thiệu dưới nhiều ánh nhìn của người khác.

Mình hay bị hồi hộp nên đây là cách mà gần như lúc nào mình cũng sử dụng khi thuyết trình hay làm quen với bạn mới, môi trường mới.

3. Thái độ khi nói

Thái độ của bạn khi giới thiệu cần thể hiện sự tích cực, niềm nở, thân thiện, nhã nhặn, lịch sự. Tránh hấp tấp hay phấn khích thái quá và có phần hơi giả tạo, nói oang oang lên thì hãy từ tốn thôi nhé ^^

Thái độ của bạn ra sao, có tốt hay không, nếu tốt thì sẽ khiến mọi người xung quanh cảm thấy dễ làm quen hơn với bạn. Luôn nhớ nói lời chào và cảm ơn khi chào hỏi ngày đầu tiên đi làm với mọi người. Vì đây là phép lịch sự cơ bản khi giao tiếp. Và ngược lại, ngay từ khâu thái độ của bạn đã không tốt thì dù bạn có giỏi đến đâu thì cũng gây được ấn tượng tốt với họ.

4. Tránh sử dụng những từ ngữ tiêu cực

Chắc hẳn không ít thì nhiều, ngày đầu tiên đi làm, ta luôn cảm thấy có chút gì đó lo lắng, hồi hộp. Những lúc như vậy, ta rất dễ bị cảm xúc chi phối. Điều đó khiến ta trở nên căng thẳng và không kiểm soát tốt lời nói của bản thân.

Như ở trên mình đã nhắc đến, “đầu xuôi đuôi lọt”, vậy nên ngay buổi làm đầu, khi nói chuyện với mọi người, bạn cần luôn giữ cho bản thân mình thái độ

tích cực
, tránh những lời nói tiêu cực như “không may”, “rất tiếc”, “không thể”,...Điều này cũng là một trong những yếu tố làm cho ấn tượng ban đầu của bạn không được tốt, mang lại nguồn năng lực tiêu cực.

Với một màn giới thiệu bản thân khéo léo, thông minh, ấn tượng sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt đồng nghiệp và cấp trên là một người tích cực, năng động, hòa đồng, hoạt bát. Mong là chia sẻ của mình sẽ giúp cho mọi người tích góp được chút kinh nghiệm gì đó nhé^^

https://cdn.noron.vn/2022/05/27/3765282915320151-1653660483.jpg
Nguồn ảnh: Internet