NỮ QUYỀN CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI: Một cái nhìn đa chiều về bình đẳng giới

  1. Phong cách sống

  2. Sách

Thế kỷ 21 mở ra cùng với những diễn biến sôi nổi, mạnh mẽ của phong trào phụ nữ trên khắp mọi diễn đàn lớn nhỏ. Các hoạt động nữ quyền không chỉ bắt rễ từ các nền tảng truyền thông, nơi phụ nữ có quyền lan truyền nhanh và rộng khắp thông điệp về giới, khẳng định giá trị và quyền bình đẳng của mình, mà còn bùng nổ với thực hành nữ quyền đầy mạnh bạo như diễn ngôn công khai, biểu tình hay thậm chí, bạo lực chống lại áp bức giới. Các khẩu hiệu to lớn được trưng quảng, những đòi hỏi về nữ quyền ngày một phân tách đa dạng tùy vào bối cảnh xã hội và tình hình chính trị ở mỗi khu vực, quốc gia khác nhau. Trong khi đó, các học thuyết nữ quyền bị đẩy sâu vào môi trường hàn lâm, nơi chỉ số ít các nhà nghiên cứu quan tâm và không thu hút đông đảo mọi người tiếp cận cũng như thấu hiểu cặn kẽ. Chính sự thiếu bổ trợ đó đã dẫn đến tư duy sai lệch cho nhiều phong trào nữ quyền hiện đại, cũng là lí do để tác giả, nhà nữ quyền, nhà hoạt động xã hội Bell Hooks viết Nữ quyền cho tất cả mọi người.

https://cdn.noron.vn/2022/04/23/nqctcmn-bia-1-305x463-1650688004.jpg

Trái với những cuốn sách vốn học thuật hóa các vấn đề về nữ quyền, Bell Hooks chọn cho mình một lối đi khác biệt, gần gũi nhằm diễn giải, bóc tách nữ quyền thành các vấn đề nhỏ, có hệ thống và quan trọng nhất, dễ hiểu với tất cả mọi người. Cuốn sách được viết bằng một thứ văn phong bình dân, dễ tiếp cận, thay vì mang tính chất kinh viện, và theo Bell Hooks, là một cuốn cẩm nang để mọi người có thể đọc ở mọi nơi. Mục đích của bà là lan tỏa rộng rãi những nhận thức đúng đắn về nữ quyền luận, khiến trào lưu này không chỉ là đối tượng quan tâm của giới học thuật hay của phụ nữ thuộc tầng lớp đặc quyền, từ đó, thách thức lại những hình ảnh bị bóp méo của phong trào được truyền thông đại chúng chính mạch thuộc xã hội gia trưởng tư bản thượng tôn da trắng đưa ra cho công chúng.

Với 16 chương sách, Nữ quyền cho tất cả mọi người diễn giải ngắn gọn và súc tích nhất có thể về những vấn đề bề nổi của nữ quyền trong hình dung của đại đa số mọi người như vấn đề quyền sinh sản, giải phóng cơ thể, phụ nữ đấu tranh đi làm, giải phóng hôn nhân, bạo lực tình dục… cho đến những vấn đề bà nghĩ phong trào nữ quyền chưa thực sự đề cập thẳng thắn hay chuyên sâu như đồng tính nữ luận, tâm linh nữ quyền luận. Trên hết, Bell Hooks khẳng định nhiều lần trong cuốn sách quan điểm về phong trào nữ quyền, dù đã, đang và sẽ tiến triển đến cấp độ nào thì đó cũng phải là phong trào gắn liền chặt chẽ với nhân quyền. Đó là vấn đề của mọi con người, đến từ mọi giai cấp, chủng tộc, tôn giáo mà phụ nữ là những cá thể thức thời và có thể có một cái nhìn tiến bộ, dẫn dắt nhân quyền đến đúng đích cuối cùng của nó: giải phóng con người khỏi áp bức, con người cùng chung sống bình yên trong một xã hội công bằng.

