Quan điểm của người Á Châu mình, cứ hễ việc gì liên quan tới chết chóc, qua đời là cực kì sợ, hay hạn chế tối đa đến việc nhắc tới nó. Do đó, phần lớn những người dù rất muốn đăng ký hiến mô, hiến tạng nhân đạo, nhưng suy nghĩ không loại bỏ được tiêu cực, thì không thể thực hiện được, bản thân mình tới bây giờ mới hoàn toàn thoải mái về tâm lý để làm điều này.
Thể xác là vật chất, khi chúng ta mất đi cũng chẳng thể mang theo, thôi thì ta hiến tặng cho Khoa học để những người cần còn có thể dùng được. Và với riêng mình, nó còn là lý tưởng nữa: "01 giọt máu cho đi, 01 cuộc đời ở lại".
Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:
"Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh,
Lẽ nào vay mà không trả,
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình".
Hiến xác, hiến nội tạng?
Mình chết đi nhưng để lại sự sống của người khác. Như vậy dù không góp mặt trên cuộc đười này nữa nhưng sẽ chẳng phải luyến tiếc vì giữ gì cho riêng mình. Cuộc sống kết thúc một cách đầy trân trọng và ý nghĩa bạn à. Mình nghĩ vậy.
Nhưng không phải ai cũng tự quyết hoặc được gia đình, người thân ủng hộ về quyết định hiến tạng, hiến xác. Có những ý kiến "chống hiến tạng" ra đời. Lý do và lập luận của những người ngoài cuộc đưa ra lời khuyên không nên hiến tạng thường cũng rất có lý. Và gia đình mình cũng vậy. Mỗi lần mình nhắc đến hiến tạng thì cả bà và bố mẹ mình nghe chừng rất không hài lòng.
Rào cản lớn nhất trong việc hiến tạng ngày nay vẫn là định kiến và quan niệm cũ. Ngay cả với những người đồng ý cho người thân hiến tạng sau đó cũng phải chịu áp lực từ những chỉ trích của họ hàng và bạn bè.
Nhưng mình mong sớm thôi, gia đình mình sẽ chấp thuận mong muốn của mình. Xã hội cũng sẽ có cái nhìn thoáng hơn, nhân đạo hơn về việc làm vô cùng ý nghĩa này.
Mình suy nghĩ đơn giản lắm. Đằng nào khi chết đi, thân xác này không chôn để phân hủy từ từ thì cũng là một hũ tro cốt, không hơn không kém, chẳng để là gì.Thay vì để thân xác này, nội tạng này chết đi theo ta thì sao không để nó sống trong thân thể của một người khác nhỉ😊