Tài chính cá nhân, học để tự do

  1. Đầu tư & Tài chính

Tiến sĩ Adler trong cuốn sách "Những Tư Tưởng Lớn Từ Những Tác Phẩm Vĩ Đại" đã có đoạn như sau nói về "Giáo dục khai phóng".

"Tuy nhiên mục đích của nền giáo dục khai phóng lại không phải là sản sinh ra những nhà khoa học. Nó cố tìm cách để phát triển những con người tự do biết cách sử dụng trí tuệ của mình và có thể độc lập suy nghĩ. Mục đích hàng đầu của nó không phải là phát triển khả năng chuyên môn, dù một nền giáo dục khai phóng là không thể thiếu được đối với bất kỳ một nghề chuyên môn về đầu óc nào. Nó sản sinh ra những công dân có thể sử dụng quyền tự do chính trị của họ một cách có trách nhiệm. Nó phát triển những con người trí thức có thể sử dụng thời gian rỗi của họ một cách hữu ích. Nó là một nền giáo dục cho tất cả những người tự do, dù họ có ý định trở thành nhà khoa học hay không."

Giáo dục khai phóng, như thế, có thể giúp cho con người ta rèn luyện tư duy độc lập, mài giũa khả năng ra quyết định trong đời sống, và phát triển năng lực giao tiếp để quá trình giao tiếp thêm hiệu quả và mối tương giao giữa người với người thêm sâu sắc. Một môn học nào đó nếu có thể đáp ứng được những điều này cũng có thể cân nhắc để được học, được hành.

52607781_10157142376214511_2657680090082574336_n

Hãy nhìn vào hình. Kinh tế học, xã hội học, tâm lý học đều là những môn thuộc nhóm khoa học xã hội nhân văn và cũng thuộc nhóm các môn khai phóng. Nếu như Xã hội học xem xét những hình mẫu trong tương tác giữa người với người và văn hóa trên phạm vi quốc gia, bộ tộc, gia đình, thì Tâm lý học, với nhiều điểm tương đồng, xem xét ở phạm vi cá nhân. Học Tâm lý học có thể giúp hiểu về bản thân mình và học Xã hội học có thể giúp mình hiểu về cộng đồng mà mình đang cùng chung sống. Vậy thì, nếu Kinh tế học xem xét cũng ở một phạm vi rộng cách thức xã hội quản lý các nguồn lực khan hiếm của nó, thì ngành nào sẽ là ngành giúp tìm hiểu về cách thức một cá nhân quản lý các nguồn lực khan hiếm của cá nhân đó? Những nguyên tắc kinh tế có thể được ứng dụng trong Xã hội học và ngược lại, vậy thì ngành kia cũng sẽ có khả năng có những ảnh hưởng qua lại với Tâm lý học.

Khi tìm hiểu Tài chính cá nhân mình nhận thấy rằng, để có thể đi sâu vào ngành này, chỉ học về các nguyên tắc Tài chính, hiểu về con số, hiểu về các sản phẩm-dịch vụ tài chính thôi vẫn chưa đủ, mà cần thiết phải hiểu về chính bản thân mình, hiểu cách mình ra quyết định, hiểu những yếu tố bên ngoài tác động đến suy nghĩ, hành vi, cảm xúc của mình, hiểu môi trường mà mình sống. Người học và hành Tài chính cá nhân thực sự sẽ là người có tư duy đa chiều, biết độc lập trong suy nghĩ và quyết định, biết giao tiếp khéo léo trong gia đình, có sức khỏe tốt, biết làm tính và nhiều điều khác nữa. Tài chính cá nhân, vì thế, đòi hỏi là môn học liên ngành (interdisciplinary) và cần nhiều nỗ lực để học hỏi, thành thục. Điều đặc biệt của môn học này là tính ứng dụng của nó. Học là hành ngay được, có thể thực hành ngay từ các nguyên tắc chứ không chỉ là ở những thủ thuật. Thế nhưng, tìm hiểu cho đã cũng phát hiện ra là chẳng có chỗ nào nghiên cứu và dạy môn này như là một ngành không chỉ đề đi hành nghề, mà còn để nghiên cứu học thuật. Một số trường ở Mỹ có dạy đi nữa cũng đi thiên về dạy nghề.

Gần đây, mình đọc được của một tác giả người Mỹ, Richard B Wagner, những quan điểm tương tự. Richard là một nhà hoạch định tài chính kì cựu, người từng giữ vị trí Chủ tich của 1 chapter thuộc Hiệp hội Hoạch định tài chính Hoa Kỳ và giữ các trọng trách khác trong Ban điều hành các Nhà hoạch định tài chính được chứng nhận (CFPB - Certified Financial Planner Board) và từ kinh nghiệm làm việc cùng những quan sát của mình, ông này đúc kết lại rằng kể cả ở Mỹ, hoạch định tài chính và tài chính cá nhân vẫn chưa được xem là một ngành học chính thống và nó cần thiết phải được xem như là ngành học chính thống với những nghiên cứu chuyên sâu, những sự đầu tư thích đáng để mang lại nhiều hơn nữa lợi ích cho mỗi cá nhân trong xã hội và cùng với đó là nhiều lợi ích kinh tế - xã hội khác như vấn đề việc làm, phúc lợi, nợ, sức khỏe, ...

Việc có thể nhìn nhận về Tài chính cá nhân một cách khái quát hơn, càng ngày càng đi sâu về bản chất của Tài chính cá nhân hơn, theo mình, sẽ không chỉ giúp chúng ta dễ dàng tiếp cận với lĩnh vực này để học, để hành và để truyền thụ lại cho những người khác nữa. Tất cả đều để mỗi người chúng ta được tự do trong suy nghĩ, độc lập trong quyết định, khéo léo trong giao tiếp, hiểu về bản thân và người khác, và có được cuộc sống hạnh phúc.

Từ khóa: 

tài chính cá nhân

,

quản lý tài chính cá nhân

,

hoạch định tài chính

,

tài chính gia đình

,

giáo dục khai phóng

,

đầu tư & tài chính