Theo đó, lấy thực tiễn là phong trào nữ quyền ở Mỹ, bà chỉ ra cốt lõi của phong trào nữ quyền phải hướng tới là xóa bỏ là chế độ gia trưởng, đặc biệt là hình thái tư bản thượng tôn da trắng. Khi chưa nhìn nhận đúng bản chất của phong trào này, nữ quyền sẽ luôn được nhìn nhận dưới quan điểm nhị nguyên, nam giới trở thành mục tiêu công kích và phụ nữ da trắng sẽ chỉ luôn tìm cách nâng cao địa vị của mình trong cả phong trào cũng như trong xã hội nói chung. Giữa bối cảnh đó, sẽ không có cái gọi là “đoàn kết nữ giới” và tiếng nói của nhóm phụ nữ thiểu số, yếu thế vẫn sẽ bị bỏ qua, phân biệt chủng tộc vẫn sẽ tồn tại, biến màu da thành thước đo cho quyền con người vốn là tự nhiên và không hàm chứa khác biệt.

Bell Hooks cũng nói rõ kẻ thù lớn nhất của nữ giới nói chung và phong trào nữ quyền nói riêng là định kiến giới, khi nó bóp méo hình ảnh nam, nữ theo hướng “tiêu chuẩn”, mở lối cho những hình thái bạo lực và thống trị của nam giới, đồng thời âm thầm biến phụ nữ từ chỗ là nạn nhân trở thành kẻ đồng lõa với tư tưởng độc hại này và áp nó lên chính con em họ.

Nữ quyền cho tất cả mọi người là cuốn sách đầu tiên của Bell Hooks được dịch và xuất bản ở Việt Nam, trong bối cảnh các thảo luận và hoạt động về bình đẳng giới hiện đang diễn ra ngày một sôi nổi trên đa dạng các diễn đàn truyền thông cũng như thực tiễn. Đọc cuốn sách, người đọc trước hết tìm thấy sự đồng cảm về bản thể “nữ giới”, rất nhiều những vấn đề về quyền nữ đã tồn đọng trong một quãng thời gian dài và, có lẽ, phần nào hướng giải quyết tích cực cho các vấn đề đó. Cuốn sách đưa ra một định hướng suy nghĩ lành mạnh về nữ quyền, và là tài liệu tham khảo cần thiết để cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới ở Việt Nam thực sự có những bước đột phá.

Buổi tọa đàm “Nữ quyền cho tất cả mọi người – Một cái nhìn đa chiều về bình đẳng giới” sẽ đi sâu giới thiệu quan điểm nữ quyền tiến bộ và giàu nhân văn của Bell Hooks, đồng thời chia sẻ một cái nhìn bao quát về phong trào bình đẳng giới ở Việt Nam trong tiến trình đi lên theo lăng kính “gắn kết con người với con người” của bà.

Về tác giả Bell Hooks (1952 – 2021)

https://cdn.noron.vn/2022/04/23/2788614741672529024012706746521270350262181n-1650688004.jpg

Tên thật là Gloria Jean Watkins. Bà sinh ra tại Hopkinsville, Kentucky, Mỹ. Bà là một tác giả sách, giáo sư, nhà nữ quyền và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng người Mỹ gốc Phi. Tạp chí The Atlantic Monthly đã khẳng định bà là “một trong những trí thức công chúng có sức ảnh hưởng lớn nhất nước Mỹ”. Bà chính là người đặt nền tảng cho những gì sẽ trở thành chủ nghĩa nữ quyền liên tầng (intersectional feminism) – cách phụ nữ ở các độ tuổi, tầng lớp, chủng tộc và khuynh hướng tình dục khác nhau trải qua sự phân biệt đối xử theo những cách rất khác nhau. Những vấn đề mấu chốt trong nghiên cứu và viết lách của bà là chủng tộc, giới, giai tầng xã hội cũng như mối tương quan giữa các vấn đề này. Ngoài ra, bà thường tập trung đề cập tới phụ nữ da đen, đấu tranh cho quyền lợi và định hình tính nữ của bộ phận phụ nữ này.

Đến nay, bà đã có trên 30 đầu sách và rất nhiều bài báo khoa học, phim tài liệu, bài giảng về vấn đề nữ quyền. Năm 2014, bà thành lập Viện Bell Hooks trực thuộc Cao đẳng Berea, Kentucky, Mỹ. Margaret Atwood từng chia sẻ với The Guardian: “bell hooks thể hiện lòng dũng cảm đáng kinh ngạc và cảm nhận sâu sắc về trí thông minh. Khi tìm ra lời nói và sức mạnh của riêng mình, cô ấy đã truyền cảm hứng cho vô số người khác làm điều tương tự. Sự cống hiến của cô ấy cho sự nghiệp chống phân biệt giới tính, bóc lột và áp bức là một tấm gương sáng ngời.”
Một số tác phẩm tiêu biểu: Feminist Theory from Margin to

Center (1984), Talking Back: Thinking Feminist, Thinking Black (1989), Black

Looks: Race and Representation (1992), Killing Rage: Ending

Racism (1995), Reel to Real: Race, Sex, and Class at the

Movies (1996), Remembered Rapture: The Writer at Work (1999), Feminism Is for

Everybody (2000), We Real Cool: Black Men and Masculinity (2003)…
Về dịch giả- TS Trần Ngọc Hiếu

Giảng viên Bộ môn Lý luận văn học, Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà

Nội. Dịch giả cuốn sách “Nữ quyền cho tất cả mọi người”.

Ngoài công tác giảng dạy, anh còn viết sách, dịch sách và là diễn giả của các diễn đàn, tọa đàm văn chương, triết học với những góc nhìn chi tiết, thấu đáo và đầy cá tính. Ba cuốn sách gần đây TS Trần Ngọc Hiếu dịch đều là những cuốn sách gây tiếng vang lớn như “Chết cho tư tưởng: Cuộc đời nguy hiểm của các triết gia” – Costica Bradatan; “Triết học cho trẻ em”- Sarah Tomley; Marcus Weeks và “Nữ quyền cho tất cả mọi người” – Bell Hooks.
Một số câu trích trong sách:

“Nữ quyền là một phong trào nhằm chấm dứt định kiến giới, sự bóc lột và đàn áp trên cơ sở định kiến về giới.”

“Nữ quyền luận như một trào lưu xuyên quốc gia – vốn được hình dung như là sự phủ nhận những ranh giới giả ngụy về chủng tộc/giới tính và hình ảnh được kiến tạo giả ngụy về kẻ khác – xác định mình như một thách thức chủ đạo đối với chủ nghĩa dân tộc thượng tôn nam tính, những sự biến dạng của chủ nghĩa cộng sản thống kê và chủ nghĩa toàn cầu thị trường “tự do”. Đó là một nữ quyền luận công nhận sự đa dạng của cá nhân, tự do, bình đẳng, được định nghĩa bằng những đối thoại xuyên qua và vượt qua các ranh giới đông-tây, nam-bắc.” “Các nhà hoạt động nữ quyền được tạo nên, không phải được sinh ra.” “Trang phục và cuộc cách mạng mà những hình thức can thiệp của nữ quyền luận tạo ra khiến phụ nữ hiểu được cơ thể của mình, trong trạng thái tự nhiên của nó, đáng được trân quý và nâng niu; chẳng cần phải thêm vào cơ thể ấy bất cứ thứ gì trừ phi phụ nữ muốn trang điểm cho chính mình đậm nét hơn.”
“Trung thành với đường lối chính trị nữ quyền, các mục tiêu của chúng tôi đã và vẫn đang được xác định là trở nên độc lập về kinh tế và tìm cách hỗ trợ những phụ nữ khác trong những nỗ lực của họ nhằm cải thiện tình trạng kinh tế. Kinh nghiệm của chúng tôi đi ngược lại với giả định cho rằng phụ nữ chỉ có thể giành được địa vị kinh tế chỉ khi chấp nhận thông đồng với chế độ gia tưởng tư bản đang tồn tại.” “Ở Mỹ, nhiều người quan tâm về bạo lực nhưng dứt khoát từ chối việc liên hệ bạo lực với tư tưởng gia trưởng hay sự thống trị của nam giới. Tư tưởng nữ quyền luận đem đến giải pháp. Và để giải pháp đó dành cho mọi người, điều ấy hoàn toàn phụ thuộc và chúng ta.” “Chúng ta cần một đời sống tình dục được xây dựng trên nguyên tắc chúng ta có quyền biểu đạt ham muốn tính dục khi thế giới tinh thần của mình thôi thúc và tìm thấy trong hoan lạc tình dục sự khẳng định sự sống.”

“Chính trị nữ quyền hướng tới việc chấm dứt sự thống trị để chúng ta được tự do là chính mình – được sống cuộc đời nơi mọi người đều trân quý sự công bằng, nơi chúng ta có thể chung sống trong yên bình. Nữ quyền cho tất cả mọi người.”

Nguồn: NXB Phụ Nữ

Từ khóa: 

nữ quyền

,

mọi người

,

bell hooks

,

thư viện tự lập

,

noron

,

phong cách sống

,

sách